Vì một hành tinh không “ô nhiễm trắng”

Ngày Trái đất 2024 diễn ra vào ngày 22-4 với chủ đề Planet vs. Plastics (Hành tinh và nhựa) với kỳ vọng chấm dứt sử dụng nhựa vì sức khỏe con người.

 

Tác hại nghiêm trọng

Theo tổ chức Earth Day, nhựa đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe con người và đáng báo động như biến đổi khí hậu. Nghiên cứu của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho thấy, mỗi năm thế giới sản xuất 400 triệu tấn nhựa, ước tính khoảng 79% thải ra bãi rác/bãi chôn lấp hoặc thải ra môi trường, 12% đốt tại các lò rác và chỉ 9% được tái chế.

Với mức tiêu thụ nhựa như hiện nay và hiện trạng quản lý rác thải nhựa không được cải thiện, đến năm 2050 thế giới sẽ đối mặt với “ô nhiễm trắng” khi có khoảng 12 tỷ tấn rác thải nhựa thải ra. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho biết, quy trình sản xuất nhựa cũng khiến Trái đất nóng lên khi chiếm 3,4% lượng khí thải toàn cầu từ năm 2019.

Trong tự nhiên, hạt vi nhựa đã được tìm thấy trong băng gần Bắc cực và trong cơ thể cá sống ở những nơi sâu nhất của đại dương. Ở người, các hạt nhựa siêu nhỏ được phát hiện trong máu, sữa mẹ và nhau thai.

V8c.jpg
Dọn rác thải nhựa tại Ấn Độ. Ảnh: FORBES

 

Tổ chức Earth Day cho rằng để đạt được mức giảm 60% vào năm 2040, cần thúc đẩy nhận thức rộng rãi của cộng đồng về tác hại do nhựa gây ra đối với sức khỏe con người, động vật và đa dạng sinh học; tiến hành nhiều nghiên cứu hơn về ý nghĩa của lợi ích không rác thải nhựa đối với sức khỏe, nhanh chóng loại bỏ dần tất cả các loại nhựa sử dụng một lần vào năm 2030; yêu cầu ban hành những chính sách chấm dứt hiểm họa của thời trang nhanh và lượng nhựa khổng lồ được sản xuất và sử dụng; đầu tư vào công nghệ và vật liệu tiên tiến để xây dựng một thế giới không nhựa.

Hành động thiết thực

Hiện nay, nhiều quốc gia đã nhận ra tầm ảnh hưởng quan trọng của rác thải nhựa và bắt đầu có những hành động thiết thực, trong đó có việc hạn chế nhựa sử dụng một lần, cấm các sản phẩm như ống hút hay bát đĩa dùng một lần, hộp nhựa đựng thức ăn, tăm bông, túi ny lông và bóng bay. Từ tháng 7-2022, California đã trở thành tiểu bang đầu tiên của Mỹ công bố mục tiêu về rác thải nhựa, bao gồm giảm 25% doanh số bán bao bì nhựa vào năm 2032. Tháng 12-2022, Anh thêm vào danh sách các mặt hàng bị cấm: khay dùng một lần, que nhựa bóng bay và một số loại cốc, hộp đựng thức ăn làm bằng polystyrene.

Các lệnh cấm cũng được áp dụng ở Liên minh châu Âu, Australia, Ấn Độ và nhiều nơi khác trên thế giới. Ấn Độ cam kết đến năm 2020 sẽ cấm hoàn toàn việc sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần. Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia… cũng kêu gọi người dân nâng cao ý thức, đưa ra các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích những dự án tái chế rác thải nhựa.

Năm 2009, Đại hội đồng Liên hợp quốc quyết định chọn ngày 22-4 hàng năm là Ngày Trái đất với mong muốn khuyến khích tất cả mọi người trên thế giới hiểu về tầm quan trọng và chung tay bảo vệ các giá trị của Trái đất.

Ngày Trái đất năm nay, một số quốc gia, trong đó có Mỹ, Singapore, Malaysia, Ấn Độ, Philippines và các tổ chức môi trường, đã tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức về rác thải nhựa như phát động vẽ tranh, dọn sạch rác thải trên biển và các khu vực ô nhiễm, gắn các từ khóa bảo vệ môi trường trên mạng xã hội…

THANH HẰNG/Theo SGGP