Tướng Trung Quốc nói thẳng về thất bại ê chề nhất của Quân Giải phóng: Toàn quân bị tiêu diệt

Chưa đầy 1 tháng sau khi nước Trung Quốc mới thành lập tháng 10/1949, Quân Giải phóng nhân dân (PLA) đã hứng chịu thất bại nặng nề trước lực lượng Quốc dân đảng.

Tướng Trung Quốc nói thẳng về thất bại ê chề nhất của Quân Giải phóng: Toàn quân bị tiêu diệt
Binh lính Quốc dân đảng lục soát các tù binh Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) bị bắt giữ sau chiến dịch Kim Môn 1949 (Ảnh: warfarehistorynetwork.com)

Ngày 15/10/1949, hai tuần sau ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (1/10/1949), PLA đã vượt biển phát động chiến dịch Hạ Môn nhằm vào lực lượng của Quốc dân đảng (KMT), vốn đang rút lui sau thất bại trong cuộc nội chiến ở Đại lục.

Quân đội Trung Quốc chia làm nhiều tuyến đổ bộ thành công lên Hạ Môn và đẩy lùi quân Quốc dân đảng.

Ngày 17/10, Thang Ân Bá - một trong những tướng lĩnh KMT được mà quân đội Nhật Bản e sợ - từ bỏ phòng thủ Hạ Môn.

Chiếm lĩnh thành công Hạ Môn, Binh đoàn số 10 PLA tiếp tục giành quyền kiểm soát các địa bàn về phía bắc đảo Kim Môn. Tư lệnh binh đoàn, tướng Diệp Phi, quyết định tổ chức tấn công Kim Môn, song chiến dịch bị trì hoãn do số lượng tàu không đáp ứng nhu cầu.

Ngày 24/10/1949, quân đội Trung Quốc quyết định vượt biển tấn công Kim Môn. Cuộc giao tranh trên đảo kéo dài 3 ngày đêm là nỗi kinh hoàng cho PLA.

Phân tích của tướng Lưu Á Châu

Bài báo Đằng sau chiến dịch Kim Môn, đăng trên tạp chí Đồng Châu Cộng Tiến - do Ủy ban Chính hiệp tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, chủ quản - vào tháng 2/2014 trích dẫn phân tích của Thượng tướng không quân Lưu Á Châu về thất bại của PLA. Ông Lưu là Ủy viên Ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 (2012-2017).

Tướng Lưu cho hay, ngày 17/8/1949, Binh đoàn số 10 PLA chiếm được Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến. Ngày 10/9, chủ lực của binh đoàn tiến xuống phía nam về phía Kim Môn, Hạ Môn.

Các tướng lĩnh Quốc dân đảng, tin rằng Đài Loan mới là nơi tính kế lâu dài và quyết định vận mệnh của phe này, quyết định rút lực lượng từ Quảng Châu - nơi lánh nạn tạm thời của chính quyền KMT - để củng cố tuyến phòng thủ ở Kim Môn và lân cận.

Ngày 24/10, tướng KMT Hồ Liên phát đi một bức điện đến Tưởng Giới Thạch, tung tin giả rằng Binh đoàn 12 của KMT vẫn đang ở trên biển và đề nghị rút về Đài Loan. Tình báo này "bị" PLA chặn được trong lúc Tư lệnh Diệp Phi đang triệu tập cuộc họp của Binh đoàn 10, quyết định tấn công Kim Môn ngay buổi tối cùng ngày.

"Rất tốt, thời cơ tốt nhất tấn công đã đến," Diệp Phi nhận định. Đêm hôm đó, chiến dịch Kim Môn được phát động một cách vội vã.

Dù buồm căng gió thuận, lợi dụng thủy triều để cập bờ, song sức mạnh hỏa lực pháo kích xa bờ của PLA bị hạn chế, trong khi mìn được cài dày đặc ở bờ biển này khiến trung đoàn 244 của PLA đổ bộ đầu tiên hứng chịu thương vong thê thảm.

Thống kê của Liên hợp quốc vào vài thập kỷ sau cho thấy Kim Môn là nơi có mật độ mìn trên mỗi km2 dày đặc thứ ba trên thế giới - tướng Lưu Á Châu nêu. Đến thập niên 1970, trên đảo vẫn còn nhiều nơi phải đặt cảnh báo bom mìn.

Hai trung đoàn 251 và 253 của PLA sau đó xâm nhập và đánh chiếm thành công một loạt cứ điểm là các ngôi làng trên đảo Kim Môn, bao gồm các cứ điểm quan trọng như Chùa Quan Âm và Đông Nhất Điểm Hồng. Lực lượng KMT - dưới sự yểm trợ của xe tăng "gấu Kim Môn" M5A1 và không lực - đáp trả quyết liệt và ép PLA lui bước. Giữa hai phe nổ ra giao tranh quyết liệt trong thành phố.

Trong tình thế này, PLA cần gấp chi viện từ tuyến hai và điều chỉnh chiến thuật, nhưng Tư lệnh hải quân KMT Lê Ngọc Tỷ đã đích thân xuất trận và ra lệnh cho chiến hạm nã đạn ác liệt vào các tàu của PLA bị mắc cạn.

Tướng Trung Quốc nói thẳng về thất bại ê chề nhất của Quân Giải phóng: Toàn quân bị tiêu diệt - Ảnh 2.

Bức ảnh duy nhất về cuộc họp tác chiến của chỉ hủy PLA trước chiến dịch đổ bộ Kim Môn tháng 10/1949 (Ảnh: Sohu)

Sáng ngày 25/10, không quân KMT bắt đầu các đợt không kích "xa luân chiến" và "giội lửa" xuống trận địa của quân đội Trung Quốc. Một số chiến cơ thậm chí áp sát bờ biển thả bom xăng xuống các tàu PLA dùng để chở quân tiếp viện, tạo thành các đám cháy lớn bốc cao hàng chục mét.

"Toàn bộ tàu thuyền của Quân Giải phóng bị thiêu hủy sạch sẽ," Lưu Á Châu mô tả. "Trên mặt biển đầy rẫy những đồng chí phải bỏ tàu bơi vào bờ. Từ phía Đại lục chứng kiến rất rõ chiến sự diễn ra ác liệt ở bờ biển đối diện. Lực lượng [PLA] tuy đông nhưng chỉ biết nhìn qua biển mà cảm thán..."

3h sáng ngày 26/10, duy nhất một "doanh" của PLA đổ bộ thành công lên đảo Kim Môn để tiếp viện, tuy nhiên đội quân tiếp viện chỉ mang hỏa lực hạng nhẹ và không thể đối đầu với xe tăng của KMT. Tướng KMT Hồ Liên đến Kim Môn lúc bình minh, sau đó toàn bộ lực lượng KMT tập trung phản đòn tổng lực nhằm vào PLA, chiếm lại các cứ điểm bị mất trước đó.

8h30 ngày 27/10/1949, quân KMT phát động đợt tổng tấn công cuối cùng nhằm vào trận địa PLA. Lưu Á Châu viết, "kẻ địch từ 3 phía dồn lên như thủy triều". 50 binh lính cuối cùng của PLA sau khi hết đạn đã tập thể lao xuống biển và bị súng máy của KMT càn quét.

Chiến dịch Kim Môn được KMT gọi là Chiến thắng vĩ đại Cổ Ninh Đầu - theo tên địa điểm giao tranh cuối cùng của đôi bên. Trải qua 56 tiếng đồng hồ đối đầu, toàn bộ lực lượng đổ bộ của PLA bị tiêu diệt, không một ai trở lại bên kia bờ biển. Số người thiệt mạng khoảng hơn 3.000, bị bắt làm tù binh và bị thương tật hơn 7.000. Quân đội KMT bị thương 3.000 người.

Sai lầm không thể tha thứ, Tư lệnh Trung Quốc được tha bổng

Tướng Trung Quốc nói thẳng về thất bại ê chề nhất của Quân Giải phóng: Toàn quân bị tiêu diệt - Ảnh 3.

Thượng tướng Trung Quốc Diệp Phi

Trong bản Kiểm thảo chiến dịch Kim Môn ngày 14/4/2004, Lưu Á Châu cho rằng Tư lệnh Diệp Phi đã phạm sai lầm không thể cứu vãn với chiến dịch Kim Môn thì lựa chọn Quân đoàn 28 thuộc Binh đoàn 10, một đơn vị "giỏi thủ không giỏi công" để chiếm đảo, trong khi cả chỉ huy, chính ủy và tham mưu trưởng của quân đoàn này đều... vắng mặt tại thời điểm chiến dịch.

"Đưa ra quyết định này xuất phát từ sự khinh địch của Diệp Phi," ông Lưu nhận định.

Năm 1952, hơn 3.000 quân nhân PLA lần lượt được trao trả về Đại lục, sau đó tất cả bị khai trừ khỏi đảng và tước quân tịch, một số khác bị xét xử với cáo buộc phản quốc. Trong khi đó, "Tổng chỉ huy chiến dịch Diệp Phi tự xin nhận kỷ luật, nhưng [lãnh tụ Trung Quốc] Mao Trạch Đông tha thứ cho ông ta. Vị thế của ông ta không hề bị ảnh hưởng".

Phó chỉ huy trưởng Quân đoàn 28, Tiêu Phong, cũng chủ động nhận kỷ luật và bị xử lý hạ ba cấp, trở thành Phó chỉ huy Sư đoàn.

Thảm bại ở Kim Môn không phải là trách nhiệm của riêng Tiêu Phong. Tư lệnh Diệp Phi tự phê bình rằng, "Các chỉ huy của chiến dịch này, đặc biệt là tôi, đã quá khinh địch. Đây là nguyên nhân căn bản cho thất bại của chiến dịch Kim Môn."

Dù vậy, thất bại ê chề này không trở thành rào cản cho công danh của Tiêu Phong. Ông này được phong hàm đại tá khai quốc vào năm 1955 và trở thành Phó tư lệnh quân thiết giáp thuộc Quân khu Bắc Kinh. 6 năm sau đó Tiêu Phong được thăng hàm thiếu tướng, gia nhập hàng ngũ tướng lĩnh khai quốc của Trung Quốc. 

Tướng Tiêu sau này được ghi nhận đã đóng góp đáng kể cho quá trình xây dựng lực lượng thiết giáp của PLA.

Nguồn: Soha

Nguồn:vpdf.org.vn Copy link