Nắng nóng đang bao trùm khu vực Tây và Nam Âu. Tại Tây Ban Nha, các khu vực như Badajoz và Sevilla đã ghi nhận nhiệt độ chạm ngưỡng 45,8°C. Bộ Y tế Tây Ban Nha ước tính đã có 341 ca tử vong do các bệnh liên quan đến nhiệt độ kể từ đầu tháng 6. Ở Bồ Đào Nha, có thời điểm nhiệt độ đo được tại vùng nội địa Alentejo đạt đến 46°C.

Tại Hy Lạp, hơn 3.500 người đã phải sơ tán khỏi đảo Crete, nơi cháy rừng lan rộng suốt ba ngày qua. Chính quyền địa phương buộc phải đóng cửa nhiều tuyến đường, hủy tour du lịch, đồng thời huy động hơn 130 lính cứu hỏa cùng 48 phương tiện và 6 máy bay trực thăng để khoanh vùng ngọn lửa. Tại thủ đô Athens, khoảng 800 người đã được sơ tán khỏi vùng ngoại ô Koropi, nơi hơn 120 lính cứu hỏa đã chiến đấu với đám cháy được hỗ trợ bởi 8 máy bay và 8 trực thăng.
Tình hình cháy rừng tại Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí nghiêm trọng hơn. Tại tỉnh İzmir, hơn 10.000 hecta rừng đã bị thiêu rụi trong chưa đầy một tuần. Giới chức xác nhận hơn 50.000 cư dân đã phải di dời khẩn cấp, hàng trăm người mất nhà cửa và thiệt hại đối với gần 10 ngôi làng là rất nặng nề. Báo chí địa phương ví cảnh tượng tại İzmir như “địa ngục đỏ rực giữa mùa hè”.
Tại Pháp, hơn 2.000 trường học buộc phải đóng cửa tạm thời. Bộ Y tế nước này cảnh báo nhóm trẻ em và người cao tuổi nên hạn chế ra ngoài trong khung giờ từ 11h–17h, đồng thời các thành phố lớn kích hoạt cảnh báo đỏ toàn diện. Tại Italia, 20/27 thành phố đã được đưa vào danh sách vùng “rất nguy hiểm”.
Nắng nóng ở Hungary đã làm gián đoạn hoạt động thương mại do mực nước sông Danube xuống thấp. Hiện các tàu chở hàng phải bỏ lại hơn một nửa hàng hóa và chỉ có thể hoạt động ở mức 30-40% công suất. Điều này khiến giá vận chuyển có thể tăng tới 100% do phải chịu thêm phụ phí khi tàu không thể chở đầy hàng.
Không chỉ khắc nghiệt với nền nhiệt, đợt nắng này còn kéo dài hơn trung bình nhiều năm. Cơ quan Khí tượng châu Âu (ECMWF) xác định một vòm nhiệt (heat dome) đã hình thành do nước biển Địa Trung Hải ấm lên hơn 6°C so với trung bình, tạo nên một mái vòm nóng khổng lồ, giữ nhiệt tích tụ và ngăn gió mát từ Đại Tây Dương thổi vào khu vực.
Bà Kirsty McCabe, nhà khí tượng học tại Hiệp hội Khí tượng Hoàng gia cũng cho biết: “Vòm nhiệt có thể tưởng tượng gần giống như một cái nắp nồi và nó đang giữ chặt luồng không khí nóng bên dưới. Chúng ta cũng đã chứng kiến nhiệt độ cực cao và tình trạng khô hạn ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp. Nó không chỉ ảnh hưởng đến một khu vực; mà là một khu vực khá rộng lớn của châu Âu đang phải vật lộn với nhiệt độ rất cao tại thời điểm này. Nếu bạn xem xét nhiệt độ trước đó trong nhiều thập kỷ, chúng ta có thể thấy rằng nhiệt độ hiện tại có khả năng cao gấp ba đến năm lần so với khi không có tác động của biến đổi khí hậu do con người gây ra. Vì vậy, chúng ta đang thấy mức nhiệt cao hơn này là hậu quả trực tiếp của biến đổi khí hậu”.
Đợt nắng nóng hiện nay ở châu Âu không chỉ là một hiện tượng thời tiết, mà là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc của thiên nhiên. Trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu không còn là giả thiết, điều cần thiết không chỉ là hành động khẩn cấp của chính phủ mà còn là sự thay đổi thói quen, nhận thức và lựa chọn tiêu dùng của người dân.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là sự ủng hộ của công chúng châu Âu đối với chính sách khí hậu lại đang giảm sút. Nhiều đảng cực hữu ở Pháp, Đức, Bỉ đang khai thác tâm lý mệt mỏi và lo lắng của người dân trước chi phí năng lượng tăng cao để công kích các chương trình chuyển đổi xanh. Tờ The Guardian bình luận, “một cuộc chiến tranh về sự thật đang nổ ra – giữa những gì người dân đang trải qua và những gì họ bị dẫn dắt tin tưởng”. Và rằng, châu Âu – cái nôi của chính sách khí hậu thế giới – đang đứng trước một phép thử lịch sử: hoặc quyết liệt để thay đổi, hoặc tiếp tục chịu đựng những mùa hè “thiêu đốt” không lối thoát.
Theo VOV.VN