Tết trồng cây – tư tưởng lớn của Bác Hồ về bảo vệ môi trường

Trong cuộc đời của mình, Bác Hồ luôn quan tâm sâu sắc đến môi trường thông qua rất nhiều bài viết, bài thư, bài nói chuyện, hành động cụ thể, Bác luôn căn dặn mọi người phải tích cực trồng cây, gây rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái… thể hiện tư tưởng của Bác trong công tác bảo vệ môi trường.

 

Tết trồng cây – tư tưởng lớn của Bác Hồ về bảo vệ môi trường

Mọi người dân Việt Nam từ người già đến trẻ em, dù ở trong nước hay ở nước ngoài ai cũng mong, cũng nhớ đến cái Tết cổ truyền của dân tộc mình. Cái Tết vào đầu năm thật thiêng liêng đối với mọi người dân Việt Nam. Bác Hồ đã biết cái giá trị to lớn của Tết và Bác mong muốn việc trồng cây cũng được nhân dân coi là Tết. Trồng cây được Bác nhắc đến vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của mỗi người dân. Vì việc đó là công việc thi đua yêu nước.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Trong chín nội dung cơ bản chủ yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh có đến năm nội dung liên quan đến vấn đề môi trường và giáo dục môi trường cho nhân dân, đặc biệt cho thế hệ trẻ. Đó là: về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng nhà nước thật sự của dân, do dân và vì dân; về phát triển nền kinh tế và văn hoá, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; về đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”(1) . Tư tưởng đó của Bác đã chỉ rõ, muốn bảo vệ môi trường và phát triển môi trường bền vững, trước hết phải coi đó là việc của toàn dân, chỉ có dân làm thì sự nghiệp đó mới thành công; thứ hai, sự nghiệp bảo vệ môi trường muốn thành công phải để dân hiểu, dân biết, dân bàn, dân tự quản, tự làm, tự kiểm tra; thứ ba, đi đôi với phát triển kinh tế, văn hoá phải đặc biệt chú ý bảo vệ môi trường và phát triển môi trường bền vững; thứ tư, con người quan hệ, ứng xử với môi trường, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên cần tiết kiệm, phải có ý thức bảo vệ môi trường cho thế hệ mình và thế hệ con cháu mai sau; thứ năm, cần chăm lo, giáo dục thế hệ trẻ để họ có nhận thức đúng đắn, có thái độ và hành vi đối xử phù hợp với môi trường, để môi trường phát triển bền vững.

Trong cuộc đời của mình, Bác Hồ luôn quan tâm sâu sắc đến môi trường thông qua rất nhiều bài viết, bài thư, bài nói chuyện, hành động cụ thể, Bác luôn căn dặn mọi người phải tích cực trồng cây, gây rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái… thể hiện tư tưởng của Bác trong công tác bảo vệ môi trường.

Thứ nhất, thấy rõ giá trị to lớn của rừng. Một lần, trong bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ miền núi, ngày 1/9/1962, Bác đã nói: “Tục ngữ ta có câu “Rừng vàng, biển bạc”, câu đó rất đúng. Miền núi có tài nguyên rất phong phú, có nhiều khả năng mở mang nông nghiệp và công nghiệp. Những điểm đó nói rõ rằng miền núi có một địa vị cực kỳ quan trọng về kinh tế, chính trị và quốc phòng của cả nước ta”(2). Lần khác, trong bài nói chuyện tại Hội nghị tuyên giáo miền núi, ngày 31/8/1963, Bác nhắc lại câu tục ngữ của ông cha ta và căn dặn: “Ta thường nói: “Rừng vàng biển bạc”. Rừng là vàng nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý” (3) . Bác nhấn mạnh ý nghĩa của rừng là vàng- là cung cấp nguyên liệu, vật liệu cho nhân dân, là tấm chắn vững chắc để bảo vệ mùa màng, làng quê. Cùng với việc nhắc nhở phải ghi nhớ giá trị to lớn của rừng, nó là thứ “vàng” quý hiếm của quốc gia, Bác nhắc nhở phải bảo vệ và phải xây dựng thì thứ vàng ấy mới quý. Các từ xây dựng và bảo vệ mang đầy đủ các công việc mọi người phải làm; đó là: khai thác phải đi đôi với bảo vệ, khai thác phải đi đôi với trồng mới lại rừng. Nếu con người chỉ có khai thác để lấy giá trị “vàng” của rừng mà không có bảo vệ, trồng mới thì rừng sẽ suy kiệt. Và từ đó, rừng không còn là “vàng” theo ý nghĩa đích thực của nó.

Thứ hai, thấy rõ giá trị của việc bảo vệ rừng. Việc cần thiết phải bảo vệ rừng được Bác Hồ đề cập đến nhiều lần. Cũng tại Hội nghị tuyên giáo miền núi năm 1963, Bác đã ân cần nhắc nhở: “Các cô, các chú cần hết sức chú ý vấn đề bảo vệ rừng. Nếu cứ để tình trạng đồng bào phá một ít, nông trường phá một ít, công trường phá một ít, thậm chí đoàn thăm dò địa chất cũng phá một ít, thì rất tai hại. Phá rừng thì dể, nhưng gây dựng lại rừng phải mất hàng chục năm. Phá rừng nhiều như vậy sẽ ảnh hưởng đến khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống rất nhiều” (4). Đúng như lời dạy của Bác, ai cũng phá một ít, tập thể nào cũng phá một ít, cộng lại thì rất nhiều. Mà phá nhiều sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân. Thực tế hiện nay, không ít lâm trường, nông trường, các cơ quan, đơn vị được giao bảo vệ rừng thì lại là người phá rừng hoặc tiếp tay cho bọn lâm tặc phá rừng. Rừng có “ông chủ” là các cơ quan, đơn vị của Nhà nước, nhưng rừng vẫn bị tàn phá (?). Trong thư gởi Đại hội Hợp tác xã và đội sản xuất tiên tiến miền núi và trung du , Bác Hồ nhắc nhở: “Hợp tác xã nào cũng phải có kế hoạch trồng rừng và tích cực bảo vệ rừng. Nếu rừng kiệt thì không còn gỗ và mất nguồn nước thì ruộng nương mất màu, gây ra lụt lội và hạn hán. Vì vậy, đồng bào miền núi và trung du cũng như đồng bào miền xuôi lên tham gia, phát triển kinh tế ở đây phải bảo vệ rừng như bảo vệ nhà cửa của mình” (5).

Qua những lời dạy trên của Bác, chúng ta thấy rất rõ tác hại của việc phá rừng làm mất nguồn tài nguyên gỗ, làm lũ lụt, hạn hán ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân. Thực tế hiện nay ở tỉnh ta nói riêng và cả nước nói chung tình trạng phá rừng còn khá phổ biến và việc mất rừng làm nên lũ lụt, làm sạt núi ở các huyện miền núi cao và các cung đường trên địa bàn, gây hậu quả nghiêm trọng vào các mùa mưa bão, đặc biệt là các cơn lụt các năm 1999, 2007 và làm hạn hán mùa hè năm 2002. Lũ lụt và hạn hán gây tổn thất lớn về người và của cải của nhân dân, của Nhà nước. Ý nghĩa thứ hai trong lời dạy của Bác là: mọi người, ai cũng phải có ý thức và phải có việc làm để bảo vệ rừng, “bảo vệ rừng như bảo vệ nhà cửa của mình”.

Thứ ba, Bác dạy cùng với việc bảo vệ rừng là phải tích cực trồng cây, gây rừng. Trong bài viết trên báo Nhân dân số 2.082, ngày 28/11/1959, ký tên Trần Lực, Bác Hồ đã phát động “Tết trồng cây”: “Chúng tôi đề nghị tổ chức một ngày “Tết trồng cây”. Việc này ít tốn kém mà lợi ích rất nhiều. (…) Và trong mười năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hoà hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”(6). Trong lần đến thăm và nói chuyện với đồng bào và cán bộ xã Đại Nghĩa (Hà Đông), ngày 7/10/1961, Bác Hồ đã căn dặn: “Phải tiếp tục trồng cây. Trồng cây phải chú ý chăm sóc, trồng cây nào sống cây ấy. Trồng ít, trồng vừa mà cây nào được cây ấy, còn hơn trồng nhiều mà có nhiều cây chết. Nếu mỗi năm, mỗi người trồng 4 cây, trong 5 năm sẽ có đủ gỗ làm nhà, đóng giường, bàn, ghế, làm công cụ, sẽ có nhiều cây ăn quả hơn. Cần kết hợp trồng cây lấy gỗ, cây ăn quả và cây công nghiệp lâu năm. Trồng cây thì dễ, nhưng chính dễ mà khó, vì cán bộ không chú ý lãnh đạo” (7). Trong bài nói chuyện với cán bộ và nhân dân tỉnh Thái Bình, ngày 1/1/1967, Bác Hồ đã căn dặn: “Một việc rất quan trọng nữa là phải trồng cây gây rừng. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Trồng 100 cây mà sống cả, tốt cả thì hơn 1.000 cây chỉ sống được 90 cây” (8). Trong bài viết trên báo Nhân dân số 5.411, ngày 5/2/1969, ký tên TL, Bác đã kêu gọi: Ngày nay, đồng bào ta ai cũng hiểu rõ trồng cây gây rừng có lợi ích to lớn cho kinh tế và quốc phòng. Vì vậy, Tết trồng cây là ngày mở đầu cho việc trồng cây suốt cả năm, đã trở thành một tục lệ tốt đẹp của nhân dân ta… năm nay, chúng ta thi đua trồng cây cho thật tốt, phải đảm bảo trồng cây nào tốt cây ấy, tổ chức “một Tết trồng cây quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” (9). Bác mong trồng cây phải trở thành truyền thống thường xuyên của dân tộc- đó là truyền thống “Tết trồng cây”. Mọi người dân Việt Nam từ người già đến trẻ em, dù ở trong nước hay ở nước ngoài ai cũng mong, cũng nhớ đến cái Tết cổ truyền của dân tộc mình. Cái Tết vào đầu năm thật thiêng liêng đối với mọi người dân Việt Nam. Bác Hồ đã biết cái giá trị to lớn của Tết và Bác mong muốn việc trồng cây cũng được nhân dân coi là Tết. Trồng cây được Bác nhắc đến vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của mỗi người dân. Vì việc đó là công việc thi đua yêu nước.

Thứ tư, Hồ Chủ tịch coi việc trồng cây như việc “trồng người”. Trong lần đến thăm và nói chuyện với lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc (ngày 13/9/1958), Bác căn dặn: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”(10) . Bác Hồ đã coi trọng việc trồng cây và trồng người đều là lợi ích quốc gia, lợi ích của cả dân tộc. Trồng cây gây rừng để bảo vệ môi trường cho hôm nay và cho mai sau. Còn trồng người là để bồi dưỡng, đào tạo thế hệ trẻ kế thừa phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cả trồng cây và trồng người đều quan trọng, cần được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm thực hiện cho tốt. Bác đã dạy trồng cây là vì lợi ích mười năm, công việc ấy phải được tiến hành tốt từ khâu chọn giống, khâu trồng, khâu chăm sóc, bảo vệ cây. Muốn để cho cây, cho rừng phục vụ tốt lợi ích quốc gia, lợi ích của cộng đồng và lợi ích của bản thân- ai cũng phải trồng cây, ai cũng phải bảo vệ cây. Lời chỉ giáo ân cần của Bác đến nay đã trở thành phong trào rộng lớn: trồng cây, bảo vệ rừng của toàn dân ta.

Thứ năm, Hồ Chủ tịch coi trồng cây, gây rừng, bảo vệ rừng là công việc của quần chúng, do quần chúng. Trong bài nói chuyện với đồng bào và cán bộ Kiến An – nay thuộc thành phố Hải Phòng, ngày 18/1/1960, Bác Hồ đã căn dặn: Tết trồng cây- Bộ đội, thanh niên và đồng bào đều hăng hái tham gia. Như thế là tốt. Cán bộ cần phải có kế hoạch chu đáo, hướng dẫn chặt chẽ. Trồng cây nào chắt cây ấy. Trong 5,7 năm chúng ta sẽ có một nguồn thu hoạch rất to”(11). Nhưng Bác cũng thấy vai trò của lực lượng phụ lão và lực lượng thiếu nhi trong bảo vệ cây trồng; cũng trong bài nói chuyện với các bộ và nhân dân tỉnh Thái Bình ngày 1/1/1967, Bác đã nhấn mạnh: “Việc trồng cây nên dựa vào lực lượng các phụ lão và các cháu nhi đồng. Các cụ vừa có trồng cây, vừa có cẩn thận, tỷ mỉ chăm sóc cây cối. Các cháu nhỏ ở nông thôn cần giúp các cụ giữ gìn cây cối, không để cho trâu bò phá hại” (12). Cũng trong bài viết trên báo Nhân dân số 2.082 về “Tết trồng cây”, Bác Hồ đã viết: “Kinh nghiệm cho thấy rằng: Mọi người đều nên tham gia trồng cây, nhưng lực lượng các cụ phụ lão có tổ chức là quan trọng và các cháu thiếu nhi là lực lượng góp phần đắc lực”(13). Trong thực tế, lực lượng phụ lão và thiếu nhi đã đóng góp tích cực trong việc trồng cây. Hiện nay, các địa phương có phong trào “Ông trồng, cháu chăm” hoặc “Ông cháu cùng trồng, cùng chăm”.

Theo TNMTQUANGNAM.GOV.VN 

————————————————–

Chú thích:

– (1): Tài liệu học tập Nghị quyết Đại hội IX của Đảng cho đoàn viên, thanh niên; của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xuất bản năm 2001, trang 9.
– (2): Chủ tịch Hồ Chí Minh với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam- NXB Công an nhân dân-2002, trang 341.
-v(3), (4), (9): Sách đã dẫn, trang 352.
– (5): Hồ Chí Minh- Tuyển tập II, NXB Sự thật- Hà Nội 1980, trang 334.
– (6): Sách đã dẫn, trang 846.
– (7): Sách đã dẫn, trang 941.
– (8), (12): Sách đã dẫn-2002, trang 978.
– (10): Chủ tịch Hồ Chí Minh. NXB Thông Tấn; Hà Nội- 2004, trang 121.
– (11): Sách đã dẫn, trang 914.
– (13): Sách đã dẫn, trang 867