Đài phát thanh châu Âu tự do (RFE/RL) mới đây đã được tiếp cận chưa từng có với mạng lưới trú ẩn thời Chiến tranh Lạnh bên trong hệ thống tàu điện ngầm của Praha (CH Séc), được thiết kế để làm nơi trú ẩn trong thời chiến.
Hầm có cánh cửa nặng 20 tấn, được thiết kế để chịu được vụ nổ hạt nhân, tại một ga tàu điện ngầm dưới lòng phố Praha.
Cánh cửa này là một phần của Hệ thống bảo vệ tàu điện ngầm của Praha (Ochranny System Metra, hay OSM), một mạng lưới các hầm trú ẩn kiên cố được thiết kế để bảo vệ mọi người trong trường hợp xảy ra tấn công hạt nhân, hóa học hoặc sinh học.
OSM được xây dựng trong mạng lưới tàu điện ngầm của Praha bắt đầu từ năm 1974 khi bóng ma chiến tranh hạt nhân ám ảnh châu Âu.
Ngày nay, chính quyền Praha mô tả mục đích của OSM là "bảo vệ người dân khỏi tác động của vũ khí hủy diệt hàng loạt trong thời gian 72 giờ" và "cô lập các phần của tàu điện ngầm trong trường hợp xảy ra lũ lớn".
Mạng lưới trú ẩn được thiết kế để chứa tới 320.000 người bên trong một số nhà ga tàu điện ngầm được trang bị đặc biệt và các đường hầm giữa chúng.
Josef Filip, Giám đốc kỹ thuật của OSM, nói với RFE/RL rằng mạng lưới nơi trú ẩn là một bí mật nhà nước dưới thời Tiệp Khắc được Liên Xô hậu thuẫn. "Nó được xây dựng trong Chiến tranh Lạnh và vào thời điểm đó, nó nằm dưới sự kiểm soát của quân đội", ông Filip nói.
Mạng lưới hầm trú ẩn hạt nhân của Praha bên trong tàu điện ngầm là một trong số ít loại hầm trú ẩn như vậy trên thế giới. Một số đoạn tàu điện ngầm ở Moskva (Nga), Kiev (Ukraine) cũng được trang bị để bảo vệ mọi người khỏi vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Bộ lọc không khí bên trong OSM của Praha sẽ được kích hoạt trong trường hợp bầu khí quyển bên ngoài bị ô nhiễm bụi phóng xạ hoặc nếu Praha bị tấn công bằng vũ khí sinh học hoặc hóa học.
Một số thông tin về OSM vẫn còn bí mật. Công ty Vận tải Thành phố Praha đã yêu cầu RFE/RL không nêu rõ ga tàu điện ngầm nơi những hình ảnh này được chụp.
Ông Filip cho biết các cuộc kiểm tra được thực hiện mỗi đêm trên OSM để đảm bảo tính sẵn sàng hoạt động. Công ty vận tải trên nói với RFE/RL rằng tổng chi phí để vận hành hệ thống rất khó định lượng nhưng đối với chương trình "sửa chữa và bảo trì", khoảng 80 triệu korun Séc (3,3 triệu đô la Mỹ) được chi mỗi năm.
Nguồn nước bên trong OSM đến từ nguồn cung cấp chính của thành phố. Các nơi trú ẩn cũng có các bồn chứa nước có thể được đổ đầy để chuẩn bị trong trường hợp cơ sở hạ tầng bên ngoài bị phá huỷ.
Không có thực phẩm được lưu trữ trong OSM. Ông Filip nói: "Những người xuống đây trong trường hợp khẩn cấp sẽ mang theo đồ ăn của riêng họ".
Chỉ một số ga tàu điện ngầm ở Praha được trang bị để đóng kín trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân. Công ty Vận tải Thành phố Praha liệt kê các ga trên bản đồ tương tác, cùng với các đường hầm tàu điện ngầm giữa chúng có thể dùng làm nơi trú ẩn.
Hầu hết OSM được xây dựng trong Chiến tranh Lạnh, nhưng các phiên bản cập nhật của hệ thống thời Liên Xô đã được tích hợp vào một số ga tàu điện ngầm mới hơn do CH Séc độc lập xây dựng.
Một phát ngôn viên của Công ty Vận tải Thành phố Praha xác nhận rằng với sức chứa hạn chế của OSM chưa đến một phần tư dân số 1,4 triệu người của thủ đô CH Séc, "không thể cho rằng tất cả cư dân sẽ được trú ẩn trong tàu điện ngầm" trong trường hợp chiến tranh.
"Nhiều cư dân sẽ rời khỏi Praha trước khi xung đột vũ trang bắt đầu", người phát ngôn của Công ty Vận tải Thành phố Praha dự đoán.
Một bồn tắm và vòi nước bên trong Folimanka Shelter, một boongke ngầm ở trung tâm Prague được thiết kế để chứa người trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân.
Cũng như OSM, Praha có không gian bên trong một mạng lưới riêng biệt gồm các boongke hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh đang hoạt động, có khả năng chứa khoảng 150.000 người trong cùng khoảng thời gian 72 giờ như OSM.
Công ty vận chuyển phụ trách OSM cho biết "cần có một khoảng thời gian nhất định để đưa hệ thống bảo vệ vào trạng thái báo động", mà không nêu rõ thêm.
"Khi đạt đến mức độ sẵn sàng cao nhất, việc đóng hầm trú ẩn chỉ mất vài phút", người phát ngôn của Công ty Vận tải Thành phố Praha nói với RFE/RL, lưu ý thêm rằng "không thể sử dụng tàu điện ngầm để ẩn náu trong trường hợp xảy ra cái gọi là cuộc tấn công bất ngờ".
Trước cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, một số thành viên cấp cao của hội đồng thành phố đã thúc đẩy việc phá hủy hầm trú ẩn hạt nhân của Praha. Ngày nay, những tranh cãi về việc đóng cửa mạng lưới nơi trú ẩn của Praha đã lắng xuống.
Một số quốc gia châu Âu khác, bao gồm cả nước láng giềng Đức của CH Séc, đang tích cực chuẩn bị để bảo vệ người dân trước tình hình được gọi là "mối đe dọa quốc tế ngày càng tồi tệ".
Công Thuận/Báo Tin tức (Theo rferl.org)