Để tồn tại và phát triển, con người tiêu thụ những sản phẩm mà tự nhiên cung cấp. Điều đó có nghĩa là mọi hoạt động tiêu thụ đều ảnh hưởng đến các hệ sinh thái hành tinh.
Tất nhiên sẽ là không sao nếu việc sử dụng này nằm trong khả năng cung cấp và tự tái tạo của trái đất. Tuy nhiên, bắt đầu từ đầu những năm 1980, mức tiêu thụ của loài người đã vượt quá so với khả năng này, và tới năm 2003 thì đã vượt quá 20%, có nghĩa là phải mất 1 năm 2 tháng để trái đất có thể tái tạo những gì mà con người sử dụng trong 1 năm.
Ngày nợ sinh thái (Ecological Debt Day) hàng năm của con người là ngày mà con người đã sử dụng hết nguồn tài nguyên mà Trái đất tái tạo ra trong cả năm. Những dấu hiệu của quá trình tiêu thụ quá mức này được thể hiện qua nhiều hiện tượng rõ ràng như: thay đổi khí hậu, mất rừng, mất đất, giảm sản lượng khai thác tài nguyên v.v.
Trái đất – hành tinh sống, là nơi cung cấp đầy đủ các điều kiện để thỏa mãn nhu cầu tồn tại và phát triển của con người. Con người cần ăn, mặc, đi lại, giao tiếp, giải trí… tất cả những nhu cầu đó được thỏa mãn bởi các thành phần của trái đất: đất, nước, rừng, không khí… Tuy nhiên, trong số 51 tỷ ha diện tích bề mặt, trái đất chỉ có thể cung cấp cho con người 18% diện tích có khả năng tạo năng suất sinh học để thỏa mãn những nhu cầu trên.
Điều chúng ta cần là một chuẩn mực để đánh giá và định hướng nhu cầu của con người, điều này giúp ta xác định được “điểm ngưỡng nhu cầu” – mức nhu cầu con người được thỏa mãn mà không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Phương pháp “Dấu chân sinh thái” được sử dụng như một công cụ để so sánh Nhu cầu của con người với Sức tải sinh học – khả năng tái tạo tài nguyên và hấp thu chất thải của Trái đất, bằng cách chuyển đổi các diện tích có khả năng cung cấp năng suất sinh học sang đơn vị chuẩn hecta toàn cầu (gha).
“Dấu chân sinh thái (Ecological footprint) là một thước đo nhu cầu về các diện tích đất, nước có khả năng cho năng suất sinh học cần thiết để cung cấp thực phẩm, gỗ cho con người, bề mặt xây dựng cơ sở hạ tầng, diện tích hấp thụ CO2, khả năng chứa đựng và đồng hóa chất thải.” – Khái niệm này đã được xây dựng và phát triển từ những năm 1990 do nhóm các nhà khoa học trường đại học British Columbia là: William E. Rees và Mathis Wackernagel tiến hành. |
.
Phương pháp Dấu chân.
Phương pháp Dấu chân xác định hai phần: trữ lượng sinh thái (diện tích cho năng suất sinh học) và nhu cầu con người. Theo đó, trữ lượng sinh thái được tính cho sáu kiểu diện tích:
– Đất trồng trọt (Cropland): là diện tích được sử dụng cho canh tác để thu lương thực, thức ăn gia súc và sợi bông, gồm 70 loại diện tích sơ cấp và 15 loại diện tích thứ cấp.
– Đất chăn nuôi (Grazing land): là diện tích được dùng để chăn nuôi động vật để lấy thịt, da, len và sữa, gồm đồng cỏ tự nhiên và bán tự nhiên.
– Rừng: gồm rừng tự nhiên và rừng trồng để thu gỗ nhiên liệu, gỗ tròn.
– Mặt nước thủy sản: là diện tích cung cấp thủy sản nước ngọt và nước biển, bao gồm 8 loại cá, động vật thủy sinh và 1 loại thực vật thủy sinh.
– Đất xây dựng: là diện tích được sử dụng để xây dựng cơ sở hạ tầng: nhà ở, khu công nghiệp, nhà máy điện,…
– Đất năng lượng hay “đất cacbon”: là diện tích đất hoặc đại dương cần để hấp thu phát thải CO2 từ quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch.
Và, nhu cầu con người sẽ là tổng các sản phẩm mà 6 kiểu diện tích trên cung cấp thỏa mãn. Năm 2003, Dấu chân sinh thái toàn cầu là 14,1 tỷ gha, tương đương với 2,2 gha/người, trong khi đó, Sức tải sinh học là 1,8gha/người.
Dấu chân sinh thái được tính cho hơn 150 quốc gia trên thế giới, trong đó, tiêu thụ của mỗi quốc gia được tính bằng lượng sản phẩm sản xuất cộng với (+) lượng sản phẩm nhập khẩu, sau đó trừ đi (–) lượng sản phẩm xuất khẩu. Một quốc gia sẽ có “dự trữ sinh thái” nếu Dấu chân sinh thái nhỏ hơn Sức tải sinh học, ngược lại, nó sẽ ở trong tình trạng “thâm hụt sinh thái”. Hiện nay, hầu hết các quốc gia đều đang ở trong tình trạng thâm hụt sinh thái.
Ở Việt Nam, các số liệu tính Dấu chân sinh thái và Sức tải sinh thái có trong các báo cáo thường niên của National Footprint Network và WWF. Sự thay đổi Dấu chân sinh thái và Sức tải sinh học của Việt Nam diễn biến theo xu thế chung của toàn cầu, Dấu chân sinh thái tăng dần. Mặc dù so với toàn cầu Dấu chân sinh thái của Việt Nam vẫn ở mức chưa đáng lo ngại nhưng nhu cầu của Việt nam đối với tài nguyên đã lớn hơn sức tải của thiên nhiên.
Có thể nới, vấn đề năng lượng và phát thải CO2 ở nước ta hiện chưa phải quá trầm trọng nhưng trong tương lai, cùng với nhu cầu sử dụng năng lượng và đốt nhiên liệu hóa thạch gia tăng thì sức ép của nhu cầu lên thiên nhiên sẽ có biến động rõ rệt.
Thep THIENNHIEN.NET