Pháo Paris - Siêu vũ khí của Đức thời Thế chiến I - Kỳ cuối

Dù Pháo Paris có tầm bắn gây choáng ngợp và khiến người dân Paris hoảng loạn, nhưng hiệu quả chiến thuật lại không cao.

 

Kỳ cuối: Sai lầm chiến lược

Theo trang historynet.com, từ tháng 3 đến tháng 8, ba khẩu Pháo Paris đã bắn khoảng 367 phát (tài liệu Pháp ghi nhận 303 phát), nhưng chỉ có 183 quả rơi trong phạm vi thành phố Paris.

Chú thích ảnh
Thiệt hại do Pháo Paris gây ra tại Nghĩa trang Père Lachaise vào ngày 25/3/1918. Ảnh: allthatsinteresting

Các loạt đạn được bắn cách nhau 15 phút, gây hoảng loạn cho người dân Paris. Nhiều người tin rằng đây là bom từ máy bay hoặc khí cầu không thể bị phát hiện nên đã cố gắng rời thành phố.

Đại sứ Mỹ William Graves Sharp nhớ lại: “Cứ như thể có một sứ giả lạ đến từ sao Hỏa, mang theo cái chết, đột ngột xuất hiện giữa các con phố của thành phố. Các đầu đạn rơi xuống từ không trung như những thiên thạch khổng lồ”.

Khẩu Pháo Paris tiếp tục bắn theo đợt suốt sáu tháng kinh hoàng. Tổng cộng, từ 320 đến 367 quả đạn được bắn ra, khiến 256 người thiệt mạng và 625 người bị thương.

Ngày thảm khốc nhất là 29/3, khi một đầu đạn rơi trúng nhà thờ Saint-Gervais-Saint-Protais trong lúc đang làm lễ, khiến gần 100 người thiệt mạng, trong đó có nhiều thành viên quý tộc châu Âu. Nhà văn Pháp Romain Rolland sống tại Paris thời điểm đó và đã ghi lại sự kiện này trong tác phẩm “Pierre và Luce”: “Ngay lúc đó, trụ cột lớn nơi họ tựa vào chuyển động và toàn bộ nhà thờ rung lên từ chân móng. Và Luce, trái tim cô đập mạnh đến mức át tiếng nổ và tiếng la hét, nhào lên người Pierre... và trụ cột lớn đổ sập xuống họ trong một tiếng rầm khủng khiếp”.

Tuy nhiên, hành động khủng bố từ khẩu Pháo Paris đối với thành phố không kéo dài lâu, lần bắn cuối cùng diễn ra ngày 9/8.

Dù khẩu pháo này rất ấn tượng, nhưng cũng có nhiều điểm yếu. Đầu đạn nhỏ, nòng pháo phải thay thường xuyên do áp lực cực lớn và độ chính xác thấp.

Trung bình mỗi quả đạn nặng 106 kg, nhưng phần lớn khối lượng đó nằm ở thân đạn, vốn cần được gia cố để chịu được áp lực cực lớn khi bắn. Lượng thuốc nổ thực tế chỉ nặng 15 kg. Kết hợp giữa lượng thuốc nổ nhỏ và thân đạn dày đã tạo ra vụ nổ nhỏ với số mảnh đạn không nhiều, nhưng có kích thước lớn. Một quả đạn rơi xuống khu vườn nổi tiếng Jardin des Tuileries ở Paris chỉ để lại một hố rộng 3,6 mét, sâu 1,2 mét.

Độ chính xác của các khẩu pháo này cũng không cao. Theo cách gọi của pháo thủ, sai số xác suất tầm bắn là cộng hoặc trừ 2,4km ở tầm bắn tối đa, còn sai số xác suất lệch hướng (tức phân tán ngang) là cộng hoặc trừ 0,8 km. Paris vào năm 1918 có các quận hành chính chính rộng khoảng 12km. Điều đó có nghĩa là pháo có khả năng bắn trúng thành phố, nhưng trúng vị trí nào thì hoàn toàn là chuyện may rủi.

Do Pháo Paris thực chất là pháo hải quân cải tiến, nên thủy thủ của Hải quân Đức vận hành, mỗi khẩu gồm 60 - 80 người cùng kỹ sư dân sự hỗ trợ. Đơn vị dưới quyền Phó Đô đốc Maximilian Rogge chỉ huy. Một tiểu đoàn bộ binh bảo vệ, 10 phi đội máy bay yểm trợ.

Đến năm 1918, cả hệ thống định vị âm thanh của phe Hiệp ước lẫn phe Đức đều đã đủ tiên tiến về mặt công nghệ để xác định vị trí khẩu đội pháo địch với độ chính xác trong phạm vi 20 m, trong điều kiện lý tưởng. Vì vậy, quân Đức đã bố trí 30 khẩu đội pháo hạng nặng của lục quân xung quanh các khẩu Pháo Paris, đồng thời canh thời điểm khai hỏa sao cho tiếng nổ của pháo hỗ trợ che lấp âm thanh khai hỏa của khẩu đội chính.

Chú thích ảnh
Binh lính nạp đạn vào khẩu Pháo Paris. Ảnh: Alamy Stock

Hoàng đế Wilhelm II đích thân đến thăm các vị trí khai hỏa trong ngày đầu tiên của chiến dịch. Bất chấp sự hoang mang ban đầu của phía Pháp và nỗ lực của quân Đức nhằm che giấu các khẩu pháo, đến ngày 24/3, người Pháp đã có ý niệm sơ bộ về vị trí đặt pháo. Vào khoảng giữa trưa hôm đó, khẩu đội Pháo Paris bắt đầu hứng chịu hỏa lực phản pháo rải rác từ phía Pháp. Mặc dù nhìn chung không chính xác, một quả đạn đã bắn trúng một cái cây gần khẩu pháo số 1 và vụ nổ trên không sau đó khiến ít nhất 6 binh sĩ bị thương. Ngày hôm sau, khẩu pháo số 3 bị nổ nòng.

Khẩu đội pháo đã hai lần di chuyển lên phía trước trong suốt cuộc chiến. Vị trí khai hỏa thứ hai nằm gần Beaumont-en-Beine và vị trí thứ ba gần Bruyères-sur-Fère, cách Paris chưa đầy 100 km. Những nòng pháo được khoan rộng lại, do buồng đạn lớn hơn nên tầm bắn bị giảm, chỉ có thể sử dụng tại các vị trí tiền tiêu này.

Bất chấp những thắng lợi chiến thuật đáng kể mà quân Đức giành được trong các chiến dịch tấn công năm 1918, họ buộc phải rút lui trước cuộc phản công của phe Đồng minh bắt đầu vào ngày 18/7. Một khẩu đội Đức đã bắn phát đạn cuối cùng từ Pháo Paris vào chiều ngày 9/8/1918, sau đó các khẩu pháo được tháo dỡ và đưa trở về Đức.

Khi chiến tranh gần kết thúc, quân Đức đã phá hủy toàn bộ số Pháo Paris, còn tập đoàn Krupp thì thiêu hủy phần lớn tài liệu nghiên cứu và phát triển liên quan. Bằng chứng duy nhất còn lại về các khẩu pháo này là những bệ phóng bằng bê tông nằm trong khu rừng gần Crépy.

Dù Pháo Paris là một thành tựu công nghệ đáng kinh ngạc, nhưng loại vũ khí này không hề ảnh hưởng đến kết cục của Thế chiến I. Tuy nhiên, lẽ ra Pháo Paris đã có thể tạo ra ảnh hưởng đó.

Quân Đức đã chọn sử dụng công nghệ tiên tiến này để làm vũ khí khủng bố tâm lý, thay vì phát huy sức mạnh để tấn công các mục tiêu có ý nghĩa quân sự hơn nhiều. Một trong những điểm yếu lớn nhất của phe Đồng minh năm 1918 là hệ thống hậu cần vốn mong manh và quá tải của Lực lượng Viễn chinh Anh (BEF). Tuyến liên lạc hậu cần của BEF từ Anh sang Pháp chỉ dựa vào vài cảng chủ chốt ở Anh và sáu cảng lớn ở Pháp. Đây là những điểm nghẽn sinh tử mà quân Đức lại chưa từng cố gắng đánh phá. Nếu họ bố trí các khẩu Pháo Paris tại vùng Flanders thay vì Picardy, họ hoàn toàn có thể bắn phá thành phố Dover ở Anh, cùng với Boulogne hoặc Calais ở Pháp. Ngay từ năm 1914, chính ông Rausenberger đã nói với Bộ Tổng tham mưu Tối cao Đức (OHL) rằng ông có thể chế tạo một khẩu pháo đủ sức bắn tới Dover. Chỉ cần tạo áp lực lên các cảng hậu cần của BEF là đã có thể gây xáo trộn lớn hơn nhiều so với việc gieo rắc nỗi sợ hãi trong dân chúng thủ đô nước Pháp.

Người Đức đã lặp lại sai lầm chiến lược tương tự trong Thế chiến II. Lần này, “vũ khí kỳ quan” là bom bay V-1 và tên lửa V-2. Nhưng một lần nữa, quân Đức lại nhắm vào các trung tâm dân cư như London và Paris, thay vì các mục tiêu quân sự trọng yếu như sân bay phe Đồng minh trên lục địa. Chỉ trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến, họ mới bắt đầu tấn công vào cảng Antwerp - đầu mối hậu cần then chốt của phe Đồng minh. Đến năm 1944, lẽ ra người Đức đã phải rút ra được bài học từ cả hai cuộc thế chiến: các cuộc tấn công tầm xa nhằm vào dân thường không những không hiệu quả mà còn thường phản tác dụng. Đây là một bài học mà nhiều nhà lãnh đạo quân sự và chính trị ngày nay vẫn chưa thấu hiểu.

Thùy Dương/Báo Tin tức