Hội nghị “Đại dương của chúng ta” lần thứ tám: Chung tay bảo đảm nền kinh tế xanh

Hội nghị “Đại dương của chúng ta” (Our Ocean) lần thứ tám vừa kết thúc tại thành phố Panama (Panama) cuối tuần qua là cơ hội để cộng đồng quốc tế cùng thể hiện trách nhiệm, chung tay bảo vệ hệ sinh thái đại dương. Hơn 600 người đứng đầu chính phủ và doanh nghiệp trên thế giới đã thảo luận về việc mở rộng các khu bảo tồn biển, giảm các yếu tố gây áp lực cho nguồn tài nguyên vô giá và bảo đảm một nền kinh tế xanh có nguồn gốc từ đại dương

 

Sinh vật biển đang bị mất môi trường sống vì ô nhiễm nhựa đại dương gia tăng.

Đại dương bao phủ 71% bề mặt trái đất, đang phải chịu nhiều áp lực từ sự nóng lên toàn cầu, các hoạt động khai thác đại dương không bền vững, đánh bắt cá bất hợp pháp, ô nhiễm và mất môi trường sống dưới biển. Hội nghị “Đại dương của chúng ta” diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về việc các công ty đa quốc gia đang để mắt tới khoáng sản dưới đáy đại dương.

Quan ngại hơn, rác thải nhựa đang là mối đe dọa lớn nhất đối với đại dương. Theo ước tính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), lượng rác thải nhựa đổ ra đại dương có thể tăng lên đến một tỷ tấn vào năm 2060. Khi nhựa trôi ra đại dương, chúng sẽ vỡ ra thành những mảnh nhỏ hơn và nhiều sinh vật biển đều là nạn nhân của rác thải nhựa. Đặc biệt, trong thời kỳ đại dịch Covid-19 bùng nổ, các đại dương phải “oằn mình” hứng chịu lượng rác thải y tế khổng lồ. Chỉ riêng ở Mỹ, tổ chức phi chính phủ bảo tồn đại dương Oceana đã tìm thấy bằng chứng về việc 1.792 động vật có vú sống ở biển và rùa biển thuộc 40 loài khác nhau đã nuốt hoặc vướng vào nhựa trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến năm 2020.

Trước thực trạng trên, hội nghị “Đại dương của chúng ta” nhằm mục đích tăng cường nỗ lực tập thể để giải quyết những vấn đề này. Theo bà Courtney Farthing, Giám đốc chính sách của Global Fishing Watch, hội nghị “là chìa khóa để duy trì ý chí chính trị đối với hành động trên đại dương”. Bằng cách tập hợp các chính phủ, các nhà hoạt động môi trường và đại diện các ngành công nghiệp, "chúng ta có thể nâng cao hiểu biết chung về các vấn đề mà đại dương đang đối mặt và đưa ra các sáng kiến có thể được áp dụng rộng rãi hơn", bà C.Farthing nhấn mạnh.

Chủ đề của sự kiện năm nay là “Đại dương của chúng ta, kết nối của chúng ta”, được lấy cảm hứng từ Panama - quốc gia đi trong bảo tồn đa dạng sinh học biển. Trong vai trò nước chủ nhà, Panama đã đưa ra 6 lĩnh vực hành động là biến đổi khí hậu, nghề cá bền vững, nền kinh tế xanh, khu bảo tồn biển, an toàn hàng hải và ô nhiễm biển. Cùng với đó, hội nghị đặc biệt lưu ý đến du lịch bền vững và các chủ đề cụ thể về ô nhiễm biển do nhựa.

Tại hội nghị, Liên minh châu Âu (EU) đã khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với việc quản trị đại dương quốc tế bằng cách công bố 39 cam kết hành động cho năm 2023 thông qua một khoản tài trợ trị giá 816,5 triệu euro. Đây là một trong những khoản tài trợ lớn nhất từng được EU công bố kể từ khi hội nghị “Đại dương của chúng ta” khởi xướng vào năm 2014. EU đã phát triển một công cụ theo dõi các cam kết trên trang web “Our Ocean”. Điều này cho phép người dân theo dõi tiến trình thực hiện các cam kết được đưa ra tại tất cả các hội nghị quốc tế.

Ra mắt lần đầu tiên vào năm 2014, hội nghị “Đại dương của chúng ta” đã huy động được hơn 1.800 cam kết trị giá khoảng 108 tỷ USD và bảo vệ hơn 5 triệu dặm vuông đại dương. Các nhà quan sát cho rằng, sự kiện này rất quan trọng vì đây là hội nghị duy nhất đến thời điểm này tìm cách giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến đại dương. Những nỗ lực tập thể để làm sạch đại dương, phục hồi khí hậu và tái tạo sinh vật biển có thể là biện pháp cuối cùng trong cuộc đấu tranh loại bỏ những hành động và lối suy nghĩ gây ra sự gián đoạn cuộc sống của tất cả các sinh vật sống trên hành tinh.

Thùy Dương/Theo HNM