Chính quyền địa phương 2 cấp: Cuộc cải cách lớn mang tính lịch sử dưới góc nhìn của học giả Trung Quốc

Ngày 1/7 vừa qua, Việt Nam đã tiến hành sáp nhập từ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành 34 tỉnh, thành phố, đồng thời bắt đầu thực hiện chế độ hành chính hai cấp, cấp tỉnh và cấp xã. Sự kiện này được quan tâm rộng rãi trong dư luận Trung Quốc.

 

Chú thích ảnh
Giáo sư, Tiến sĩ Thành Hán Bình (Cheng Hanping), Viện trưởng điều hành Viện nghiên cứu khu vực và quốc gia kiêm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam thuộc Đại học Công nghiệp Chiết Giang, Trung Quốc trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Trung Quốc. Ảnh tư liệu: Công Tuyên/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, là một học giả nghiên cứu về Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Thành Hán Bình (Cheng Hanping), Viện trưởng điều hành Viện nghiên cứu khu vực và quốc gia kiêm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam thuộc Đại học Công nghiệp Chiết Giang, Trung Quốc, cho rằng, đây là một cuộc cải cách lớn mang tính lịch sử, phản ánh tinh thần mạnh mẽ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như những kế hoạch đầy tham vọng của các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đối với tương lai của đất nước. Việc làm này cũng cho thấy năng lực thực hiện mạnh mẽ của các cấp trong Đảng Cộng sản Việt Nam.

Giáo sư, Tiến sĩ Thành Hán Bình khẳng định, Việt Nam tiến hành thực hiện chế độ hành chính hai cấp cũng có nghĩa là kỷ nguyên mới mà các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương đưa ra sẽ được hiện thực hóa. Từ nay, Việt Nam đã bước vào một kỷ nguyên hoàn toàn mới. Ông cho rằng đây là một bước đi đơn giản nhưng đạt được những bước tiến dài trong quá trình phát triển và điều nay sẽ có lợi cho đất nước và nhân dân, cũng như sẽ có lợi cho các thế hệ hiện tại và tương lai.

Giáo sư Thành Hán Bình nhận định, việc Việt Nam tiến hành cải cách mạnh mẽ như vậy sẽ có tác động đáng kể đến sự phát triển trong tương lai của Việt Nam ở các khía cạnh sau. Thứ nhất, sẽ làm giảm hiện tượng thừa biên chế; thứ hai là giảm gánh nặng cho người nộp thuế; thứ ba, sẽ giúp các chính sách của đất nước được thông suốt, đảm bảo rằng tất cả các ngành, các lĩnh vực có thể tập trung vào việc phục vụ nhân dân và tìm kiếm sự phát triển. Công cuộc cải cách này cũng có nghĩa là bất kỳ ai cũng có thể bị sa thải và theo ông, đây là một tín hiệu chính trị rất rõ ràng rằng phải phục vụ nhân dân một cách toàn tâm toàn ý và đây là ý nguyện ban đầu của Đảng Cộng sản là lãnh đạo vì nhân dân.

Đánh giá về mô hình chính quyền hai cấp mà Việt Nam đang thực hiện, học giả nghiên cứu về Việt Nam cho rằng, cách làm của Việt Nam đã nêu gương rất tốt cho thế giới, đặc biệt là cho nước láng giềng Trung Quốc - nước có điều kiện, tình hình đất nước tương tự như Việt Nam. Việt Nam đã có những biện pháp táo bạo và can đảm để cải cách, giảm bớt các thể chế chồng chéo, cắt giảm nhân sự không cần thiết, giảm gánh nặng cho các cơ quan chính phủ và giảm thuế cho người dân. Giáo sư Thành Hán Bình cho rằng đây cũng là biện pháp để thể hiện rằng, cán bộ, công chức phải thể hiện được năng lực, phải tạo ra sự khác biệt trong công việc...

Công Tuyên (TTXVN)

Nguồn baotintuc.vn