Mông Cổ từng làm gì để giúp Liên Xô chiến thắng phát xít Đức?

Trong hàng ngũ Hồng quân Liên Xô, cứ 5 con ngựa thì có một con đến từ Mông Cổ và cứ 5 chiếc áo capot binh sĩ mặc thì có một chiếc được làm bằng len của Mông Cổ.

Mông Cổ là một trong những đồng minh đáng tin cậy nhất của Liên Xô trong nửa đầu thế kỷ XX. Hai nước đã cùng nhau chống lại sự xâm lược của phát xít Nhật vào nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ năm 1939. Khi Liên Xô bị quân đội Đức Quốc xã bất ngờ mở cuộc tấn công ngày 22-6-1941, người Mông Cổ đã không đứng sang một bên và cùng ngày hôm đó đã tuyên chiến với Đệ Tam Đế chế.

Mông Cổ từng làm gì để giúp Liên Xô chiến thắng phát xít Đức?
Mông Cổ là một trong những đồng minh đáng tin cậy nhất của Liên Xô trong nửa đầu thế kỷ XX. Ảnh: Legion Media 

Mặc dù chiến sự diễn ra ở châu Âu nằm cách xa Mông Cổ, nhưng nó đã thực sự trở thành cuộc chiến của nước này. Xét theo một số khía cạnh, thì việc Mông Cổ giúp đỡ Liên Xô trong cuộc chiến này không thua kém các khoản hỗ trợ của Hoa Kỳ theo chương trình Lend-Lease.

Món quà của nhân dân Mông Cổ

Giới lãnh đạo Mông Cổ hiểu rằng, họ sẽ không thể điều quân đội sang phía Tây, bởi lúc đó vẫn còn hiện hữu mối đe dọa lớn từ quân Nhật và nước này không thể thành lập một đội quân viễn chinh thực sự. Vì vậy, Mông Cổ muốn hỗ trợ kinh tế bằng mọi khả năng có thể cho đất nước Xô viết láng giềng phía Bắc của mình.

Với khẩu hiệu “Không được có một người nào trong nước không đóng góp cá nhân vào Quỹ hỗ trợ Hồng quân”, một chiến dịch quyên góp tiền và quà tặng dành cho Hồng quân Liên Xô đã bắt đầu triển khai tại Mông Cổ.

Mông Cổ từng làm gì để giúp Liên Xô chiến thắng phát xít Đức?
Tặng phẩm được phía Mông Cổ chuẩn bị để gửi sang Liên Xô. Ảnh tư liệu 

Ngay tháng 10-1941, chuyến hàng tặng phẩm đầu tiên đã được nhân dân Mông Cổ gửi sang Liên Xô với đầy những chiếc áo khoác da cừu, áo lông thú, găng tay mùa đông, ủng dạ, áo len và thắt lưng. Chuyến hàng tiếp theo vào tháng 2-1942 được bổ sung thêm những nhu yếu phẩm như thịt, giò chả, bơ, bánh kẹo. Sau đó, những chuyến tàu vẫn tiếp tục chở hàng tặng phẩm từ Mông Cổ sang Liên Xô cho đến đầu năm 1945.

Một trong những nhà tài trợ nhiều nhất là nữ nông dân du mục người Mông Cổ có tên là Engaelyn Badam. Gia đình cô đã quyên góp 16 con lạc đà, 93 con ngựa, 1.600 con cừu để giúp đỡ mặt trận, cũng như tặng một khoản tiền trị giá 10.000 Tugrik đủ để có thể mua thêm 12.500 con cừu.

Nguyên liệu chiến lược

Bên cạnh quà tặng, Mông Cổ còn thường xuyên cung cấp cho Liên Xô số lượng lớn thịt, len, da cừu và ngựa với giá cả ước lệ. Theo đó, Moscow thanh toán bằng các sản phẩm hàng hóa công nghiệp và lương thực mà Mông Cổ cần, cũng như trừ vào các khoản nợ của nước này đối với Liên Xô.

Trong suốt thời gian chiến tranh, phía Mông Cổ đã cung cấp cho đồng minh Liên Xô khoảng 500.000 tấn thịt (đến từ Mỹ là 665.000 tấn thịt hộp), 64.000 tấn len (từ Mỹ là 54.000 tấn). Cứ 5 chiếc áo capot mà người lính Liên Xô mặc thì có một chiếc được làm bằng len của Mông Cổ.

Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ về cơ bản là nhà cung cấp da cừu duy nhất cho Liên Xô. Nhờ đó mà những chiếc áo khoác da cừu đã được sản xuất ra dành cho các chỉ huy Hồng quân.

Mông Cổ từng làm gì để giúp Liên Xô chiến thắng phát xít Đức?
 Đội quân xe tăng Mông Cổ dành tặng Hồng quân Liên Xô. Ảnh tư liệu

 

Mông Cổ từng làm gì để giúp Liên Xô chiến thắng phát xít Đức?
Phi đội máy bay chiến đấu số 2 mang tên “Nông dân du mục Mông Cổ”. Ảnh tư liệu 

Những chú ngựa của Mông Cổ là món quà viện trợ quý giá nhất cho Hồng quân Liên Xô. Chỉ trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, Liên Xô đã mất gần một nửa số gia súc hiện có. Tính đến tháng 9-1942, trong số 17,5 triệu gia súc thì chỉ còn lại 9 triệu con.

Trong suốt cuộc chiến, nhà nước Mông Cổ đã mua của những người nông dân du mục gần 485.000 con ngựa cho Liên Xô, đồng thời những người nông dân nước này cũng đã tặng thêm 32.000 con. Những con vật dễ nuôi và dai sức này đã thích nghi tốt với điều kiện khắc nghiệt của Mặt trận phía Đông, cũng như tích cực hỗ trợ quân đội Liên Xô trong việc vận chuyển hàng hóa và pháo binh cho đến khi vấn đề xe tải hàng được giải quyết. Trên mặt trận, cứ 5 con ngựa của Liên Xô thì có một con đến từ Mông Cổ.

Vị tướng Liên Xô Issa Pliev kể lại: “Những chú ngựa có khả năng hành quân tuyệt vời. Giống ngựa lùn của Mông Cổ có cơ thể khỏe mạnh và tứ chi ngắn mạnh mẽ với những bộ móng guốc nhỏ chắc chắn. Chúng có thể di chuyển cả trăm cây số trong nhiều ngày liên tục... Có một chú ngựa bền bỉ của Mông Cổ đã cùng xe tăng Liên Xô tiến vào Berlin”.

Xe tăng, máy bay và quân tình nguyện

Ngày 16-1-1942, ban lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ đã thông qua quyết định quyên tiền xây dựng một đội quân xe tăng dành tặng Hồng quân Liên Xô. Một năm sau, phái đoàn Mông Cổ do Thống chế Khorlogiin Choibalsan dẫn đầu đã bàn giao 32 xe tăng T-34 và 21 xe tăng hạng nhẹ T-70 cho Lữ đoàn xe tăng 112 của Liên Xô.

Lữ đoàn 112, được đặt tên là “Mông Cổ cách mạng”, đã tham gia Trận chiến vòng cung Kursk, nơi họ đã thể hiện sự xuất sắc của mình trong các cuộc giao tranh chống lại Sư đoàn “Đại Đức”, một trong những đơn vị nổi tiếng nhất của quân đội Đức Quốc xã. Các chiến sĩ Lữ đoàn 112 đã được cả Liên Xô và Mông Cổ trao tặng huy chương vì lòng quả cảm và anh dũng.

Đến mùa hè năm 1943, bằng tiền quyên góp của người dân Mông Cổ, phi đội máy bay chiến đấu số 2 mang tên “Nông dân du mục Mông Cổ” đã được thành lập. Ngày 25-9 năm đó, phi đội này được long trọng bàn giao cho Trung đoàn Cận vệ số 2 thuộc Sư đoàn máy bay chiến đấu số 322 của Liên Xô.

“Và giờ phút chờ đợi bấy lâu nay đã đến. Từ sau khu rừng, lần lượt 12 chiếc máy bay chiến đấu La-5 mới toanh khác xuất hiện, trên thân ghi dòng chữ đỏ tươi “Nông dân du mục Mông Cổ”. Sau khi thực hiện bay một vòng tròn nghi lễ trên bầu trời, chúng bay vào khu vực riêng biệt. Những tiếng hò reo “Hoan hô phi đội Nông dân du mục Mông Cổ!” vang lên át cả tiếng gầm rú của động cơ”, Trung tướng không quân Liên Xô Alexander Semyonov nhớ lại thời khắc ngày hôm đó.

Phi đội máy bay chiến đấu này đã tham gia các trận đánh quan trọng nhất trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Liên Xô, như chiến dịch Bagration, các chiến dịch Berlin và Praha. Phía Mông Cổ đã đảm nhận một phần chi phí cho việc nuôi quân của phi đội số 2 (cho cả lính tăng của Lữ đoàn “Mông Cổ cách mạng”), cũng như không bao giờ lơ là việc khen thưởng cho các chiến sĩ của đất nước mình vì lòng dũng cảm.

Có từ 500 đến hàng nghìn quân tình nguyện Mông Cổ đã tham gia cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Trong lực lượng Hồng quân Liên Xô, họ được đánh giá cao vì những kỹ năng tuyệt vời về săn bắn và cưỡi ngựa. Vì vậy, họ được điều động để phục vụ trong đội kỵ binh, cũng như được trọng dụng vào mục đích trinh sát và bắn tỉa.

QUỐC KHÁNH (theo Russia Beyond)