Hồ Chí Minh trong con mắt người nước ngoài hôm nay

Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020), nhiều nhà báo và học giả các nước có các bài viết thể hiện sự ngưỡng mộ và kính trọng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

 

 

Hiện thân của lý tưởng yêu nước

Tờ AJU của Hàn Quốc mới đây đăng bài viết của Giáo sư Ahn Kyung-Hwan tại trường Đại học Chosun ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Mở đầu bài viết, Giáo sư Ahn Kyung-Hwan khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nên một trang sử mới của Việt Nam, được nhân dân Việt Nam kính trọng như vị anh hùng vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc.

Tác giả cũng dẫn lại bài báo đăng trên tạp chí Times của Mỹ khi Bác qua đời ngày 2/9/1969, khẳng định: "Không có nhà lãnh đạo quốc gia nào khác trên thế giới đấu tranh bền bỉ và kiên cường trước lưỡi gươm của kẻ thù như Chủ tịch Hồ Chí Minh".

Bài viết của Giáo sư Ahn Kyung-Hwan khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của lý tưởng yêu nước, Người đã dành cả cuộc đời cho độc lập, tự do dân tộc và hạnh phúc của nhân dân, là một nhà lãnh đạo vĩ đại được toàn thể nhân dân Việt Nam kính trọng. Bài viết cũng đề cập Chủ tịch Hồ Chí Minh thành thạo tiếng Trung, Pháp, Anh, Nga và tiếng Thái. Trong thời gian bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam ở Trung Quốc, Người đã sáng tác tập thơ “Nhật ký trong tù”, một kiệt tác trong lịch sử văn học Việt Nam. Giáo sư Hàn Quốc cũng dành nhiều tình cảm viết về thời thơ ấu cũng như gia đình và Làng Sen quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Giáo sư Ahn Kyung-Hwan cũng cho rằng những hiểu biết về Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan trọng đối với việc thúc đẩy giao lưu, hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam.

Người đặt nền móng quan hệ Việt Nam-Ai Cập

Tờ The Egyptian Gazette (Công báo Ai Cập) số ra ngày 16/5 đã dành cả trang 6 để đăng trang trọng bài viết có tựa đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh và hình ảnh của Người trên đất nước Kim tự tháp” của nhà báo Hany Abdel Fattah.

Bài báo tập trung giới thiệu thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; vai trò của Người đối với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc; về hình ảnh của Người trên đất nước Kim Tự Tháp thông qua 3 chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Ai Cập và mối quan hệ thân thiết giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Ai Cập Gamal-Abdel-Nasser lúc sinh thời.

Theo nhà báo Fattah, Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị anh hùng kiệt xuất của đất nước Việt Nam, một trong những nhân vật lịch sử huyền thoại của thế kỷ XX. Đất nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành được những thắng lợi vĩ đại.

Sự lãnh đạo kiệt xuất của Người trong cuộc đấu tranh giành độc lập ở Việt Nam có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với phong trào cách mạng thế giới nhất là tại các dân tộc thuộc địa ở châu Phi và Mỹ Latinh. Người dân các nước châu Phi cũng như các nước yêu chuộng hòa bình dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh một sự kính trọng vô cùng lớn lao. Nhiều người nhắc tới Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng hai tiếng thân thương “Cụ Hồ” hay “Bác Hồ”.

Hồ Chí Minh trong một chuyến thăm Ai Cập năm 1946. (Ảnh tư liệu)

Trong những năm tháng hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ba lần đặt chân trên đất nước Ai Cập vào các năm 1911, 1946 (2 lần). Ngày 30/6/1911, con tàu La Touche Treville cập cảng Port Said ở phía Bắc kênh đào Suez đưa Người lần đầu tiên đến với đất nước Ai Cập. Ngày 8/6/1946, Hồ Chí Minh đến Ai Cập và có dịp gặp gỡ người dân, thăm Viện Khảo cổ Ai Cập, thăm những kim tự tháp nổi tiếng của quốc gia Bắc Phi này.

Sau đó vào ngày 22/6/1946, trên chặng đường về nước từ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại thăm cảng Port Said, nơi Người từng đặt chân lần đầu cách đây tròn 35 năm. Vì coi trọng Ai Cập là một nước có tầm ảnh hưởng và vị thế tại Bắc Phi, và dành nhiều tình cảm quý mến đất nước và con người Ai Cập, Hồ Chí Minh đã sớm cho đặt cơ quan đại diện Kinh tế của Việt Nam tại Ai Cập vào năm 1958; cùng Tổng thống Abdel Nasser đặt nền móng cho quan hệ hữu nghị giữa hai đất nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Ai Cập phát triển tốt đẹp cho đến ngày nay.

Theo tác giả Fattah, nhắc tới Hồ Chủ tịch, người dân Ai Cập luôn dành cho Người một sự ngưỡng mộ và vô cùng kính trọng. Nhiều người đặc biệt ấn tượng và cảm mến trước hình ảnh giản dị và gần gũi của vị lãnh tụ Việt Nam tại Kim tự tháp Saqqara hồi năm 1946.

Hành trình "Người đi tìm ánh sáng"

Trong bài viết đăng trên báo Bangladesh, bà Pooja Sengupta, Giám đốc nghệ thuật, sáng lập Nhà hát vũ kịch Turongomi của Bangladesh đã chia sẻ về tâm tư, tình cảm nhân dân Bangladesh dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bà Pooja Sengupta chính là nhà nghiên cứu, biên đạo múa vở vũ kịch về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh (công diễn tháng 9/2019). Trong bài viết, bà cũng "bật mí" những trăn trở, gian nan trong quá trình tái hiện cuộc đời của Người trong tác phẩm này.

Xuyên suốt quá trình biên đạo vở vũ kịch về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà đã cảm nhận được âm thanh văng vẳng của tiếng máy đánh chữ xung quanh, như thấy được ánh mắt kiên định có thể nhìn thấu tâm hồn mình.

Bà như được chứng kiến cuộc đấu tranh của một thanh niên dù chỉ có thể kiếm sống qua ngày nhưng làm việc hết sức chăm chỉ, tiết kiệm từng đồng để mua máy in in tờ rơi.

Và chỉ với những tờ rơi này, người thanh niên ấy đã khơi dậy sự đồng cảm của thế giới với nỗi thống khổ của dân tộc mình, để rồi cả thế giới chung tay hiện thực hóa giấc mơ giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc của Việt Nam.

Theo bà Sengupta, Chủ tịch Hồ Chí Minh được đông đảo người dân Bangladesh ngưỡng mộ, giống như ở Việt Nam. Người đã trở thành hình tượng một chính trị gia đầy cống hiến trong lòng người dân Bangladesh.

Một cảnh trong vở vũ kịch về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh (công diễn tháng 9/2019) mà bà Pooja Sengupta chính là nhà nghiên cứu, biên đạo múa.

Bà chia sẻ: " Những nghệ sĩ của Nhà hát vũ kịch Turongomi và sinh viên của Trường múa Turongomi đã làm việc rất hăng say để thể hiện tác phẩm. Trở thành một phần trong hành trình cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua sáng tạo nghệ thuật thực sự là một niềm tự hào của cá nhân tôi, các thành viên trong nhóm và của đất nước tôi".

Kết thúc bài viết, bà Sengupta gửi lời chúc mừng chân thành đến nhân dân Việt Nam và những người yêu mến Chủ tịch Hồ Chí Minh trên toàn thế giới, nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Người.

Bà nhấn mạnh: "Hồ Chí Minh là tên mà Người đã chọn cho mình. Nó có nghĩa là Người mang lại ánh sáng. Ánh sáng Người đã dày công thắp lên, chính là ánh sáng lương tri trong chúng ta, soi sáng tâm hồn mỗi chúng ta".

Tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng 

 

Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà báo Siboney del Rey đã có bài viết “Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Bác Hồ” đăng trên tờ Ciudad Caracas (Venezuela), số ra ngày 15/5 điểm lại những nét lớn trong cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Tác giả nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước. Nhiều cuộc khởi nghĩa, đấu tranh anh dũng, bất khuất giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước lần lượt thất bại, phong trào cứu nước của nhân dân Việt Nam đứng trước khủng hoảng sâu sắc về đường lối.

Với khát vọng cháy bỏng giành độc lập cho nước nhà và tự do cho nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bôn ba khắp năm châu bốn biển, vừa lao động, học tập, vừa quan sát, nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm các cuộc cách mạng điển hình trên thế - thậm chí còn nghiên cứu chủ nghĩa Mark – Lenin. Hồ Chí Minh hiểu rõ cội nguồn những đau khổ của giai cấp công nhân và phụ nữ là ở sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản đế quốc. Hơn nữa, ông còn là nhà thiên tài trí tuệ, nhận thức đúng xu thế phát triển tất yếu của loài người và tính chất mới của thời đại.

Năm 1930, Hồ Chí Minh sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam và công bố cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Đường lối cách mạng Việt Nam đã cơ bản được hình thành, con đường cứu nước đúng đắn của Việt Nam cơ bản được xác định. Điều này không chỉ khai thông bế tắc trong đường lối giải phóng dân tộc, mà còn giải quyết đúng đắn, sáng tạo và lãnh đạo thực hiện thắng lợi các vấn đề trọng yếu của cách mạng Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đã gắn kết thành một khối, làm nên thắng lợi Cách mạng tháng 8 năm 1945, lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Trong bản Tuyên ngôn độc lập đọc ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố trước nhân dân cả nước và toàn thế giới “Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đã lãnh đạo nhân dân lần lượt đánh bại mọi âm mưu, kế hoạch xâm lược của kẻ thù, đặc biệt là thắng lợi trong Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 với đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp ký Hiệp định Geneve (năm 1954), chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Trên cơ sở đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng, với sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, nhân dân Việt Nam đã lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa Việt Nam đi lên Chủ nghĩa xã hội.

Tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành nền tảng tư tưởng của Đảng, soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam. Việt Nam từ một xứ thuộc địa phong kiến, nghèo nàn, lạc hậu đã vươn lên trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình. Văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từng bước hoàn thiện. Vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.

Là lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh không bao giờ coi mình đứng cao hơn nhân dân, không để ai sùng bái cá nhân mình, chỉ tâm niệm suốt đời là người phục vụ trung thành và tận tụy của nhân dân. “Bác Hồ” đã trở thành một biểu tượng về phong cách giản dị, trọng dân và vì dân.

Sự nghiệp giải phóng dân tộc do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã đem lại vị thế xứng đáng cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Không chỉ có vậy, sự nghiệp này còn có ý nghĩa to lớn đối với nền văn hóa thế giới, chỉ ra cho nhân dân các nước thuộc địa con đường đứng lên đập tan xiềng xích nô lệ, giành độc lập, tự do cho đất nước mình, từ đó góp phần vào việc xóa bỏ chế độ thuộc địa thế giới.

Bác Hồ đã tiếp thu chọn lọc truyền thống văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, luôn nhận thức rõ vị trí và ý nghĩa đặc biệt quan trọng của văn hóa.

Năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ra Nghị quyết 24C/1865 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh tôn vinh Người là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.

Bác Hồ hết lòng, hết sức xây dựng tình đoàn kết về chủ nghĩa quốc tế vô sản chân chính, tìm ra các giải pháp đấu tranh giải phóng loài người. Hồ Chí Minh đã đưa ra lời giải đúng đắn cho vấn đề làm thế nào để giải cứu các dân tộc thuộc địa. Ông đã hoạt động không mệt mỏi để gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới.

Cuộc đời của Hồ Chí Minh là biểu tượng cao quý của tinh thần cách mạng, độc lập, yêu nước, tình yêu đối với nhân dân, công lý. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một tình yêu rộng lớn, một trí tuệ anh minh, một tầm nhìn sâu sắc về cuộc đời.

 

'Một cốt cách vẹn nguyên giá trị thời đại'.

 

Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020), nhà sử học người Pháp Alain Ruscio đã chia sẻ những công trình nghiên cứu của mình về Bác Hồ cũng như suy nghĩ và tình cảm của ông dành cho vị lãnh tụ kiệt xuất của Việt Nam.

Nhà sử học Alain Ruscio cho biết, ông sinh ra trong bối cảnh chính trị ở Pháp là cuộc đấu tranh của người dân Pháp phản đối sự xâm lược của đế quốc Mỹ tại Việt Nam. Ông còn nhớ rất rõ những cuộc biểu tình đầu tiên ủng hộ Việt Nam mà ông tham gia khi mới 17 tuổi. Xuống đường cùng nhau, ông và các bạn Pháp đã hô vang tên vị lãnh tụ biểu tượng của nhân dân Việt Nam: “Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh !”.

Theo Alain Ruscio, cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Bác Hồ tạo thành một tổng thể nhân cách của Người và chúng ta không thể tách rời riêng rẽ bất cứ phẩm chất đạo đức nào.

Ông nói: "Tất cả chúng ta phải thừa nhận Bác Hồ là người chân thành, khiêm tốn, giản dị, không màng danh lợi. Ngay cả khi đã trở thành một vị nguyên thủ quốc gia, Bác vẫn không từ bỏ phong cách sống giản dị. Chẳng hạn như Hồ Chí Minh đã chọn sống và làm việc tại ngôi nhà nhỏ trong góc Phủ toàn quyền Đông Dương (nay là Phủ Chủ tịch) thay vì ở trong toàn bộ ngôi nhà lớn. Với những nhân cách cao quý ấy, Hồ Chí Minh vẫn luôn là điển hình vẹn nguyên giá trị thời đại. Cho đến tận hôm nay, nhân cách vĩ đại Hồ Chí Minh vẫn luôn được quan tâm ở Pháp".

Cũng theo nhà sử học Alain Ruscio, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện diện trong tất cả các cuốn sách của ông. Thứ nhất, bởi vì ông đã dày công nghiên cứu nhiều về lịch sử chủ nghĩa thực dân Phá, và ông đã luôn gặp Bác Hồ trong suốt hành trình nghiên cứu đó, không chỉ về Việt Nam.

Thứ hai, sự nghiệp đấu tranh và những thông điệp của Hồ Chí Minh luôn được quan tâm, theo dõi bởi tất cả những dân tộc thuộc địa, những “Người cùng khổ” (Le Paria), tên tờ báo đầu tiên mà Nguyễn Ái Quốc sáng lập (xuất bản vào năm 1922 tại Paris, Pháp).

Cá nhân ông đã xuất bản ba tác phẩm về Bác Hồ: một tuyển tập các bài viết của Hồ Chí Minh xuất bản năm 1990 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người; một ấn phẩm tái bản “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Nguyễn Ái Quốc, ra mắt năm 1999 và gần đây nhất là cuốn sách “Hồ Chí Minh - Viết và tranh đấu” xuất bản năm 2019 nói về hành trình sự nghiệp cách mạng của Người.

Alain Ruscio cho biết, trong cuốn sách thứ ba về Bác này, cũng như cuốn sách đầu tiên xuất bản năm 1990, ông đã đăng lại bản “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” với thông điệp về khát vọng độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất, đất nước. Sáu năm sau khi Bác qua đời, Việt Nam đã giành độc lập, thống nhất đất nước và chấm dứt việc các cường quốc thế giới can thiệp vào Việt Nam trong suốt hơn một thế kỷ.

Nhà sử học người Pháp chia sẻ, ông luôn dành sự kính trọng lớn lao và lòng ngưỡng mộ cho lãnh tụ Việt Nam. Ông nói: "Đây không giống như sự tôn thờ một vị Chúa trời hay một thánh nhân không thể tiếp cận. Sự kính trọng và lòng ngưỡng mộ của tôi dành cho Bác giống như của những đứa con dành cho người cha kính yêu khi được chứng kiến cuộc đời và sự nghiệp tranh đấu của Người, từ đó, Người trở thành nguồn cảm hứng của tôi".

Alain Ruscio nguyên là phóng viên báo Nhân đạo (L’Humanité) - tờ báo của Đảng Cộng sản Pháp, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh có thời gian đã từng cộng tác. Ông là một trong số phóng viên nổi tiếng của tờ báo được cử tới Việt Nam như Madeleine Riffaud. Họ được tiếp xúc, phỏng vấn nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước ta như Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp và giới văn nghệ sỹ.

 

Trần Nhân

Tổng hợp từ Báo Thế giới và Việt Nam

Tác giả: Trần Nhân
Nguồn:vpdf.org.vn Copy link