Nghịch lý ở Trung Quốc: Ông Tập đã hứa, lộ trình đã rõ - vẫn nhiều nơi 'mù quáng' phát thải lượng carbon cực lớn!

"Đến năm 2060, Trung Quốc sẽ trung hòa carbon..." - ông Tập Cận Bình cam kết.

Nghịch lý ở Trung Quốc: Ông Tập đã hứa, lộ trình đã rõ - vẫn nhiều nơi 'mù quáng' phát thải lượng carbon cực lớn!
Một người đàn ông đeo khẩu trang bảo vệ khi đứng gần tòa nhà CCTV, Bắc Kinh ngày 13/2/2021. Ảnh: Kevin Frayer / Getty Images

 

Trung Quốc là quốc gia có dân số lớn nhất thế giới. Trung Quốc cũng là quốc gia phát thải carbon lớn nhất trên toàn cầu...

Theo một phân tích của công ty nghiên cứu toàn cầu Rhodium Group (Mỹ), trong năm 2019 Trung Quốc phát thải 14,1 gigatons khí CO2 ra bầu khí quyển - nhiều hơn gấp 3 mức năm 1990 và tăng 25% trong thập kỷ qua. Trung Quốc là nơi sinh sống của hơn 1,4 tỷ người và lượng khí thải bình quân đầu người của nước này đạt 10,1 tấn hàng năm, tăng gần gấp ba lần trong vòng hai thập kỷ qua.

Đứng trước thực trạng báo động đó, Trung Quốc đang hướng tới trung hòa carbon (Carbon Neutral)* vào năm 2060, và tự cho phép lượng khí thải carbon của quốc gia này đạt mức cao nhất vào năm 2030 và giảm dần các năm sau đó.

Trong hội nghị thượng đỉnh về khí hậu mà Tổng thống Mỹ Biden tổ chức vào tháng 4/2021 với sự tham gia của hàng chục nhà lãnh đạo thế giới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết: "Đến năm 2060, Trung Quốc sẽ trung hòa carbon".

(*) Trung hoà carbon nghĩa là khi một tấn khí CO2 thải ra sẽ được trung hoà bằng cách giảm cùng một lượng khí CO2 như vậy ở nơi khác.

NGHỊCH LÝ Ở TRUNG QUỐC

Đó là tuyên bố của người đứng đầu Trung Quốc...

Tuy nhiên, nghịch lý đã xảy ra: Những nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính ban đầu của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi chính một vài địa phương của quốc gia này. Nguyên nhân được cho là các tỉnh/địa phương tranh thủ thực hiện các dự án năng lượng cao và phát thải cao trước năm 2030.

Sau khi Trung Quốc - nước sử dụng năng lượng và phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới - đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng, thì lượng khí thải carbon dioxide (CO2) của nước này trong quý đầu tiên của năm 2021 phát triển với tốc độ nhanh nhất của họ trong hơn một thập kỷ qua.

Đầu tháng 5/2021, tờ Washington Post thông tin, lượng phát thải khí nhà kính của Trung Quốc hiện lớn hơn mức phát thải của các nước phát triển cộng lại. Trung Quốc hiện chiếm 27% lượng khí thải toàn cầu, trong khi Mỹ chiếm 11%.

Nghịch lý ở Trung Quốc: Ông Tập đã hứa, lộ trình đã rõ - vẫn nhiều nơi mù quáng phát thải lượng carbon cực lớn! - Ảnh 1.

Khói bốc lên từ một nhà máy thép vào ngày 19 tháng 11 năm 2015, ở tỉnh công nghiệp Hà Bắc, Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đã đặt năm 2030 là thời hạn cuối cùng để nước này đạt đến đỉnh điểm về lượng khí thải carbon dioxide, thứ mà các nhà khoa học và nhà môi trường coi là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu. Ảnh: Kevin Frayer / Getty

Theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch, một tổ chức độc lập có trụ sở tại Helsinki (Phần Lan), lượng khí thải carbon dioxide tại Trung Quốc tăng 15% mỗi năm.

Do đó, Trung Quốc đặt mục tiêu cắt giảm 13,5% cường độ năng lượng và 18% cường độ carbon vào năm 2025.

Cơ quan lập kế hoạch kinh tế hàng đầu, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) Trung Quốc, mới đây cho biết, một số khu vực đã "mù quáng" mở rộng các dự án sử dụng nhiều năng lượng và phát thải cao, thậm chí một số dự án được xây dựng trước khi được phê duyệt.

Giới hạn các dự án thép, than, xi măng và nhôm được coi là một cách hiệu quả để giảm cường độ năng lượng của đất nước (năng lượng cần thiết cho mỗi đơn vị tổng sản phẩm quốc nội) và cường độ carbon (lượng carbon thải ra trong quá trình phát triển nền kinh tế).

Tuy nhiên, Bộ Môi trường nước này tháng trước phát hiện ra rằng có 8 tỉnh phụ thuộc nhiều vào các dự án sử dụng nhiều năng lượng và phát thải cao, và một số tỉnh đang chạy đua để xây dựng thêm.

Bộ này cho biết, tỉnh Sơn Tây, miền trung nước này có kế hoạch khởi động 178 dự án với mức tiêu thụ năng lượng tương đương khoảng 60 triệu tấn than tiêu chuẩn, vượt xa hạn ngạch đặt ra trong kế hoạch 5 năm mới nhất của đất nước - kế hoạch chi tiết đặt ra định hướng cho giai đoạn 2021-2025.

Trong số những dự án đó, 101 dự án đang được xây dựng hoặc đã được xây dựng, và 72 dự án đã tiến hành mà không nhận được một số phê duyệt cần thiết.

Tại tỉnh Liêu Ninh, phía đông bắc Trung Quốc, có 37 dự án đang được xây dựng hoặc đã bắt đầu hoạt động mà không được các quan chức địa phương "phê duyệt để tiết kiệm năng lượng".

NDRC cho biết tính đến tháng 8/2021, họ đã thúc giục các tỉnh tạm dừng hơn 350 dự án tiêu thụ nhiều năng lượng và phát thải cao.

Trong một báo cáo tháng 8/2021 của Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên Hợp Quốc cho biết nhiệt độ toàn cầu có thể giữ mức dưới 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này nếu các nước có hành động quyết liệt trong thập kỷ này.

Với tư cách là nước thải carbon lớn nhất thế giới, Trung Quốc sẽ là trung tâm của những nỗ lực đó, nhưng các chỉ thị mới từ Bắc Kinh đã phản ánh tình hình hỗn loạn ở các tỉnh của nước này khi họ cố gắng cân bằng mục tiêu khí hậu với mục tiêu kinh tế, theo các chuyên gia nhận định.

Ma Jun, Giám đốc Viện Các vấn đề Công & Môi trường có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết: "Một số khu vực chỉ nêu khẩu hiệu trong khi những khu vực khác muốn triển khai thêm các dự án trước khi đạt mức phát thải đỉnh điểm vào năm 2030.

HÀNH ĐỘNG TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN

Khoa học rất rõ ràng: Nếu muốn ngăn chặn thảm họa nóng lên toàn cầu, lượng khí nhà kính toàn cầu phải giảm - và giảm nhanh chóng. Một báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc năm 2019 cảnh báo rằng thế giới phải cắt giảm lượng khí thải 7,6% mỗi năm cho đến năm 2030 để giữ nhiệt độ tăng dưới 1,5 độ C - tham vọng được nêu trong Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu, DW (Đức) thông tin.

Đặc phái viên Xie Zhenhua cho biết tại một diễn đàn tài chính ở Bắc Kinh vào tháng 7/2021 rằng Trung Quốc trong tương lai gần sẽ đưa ra một kế hoạch quyết liệt nhất nhằm đạt được mục tiêu trung hòa carbon.

Ông nói, kế hoạch này sẽ liên quan đến việc hạn chế tiêu thụ than, bao gồm việc mở rộng các dự án sử dụng nhiều năng lượng và phát thải cao; đồng thời tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo.

Nghịch lý ở Trung Quốc: Ông Tập đã hứa, lộ trình đã rõ - vẫn nhiều nơi mù quáng phát thải lượng carbon cực lớn! - Ảnh 3.

Việc đốt than để làm năng lượng đã khiến Trung Quốc trở thành nước thải carbon lớn nhất thế giới. Ảnh: Kevin Frayer / Getty

Mục tiêu cuối cùng là phát triển các công nghệ cao cấp, vật liệu mới và năng lượng mới, đồng thời xây dựng một hệ thống sản xuất xanh hiệu quả, sạch và ít carbon.

Yang Fuqiang, nhà nghiên cứu thuộc Viện Năng lượng của Đại học Bắc Kinh, cho biết: "Điều đó sẽ tạo động lực mới cho nền kinh tế địa phương. Các khu vực đang chịu áp lực kinh tế và họ không thể tìm thấy động lực tăng trưởng kinh tế mới trong một thời gian ngắn. Và trong quá trình này, họ thấy lối đi cũ vẫn tốt nên một số vùng mới đầu tư vào các dự án công nghiệp nặng".

"Phải nhìn nhận thẳng thắn, khách quan thế này. Nếu Trung Quốc không nỗ lực trong vòng 5 đến 10 năm tới thì hậu quả sẽ rất báo động. Đây là bức tranh lớn, chúng ta nên nhận thức rõ ràng về điều này."

Tháng 7/2021 vừa qua, Trung Quốc phải hứng chịu đợt lũ lụt chết người rất thảm khốc. Nước lũ đã cướp đi nhiều sinh mạng, của cải.

Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu/nóng lên toàn cầu chính là tác nhân gia tăng cường độ và số lượng thiên tai gần đây. Không chỉ gây lũ lụt, nhiều khu vực trên thế giới còn hứng chịu hạn hán, cháy rừng, băng tan.

Nguồn Soha

Bài viết sử dụng nguồn: SCMP, Washington Post, DW