Giới nghiên cứu kêu gọi thay đổi tư duy đánh giá nguy cơ sức khỏe từ các sản phẩm nhựa

Vừa qua, các nhà nghiên cứu kêu gọi thay đổi đáng kể cách thức tìm hiểu về các rủi ro mà nhựa gây ra đối với sức khỏe con người cùng với lời cảnh báo lỗ hổng lớn trong những hiểu biết khoa học về vấn đề này.

 

Chú thích ảnh
Rác thải nhựa tại điểm thu thập rác ở Lhokseumawe, tỉnh Aceh, Indonesia. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

 

Theo các tác giả nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Environment International, có quá ít nghiên cứu sẵn có về vấn đề này và các nhà quản lý cần thay đổi, chuyển từ tư duy giả định rằng sử dụng nhựa là an toàn sang kiên trì yêu cầu kiểm tra nghiêm ngặt trước khi các sản phẩm được cấp phép sử dụng. 

Lời kêu gọi được đưa ra khi Quỹ Minderoo, một tổ chức phi lợi nhuận tại Australia, công bố một cơ sở dữ liệu mới tổng hợp các nghiên cứu khoa học hiện có về vấn đề này. Cơ sở dữ liệu có tên gọi "Bản đồ Sức khỏe nhựa" đã tổng hợp và đối chiếu tất cả các nghiên cứu về vấn đề này kể từ những năm 1960 khi hoạt động sản xuất nhựa được đẩy mạnh kéo theo tình trạng ô nhiễm nhựa gia tăng. Cơ sở dữ liệu mới được tạo ra theo dự án thu thập các nghiên cứu sơ bộ đã được đối chiếu trong giai đoạn từ năm 1960 - 2022 tập trung vào những tác động với sức khỏe con người khi tiếp xúc với các hóa chất và hạt nhựa. Nghiên cứu tập trung vào những mẫu vật sinh học của con người, không phải động vật hay các mô hình trong phòng thí nghiệm.

Kết quả cho thấy rất nhiều lỗ hổng trong hiểu biết khoa học về vấn đề này, trong đó có quá ít nghiên cứu khoa học về tác động với các nhóm dân số ở các nước nghèo hơn, nơi có các quy định quản lý yếu kém hơn, và ít lựa chọn thay thế nhựa, qua đó làm gia tăng tỷ lệ tiếp xúc với hóa chất nhựa và hạt nhựa. Không có nghiên cứu riêng rẽ nào về tác động của các hạt vi nhựa với sức khỏe con người dù đây là lĩnh vực đang được quan tâm khẩn cấp vì các hạt vi nhựa đã được tìm thấy trong cơ thể con người. Nghiên cứu cũng chỉ ra có quá ít nghiên cứu về các hóa chất thay thế, những tác động từ nhựa đối với trẻ sơ sinh hoặc các ảnh hưởng về sức khỏe với những người cao tuổi. Trong số 1.500 hóa chất được xem xét, chỉ có 30% được nghiên cứu về ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Sarah Dunlop, phụ trách mảng nghiên cứu nhựa và sức khỏe con người của Quỹ Minderoo - đồng tác giả nghiên cứu, cho biết khi thực hiện các nghiên cứu, các tác giả đều lường trước sẽ có những lỗ hổng nhưng hổng ở mức độ như mới được công bố thực sự gây sốc. Các nhà khoa học kêu gọi thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ trong quản lý hóa chất để đảm bảo kiểm tra độ an toàn của các loại hóa chất nhựa mới một cách nghiêm ngặt trước khi được đưa vào các sản phẩm tiêu dùng. Sau đó, cần có quá trình giám sát sinh học về mức độ tác động của những hóa chất này với sức khỏe con người trong suốt cuộc đời của mỗi người.

Cơ sở dữ liệu mới được công bố trước khi các cuộc thảo luận quốc tế nhằm tiến tới một thỏa thuận về ô nhiễm nhựa toàn cầu diễn ra tại Nairobi (Kenya) vào tháng tới. Các cuộc thảo luận sẽ tiếp tục diễn ra tại Canada vào tháng 4/2024 với mục tiêu đạt được thỏa thuận cuối cùng tại hội nghị ở Hàn Quốc vào cuối năm 2024. Các đề xuất được đưa ra thảo luận như giảm sản lượng nhựa nguyên chất và đánh thuế nhựa, hoặc các nước sản xuất nhựa ủng hộ việc tái chế và tái sử dụng. Hiện chưa đến 10% nhựa toàn cầu được tái chế.

Theo các xu hướng hiện nay, sản lượng nhựa sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch sẽ tăng 3 lần lên 1,2 tỷ tấn vào năm 2060 trong khi rác thải nhựa sẽ vượt mức 1 tỷ tấn.

Lê Ánh (TTXVN)

Nguồn· baotintuc.