Tiết lộ kế hoạch tấn công cơ sở hạt nhân Iran của Israel - Kỳ 1

Gần đây, Israel đã lên kế hoạch quy mô để tấn công cơ sở hạt nhân của Iran và muốn Mỹ hỗ trợ. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump đã bác kế hoạch này để theo đuổi con đường ngoại giao.

 

Theo tờ New York Times ngày 16/4, một số quan chức trong chính quyền Mỹ đã tỏ ra nghi ngờ kế hoạch trên của Israel

Kỳ 1: Kế hoạch của Israel và sự hoài nghi của giới chức Mỹ

Sau khi xây dựng kế hoạch tấn công các cơ sở hạt nhân Iran vào tháng 5, các quan chức Iral đã sẵn sàng thực hiện và đôi khi lạc quan rằng Mỹ sẽ đồng thuận. Mục tiêu của các đề xuất này là trì hoãn khả năng phát triển vũ khí hạt nhân của Tehran trong ít nhất một năm.

Gần như tất cả các kế hoạch đều cần Mỹ hỗ trợ, không chỉ để bảo vệ Israel khỏi các cuộc trả đũa từ Iran mà còn để đảm bảo chiến dịch tấn công của Israel thành công, biến Mỹ thành trung tâm của chiến dịch quân sự này.

Hiện tại, ông Trump đã chọn con đường ngoại giao thay vì quân sự. Trong nhiệm kỳ đầu, ông đã xé bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran do chính quyền Tổng thống Barack Obama ký kết. Nhưng trong nhiệm kỳ hai, không muốn bị lôi kéo vào một cuộc chiến mới ở Trung Đông, ông đã mở lại các cuộc đàm phán với Iran, đặt thời hạn chỉ vài tháng để đạt thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran.

Chú thích ảnh
Bên trong cơ sở hạt nhân Natanz của Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Đầu tháng này, ông Trump đã thông báo với Israel rằng Mỹ sẽ không ủng hộ cuộc tấn công. Ông đã thảo luận vấn đề này với Thủ tướng Benjamin Netanyahu khi ông Netanyahu đến Mỹ tuần trước, dùng cuộc gặp này tại Phòng Bầu dục để công bố rằng Mỹ đang bắt đầu đàm phán với Iran.

Trong một tuyên bố sau cuộc gặp, ông Netanyahu nói rằng một thỏa thuận với Iran chỉ hiệu quả nếu cho phép các bên ký kết “đi vào, đánh sập các cơ sở, tháo dỡ toàn bộ thiết bị dưới sự giám sát và thực thi của Mỹ”.

Từ lâu, Israel đã lên kế hoạch tấn công các cơ sở hạt nhân Iran, tổ chức các cuộc diễn tập ném bom và tính toán thiệt hại có thể gây ra, dù có hay không có sự trợ giúp của Mỹ.

Tuy nhiên, số người ủng hộ kế hoạch tấn công trong chính phủ Israel gia tăng sau khi Iran liên tiếp hứng chịu nhiều thất bại trong năm 2024.

Trong các cuộc tấn công vào Israel hồi tháng 4/2024, phần lớn tên lửa đạn đạo của Iran không thể xuyên thủng được hệ thống phòng thủ của Mỹ và Israel. Hezbollah - đồng minh then chốt của Iran - đã bị tổn thất nặng nề trong chiến dịch quân sự của Israel năm 2024. Chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria sụp đổ đã loại bỏ một đồng minh của Iran và Hezbollah, đồng thời cắt đứt tuyến đường chuyển vũ khí chính từ Iran.

Các hệ thống phòng không ở Iran và Syria cũng bị phá hủy, cùng với các cơ sở sản xuất nhiên liệu tên lửa của Iran, làm tê liệt khả năng sản xuất tên lửa mới trong thời gian dài.

Ban đầu, theo đề nghị của ông Netanyahu, các quan chức cấp cao Israel đã cập nhật cho các đối tác Mỹ về một kế hoạch kết hợp giữa chiến dịch biệt kích tấn công các cơ sở hạt nhân ngầm và chiến dịch ném bom, với hy vọng Mỹ sẽ tham gia bằng không quân.

Tuy nhiên, các chỉ huy quân sự Israel nói rằng chiến dịch biệt kích sẽ không sẵn sàng trước tháng 10. Ông Netanyahu muốn hành động sớm hơn. Do đó, các quan chức Israel bắt đầu chuyển sang đề xuất một chiến dịch ném bom kéo dài, cũng đòi hỏi sự hỗ trợ của Mỹ.

Một số quan chức Mỹ ban đầu tỏ ra cởi mở hơn với kế hoạch của Israel. Tướng Michael E. Kurilla – Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ – và cố vấn an ninh quốc gia Michael Waltz đều đã thảo luận về khả năng Mỹ hỗ trợ cuộc tấn công nếu ông Trump đồng ý.

Khi Mỹ gia tăng chiến dịch chống các tay súng Houthi thân Iran ở Yemen, ông Kurilla đã bắt đầu điều động thiết bị quân sự tới Trung Đông. Một tàu sân bay thứ hai là Carl Vinson đã có mặt tại Biển Arab, gia nhập cùng tàu sân bay Harry S. Truman đang ở Biển Đỏ.

Mỹ cũng đã triển khai hai hệ thống tên lửa Patriot và một hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đến Trung Đông.

Một số máy bay ném bom B-2 vốn có khả năng mang bom hạng nặng và có thể phá hủy các cơ sở hạt nhân ngầm của Iran đã được điều đến đảo Diego Garcia ở Ấn Độ Dương.

Mỹ cũng cân nhắc triển khai thêm chiến đấu cơ tới khu vực, có thể tới một căn cứ ở Israel.

Toàn bộ số thiết bị này có thể được sử dụng cho các cuộc không kích nhằm vào Houthi – lực lượng mà Mỹ đã tấn công từ ngày 15/3 để ngăn chặn Houthi tấn công tàu hàng ở Biển Đỏ. Nhưng theo các quan chức Mỹ, số thiết bị này cũng nằm trong kế hoạch dự phòng hỗ trợ Israel trong một cuộc xung đột với Iran.

Ngay cả khi Mỹ không cho phép sử dụng các máy bay trong cuộc tấn công vào Iran, thì Israel vẫn biết rằng chiến đấu cơ Mỹ sẵn sàng hỗ trợ phòng thủ trước các đòn phản công từ đồng minh của Iran.

Có dấu hiệu cho thấy ông Trump từng cởi mở với khả năng hỗ trợ quân sự cho Israel. Mỹ từ lâu cáo buộc Iran cung cấp vũ khí và tình báo cho Houthi, cũng như kiểm soát một phần nhóm này. Ngày 17/3, khi cảnh báo Houthi ở Yemen ngừng tấn công, ông Trump cũng chỉ trích Iran, nói rằng Tehran đang kiểm soát Houthi, điều mà Iran bác bỏ.

Ông Trump viết trên mạng xã hội: “Mọi phát súng từ Houthi, kể từ bây giờ, sẽ bị coi là phát súng từ vũ khí và chỉ đạo của Iran. Iran sẽ phải chịu trách nhiệm và phải gánh hậu quả, và hậu quả đó sẽ rất thảm khốc!”.

Nhưng trong nội bộ chính quyền ông Trump, một số quan chức bắt đầu tỏ ra hoài nghi về kế hoạch của Israel.

Trong một cuộc họp hồi đầu tháng này, bà Tulsi Gabbard, Giám đốc Tình báo Quốc gia, đã trình bày một bản đánh giá tình báo mới cho thấy việc Mỹ tăng cường vũ khí có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột lớn hơn với Iran, điều mà Washington không mong muốn.

Nhiều quan chức khác cũng bày tỏ lo ngại giống bà Gabbard trong các cuộc họp. Chánh văn phòng Nhà Trắng Susie Wiles, Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth và Phó Tổng thống JD Vance đều tỏ ra nghi ngờ về cuộc tấn công.

Ngay cả ông Michael Waltz, người thường có quan điểm cứng rắn về Iran, cũng nghi ngờ rằng kế hoạch của Israel có thể thành công nếu không có sự hỗ trợ lớn từ Mỹ.

Các cuộc họp gần đây diễn ra ngay sau khi Iran tuyên bố họ sẵn sàng tiến hành đàm phán gián tiếp, tức là liên lạc thông qua trung gian. Vào tháng 3, ông Trump đã gửi thư đề nghị đàm phán trực tiếp với Iran, một động thái mà Đại giáo chủ Ali Khamenei dường như đã từ chối. Nhưng đến ngày 28/3, một quan chức cấp cao của Iran đã gửi thư hồi đáp, bày tỏ cởi mở với các cuộc đàm phán gián tiếp.

Trong nội bộ đội ngũ ông Trump vẫn còn nhiều tranh cãi về loại thỏa thuận nào với Iran sẽ là chấp nhận được. Chính quyền ông Trump cũng phát đi nhiều tín hiệu mâu thuẫn về hình thức thỏa thuận mong muốn cũng như hậu quả dành cho Iran nếu nước này không đồng ý.

Trong một cuộc thảo luận, ông Vance lập luận rằng Tổng thống Trump đang có cơ hội đặc biệt để đạt được một thỏa thuận và nếu đàm phán thất bại, ông có thể quay sang ủng hộ một cuộc tấn công của Israel.

Trong chuyến thăm Israel đầu tháng này, Tướng Erik Kurilla đã nói với các quan chức Israel rằng Nhà Trắng muốn hoãn kế hoạch tấn công cơ sở hạt nhân Iran.

Ông Netanyahu đã gọi điện cho ông Trump vào ngày 3/4. Theo các quan chức Israel, ông Trump nói với ông Netanyahu rằng ông không muốn thảo luận về các kế hoạch liên quan đến Iran qua điện thoại. Nhưng ông đã mời ông Netanyahu đến Nhà Trắng ngày 7/4 và đưa ra quyết định chính thức.

Đón đọc kỳ cuối: Quyết định của Tổng thống Trump

Thùy Dương/Báo Tin tức