Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Giáo hoàng Francis đã qua đời ở tuổi 88 sau khi bị đột quỵ và suy tim tại nhà riêng ở Vatican. Đức Thánh Cha đã trải qua nhiều tháng sức khỏe yếu, từng phải nhập viện hồi tháng 2 vì viêm phế quản. Hôm Chủ Nhật Phục Sinh, ông đã xuất hiện trong thời gian ngắn tại Quảng trường Thánh Phêrô để dự Thánh lễ. Mật nghị sắp tới với 135 hồng y có thể sẽ chọn một người rất khác để kế nhiệm vị giáo hoàng có tư tưởng tự do này.
Tổng thống Donald Trump tiếp tục gây áp lực lên Jerome Powell, chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, cho rằng hiện tại “gần như không có lạm phát” nên ông Powell cần hạ lãi suất. Ông Trump cũng cáo buộc ông Powell giúp đỡ Kamala Harris, đối thủ Dân chủ của ông trong cuộc bầu cử tổng thống, bằng cách cắt giảm lãi suất vào cuối năm ngoái. Đồng đô la suy yếu sau những phát biểu của ông.
Trong khi đó, chứng khoán Mỹ lao dốc do lo ngại về việc ông Trump tiếp tục chỉ trích ông Powell cũng như về các chính sách kinh tế của tổng thống. Chỉ số S&P 500 và NASDAQ đều giảm hơn 2%. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 và 30 năm cũng tăng. Giá vàng, một tài sản trú ẩn an toàn, tăng 3%.
Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đã kiện Uber, cáo buộc công ty này lừa dối khách hàng để họ đăng ký Uber One, dịch vụ hội viên có thu phí, và gây khó khăn khi khách muốn hủy đăng ký. Uber phủ nhận cáo buộc. Chủ tịch FTC, Andrew Ferguson, cho biết việc điều tiết các công ty công nghệ lớn sẽ là một trong những “ưu tiên chính” của chính quyền Trump.
Công ty CATL của Trung Quốc vừa giới thiệu một loại pin có thể giúp ô tô đi được 520km chỉ sau năm phút sạc. Công nghệ này vượt trội so với pin công bố tháng trước của BYD, một hãng xe điện cũng đến từ Trung Quốc, với phạm vi 470km trong cùng thời gian sạc. Cả hai công ty đều đi trước các nhà sản xuất ô tô phương Tây về công nghệ pin.
Ronen Bar, người đứng đầu cơ quan an ninh nội địa Israel, cáo buộc thủ tướng Binyamin Netanyahu yêu cầu lòng trung thành cá nhân từ ông và ra lệnh cho ông theo dõi những người biểu tình chống chính phủ. Tổ chức của ông Bar, Shin Bet, đang điều tra cáo buộc tham nhũng liên quan đến các trợ lý của ông Netanyahu. Ông Netanyahu đổ lỗi cho Shin Bet vì đã không ngăn được các vụ tấn công ngày 7 tháng 10 năm 2023. Tòa án Tối cao đã chặn nỗ lực sa thải ông Bar của ông Netanyahu.
Mỹ và Philippines bắt đầu các cuộc tập trận quân sự thường niên. Mỹ cho biết cuộc tập trận năm nay là lần đầu tiên các lực lượng hai nước “thử nghiệm chiến đấu toàn diện” ở Biển Đông. Quân đội Nhật Bản cũng sẽ lần đầu tham gia. Hồi tháng 3, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Pete Hegseth cho biết Mỹ muốn “tái thiết lập khả năng răn đe” trong khu vực.
Con số trong ngày: 135, là số hồng y dưới 80 tuổi đủ điều kiện bỏ phiếu chọn người kế vị Giáo hoàng Francis.
TIÊU ĐIỂM
Tesla khó khăn vì Elon Musk
Các cổ đông của Tesla đang chuẩn bị tinh thần cho tin xấu khi công ty công bố kết quả kinh doanh quý một vào thứ Ba. Giá cổ phiếu của hãng xe điện này đã giảm gần 50% kể từ đầu năm. Trừ khi Elon Musk có thể cho thấy biên lợi nhuận bù đắp cho sản lượng và doanh số giao xe giảm — lần lượt giảm 16% và 13% so với năm 2024 — giá cổ phiếu của Tesla có thể sẽ tiếp tục xuống sâu hơn.
Tesla đang đối mặt với hàng loạt vấn đề lớn. Việc ông Musk công khai ủng hộ Donald Trump đã làm tổn hại đến thương hiệu, khiến doanh số tại châu Âu sụt giảm mạnh. Nhu cầu cho xe điện cũng đang yếu đi, và Tesla đã mất vị trí dẫn đầu tại thị trường Trung Quốc vào tay BYD, một công ty nội địa. Dù đã có một số cập nhật mới, nhìn chung các mẫu xe của Tesla hoặc bị cho là lỗi thời hoặc trông kỳ quặc. Cybertruck, chiếc bán tải có thiết kế khác thường, là một thất bại: doanh số năm 2024 chưa đến 40.000 chiếc, chỉ bằng một phần nhỏ so với dự báo 250.000 chiếc của ông Musk. Một điểm sáng là mảng lưu trữ năng lượng của công ty, tăng trưởng 67% trong năm ngoái. Song lĩnh vực này chỉ chiếm 10% tổng doanh thu.
Phản ứng của Trump sau khi Giáo hoàng Francis qua đời
Khi tưởng nhớ Giáo hoàng Francis, người đã qua đời vào Thứ Hai Phục Sinh, các tín đồ Công giáo cũng đang suy ngẫm về quá trình bầu chọn người kế nhiệm ông. Đây không phải lần đầu tiên việc này mang ý nghĩa chính trị to lớn. Hiện nay có hai lý do nổi bật.
Điểm thứ nhất được thể hiện qua phản ứng của tổng thống Mỹ Donald Trump về cái chết của Giáo hoàng, khi ông nhắc đến lời chúc phúc của Chúa dành cho vị giáo hoàng và “tất cả những ai yêu mến ông.” Cách diễn đạt này ám chỉ rằng ông Trump không nằm trong số đó. Là vị giáo hoàng cấp tiến nhất kể từ John XXIII vào những năm 1960, Francis đã thẳng thừng chỉ trích chính sách nhập cư của chính quyền Trump. Người kế nhiệm Francis sẽ quyết định liệu quyền lực mềm của Tòa Thánh có tiếp tục thách thức nước Mỹ ngày càng cứng rắn dưới thời Trump hay không. Lý do thứ hai, cũng liên quan, xuất phát từ sự thay đổi trong cơ cấu dân số của giáo hội. Mật nghị hồng y có thể sẽ cho rằng một giáo hội với phần lớn tín hữu đến từ các nước phương Nam toàn cầu cần có một giáo hoàng đến từ châu Phi hoặc châu Á.
Nga lôi kéo một đồng minh Trung Á
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov sẽ đến Uzbekistan vào thứ Ba. Nga đang cố gắng củng cố ảnh hưởng của mình tại Trung Á, một khu vực mà Moscow xem là nằm trong phạm vi ảnh hưởng của mình. Chuyến đi dường như là phản ứng trước hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa năm nước Trung Á và Liên minh châu Âu, được tổ chức tại Uzbekistan trong tháng này. Cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã khiến Trung Á lo lắng, và đây là một trong những lý do khiến các nhà lãnh đạo trong khu vực tìm cách tiếp xúc với các cường quốc khác.
Điện Kremlin không muốn Trung Á — một khu vực chiến lược nằm giữa Nga, Trung Quốc và Iran — xích lại gần phương Tây. Dù lo ngại về tình hình ở Ukraine, năm nước Trung Á vẫn xem mình trước hết là đồng minh của Nga. Họ từng là một phần của Liên Xô cũ và vẫn duy trì các mối quan hệ chính trị, kinh tế, và an ninh chặt chẽ với Moscow. Tổng thống Uzbekistan, Shavkat Mirziyoyev, đã trải thảm đỏ chào đón Vladimir Putin vào năm ngoái. Ông Lavrov có thể trông đợi một sự tiếp đón nồng hậu khi đến Uzbekistan hôm nay.
Myanmar sau động đất: thêm khốn cùng giữa chiến tranh
Trận động hôm 28 tháng 3 ở Myanmar đã đổ thêm đau thương lên một cuộc nội chiến kéo dài. Đây là trận động đất gây chết người nhất kể từ động đất Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hồi năm 2023. Nhưng trong lúc người dân đang đào bới đống đổ nát, chính quyền quân sự Myanmar lại tiếp tục ném bom vào các khu vực bị tàn phá. Mãi sáu ngày sau, khi các nhóm nổi dậy đã tuyên bố ngừng bắn, chính quyền mới miễn cưỡng dừng các hoạt động quân sự.
Song lệnh ngừng bắn kéo dài đến thứ Ba này chỉ là hình thức. Kể từ khi bắt đầu ngừng bắn, chính quyền quân sự đã giết chết ít nhất 80 người qua hơn 120 cuộc không kích và pháo kích. Trong khi đó động đất càng làm trầm trọng thêm thảm họa nhân đạo do cuộc chiến bốn năm qua gây ra. Với 3,5 triệu người phải di dời, Liên Hợp Quốc cảnh báo nguy cơ bùng phát khủng hoảng y tế cộng đồng nghiêm trọng. Các dư chấn mạnh vẫn tiếp tục xảy ra, làm cản trở nỗ lực của các nhân viên cứu trợ. Bi kịch của Myanmar cho thấy thiên tai có thể làm gia tăng nỗi thống khổ do xung đột gây ra.
Theo Nghiên cứu Quốc tế