Thứ bảy, 10/05/2025 - 11:08

Nguyên soái Trung Quốc chết thảm sau vụ mưu sát lãnh tụ: Vén màn chuyến bay định mệnh

Khi máy bay của Lâm Bưu bị rơi ở Mông Cổ vào ngày 13/9/1971, chính phủ Mông Cổ đã có báo cáo điều tra, bác bỏ kết luận máy bay gặp nạn khi hạ cánh khẩn cấp do không đủ nhiên liệu.

Âm mưu đảo chính bất thành, rạng sáng ngày 13/9/1971 - vài giờ sau khi biết tin mưu đồ ám sát lãnh tụ Mao Trạch Đông đã thất bại, Nguyên soái Trung Quốc Lâm Bưu đưa vợ là Diệp Quần và con trai Lâm Lập Quả cùng 6 người khác bỏ trốn khỏi Trung Quốc trên chiếc máy bay Trident 256. 

Máy bay đã bị rơi vài giờ sau đó trên địa phận thành phố Öndörkhaa, Mông Cổ. 

Theo chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đại sứ Trung Quốc tại Mông Cổ Từ Văn Ích và những người có liên quan đã đến chụp ảnh hiện trường vụ máy bay rơi và gửi về Trung Quốc. Sau đó, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã đưa ra kết luận rằng máy bay tự rơi.

Trung Quốc muốn đưa xác Lâm Bưu về nước bất thành

12 giờ trưa ngày 14/9/1971, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mông Cổ đã gửi một bức điện thông báo rằng chiếc Trident bị rơi và tất cả 9 người trên máy bay đều thiệt mạng.

Nguyên soái Trung Quốc chết thảm sau vụ mưu sát lãnh tụ: Vén màn chuyến bay định mệnh - Ảnh 1.

Hiện trường vụ máy bay Trident 256 bị rơi. Ảnh: inf.news

Các nhân viên Đại sứ quán Trung Quốc đã đến địa điểm máy bay rơi để chụp ảnh xác nhận danh tính của những người thiệt mạng, và đề xuất với phía Mông Cổ rằng thi thể các nạn nhân nên được đưa trở lại Trung Quốc. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị phía Mông Cổ từ chối.

Sau đó họ lại thương lượng nhiều lần nhưng vẫn bị phía Mông Cổ từ chối. Cuối cùng, quyết định đã được đưa ra: Lâm Bưu và những nạn nhân khác sẽ được an táng tại Mông Cổ.

Vào thời điểm đó, vị trí chính xác của vụ rơi máy bay là 10km về phía nam của khu khai thác quặng Belhe ở huyện Idermeg, thành phố Öndörkhaa. Phía Trung Quốc vốn đề nghị chôn cất các nạn nhân ngay tại chỗ, nhưng phía Mông Cổ lại một lần nữa từ chối với lý do phong tục Mông Cổ quy định rằng người quá cố không nên được chôn ngay tại nơi chết.

Cuối cùng, 9 thi thể trong đó có Lâm Bưu đã được chôn tại vị trí cách nơi họ chết 1km. Bia mộ ghi là "Mộ của 9 đồng bào gặp nạn trong sự cố hàng không dân dụng Trung Quốc vào ngày 13/9/1971".

Tuy nhiên, đến ngày 13/9/2008, một nhóm người giấu tên đã dựng một tấm bia mộ khác cho Lâm Bưu, trên tấm bia chỉ ghi "Mộ của người gặp nạn ngày 13/9".

Nguyên soái Trung Quốc chết thảm sau vụ mưu sát lãnh tụ: Vén màn chuyến bay định mệnh - Ảnh 2.

Tấm bia mộ Lâm Bưu được dựng lại với nội dung "Mộ của nạn nhân ngày 13/9". Ảnh: qq.com

Đã có ẩu đả giữa các phi hành đoàn

Hãng thông tấn nhà nước Trung QUốc Tân Hoa Xã vào năm 2006 dẫn báo cáo của Kyodo News (Nhật Bản) cho hay, khi máy bay của Lâm Bưu bị rơi ở Mông Cổ vào ngày 13/9/1971, chính phủ Mông Cổ lúc đó đã có báo cáo điều tra. Bản báo cáo đã bác bỏ kết luận chung chung rằng máy bay gặp nạn khi hạ cánh khẩn cấp do không đủ nhiên liệu.

Một người có liên quan ở Mông Cổ ám chỉ rằng đã có một vụ đánh nhau trên chuyến bay vào thời điểm đó.

Cựu Phó Giám đốc Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Mông Cổ Osolin Otkungjeg - người từng đứng đầu cơ quan an ninh công cộng địa phương và tham gia điều tra vụ Lâm Bưu rơi máy bay - khẳng định rằng, lúc đó, chính phủ Liên Xô cũ đã tích cực tham gia ngay từ đầu vào cuộc điều tra vụ việc, tiến hành phục hồi hộp đen và các công việc khác.

Bản báo cáo có tiêu đề "Tài liệu xác định nguyên nhân vụ tai nạn máy bay Trung Quốc ở Mông Cổ", được lập ngày 20/11/1971, tổng cộng có 16 trang.

Báo cáo nêu rõ, cuộc điều tra vụ máy bay Lâm Bưu gặp nạn vào ngày 13/9/1971 được thực hiện từ ngày 8 đến 18/10/1971, tức khoảng một tháng sau vụ tai nạn, khi các chuyên gia Liên Xô tham gia điều tra.

Bản báo cáo viết rằng, nhóm điều tra vào thời điểm đó đã kết luận rằng nguyên nhân trực tiếp của vụ tai nạn máy bay là các vấn đề điều hướng nên đã loại trừ khả năng máy bay bị bắn rơi.

Báo cáo cho biết, máy bay Trident do Anh sản xuất hiếm khi mắc lỗi đường bay trong điều kiện thời tiết tốt, và cũng không nhận được bất kỳ tín hiệu liên lạc vô tuyến nào từ máy bay. Hai điều này cho thấy, lời giải thích trước đó của phía Trung Quốc rằng máy bay mắc lỗi đường bay là không có ý nghĩa.

Nguyên soái Trung Quốc chết thảm sau vụ mưu sát lãnh tụ: Vén màn chuyến bay định mệnh - Ảnh 3.

Địa điểm nơi máy bay của Lâm Bưu bị rơi. Ảnh: inf.news

Bản báo cáo cũng bày tỏ nghi ngờ về giả thuyết máy bay của Lâm Bưu không đủ nhiên liệu. Báo cáo viết: "Thực tế là các mảnh vỡ của máy bay đã cháy trên một khu vực rất rộng trong một thời gian dài. Điều này cho thấy rằng nó có đủ nhiên liệu để tiếp tục bay".

Báo cáo viết: "Ngọn lửa bao trùm một khu vực dài 975 mét và rộng 321 mét".

Bản báo cáo còn cho biết, khi máy bay gặp nạn, động cơ vẫn bình thường và "không có bằng chứng nào cho thấy phi hành đoàn đã quyết định hạ cánh vì lý do khẩn cấp".

Một nguồn tin ở Mông Cổ vào thời điểm đó cho biết, các nhà điều tra nhất trí rằng phải có một cuộc ẩu đả giữa các thành viên phi hành đoàn trên máy bay, một người ủng hộ Lâm Bưu muốn trốn sang Liên Xô, người kia muốn trở về Trung Quốc.

Bản báo cáo này của Mông Cổ viết rằng, một trong tám khẩu súng được tìm thấy tại địa điểm máy bay rơi đã được nạp đạn.

Liệu có bất kỳ vụ bạo lực dẫn đến nổ súng nào trên máy bay hay không vẫn còn là một ẩn số. Theo một báo cáo điều tra chung khác của chính phủ Liên Xô và Mông Cổ, không có vết đạn nào được phát hiện trên thi thể của Lâm Bưu.