Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Đức Toàn: Nhanh chóng lan tỏa mô hình Đô thị giảm nhựa bền vững, trách nhiệm

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Đức Toàn - Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, thông qua việc hỗ trợ xây dựng các văn bản hướng dẫn, thực hiện các chính sách ưu tiên liên quan đến chất thải nhựa, các hoạt động tăng cường năng lực, đào tạo, bồi dưỡng, truyền thông, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với chất thải nhựa, quản lý rác thải nhựa ở các khu bảo tồn biển, điểm đến du lịch đã đạt nhiều kết quả tích cực.

 

Phóng viên: Xin ông cho biết ý nghĩa của dự án Đô thị giảm nhựa do Cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ trì, phối hợp với Tổ chức Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) thực hiện trong thời gian qua với các địa phương có biển. Theo ông, hiệu quả của mô hình sẽ tác động như thế nào đến việc xây dựng thương hiệu du lịch biển xanh của mỗi địa phương, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Toàn: Theo một số ước tính, hàng năm khu vực Châu Á - Thái Bình Dương phải chịu thiệt hại lên đến 622 triệu USD do chi phí làm sạch bãi biển. Thực tế đã chứng minh rằng, việc xử lý rác nhựa là một nhiệm vụ khó khăn và tốn kém, với nhiều bãi biển nổi tiếng trên thế giới đã phải đóng cửa do ô nhiễm.

Ông Nguyễn Đức Toàn - Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Toàn - Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam.

Đối với Việt Nam, nhiều khu du lịch cũng đang bị “tấn công” bởi rác thải nhựa, không chỉ đem lại những hệ lụy tiêu cực đến môi trường mà còn cả những tác động nhất định đến kinh tế, xã hội, du lịch, sinh kế người dân.

Chương trình Đô thị giảm nhựa được triển khai thực hiện thông qua nguồn tài trợ từ Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam do Cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ trì, phối hợp cùng WWF triển khai từ năm 2020 tại 10 khu vực ở 9 tỉnh thành phố. Thông qua việc hỗ trợ xây dựng các văn bản hướng dẫn, thực hiện các chính sách ưu tiên liên quan đến chất thải nhựa, các hoạt động tăng cường năng lực, đào tạo, bồi dưỡng, truyền thông, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với chất thải nhựa, quản lý rác thải nhựa ở các khu bảo tồn biển, điểm đến du lịch.

Triển khai chương trình, chúng tôi đã phối hợp với các địa phương tiến hành thực hiện nghiên cứu đầu vào để đánh giá về hiện trạng quản lý và phát sinh rác thải của các địa bàn. Từ đó, xác định những nguồn phát thải chính, những điểm nóng ô nhiễm và các nguyên nhân gây thất thoát rác nhựa.

Với kết quả này, chúng tôi đã và đang nỗ lực cùng các địa phương không chỉ ngăn chặn chất thải nhựa thất thoát ra môi trường, mà còn xóa các điểm nóng rác thải cũng như đẩy mạnh khai thác và sử dụng tài nguyên bền vững. Qua đó góp phần hỗ trợ địa phương phát triển, lan tỏa mô hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, trách nhiệm.

Phóng viên: Xin ông cho ý kiến đối với vấn đề xử lý, thu gom rác thải nhựa trên các đảo du lịch hiện nay? Đặc biệt là việc xử lý sao cho hợp vệ sinh, bảo vệ môi trường bởi hầu hết các đảo hiện chưa có khu xử lý rác thải tập trung thưa ông?

Trong thời gian qua, chúng tôi đã hỗ trợ xây dựng, tham vấn và từ đó thúc đẩy các địa phương ban hành thành công kế hoạch hành động Quản lý rác thải nhựa của địa phương. Qua đó đã triển khai một số giải pháp và ghi nhận các kết quả đáng khích lệ đối với vấn đề phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa tại các khu du lịch, khu bảo tồn biển.

Thực tế trên các đảo cho thấy, lượng rác thải tích tụ và phát sinh ngày càng tăng theo số lượng du khách. Đặc biệt hơn nữa, một số địa phương còn hứng chịu lượng rác không nhỏ theo sóng biển và gió mùa từ khắp nơi, thậm chí từ bên kia bờ đại dương, tấp vào bờ.

Trong khi đó, hạ tầng kỹ thuật thu gom và xử lý rác thải chưa đồng bộ, còn nhiều hạn chế; chưa tận dụng tối đa đạc thù trên đảo, phương pháp xử lý chủ yếu chôn lấp/chất đống và đốt.

Để quản lý tốt rác thải nói chung, rác thải nhựa nói riêng, cần tận dụng tối đa những đặc thù thuận của đảo (độc lập, dân số ít, dễ kiểm soát..), có lộ trình thực hiện phù hợp: Giải tỏa các điểm tồn đọng; kiểm soát chặt chẽ nhằm giảm thiêu sản phẩm nhựa dùng một lần nhập vào đảo, tăng cường sản phẩm tái chế, tái sử dụng cho các hoạt động tại đảo...

Phóng viên: Việc thí điểm quy định du khách không mang chai nhựa, túi ni-lông, vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường khi đi du lịch có phải là giải pháp hữu hiệu cho du lịch xanh, bền vững hay không? Và liệu chúng ta sẽ có vật liệu nào có thể thay thế những vật dùng thiết yếu này?

Ông Nguyễn Đức Toàn: Tôi đồng tình với quan điểm này. Đây không chỉ là giải pháp cho du lịch xanh bền vững mà đây còn là là giải pháp cho du lịch trách nhiệm.

Hiện nay, một số địa phương đã bắt đầu áp dụng các quy định cấm du khách mang và sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần như ly, cốc nhựa, túi ni lông hay hộp xốp đựng thức ăn. Một số điểm du lịch nổi tiếng tại Côn Đảo, Phú Quốc, Cô Tô, hay TP. Huế cũng đã áp dụng các giải pháp giảm thiểu lượng rác thải nhựa phát sinh như cung cấp cho du khách các chai nước thủy tinh đóng chai có thể tái sử dụng, lắp đặt các trụ nước miễn phí cho du khách.

Các giải pháp này chắc chắn sẽ mang đến những tác động nhất định trong nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm nhựa của chúng ta. Đặc biệt, trong trường hợp hiện nay thì một số du khách đang có thói quen tiêu dùng quá mức, trong khi một số mặt hàng được đóng gói bằng bao bì nhựa quá mức cần thiết.

Phóng viên: Vậy cấm thì phải có vật liệu thay thế chứ, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Toàn: Một số vật liệu mới bao gồm nhựa sinh học và nhựa có thể phân hủy sinh học cũng đang được sử dụng trong thời gian gần đây. Ngoài ra, chúng ta có thể dùng vật liệu từ thực vật, thủy tinh, kim loại.

Tuy nhiên, việc sử dụng bất kỳ vật liệu thay thế nào cũng cần phải được xem xét cẩn trọng. Tôi cho rằng bất kỳ vật liệu nào cũng không nên được thiết kế để kết thúc vòng đời sử dụng trong tự nhiên mà cần được đưa vào luân chuyển theo nguyên tắc của một nền kinh tế tuần hoàn.

Phóng viên: Để phát triển du lịch xanh bền vững, các địa phương có biển, đặc biệt có các khu bảo tồn biển cần phải có những giải pháp gì để vừa khai thác, vừa bảo vệ hệ sinh thái biển, thưa ông ?

Ông Nguyễn Đức Toàn: Ở đây tôi nhấn mạnh du lịch trách nhiệm trong vấn đề bạn đề cập. Theo tôi, việc phát triển Du lịch sinh thái bền vững bắt buộc phải có sự cân bằng giữa các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường trong khuôn khổ các quy định, nguyên tắc chung  cũng như văn hóa, phong tục và các điều kiện cụ thể của từng địa phương.

Theo đó, chúng ta cần ưu tiên chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, sử dụng hiệu quả tài nguyên chứ không tập trung đơn thuần vào tăng trưởng về số lượng. Các sản phẩm du lịch nhìn chung nên được phân loại, xếp hạng theo mức độ nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc có công tác bảo vệ môi trường tốt.

Để phát triển du lịch xanh bền vững, trách nhiệm, các địa phương cần có qui định cụ thể, rõ ràng đối với loại hình này về qui trình, phạm vi, cách thức du lịch, số lượng khách, thời gian…, dựa trên đánh giá “khả năng chịu tải” khả năng thính ứng, khả năng chống chịu và khả năng phục hồi của hệ sinh thái. Sử dụng đồng thời công cụ kinh tế, pháp lý, tuyên truyền, giáo dục đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch.

Phóng viên: Thưa ông, với cách làm của Dự án và sự chủ động của huyện đảo Côn Đảo trong việc ngăn chặn nạn ô nhiễm nhựa cũng như định hướng phát triển bền vững kinh tế biển, ông có gợi ý gì cho huyện đảo Côn Đảo trong việc tiếp tục xây dựng các mô hình du lịch xanh để khai thác được lợi thế nhưng không mất đi đa dạng sinh học ở một khu bảo tồn biển có tính chất đặc biệt này, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Toàn: Côn Đảo không chỉ là địa điểm du lịch nổi tiếng vì hệ sinh thái đa dạng, phong phú, hoang sơ; Côn Đảo rất đặc biệt bởi bề dày lịch sử và ý nghĩa tâm linh, làm nên vẻ đẹp đặc biệt và ý nghĩa đối với vùng đất này.

Dự án đã triển khai nhiều hoạt động tại Côn Đảo, đã giúp địa phương đánh giá, mô hình thu gom xử lý rác, xây dựng các cam kết, chính sách giảm nhựa; xác định những vấn đề bất cập, phân tích những thuận lợi khó khăn, xác định và dọn rác tại các điểm nóng dọc bờ biển, khu bảo tồn rùa biển, các địa điểm lặn ngắm san hô, các khu di tích như nhà tù Côn Đảo, nghĩa trang Hàng Dương; hỗ trợ trang thiết bị… Bên cạnh đó, Dự án đã hỗ trợ tuyên truyền, giáo dục thông qua các trường học, hội phụ nữ, thanh niên bằng nhiều biện pháp, cách thức, phương pháp khác nhau.

Tôi thiết nghĩ, Côn Đảo hội đủ các yếu tố thuận lợi để xây dựng thành hòn đảo du lịch xanh, tuần hoàn và trách nhiệm. Chúng tôi đang tập trung hướng tới mục tiêu Côn Đảo không rác thải nhựa, mô hình đảo điển hình trong quản lý rác thải nhựa.

Trước mắt, huyện Côn Đảo cần thực hiện một số nội dung sau: Bảo vệ hiện trạng, duy trì phát huy đa dạng sinh học, diện tích rừng hiện có; Nâng cao nhận thức, ý thức tới từng người dân, mỗi người dân là “đại sứ du lịch”. Phối hợp với các hãng hàng không, tàu du lịch, công ty du lịch trong việc tuyên truyền về du lịch trách nhiệm, tâm linh, hạn chế tiến tới cấm du khách mang sản phẩm nhựa dùng một lần ra đảo; Xây dựng, ban hành, thực hiện, giám sát qui định về kiểm soát sản phẩm nhựa vào đảo, việc sử dụng, thải bỏ, thu gom, phân loại, xử lý.

Cùng với đó, cần nghiêm cấm một số sản phẩm nhựa dùng một lần nhập vào đảo; mô hình thu gom và xử lý rác thải, tái chế, tái sử dụng phù hợp với đặc thù của đảo, có lộ trình phù hợp (ví dụ, trước mắt làm phân cho cây công nghiệp, trồng hoa); Giám sát hình ảnh tại các điểm nóng, các điểm chốt, các địa điểm cần bảo vệ đặc biệt; Áp dụng tổng thể các công cụ quản lý.    

Phóng viên: Dưới góc độ nghiên cứu nhiều năm về chính sách pháp luật tài nguyên và môi trường biển và hải đảo, xin ông cho biết chúng ta cần bổ sung gì về chính sách, pháp luật để hỗ trợ cho việc thúc đẩy các địa phương có biển, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Toàn: Dưới góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, tôi đánh giá cao sáng kiến này của WWF toàn cầu. Tuy nhiên, sáng kiến và cam kết chỉ dừng lại ở tính chất tự nguyện, chưa có chế tài và các biện pháp giám sát, kiểm tra, đánh giá theo quy chuẩn, quy định của pháp luật.

Chính vì thế, sau khi đạt được thành công bước đầu từ triển khai thử nghiệm, thông qua các báo cáo của dự án, từ các địa phương, cần tổng hợp, kiểm tra đánh giá thực tiễn việc áp dụng mô hình này vào các mô hình quản lý chất thải tại các quy hoạch, đề án được ban hành theo các quy định của Nhà nước; từ đó đưa ra các hướng dẫn, các quy định có tính pháp lý cao hơn ví dụ như đưa chỉ tiêu đô thị giảm nhựa và xếp hạng đô thị; các tiêu chuẩn, qui chuẩn, định mức liên quan đến quy định sản phẩm tái chế, tỷ lệ tái chế trong sản phẩm, thu gom rác thải trên biển,…

Ngoài ra, hiện nay rác thải nhựa đại dương chưa được đánh giá chính xác và chưa thể tính toán cụ thể, các địa phương nào có lượng chất thải nhựa đại dương cao nhất… để từ đó đánh giá được hiệu quả của mô hình đô thị giảm nhựa vào công tác quản lý chất thải nhựa đại dương.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Hải Anh/Theo tapchitaichinh.vn