TINH THẦN NHÂN ĐẠO TRONG TÁC PHẨM NHẬT KÝ TRONG TÙ CỦA HỒ CHÍ MINH

Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác phẩm khá đặc biệt trên nhiều bình diện như: tác giả và tác phẩm, thời gian sáng tác, thời gian thất lạc và quá trình tìm được để xuất bản; hoàn cảnh sáng tác, ngôn ngữ sử dụng bằng chữ Hán, thể loại và nhất là giá trị nội dung tư tưởng và giá trị nghệ thuật. Chính vì vậy mà từ khi ra đời đến nay Nhật ký trong tù đã được giới chính khách, các học giả và người dân trong và ngoài nước hồ hởi đón nhận, đã được 50 học giả Việt Nam và thế giới dịch và xuất bản ra gần 30 ngôn ngữ trên thế giới.

 

 

PGS.TS. Lê Văn Toan(*)

 

Tác phẩm đã được nhiều chính khách, học giả trên thế giới ca ngợi. Nhà văn, nhà nghiên cứu nổi tiếng Trung Quốc Quách Mạt Nhược viết: “Tập thơ ấy tôi đọc đi đọc lại nhiều lần, đó không đơn thuần là thơ mà là một bộ sử thi, là một bức tranh tự họa hoặc một thiên tự truyện bằng thơ của một nhà cách mạng. Hơn 100 bài thơ đó hầu như mỗi bài đều thể hiện rất sống con người Hồ Chí Minh, một vị lão thành cách mạng lịch duyệt, thông thái, ung dung, chất phác mà kiên nghị. Quả thật, thơ chính là người”[1]. Niculin, tiến sĩ văn học Liên Xô viết: “Ở Nhật ký trong tù không có những từ đao to búa lớn, không có vẻ hùng hồn bên ngoài… Đây là một tập thơ xác thực, chân thành và có sức thuyết phục sâu sắc. Đó là một bước tiến mới của nền nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Nền nghệ thuật đã mở ra tầm rộng lớn chưa từng thấy và tính đa dạng của hình tượng người cách mạng”[2].

Nhà văn A Rập Ápđen Malếch Khalin viết: “Nếu Việt Nam là sự thức tỉnh lương tri của thời đại chúng ta thị Cụ Hồ Chí Minh là người tạo ra lương tri đó…”[3] và hàng trăm học giả trên thế giới đều đánh giá cao Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh.

Nhật ký trong tù là một tác phẩm bình dị nhưng sâu sắc, dơn giản, nhưng uyên sâu, càng đọc càng khám phá, phát hiện ra nhiều giá trị uyên áo thấm đẫm văn hóa truyền thống và không ngừng tươi mới tùy thuộc vào cách tiếp cận, phông văn hóa, trình độ thẩm mỹ của từng người. Chính vì thế, trong một bài nghiên cứu không thể bàn rộng nhiều vấn đề, chúng tôi chỉ bàn riêng về tinh thần nhân đạo trong nội dung tác phẩm.

Trong thơ Nhật ký trong tù của Bác đầy ắp tình yêu thiên nhiên, tình yêu cuộc sống, tình yêu non sông, đất nước, nhưng trên hết, cao cả nhất là tình yêu con người. Hoài Thanh nói: “Các ánh sáng tỏa ra từ tâm hồn Bác qua những trang thơ của Bác, trước hết là ánh sáng của tình thương người”. Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói: “Tính nhân đạo, tình thương đồng bào đó là điều sâu sắc nhất và tốt đẹp nhất trong con người Hồ Chủ tịch”.

Với Nhật ký trong tù, trong hơn 100 bài thơ làm trong hoàn cảnh éo le, đặc định, Bác chưa nói được nhiều những điều muốn nói. Nhưng không phải vì thế mà phẩm chất đạo đức của Bác không ngời sáng trong thơ.

Viên Ưng, một nhà thơ Trung Quốc, sau khi đọc Ngục trung nhật ký đã viết: “Chúng ta được gặp tâm hồn vĩ đại của một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng,… tôi cảm thấy trái tim vĩ đại đó tỏa ánh sáng chói ngời trong một hoàn cảnh tối tăm, trong những ngày tháng tối tăm. Bác Hồ là một nhà thơ lớn”[4].

Xưa nay, những sáng tạo nghệ thuật ưu mỹ của loài người trường tồn theo năm tháng không khi nào lại thiếu tính người và tính nhân loại, nó hỗ trợ hữu hiệu cho người với người sống tăng thêm tình hữu ái. Trong Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng ta thấy tràn ngập tình người.

Cùng vất vả cực khổ chịu đựng cuộc sống trong tù, Bác thương người bạn tù chỉ có cái chăn bằng giấy bồi, đêm thu lạnh, cũng như Bác trằn trọc ngủ không yên. Bác thương người tù cờ bạc nghèo không có gì ăn lại chứng kiến cảnh quan tù ngày ngày no rượu thịt mà nước mắt bọt mồm tuôn…. Bác thương người bạn tù đêm qua còn ngồi tựa lưng vào Bác, sáng ngày đã chết cứng.

“Thương anh da bọc lấy xương

Khổ đau, đói rét hết phương cứu rồi”.

(Bài 62, “Một người tù cờ bạc vừa chết”)

Bác thương những người lao động dầm mưa, dãi gió mà công lao chẳng được bao nhiêu. Bác âu yếm phác họa một quán nhỏ ven đường chỉ có cháo hoa và muối trắng nhưng khách qua đường vẫn lấy đó làm chỗ dừng chân.

Cảm thức về con người, Bác Hồ luôn nghĩ tốt về mọi người. Trong Nhật ký trong tù, đề tài cám ơn, biết ơn được Bác láy đi láy lại trong nhiều bài thơ, nhiều nhân vật. Tiên sinh họ Quách, Trưởng ban họ Mạc, Sở trưởng Long An họ Lưu, Khoa trưởng họ Ngũ, Khoa viên họ Hoàng, Khoa viên họ Trần tới thăm, chủ nhiệm họ Hầu ôm tặng một bộ sách. Những lời khen chân thực của Bác đối với họ cho chúng ta thấy Bác sống không có định kiến giai cấp khắt khe, ngược lại, Bác luôn có cái nhìn rất thoáng, rất bao dung đối với con người - đồng loại.

“Trưởng ban họ Mạc người hào hiệp,

Dốc túi mua cơm giúp phạm nhân”.

“Làm việc đúng thay Lưu sở trưởng,

Ai ai cũng bảo bác công bình”.

(Bài 93, “Trưởng ban họ Mạc”)

Cảm thức ân tình người, có lẽ Bác nghiêng về ý “nhân chi sơ tính bản thiện” (Con người khi mới sinh ra ai cũng lương thiện). Quan niệm “tính bản thiện” này không phải chỉ là tư duy phương Đông. Nhân vật lừng danh Thế kỷ Ánh sáng của phương Tây, Rút xô, từng phát biểu tương tự: “Đi ra từ tay tạo hóa, tất cả đều tốt lành”. Thiên về quan điểm tính bản thiện, tác giả Ngục trung nhật ký nhận xét:

“Ngủ thì ai cũng như lương thiện,

Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ hiền.

Hiền dữ phải đâu là tính sẵn,

Phần nhiều do giáo dục mà nên”.

(Bài 100, “Nửa đêm”)

Lúc ngủ là thời gian vô thức, con người trở về với trạng thái “nhân chi sơ”, nhưng lúc thức, có người thiện, người ác, đó là do giáo dục.

Trong tù, nhiều khi Bác ái ngại cho cảnh người vợ đến thăm chồng:

“Chàng ở trong cửa sắt,

Thiếp ở ngoài song sắt.

Gần nhau trong tấc gang,

Mà biển trời cách mặt”.

(Bài 35, “Vợ người bạn tù đến thăm chồng”).

Một lần, người bạn tù ngân lên tiếng sáo. Qua tiếng sáo Bác thấu hiểu nỗi lòng của người bạn tù, bay xa hơn, Bác nghĩ sâu về người phụ nữ ở nơi xa - vợ người bạn tù vò võ nhớ chồng.

“Bỗng nghe trong ngục sáo vi vu,

Khúc nhạc tình quê chuyển điệu sầu.

Muôn dặm quan hà khôn xiết nỗi,

Lên lầu ai đó ngóng trông nhau”.

(Bài 15, “Người bạn tù thổi sáo”)

Nói tới tinh thần nhân đạo của Hồ Chí Minh là nói đến cảm thức về con người, lòng yêu người và tình yêu thiên nhiên. Thơ chữ Hán của Bác nói chung và Nhật ký trong tù nói riêng, cảm hứng thiên nhiên luôn hiện hữu, tràn ngập, đặc sắc, riêng biệt, yêu thiên nhiên là yêu đời, yêu cuộc sống, yêu con người.

Không quản những trói buộc nghiệt ngã của “thân tù”, Bác vẫn luôn tìm thấy ở thiên nhiên sự dịu dàng, rộng mở, nơi gửi gắm, giao hòa mọi suy tư. Bất cứ nơi nào và lúc nào, thiên nhiên vẫn luôn bất ngờ xuất hiện trong tâm hồn Bác như không thể có một thế lực nào ngăn cách. Một ánh dương sớm len lỏi qua khe cửa nhà giam làm sáng lên trước mặt tia hy vọng: “Ánh hồng trước mặt đã bừng soi”. Ngay trên đường bị giải, chân tay bị trói chặt, mũ áo ướt đẫm, giày rách bươm thì những tiếng chim ca, những bông hoa núi, một chòm mây, một cánh đồng lúa đang vào vụ gặt, cảnh núi non hùng vĩ cũng mang lại cho Người thơ cảm giác thư thái, có được chốn tự do. Có ai yêu thiên nhiên, thưởng thức cái đẹp của thiên nhiên trong hoàn cảnh éo le như Bác:

“Đáp thuyền thẳng xuống huyện Ung Minh,

Lủng lẳng thân treo tự giảo hình.

Làng xóm ven sông đông đúc thế,

Thuyền câu rẽ sóng nhẹ thênh thênh”.

(Bài 58, “Giữa đường đáp thuyền đi Ung Minh”)

“Trăng” trong thơ Hồ Chí Minh cho chúng ta thấy một nhân vật trữ tình khác lạ. Các nhà thơ phương Đông và phương Tây luôn vịnh trăng, ngắm trăng, mô tả trăng, tìm thấy cái đẹp trong trăng, nâng trăng lên thành đối tượng thẩm mĩ. Puskin, Lý Bạch, Trương Kế và bao nhiều nhà thơ đời Đường cũng như các nhà thơ cổ điển Việt Nam như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương,… đều coi trăng là đối tượng thưởng thức, ngâm vịnh. Bác Hồ cũng vậy mà còn hơn như vậy vì “Trăng” với các tác giả khác nói chung thường dừng lại ở chỗ “Trăng” là đối tượng thẩm mỹ, còn đối với Hồ Chí Minh, “Trăng” không những là đối tượng thẩm mỹ mà còn là người bạn tâm giao, tìm đến nhau, nhớ nhau, khám phá, chiêm ngưỡng cái đẹp của nhau. “Trăng” trong Nhật ký trong tù xuất hiện trong những hoàn cảnh đặc định, kỳ lạ, lúc gần, lúc xa nhưng không bao giờ cách biệt, luôn mang đến cho Bác những suy tư, những liên tưởng đầy ý vị, trữ tình.

“Trong tù không rượu cũng không hoa,

Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ.

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”

(Bài 21, “Ngắm trăng”)

Để có một bữa tiệc tinh thần thì phải có ba yếu tố: rượu, hoa, trăng, nhưng lại thiếu mất hai. Không sao, Bác vẫn có một bữa tiệc độc đáo mà không ai thưởng trăng trong tư thế lạ kỳ “Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ. Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”.

Nhân - nguyệt (trăng), rồi nguyệt (trăng) - thi gia ở hai đầu câu thơ, song sắt chắn giữa. Trong mối tương giao tri ân, tri kỷ giữa con người và vầng trăng, cái song sắt hiện lên thật thô bạo.

Có lúc thiếu trăng khi bị giam hãm trong tù làm lòng Bác quặn nhớ, luôn khát vọng ngắm trăng:

“Chẳng được tự do mà thưởng nguyệt

Lòng theo vời vợi mảnh trăng thu”.

(Bài 23, “Trung thu”)

Nhìn rộng ra, tất cả những bài thơ về trăng của Bác khi Bác được tự do ngoài tù như những bài thơ “Nguyên tiêu”, “Báo tiệp”, chúng ta thấy Bác đối với trăng và trăng đối với Bác tương giao, tri kỷ nhường nào.

Đến với thiên nhiên, nhiều khi Bác rất nhạy cảm và tinh tế, Bác không những là người vịnh cảnh, vẽ cảnh, mô tả cái đẹp của thiên nhiên, hiểu thấu thiên nhiên mà Bác còn là người bạn tâm giao để thiên nhiên chia sẻ nỗi niềm.

“Hoa hồng nở, hoa hồng lại rụng,

Hoa tàn, hoa nở cũng vô tình.

Hương hoa bay thấu vào trong ngục,

Kể với tù nhân nỗi bất bình.”

(Bài 14, “Cảnh chiều tối”)

Có thể hiểu là “Hoa hồng nở, hoa hồng lại tàn”. Hoa nở, hoa tàn, hai cái sự đó đều “vô tình”. Vậy là thiên hạ vô tình, trời đất, tạo hóa vô tình. Bài thơ đề cập đến số phận mong manh của cái Đẹp ở đời, một đề tài vĩnh cửu của thi ca nhân loại.

Đây là nỗi bất bình của thi sĩ, của hương hoa, của khoảnh khắc khi đẹp nhất và khi lụi tàn của cái Đẹp mà những tâm hồn ít thiết tha với cái đẹp không thể nào hiểu được. Vì thế, hương hoa đã bay vào trong ngục để tỏ nỗi bất bình với một người chẳng những có thể hiểu được tâm trạng của mình mà còn có khả năng giải tỏa được nỗi bất bình ấy. Đó là Hồ Chí Minh, đại thi sĩ Hồ Chí Minh.

Chúng ta có thể thấy rất nhiều bài thơ trong Nhật ký trong tù toát lên tinh thần nhân đạo cao cả của Hồ Chí Minh. Các Mác nói: “Con người do hoàn cảnh tạo ra, bởi vậy, phải làm cho hoàn cảnh mang tính người”. Bác Hồ của chúng ta, thi sĩ Hồ Chí Minh, là kiểu mẫu đầy nhân đạo trong tính hai chiều đó./.

 

 

(*) Giám đốc sáng lập, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, Việt Nam.

[1] Quách Mạc Nhược, “Nay ở trong thơ nên có thép - cảm tưởng sau khi đọc tập Nhật ký trong tù”, Báo Nhân dân, Chủ nhật, ngày 13-11-1960.

[2] N. I. Niculin, tiến sĩ văn học, nhà văn, nhà phê bình Liên Xô, Nghiên cứu học tập thơ văn Hồ Chí Minh, Nxb. Khoa học xã hội, H., 1979, tr.591.

[3] Ápđen Malếch Khalin, “Những ý kiến ngắn”, Nghiên cứu học tập thơ văn Hồ Chí Minh, Nxb. Khoa học xã hội, H., 1979, tr.523-524.

[4] Viên Ưng, “Bác Hồ, một nhà thơ lớn”, Tạp chí Văn nghệ, số 5-1060, tr.38-40.

Nguồn:vpdf.org.vn Copy link