Bài 1: Nới lỏng nhưng không buông lỏng

Quyết liệt đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng và tăng cường bao phủ tiêm vaccine cho người dân, công tác phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 ở Hà Nội đã ghi nhận những kết quả khả quan. Đây là cơ sở để thành phố áp dụng PCD theo nguyên tắc Chỉ thị số 15/CT-TTg từ 6 giờ ngày 21-9 và thực hiện phong tỏa hẹp. Hà Nội đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cho giai đoạn phục hồi, tạo động lực phát triển không chỉ với vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc mà còn với cả nước.

Hà Nội đã cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19 nhưng những nguy cơ vẫn còn hiện hữu, không thể một phút lơ là với dịch bệnh. Cùng với việc nỗ lực khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, Hà Nội tiếp tục khẳng định PCD là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng của người dân là trên hết.

Thần tốc tiêm chủng và xét nghiệm

Sau chuỗi ngày dài đóng cửa, ngay trong đêm 20-9, nhiều chủ nhà hàng, quán ăn ở Hà Nội tất bật chuẩn bị để mở cửa phục vụ khách sau khi được phép bán hàng mang về từ 6 giờ ngày 21-9. Anh Nguyễn Văn Bốn, nhà ở đường Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân không giấu được niềm vui khi được bán hàng trở lại. “Chiều tối 20-9, khi biết được thông tin Hà Nội sẽ nới lỏng một số hoạt động từ 6 giờ ngày 21-9, trong số đó có hoạt động được phép bán hàng mang về. Cả đêm, vợ chồng tôi cùng nhau lau dọn, chuẩn bị nguyên vật liệu để có thể bán phở ngay trong buổi sáng. Được mở hàng như thế này, tôi rất mừng. Nhân viên có công ăn việc làm trở lại, chúng tôi cũng có tiền trang trải tiền thuê nhà, chứ mấy tháng qua thật sự đã rất vất vả".

Ghi nhận của phóng viên Báo Quân đội nhân dân trong sáng 21-9, tại khu vực các quận: Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng... nhiều cửa hàng đã được mở cửa, phục vụ bán mang về. Tuy nhiên, cũng có một số cửa hàng vẫn thận trọng, chưa dám bán hàng vì sợ lượng người mua chưa nhiều.

Bài 1: Nới lỏng nhưng không buông lỏng
Phố Phan Đình Phùng, quận Ba Đình sáng 21-9. Ảnh: VIỆT TRUNG 

Cuộc sống bình thường mới đang dần trở lại với người dân Thủ đô. Để có được thành quả này, trong trận chiến lần thứ tư chống “giặc” Covid-19, Hà Nội chuyển hướng mạnh mẽ từ phòng ngự sang tấn công, với nhiều nhiệm vụ mới, khó, chưa có tiền lệ. Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị cơ sở trong PCD, thành phố đã làm tốt việc phân cấp, phân quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo; chú trọng chuẩn bị “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ); kiên trì thực hiện khoanh vùng hẹp; xét nghiệm diện rộng để bóc tách triệt để F0 ra khỏi cộng đồng, thực hiện chiến lược tiêm chủng thần tốc; bảo đảm được an sinh xã hội cho mọi người dân; duy trì chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng hàng hóa và bảo đảm tuyệt đối an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Điểm lại kết quả công tác chống dịch Covid-19 của thành phố qua 4 đợt giãn cách, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, số ca mắc giảm mạnh trong đợt giãn cách lần 4. Số ca mắc trung bình/ngày trong đợt giãn cách thứ 4 giảm còn 27,7 ca/ngày (đợt 1: 71,2 ca/ngày, đợt 2: 56,8 ca/ngày, đợt 3: 71,1 ca/ngày). Cùng với đó, để chuẩn bị cho chiến dịch xét nghiệm diện rộng và tiêm chủng, Hà Nội đã huy động tổng lực với sự tham gia của hệ thống y tế công lập, tư nhân, cùng sự hỗ trợ của các bệnh viện Trung ương, bệnh viện ngành quân đội, công an và sự hỗ trợ của 12 tỉnh, thành phố trên cả nước. Từ ngày 8-9, bình quân mỗi ngày tiêm được 420.000-550.000 mũi tiêm; ngày cao điểm nhất đã tiêm 606.000 mũi tiêm. Tại Hà Nội, hết ngày 20-9, toàn thành phố đã tiêm được tổng cộng 6.438.062 liều vaccine, trong đó, số liều tiêm mũi 1 đạt hơn 5,6 triệu (tương đương 94,2% dân số từ 18 tuổi trở lên và đạt 68,33% tổng dân số); mũi 2 đạt hơn 786.000 (tương đương 12% dân số trong độ tuổi tiêm chủng và đạt 9,2% tổng dân số).

Vẫn thực hiện chặt công tác phòng dịch

Tại Chỉ thị số 22/CT-UBND ngày 20-9-2021 của UBND TP Hà Nội về điều chỉnh các biện pháp PCD Covid-19 trên địa bàn thành phố trong tình hình mới, Hà Nội đã đưa ra hàng loạt các nhiệm vụ cụ thể để bảo vệ an toàn cho người dân, an toàn để phục hồi sau những ngày dài giãn cách và an toàn thích ứng lâu dài với dịch bệnh... Nhấn mạnh việc thành phố điều chỉnh nới lỏng một số hoạt động nhằm vừa duy trì hiệu quả PCD, vừa tạo điều kiện phục hồi sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của người dân, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho hay, thời gian tới ưu tiên hàng đầu vẫn là bảo đảm sức khỏe cho nhân dân và giữ an toàn cho Thủ đô. Thành phố sẽ không áp dụng quy định phân vùng, không áp dụng cấp giấy đi đường cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Thay vào đó, tăng cường công nghệ thông tin trong công tác PCD và quản lý giám sát di biến động trên địa bàn thành phố.

Thông tin cụ thể về vấn đề quản lý hoạt động vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân sau 6 giờ ngày 21-9, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, thành phố tiếp tục duy trì 22 chốt tại quốc lộ ra, vào thành phố, 33 chốt tại các đường ngang, lối mở giáp ranh với các tỉnh lân cận. Đối với vận tải nội đô, tiếp tục tạm dừng các hoạt động vận tải hành khách công cộng đi và đến Hà Nội cũng như trên địa bàn thành phố. Sở Giao thông vận tải Hà Nội đang nghiên cứu để cho phép mở lại một số hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng xe hai bánh, shipper công nghệ với lượng phù hợp để phục vụ nhu cầu nhân dân và bảo đảm đời sống, công ăn việc làm cho nhóm đối tượng này.

Cũng liên quan vấn đề này, Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, Hà Nội vẫn duy trì các chốt ra, vào thành phố để bảo vệ thành quả, ngăn cản sự lây lan mầm bệnh từ bên ngoài vào. Quan điểm không cấm người từ tỉnh ngoài vào Hà Nội mà khi vào phải đáp ứng đủ các điều kiện PCD theo quy định. Công an TP Hà Nội sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để cố gắng triển khai được việc quét mã QR Code để tạo thuận lợi cho người dân khai báo y tế. Tiếp tục tổ chức các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên địa bàn, nhất là tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm khi thành phố mở rộng và cho phép hoạt động trở lại với các loại hình kinh doanh dịch vụ....

Nguy cơ vẫn cao nên không thể chủ quan

Thực tế cho thấy, để đưa ra các biện pháp PCD trong tình hình mới, thành phố đã tập trung đánh giá tình hình dịch tễ trên địa bàn, xác định nguy cơ; tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học; gặp gỡ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn. Đồng thời, trao đổi với các tỉnh, thành phố xung quanh để thống nhất đồng bộ các giải pháp bảo đảm tính chất liên vùng, liên kết, đồng thuận cũng như tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Trung ương. Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội yêu cầu, ngay cả khi xem xét nới lỏng một số hoạt động dịch vụ thì tuyệt đối không được chủ quan, lơ là chống dịch. “Dù bước đầu đạt được những kết quả nhất định, nhưng công tác PCD Covid-19 vẫn đang đặt ra những khó khăn, thách thức lớn, vì nguy cơ các ca F0 cộng đồng vẫn còn. Hà Nội tiếp tục xác định công tác PCD là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng của người dân là trên hết”, đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Để hướng tới mục tiêu đưa thành phố trở về trạng thái bình thường mới hoàn toàn, Hà Nội chú trọng tăng độ phủ của vaccine, khi được cấp đủ vaccine sẽ tiêm phủ mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên và cố gắng hoàn thành mục tiêu này vào đầu tháng 11-2021, trên cơ sở đó tính toán phương án học sinh trở lại trường. Theo các chuyên gia y tế, việc thành phố nới lỏng thêm một số hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với PCD một cách thận trọng, theo lộ trình phù hợp và có cơ chế kiểm soát chặt chẽ để phòng ngừa dịch bệnh là cần thiết. Nếu nới lỏng không đi kèm kiểm soát sẽ khiến cho thành quả chống dịch suốt thời gian qua có nguy cơ “đổ sông, đổ bể”. Do vậy, để sớm có được trạng thái bình thường mới, trên hết, mỗi người dân không được chủ quan, dịch vẫn có thể bùng phát bất kỳ khi nào.

(còn nữa)

Nhóm phóng viên Phòng BT KT-XH-NC

Theo QĐND