Số phận thế giới được định đoạt tại hội nghị quốc tế Tehran 1943 như thế nào?

Trong Thế chiến 2, liên minh chống phát xít giữa ba cường quốc Anh-Mỹ-Liên Xô được hình thành từ mùa Hè năm 1941, sau khi Đức tấn công Liên Xô.

 

 

Lãnh đạo Liên Xô, Mỹ và Anh tại hội nghị quốc tế Tehran năm 1943 (Ảnh: AIF)

Lãnh đạo Liên Xô, Mỹ và Anh tại hội nghị quốc tế Tehran năm 1943 (Ảnh: AIF)

Lãnh đạo ba nước liên minh trao đổi với nhau chủ yếu dưới hình thức gián tiếp. Thế nhưng, những cuộc tiếp xúc cá nhân đó lại có ý nghĩa quyết định đến việc giải quyết các vấn đề chính trị quan trọng.

Trong số ba nhà lãnh đạo Anh-Mỹ-Liên Xô, thủ tướng Anh Winston Churchill là thành viên hoạt động tích cực nhất. Tuy nhiên, ý tưởng tổ chức Hội nghị quốc tế vẫn rất mơ hồ. Quyết định phải tiến hành một hội nghị quốc tế chỉ được thông qua sau khi Hồng quân Liên Xô giành được thắng lợi ở Stalingrad và vòng cung Kursk vào cuối năm 1942, đầu năm 1943, khi cuộc chiến đã có những thay đổi mang tính bước ngoặt quan trọng. Vấn đề còn lại là vị trí tổ chức hội nghị.

Hơn 30 bức thư được trao đổi qua lại giữa Churchill, Roosevelt và Stalin, các phương án được đưa ra là Iran, Bắc Triều Tiên và Cộng hòa Síp. Stalin với lý do phải thường xuyên duy trì liên lạc với bộ tư lệnh Hồng quân, không thể đi xa được, nên chọn Iran làm nơi tổ chức hội nghị. Đại diện của Anh và Mỹ đã nhất trí với phương án này.

Trong những năm chiến tranh, các điệp viên của Đức quốc xã hoạt động rất tích cực ở Iran. Nhà vua Iran Reza Shah thực hiện chính sách thù địch với liên minh chống phát xít. Năm 1941, quân đội Anh và quân đội Liên Xô thực hiện chiến dịch “Contenance” đánh chiếm Iran. Nhà vua Reza Shah bị lật đổ. Năm 1942, lực lượng đồng minh chuyển giao quyền lãnh đạo Iran cho Mohammed Reza Pahlavi - con trai của nhà vua vừa bị phế truất, quyền lãnh đạo này mang tính tượng trưng, vì lực lượng đồng minh vẫn ở lại trên lãnh thổ Iran.

Chiến dịch “Bước nhảy dài” của Adolf Hitler thất bại

Cuối tháng 11, đầu tháng 12/1943 là thời điểm tổ chức hội nghị quốc tế tại Tehran. Lực lượng đặc nhiệm của Liên Xô, Anh và Mỹ bắt đầu tiến hành công tác đảm bảo an ninh cho lãnh đạo 3 nước về đây dự hội nghị.

Hội nghị quốc tế tại Tehran được Đức quốc xã đặc biệt quan tâm. Sau khi bị thất bại ở vòng cung Kursk, thắng lợi trong Thế chiến 2 đối với Adolf Hitler trở nên xa vời. Để thay đổi cục diện cuộc chiến, Hitler cảm thấy cần phải thực hiện một việc gì đó thật đặc biệt, ví dụ bắt cóc, thủ tiêu ba nhà lãnh đạo của Anh-Mỹ-Liên Xô. Kế hoạch của Adolf Hitler mang tên “Bước nhảy dài”.

Hitler giao cho cơ quan tình báo Quân sự Đức Quốc xã Abwehr triển khai chiến dịch này. Abwehr giao nhiệm vụ này cho trung tá lực lượng vũ trang SS Otto Skorzeny – người đã giải thoát được một lãnh đạo của phát xít, Benito Mussolini, ở Italy.

Thế nhưng, một nhóm điệp viên trẻ của Liên Xô do Geork Vartanian chỉ huy đã đập tan chiến dịch “Bước nhảy dài” của Adolf Hitler. Nhóm điệp viên Xô Viết của Geork Vartanian phát hiện một tốp nhân viên điện đài của Đức ở ngoại ô Tehran, nhiệm vụ của tốp này là tổ chức cho lực lượng biệt kích xâm nhập Iran, thực hiện bắt cóc, ám sát Stalin, Roosevelt và Churchill. Đội tiền trạm của phát xít Đức ngay sau đó đã bị Tình báo của Liên Xô và tình báo Anh phối hợp bắt giữ. Kế hoạch ám sát Lãnh tụ Stalin, Tổng thống Mỹ Roosevelt, Thủ tướng Anh chỉ còn lại trên giấy.

Churchill bị ép mở mặt trận thứ 2 ở Pháp

Ở thủ đô của Iran, Đại sứ quán Liên Xô nằm đối diện Đại sứ quán Anh. Lãnh tụ Stalin thuyết phục Tổng thống Mỹ nghỉ lại trong Đại sứ quán của mình. Giữa hai Đại sứ quán Anh và Liên Xô dựng lên một hành lang được che kín, để quá trình di chuyển của đại biểu tham dự hội nghị quốc tế của ba cường quốc không bị phát hiện từ bên ngoài.

Vòng ngoài của Đại sứ quán Anh và Liên Xô có 3 vòng tuyến phòng thủ bằng xe tăng và bộ binh, để tránh đột nhập bất ngờ khi diễn ra hội nghị. Thủ tướng Anh và Tổng thống Mỹ tới Tehran bằng máy bay, Tổng bí thư Stalin thì đi trên một con tàu vận chuyển báo chí đi qua Stalingrad, qua Baku.

Hội nghị Tehran khai mạc ngày 28/11/1943, vấn đề chính của hội nghị vẫn là mở mặt trận thứ 2 ở châu Âu (giống như hai hội nghị trước đó).

Năm 1941 và 1942, Hồng quân Liên Xô gặp nhiều khó khăn trên chiến trường. Liên Xô đề xuất đồng minh mở mặt trận thứ 2 ở phía Bắc nước Pháp, đến cuối năm 1943, đề xuất này vẫn chưa được thực hiện.

Thủ tướng Anh Churchill cho rằng chiến dịch Normandy (mật danh là Overlord) chỉ giữ vai trò thứ yếu, chiến lược Balkan mới là quan trọng. Mục đích chính của Churchill là tập trung lực lượng của Mỹ và Anh ở mặt trận Italy và Balkan. Lãnh đạo Liên Xô Stalin và Tổng thống Mỹ Roosevelt thấy rõ ý đồ của Churchill là không muốn cho Hồng quân Liên Xô tiến vào Đông và Đông Nam châu Âu.

Ý tưởng này của Churchill không được Liên Xô và Mỹ chấp nhận. Stalin đã đứng dậy bỏ về. Cuối cùng Churchill thỏa hiệp, chấp thuận mở mặt trận thứ 2 ở Pháp vào tháng 5/1944. Trong thời gian này, Liên Xô phải dồn tổng lực để tấn công, kìm chân quân đội Đức quốc xã, vô hiệu hóa kế hoạch chi viện mặt trận phía Tây của Hitler.

Đã có những đề xuất xóa sổ nước Đức

Trên mặt trận Viễn Đông, Liên Xô đã cam kết hỗ trợ Anh và Mỹ. Stalin bảo đảm rằng sau khi quân đội Đức quốc xã bị đánh bại, Hồng quân Liên Xô sẽ tuyên chiến với Nhật Bản. Thủ tướng Anh đã gọi đây là quyết định lịch sử.

Hội nghị quốc tế Tehran cũng bàn bạc rất nhiều đến tương lai của nước Đức sau khi chủ nghĩa phát xít bị đánh bại. Churchill và Roosevelt đều nhất trí chia nước Đức thành 5 quốc gia độc lập. Quan điểm này không được phía Liên Xô chấp thuận. Giải pháp của Liên Xô về tương lai nước Đức như sau: vẫn duy trì một nước Đức độc lập với một mô hình của nhà nước dân chủ, phi quân sự, thủ tiêu mọi thể chế của chủ nghĩa phát xít, tất cả tội phạm phát xít phải ra hầu tòa.

Cũng tại hội nghị Tehran, tất cả các nước đồng minh đều nhất trí nước Đức phải chịu mất mát về lãnh thổ. Phía Đông của nước này sẽ thuộc về Liên Xô. Ba Lan sẽ được nhận một phần lãnh thổ của Đức, để bù vào việc Ba Lan đã mất phần đất phía Tây Ukraine và phía Tây Belarus, khu vực này đã thuộc về Liên Xô. Năm 1939, phần đất phía Tây Ukraine và phía Tây Belarus đã thuộc về Liên Xô – đây cũng là đường biên giới Curzon (Tên của nhà ngoại giao Anh), được các cường quốc phương tây công nhận vào năm 1920.

Hội nghị quốc tế Tehran cũng bàn đến việc thành lập một tổ chức quốc tế thay thế cho Hội quốc liên (tổ chức tiền thân của Liên Hợp Quốc), tổ chức này sẽ giải quyết các vấn đề an ninh, hợp tác của thế giới sau khi chiến tranh kết thúc.

Kết quả quan trọng nhất của hội nghị quốc tế Tehran là: thế giới đã chứng kiến một liên minh chống phát xít vững mạnh, với quyết tâm xóa sổ chủ nghĩa phát xít bằng mọi giá.

Nguồn VietTimes