Mỹ bày cách thoát khỏi 'hiệp ước tự sát' với Trung Quốc: Quân bài mặc cả của nền kinh tế lớn nhất thế giới?

Trung Quốc và Mỹ vốn có nhiều bất đồng công khai. Lần này, họ có hợp tác?

Trong khi Trung Quốc và Mỹ có một danh sách dài các bất đồng công khai, thì việc giải quyết mối đe dọa gây ra bởi biến đổi khí hậu đã được coi là một lĩnh vực hợp tác giữa 2 quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới. Buồn thay, theo giới chuyên gia phân tích, hai quốc gia này tiếp tục tranh chấp, bất đồng.

Thay vì hợp tác để giảm việc đốt nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang năng lượng tái tạo, các nhà nghiên cứu và giới phân tích cho rằng kịch bản có nhiều khả năng hơn là 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ cạnh tranh gay gắt trong các chính sách khí hậu của họ.

Họ chỉ ra những tuyên bố của các quan chức Trung Quốc cho thấy việc hợp tác với Washington để đối phó với thách thức khí hậu là khó có thể xảy ra trong khi 2 quốc gia đang bị chia rẽ sâu sắc trên các mặt trận khác, bao gồm thương mại, nhân quyền, các lệnh trừng phạt ăn miếng trả miếng và tăng cường phô trương vũ lực ra bên ngoài.

Lauri Myllyvirta, nhà phân tích hàng đầu tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch có trụ sở tại Helsinki (Phần Lan) cho biết: Mỹ tỏ rõ lập trường rằng các lĩnh vực xung đột với Trung Quốc nên được tách bạch khi 2 bên thảo luận về vấn đề biến đổi khí hậu.

Ông cho biết thêm, "Việc Trung Quốc không đồng ý tổ chức các cuộc đàm phán về khí hậu trong một cuộc họp riêng biệt là điều hoàn toàn có thể dự đoán được. Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ luôn mong muốn biến khí hậu thành một vấn đề độc lập. Nhưng với Trung Quốc thì không! Bất kỳ ai thậm chí đã từng xem qua chính sách đối ngoại của Trung Quốc đều biết rằng đó hoàn toàn không phải là cách Trung Quốc hoạt động".

QUÂN BÀI MẶC CẢ?

Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, một nhà ngoại giao khí hậu xuất sắc của Mỹ hiện đang giữ chức vụ Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Khí hậu, đã có bài phát biểu vào ngày 20/7/2021 trong chuyến thăm Anh, trong đó ông lưu ý về nhiều tranh chấp dai dẳng giữa Trung Quốc và Mỹ. "Nhưng riêng về vấn đề khí hậu: Hợp tác - đó là cách duy nhất để thoát khỏi hiệp ước tự sát lẫn nhau hiện nay trên thế giới" South China Morning Post trích dẫn lời của ông John Kerry.

Tuy nhiên, trong cuộc họp giao ban của Nhà Trắng vài tháng trước đó vào tháng 1/2021, ông John Kerry kiên quyết rằng các tranh chấp với Trung Quốc về các vấn đề sở hữu trí tuệ, thương mại KHÔNG PHẢI là con bài mặc cả cho sự hợp tác của Bắc Kinh với Washington về biến đổi khí hậu. "Những vấn đề đó sẽ không bao giờ được lôi ra để đổi lấy bất cứ thứ gì liên quan đến các cuộc thảo luận về khí hậu giữa hai bên. Điều đó sẽ không xảy ra".

Nhà phân tích Lauri Myllyvirta từ Helsinki cho biết trong khi dường như có rất ít cơ hội hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề khủng hoảng khí hậu, thì sự cạnh tranh để đạt vị trí dẫn đầu về công nghệ, ảnh hưởng quốc tế và các liên minh ít nhất có thể là động lực mạnh mẽ cho Mỹ và Trung Quốc hướng đến nền kinh tế carbon thấp/tiến tới không carbon trong tương lai.

Khi được hỏi liệu hợp tác với Trung Quốc về khí hậu có gặp nguy hiểm hay không, một quan chức của chính quyền Mỹ trong cuộc họp báo hôm 2/8 cho biết "Washington sẽ tiếp tục chỉ ra những lợi ích [của sự hợp tác]".

Mỹ bày cách thoát khỏi hiệp ước tự sát với Trung Quốc: Quân bài mặc cả của nền kinh tế lớn nhất thế giới? - Ảnh 1.

 Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Anh. Ảnh: AFP / Getty Images / TNS

Byford Tsang, chuyên gia ngoại giao khí hậu tại Tổ chức E3G (có trụ sở tại Anh), cho biết một số luận điệu về khí hậu từ Bắc Kinh có thể dành cho tiêu dùng nội địa - đúng vào thời điểm chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy mạnh mẽ ở Trung Quốc.

Ông Byford Tsang cho biết có một số bằng chứng cho thấy Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Mỹ. Đơn cử như một nhóm làm việc chung về khí hậu mà Bắc Kinh và Washington được cho là đã đồng ý thành lập vào đầu năm 2021. Hai chính phủ cũng đang đồng chủ trì một hội đồng G20 để nghiên cứu rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu.

Và Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Khí hậu - ông John Kerry nói với hãng tin Bloomberg hồi tháng 7/2021 rằng ông đang lên kế hoạch cho một chuyến thăm Trung Quốc vào cuối tháng 8/2021 để thảo luận thêm về tiềm năng hợp tác giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới về việc giải quyết khủng hoảng khí hậu.

Tuy nhiên, chuyên gia Byford Tsang quan sát và thừa nhận rằng mối hòa hữu mỏng manh giữa Trung Quốc và Mỹ có thể sẽ làm suy yếu sự hợp tác nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến liên quan đến khí hậu.

"Các công nghệ tiên tiến liên quan đến khí hậu như pin, như hydro xanh, như lưới điện thông minh, sẽ là những công nghệ ít có khả năng hợp tác hơn giữa Mỹ-Trung".

B3W

Nhà Trắng cho biết, chiến lược Xây dựng Thế giới Tốt đẹp hơn (B3W) do Mỹ và các quốc gia thuộc G7 khác khởi xướng, có kế hoạch đầu tư hàng trăm tỷ đô la vào cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường cho các nước có thu nhập thấp và trung bình. G7 gồm 7 quốc gia Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Mỹ.

Nhà phân tích Lauri Myllyvirta cho biết Mỹ và EU nên tập trung vào năng lượng sạch nhiều hơn nữa. Cuộc chiến giữa các nhà máy than với năng lượng sạch chắc chắn sẽ là một chiến thắng lớn cho EU và Mỹ. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng các kế hoạch của riêng Trung Quốc về năng lượng sạch rất quy mô và đầy tham vọng.

Đây là bằng chứng.

MacroPolo, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Chicago (Mỹ), đã phát hành một chỉ số vào tháng 7/2021 theo dõi hoạt động của các quốc gia khi họ chuyển nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.

Chỉ số xem xét việc sản xuất và xuất khẩu 3 công nghệ khí hậu quan trọng của mỗi quốc gia - Tuabin gió, tấm pin Mặt trời và pin lithium-ion - cũng như tốc độ chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Theo đó, Trung Quốc đang đứng đầu bảng xếp hạng trong khi Mỹ đứng thứ 4, sau Brazil và Đức.

Jian Roachell, người đồng sáng tạo chỉ số của MacroPolo, cho biết mặc dù kỷ nguyên của năng lượng không sử dụng nhiên liệu hóa thạch đã qua một chặng đường dài, nhưng Trung Quốc có được nhiều lợi ích nhất từ quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Tham vọng thống trị công nghệ sạch của Trung Quốc đang giúp đẩy nhanh quá trình khử carbon trên toàn thế giới.

Mỹ bày cách thoát khỏi hiệp ước tự sát với Trung Quốc: Quân bài mặc cả của nền kinh tế lớn nhất thế giới? - Ảnh 3.

                                                           Trung Quốc là quốc gia phát thải CO2 lớn nhất thế giới.

"Mỹ có thể vẫn dẫn đầu về quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo nhưng khả năng sản xuất của Trung Quốc và nguồn cung kim loại đất hiếm dồi dào dùng để nâng cao hiệu quả trong công nghệ năng lượng tái tạo đang khiến nhiều quốc gia trên thế giới phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc" - Jian Roachell nói.

Kathryn Porter, người sáng lập công ty tư vấn năng lượng độc lập Watt-Logic có trụ sở tại Anh, không tin rằng cạnh tranh khí hậu Mỹ-Trung là một lợi ích trong một thế giới mà năng lượng tái tạo chỉ là một phần nhỏ trong chuỗi cung ứng năng lượng.

Trung Quốc có thể có mọi nguồn lực để trở thành nước đi đầu trong công nghệ xanh, nhưng thực tế là nước này vẫn đang xây dựng nhà máy điện than, điều này cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu những rủi ro xã hội của việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi hoàn toàn sang năng lượng tái tạo.

Kathryn Porter cho biết 100% năng lượng tái tạo sẽ chỉ khả thi khi năng lượng tạo ra có thể được lưu trữ với số lượng lớn dưới dạng điện để sử dụng vào ban đêm, nhưng công nghệ cho điều đó vẫn chưa tồn tại.

"Đó thực sự là lý do tại sao Trung Quốc đang xây dựng tất cả các nhà máy điện than này. Không phải vì nước này chống đối năng lượng tái tạo, mà bởi vì Trung Quốc hoàn toàn biết rõ rằng nếu trời không có gió và là ban đêm, thì tất cả các loại năng lượng tái tạo trên thế giới sẽ không giúp ích được gì." - Kathryn Porter nói.

Li Shuo, cố vấn chính sách toàn cầu cấp cao tại Greenpeace Đông Á có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết Trung Quốc đã phát triển từ một quốc gia hoài nghi về năng lượng tái tạo vào đầu thế kỷ 21 này, và đến nay nước này đang ở vị trí dẫn dắt các nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Ông cho biết những động lực thay đổi trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc có thể khiến họ cố gắng vượt qua nhau trong việc cắt giảm khí thải gây nóng lên toàn cầu. Cái quan trọng cuối cùng chính là kết quả mà họ đạt được.

"Nếu cạnh tranh là cách khả thi về mặt chính trị duy nhất để định khung vấn đề này để thúc đẩy hành động cắt giảm khí thải của họ, thì hãy để nó như vậy. Tôi không quan tâm liệu điều này có phải là diều hâu hay không, miễn là điều này giúp Trái Đất giảm lượng carbon. Hãy cứ để họ cạnh tranh. Carbon giảm là được!" - ông Li Shuo nói.

Theo Trang Ly/Tổ Quốc

Bài viết sử dụng nguồn: FT.com, SCMP