Cuộc vây hãm Leningrad (1941-1944), ước tính 5,5 triệu người thiệt mạng
Vào giữa mùa hè năm 1941, trùm phát xít Adolf Hitler và cỗ máy chiến tranh của Đức Quốc xã đã phát động cuộc xâm lược trên bộ lớn nhất trong lịch sử vào Liên Xô. Với chiến dịch Barbarossa, quân Đức đã khiến các lực lượng Liên Xô hoàn toàn bất ngờ và tiến sâu vào vùng lãnh thổ rộng lớn. Hàng trăm nghìn Hồng quân Liên Xô đã thiệt mạng hoặc bị bắt trong các cuộc giao tranh. Trong một cuộc tấn công lớn về phía đông bắc, phát xít Đức đã nhanh chóng áp sát thành phố Leningrad (nay là St.Petersburg).
Lính phát xít Đức đốt phá một nhà thờ và các ngôi nhà khác gần Leningrad năm 1941. Ảnh: Wikipedia
Quân Đức đã cắt đứt nhiều tuyến đường sắt nối Leningrad với các địa phương khác, nhanh chóng cô lập thành phố sau khi chiếm Shlisselburg. Sau đó, phát xít Đức cùng quân đồng minh Phần Lan tiến hành phong tỏa Leningrad trong 872 ngày, từ 8/9/1941 đến 27/1/1944.
Trong cuộc vây hãm kéo dài, Leningrad đã hứng chịu vô số cuộc bắn phá, pháo kích, ném bom liên tục của phát xít Đức. Hầu hết các tòa nhà trong thành phố bị san phẳng hoặc biến thành đống đổ nát. Lương thực, thực phẩm cho người dân trở nên khan hiếm, mỗi người chỉ còn khẩu phần 250gr bánh mì mỗi ngày. Nhiều thống kê cho biết, trong 28 tháng bị phong tỏa, khoảng 650.000 - 1.500.000 người đã chết vì đói, lạnh, bị thương và bệnh tật.
Ngày 18/1/1943, các chiến sĩ thuộc mặt trận Leningrad và mặt trận Volkhov tiến hành chiến dịch Iskra (Tia lửa) gần bờ phía nam hồ Ladoga nhằm mở một hành lang giải cứu thành phố. Chiến sự ác liệt kéo dài nhiều ngày, làm suy yếu vòng vây của kẻ thù.
Ngày 14/1/1944, mặt trận Leningrad, Volkhov và mặt trận Baltic thứ 2 thực hiện chiến dịch tiến công chiến lược Leningrad - Novgorod. Đợt phản công “Sấm tháng Giêng” trong khuôn khổ chiến dịch của Hồng quân Liên Xô đã đánh bại quân đội Đức ở các vùng Krasnoe Selo và Ropsha. Một tuần sau, cuộc vây hãm Leningrad của phát xít Đức chính thức thất bại. Hồng quân Liên Xô đã đánh bại 30 sư đoàn quân Đức quốc xã, tiêu diệt và bắt giữ khoảng 100.000 lính phát xít.
Trận chiến Stalingrad (1942-1943), ước tính 2,5 triệu người thiệt mạng
Trận chiến Stalingrad là một trong cuộc đụng độ ác liệt nhất giữa quân đội Đức quốc xã và Liên Xô, tạo nên bước ngoặt lớn trong Thế chiến thứ hai.
Vào năm 1942, quân Đức rơi vào tình trạng thiếu hụt tài nguyên như thép, sắt và đặc biệt là dầu. Bộ chỉ huy cấp cao của Đức Quốc xã quyết định tiến về phía nam để cố gắng chiếm khu vực giàu tài nguyên của Kavkaz.
Hitler ra lệnh tấn công Stalingrad (nay là Volgograd) vì đây là trung tâm công nghiệp quan trọng và có giá trị chiến lược nằm dọc sông Volga. Hơn nữa, Stalingrad còn mang ý nghĩa biểu tượng vì được đặt tên theo lãnh tụ Liên Xô Joseph Stalin. Do đó, trùm phát xít muốn thâu tóm thành phố này để phá vỡ tinh thần Liên Xô và kiểm soát nguồn tài nguyên quan trọng ở miền nam Nga.
Trận chiến bắt đầu vào tháng 7/1942 khi tập đoàn quân số 6 của Đức, dưới sự chỉ huy của Thống chế Friedrich Paulus mở cuộc tiến công vào Stalingrad. Ban đầu, quân Đức tiến nhanh nhờ sức mạnh không quân và hỏa lực pháo binh. Tuy nhiên, khi tiến vào nội thành, chúng vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của Hồng quân Liên Xô và các lực lượng dân quân.
Hồng quân Liên Xô chiến đấu chống quân Đức quốc xã ở Stalingrad. Ảnh: RIA Novosti.
Stalingrad sau đó trở thành chiến trường đẫm máu với các cuộc giao tranh diễn ra ác liệt trên từng con phố, từng tòa nhà. Binh lính hai bên thường xuyên phải cận chiến và hứng chịu thương vong nặng nề.
Cuối tháng 11/1942, Liên Xô mở cuộc phản công mang tên Chiến dịch Sao Thiên Vương. Hồng quân bao vây quân phát xít Đức từ 2 hướng, cắt đứt đường tiếp tế của chúng. Tập đoàn quân số 6 của Đức quốc xã bị mắc kẹt trong tình trạng thiếu lương thực và đạn dược giữa mùa đông khắc nghiệt. Ngày 2/2/1943, Thống chế Paulus cùng 91.000 lính còn lại ở Stalingrad buộc phải đầu hàng.
Các nguồn thống kê cho biết, trận chiến Stalingrad ước tính đã khiến khoảng 2,5 triệu người thiệt mạng hoặc bị thương, bao gồm cả binh sĩ và dân thường từ cả hai phía.
Trận chiến Berlin (1945), ước tính gần 1,3 triệu người thiệt mạng
Trận chiến Berlin là trận đánh cuối cùng và mang tính quyết định trong Thế chiến thứ hai tại châu Âu, đánh dấu sự kết thúc của Đệ tam đế chế.
Đầu năm 1945, quân đội Đức quốc xã suy yếu nghiêm trọng sau những thất bại liên tiếp. Trong khi đó, Hồng quân Liên Xô dưới sự chỉ huy của Nguyên soái Georgy Zhukov và tướng Ivan Konev đã áp sát biên giới Đức. Sau khi đánh bại quân Đức tại sông Oder, lực lượng Liên Xô mở cuộc tấn công quy mô lớn nhắm vào thủ đô Berlin.
Ngày 16/4/1945, chiến dịch tấn công Berlin bắt đầu với các cuộc pháo kích dữ dội từ phía Liên Xô. Nguyên soái Zhukov tiến quân từ hướng đông qua Seelow Heights, trong khi tướng Konev dẫn quân tập kích từ phía nam. Sau các cuộc giao tranh ác liệt, Hồng quân Liên Xô đã vượt qua tuyến phòng thủ kiên cố của Đức quốc xã và tiếp cận Berlin.
Hồng quân Liên Xô pháo kích các ví trí của quân đội Đức quốc xã ở Berlin tháng 4/1945. Ảnh: Bild
Trong thành phố, tình hình càng trở nên hỗn loạn khi quân Đức, bao gồm cả các đơn vị linh nhuệ SS, cảnh sát… cố gắng chống trả. Tuy nhiên, sự chênh lệch về số lượng và trang bị đã khiến quân Đức không thể cầm cự. Các vụ đụng độ trên đường phố diễn ra khốc liệt, đặc biệt xung quanh Reichstag (tòa nhà quốc hội Đức).
Ngày 30/4/1945, khi Hồng quân Liên Xô áp sát hầm chỉ huy, trùm phát xít Hitler tự sát cùng người tình Eva Braun. Đến ngày 2/5, tướng Helmuth Weidling, chỉ huy phòng thủ Berlin ra lệnh đầu hàng vô điều kiện.
Ngày 8/5/1945, quân Đức chính thức đầu hàng, kết thúc cuộc chiến ở mặt trận châu Âu. Theo các thống kê, trận chiến Berlin khiến khoảng 100.000 - 200.000 lính Đức thiệt mạng, hơn 80.000 lính Liên Xô hy sinh, chưa kể hàng trăm nghìn dân thường bị thương vong.
Trận chiến này không chỉ đánh dấu sự sụp đổ của Đức Quốc xã mà còn thiết lập quyền lực của Liên Xô ở Đông Âu, mở ra kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh kéo dài suốt nửa sau thế kỷ 20.
Theo Vietnamnet