Nguồn: Sarang Shidore, “How BRICS Can Survive ‘America First’“ Foreign Policy, 02/07/2025
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Khi các nhà lãnh đạo BRICS tụ họp tại Rio de Janeiro vào cuối tuần này, các dấu hiệu đều không mấy tốt đẹp. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhắm thẳng vào khối 10 quốc gia này, đe dọa áp thuế 100% lên các nước thành viên nếu họ cố gắng hạ bệ đồng đô la Mỹ khỏi vị trí thống trị toàn cầu. Washington cũng tăng cường chiến tranh thương mại và thuế quan trên toàn thế giới, bao gồm với hầu hết các quốc gia BRICS. Và một thành viên của khối này, Iran, gần đây đã phải hứng chịu một cuộc tấn công quân sự dữ dội từ Mỹ. Liệu BRICS có thể sống sót qua cuộc tấn công này, và họ phải làm gì để duy trì vai trò của mình trong một thế giới mới?
BRICS không phải là một tổ chức quốc tế chính thức, mà là một liên minh lỏng lẻo của những gì mà tôi gọi là “phương Đông toàn cầu” (Nga và Trung Quốc) và một nhóm các quốc gia phương Nam toàn cầu. Sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của các nhà lãnh đạo vào năm 2009 với tên gọi BRIC (Brazil-Nga-Ấn Độ-Trung Quốc), khối này đã nhanh chóng bổ sung Nam Phi và trở thành BRICS. Sau năm 2023, năm thành viên mới đã được thêm vào (Ai Cập, Ethiopia, Indonesia, Iran, và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất), và một nhóm các quốc gia đối tác cấp thấp hơn cũng được công bố. BRICS chắc chắn đã nổi lên như một câu chuyện về tăng trưởng mạnh mẽ. Bằng cách kết hợp tham vọng lớn với sự linh hoạt và hiệu quả, BRICS còn có thể nổi lên như một nhân tố định hình chính của trật tự quốc tế.

Mục tiêu của các nước phương Nam toàn cầu trong BRICS không phải là quay trở lại với tinh thần “đoàn kết Thế giới Thứ ba” xưa cũ của những năm 1970. Thay vào đó, các quốc gia này tham gia BRICS để theo đuổi một tập hợp lợi ích chung và hạn chế với Nga và Trung Quốc. Những lợi ích này nảy sinh từ hai thực tế của thế giới đang thay đổi của chúng ta.
Thứ nhất, trật tự toàn cầu dưới sự lãnh đạo của Mỹ đang thất bại trên nhiều mặt trận trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu – và tình hình đã trở nên trầm trọng hơn do cuộc tấn công thuế quan toàn diện của Washington. Thứ hai, sự suy yếu của trật tự đơn cực và chính sách đối ngoại cực kỳ biến động đã khiến Mỹ trở thành một đối tác không đáng tin cậy, từ đó làm tăng mạnh sự bất ổn toàn cầu. Và khi bất ổn dâng cao, hành động hợp lý là phân tán rủi ro và đầu tư vào các cấu trúc thay thế.
Liệu BRICS có tạo ra khác biệt nào cho trật tự toàn cầu hay chưa? Sự tồn tại của một khối liên khu vực không bao gồm bất kỳ quốc gia nào từ “phương Bắc toàn cầu” là một thử nghiệm táo bạo không nên bị bỏ qua. Nó có thể trở thành mỏ neo cho mọi loại sáng kiến có thể xuất hiện trong tương lai. Ngoài ra, những tuyên bố tập thể của khối (trong các tuyên bố hội nghị thượng đỉnh hàng năm) về các vấn đề then chốt của quản trị kinh tế và địa chính trị đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố hoặc thách thức các chuẩn mực toàn cầu.
Tuy nhiên, khi nói đến tác động thực tế, thì thành công vẫn còn khá hạn chế. Thành tựu lớn nhất của BRICS là trong lĩnh vực tài chính phát triển, nơi Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) có trụ sở tại Thượng Hải đã tạo được tiếng vang khiêm tốn. Dù khoản cho vay khoảng 4 tỷ đô la hàng năm của NDB ít hơn nhiều so với Ngân hàng Thế giới, nhưng ngân hàng BRICS đã hoạt động được một thập kỷ và vẫn giữ được xếp hạng tín dụng quốc tế cao. NDB cũng kết hợp các thực tiễn quản trị đổi mới khác với Ngân hàng Thế giới, chẳng hạn như không có một cổ đông kiểm soát duy nhất, lập chức chủ tịch luân phiên giữa năm thành viên BRICS ban đầu, và áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia về lao động và môi trường trong các dự án của mình.
Khi các nhà lãnh đạo BRICS đến họp tại Rio, Brazil chọn ưu tiên hợp tác Nam-Nam, y tế toàn cầu, hành động vì khí hậu, và chủ nghĩa đa phương. Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không tham dự. Điều này mang lại cơ hội cho các thành viên phương Nam toàn cầu của khối điều hành hội nghị thượng đỉnh.
Về mặt logic, “Nước Mỹ trên hết” chỉ củng cố thêm lý do tồn tại của BRICS. Chủ nghĩa đơn phương và sự coi thường luật pháp quốc tế tại các khu vực như Trung Đông và trong các đấu trường như thương mại toàn cầu đòi hỏi một lực lượng đối trọng ổn định có thể củng cố các chuẩn mực hợp tác. Các quốc gia phương Nam toàn cầu, với tư cách là những chủ thể yếu hơn, phụ thuộc nhiều hơn vào hợp tác quốc tế trong nỗ lực đạt được an ninh và thịnh vượng cho người dân của họ.
Nhưng tâm trạng phản kháng ở Washington cho thấy BRICS phải hành động thận trọng nếu muốn tránh bị suy yếu trong những năm tới. Điều này đòi hỏi một chiến lược ba mũi nhọn là trấn an, cắt giảm, và củng cố.

Trước tiên, BRICS phải trấn an Washington và người dân Mỹ rằng họ không phải là một câu lạc bộ chống Mỹ hay chống phương Tây, và không có ý định lật đổ đồng đô la. Điều này đã được một số quốc gia thành viên riêng lẻ như Ấn Độ và gần đây hơn là Brazil làm rõ. Nhưng Nga, nước bị trừng phạt, đã mạnh mẽ kêu gọi tạo ra các cơ chế tiền tệ thay thế trong nhiệm kỳ chủ tịch năm 2024 của mình. Những nỗ lực này nên được từ bỏ ngay bây giờ. Dù sao đi nữa, việc chấm dứt sự thống trị của đồng đô la là một giấc mơ viển vông khi xét đến những thế mạnh chính của đồng tiền này trong trật tự tài chính.
BRICS cũng có thể thuyết phục Washington rằng ngay cả khi nước này hướng nội nhiều hơn, thì gánh nặng chung vẫn cần được chia sẻ để giải quyết các vấn đề toàn cầu, những vấn đề vốn không ngừng xuất hiện và không bị ảnh hưởng bởi kết quả bầu cử ở Mỹ. BRICS có thể đóng một vai trò xây dựng về mặt này bằng cách giúp mang lại một thế giới ổn định hơn, với khả năng di cư hàng loạt, khủng bố, và tội phạm có tổ chức ở mức thấp hơn. Tất cả những điều này đều nằm trong lợi ích quốc gia của Mỹ.
Thứ hai, BRICS cần phải cắt giảm chương trình nghị sự dông dài của mình. Gần đây, các sáng kiến và khẳng định của khối này đã mở rộng và bao trùm quá nhiều lĩnh vực. Một khối vẫn còn non trẻ, không có ban thư ký chính thức hoặc nhân viên thường trực sẽ phải đưa ra một số lựa chọn khó khăn nếu muốn hoạt động hiệu quả hơn.
Các lĩnh vực khó khăn nhất đối với BRICS là địa chính trị và an ninh cứng. Những không gian này có thể làm những khác biệt nội bộ trong khối bị lộ rõ– điều không đáng ngạc nhiên, vì BRICS ban đầu được thiết kế cho quản trị kinh tế, không phải an ninh.
BRICS có thể dễ dàng đạt được sự đồng thuận về cuộc chiến Nga-Ukraine. Họ cũng có lập trường mạnh mẽ đáng kinh ngạc về các vi phạm trong cuộc chiến Israel-Hamas, và gần đây nhất, khi Brazil làm chủ tịch, là về các cuộc tấn công vào Iran. Tuy nhiên, ngay cả khi việc lên tiếng về các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế lớn là cần thiết, thì BRICS vẫn cần cẩn thận lựa chọn trận chiến của mình trong các cuộc khủng hoảng và chiến tranh trong tương lai.
Việc cắt giảm, nếu được thực hiện đúng cách, có thể dễ dàng mở ra cánh cửa cho mũi nhọn thứ ba của chiến lược – củng cố. BRICS vẫn rất phù hợp cho một trật tự toàn cầu cân bằng và ổn định hơn. Điều này ngụ ý rằng: nên tập trung vào các lĩnh vực mà BRICS có lợi thế so sánh và có thể tạo ra tác động lớn nhất.

Tài chính phát triển đứng đầu danh sách. Về cơ bản, điều này có nghĩa là tập trung cao độ vào việc củng cố NDB. Việc ngân hàng của BRICS tập trung vào cơ sở hạ tầng và tính bền vững là hoàn toàn đúng hướng. Tuy nhiên, tư cách thành viên của nó (mở cho tất cả các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc) nên được mở rộng nhanh hơn. Để so sánh, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc thống trị hiện có hơn 100 thành viên. Trong khi đó, NDB, được thành lập trước AIIB, lại chỉ có 9 thành viên. Việc mở rộng tư cách thành viên của NDB phải đi kèm với việc tăng đều đặn mức cho vay và triển khai nhanh hơn các dự án trên thực tế.
BRICS cũng có cơ hội mở rộng trong hai lĩnh vực quan trọng mà Mỹ đã bỏ lại: hành động vì khí hậu và y tế toàn cầu. Các nước phương Bắc thường có xu hướng tập trung chủ yếu vào việc giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nhưng BRICS có thể tập trung hoàn toàn vào thích ứng và khả năng phục hồi, nơi khoảng cách về tài chính và chia sẻ kiến thức là rất lớn và nhu cầu của các nước phương Nam toàn cầu là cấp thiết nhất.
Trung Quốc đang đóng góp đáng kể vào tài chính khí hậu nhưng vẫn được phân loại là quốc gia đang phát triển trong các cuộc đàm phán khí hậu. Các thành viên phương Nam toàn cầu của BRICS có thể thuyết phục Bắc Kinh đảm nhận các nghĩa vụ chính thức về biến đổi khí hậu. Với sự trỗi dậy mạnh mẽ của mình, Trung Quốc không còn có thể được xem là một nước phương Nam toàn cầu, và trách nhiệm của họ nên phát triển tương ứng.
Ngoài ra, xét đến việc Washington rời khỏi Tổ chức Y tế Thế giới và trở nên thù địch với vaccine, BRICS đang ở trong vị thế đặc biệt để phát triển các sáng kiến hiện có của mình trong lĩnh vực này. Trung Quốc và Ấn Độ hiện đang nằm trong số các cường quốc vaccine của thế giới. Việc chuyển đổi trung tâm nghiên cứu và phát triển vaccine hiện có của BRICS thành một thể chế vững chắc và hoạt động hiệu quả với sự hiện diện vật chất (như đã làm với NDB) có thể là một đóng góp lớn.
Cuối cùng, các quốc gia BRICS đều đồng lòng bảo vệ trật tự thương mại toàn cầu. Ngay cả khi các bộ trưởng ngoại giao của họ không đưa ra tuyên bố chung vào tháng 4, thì tuyên bố của chủ tịch từ Brazil đã nhấn mạnh sự đồng thuận rõ ràng của khối này về thương mại. Thông điệp này cần được nhắc lại mỗi khi có thể. Như một bước đi cụ thể, các thành viên BRICS chưa tham gia Cơ chế Phúc thẩm Tạm thời Nhiều bên (một cơ quan tự nguyện, được thành lập để giải quyết tình trạng bế tắc do Mỹ gây ra đối với cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới) nên đặt mục tiêu tham gia càng sớm càng tốt. Họ cũng nên tiếp tục thúc đẩy các cơ chế hội nhập và tạo điều kiện cho thương mại giữa các nước thành viên và trong các khu vực của riêng họ.
Theo Nghiên cứu Quốc tế
Sarang Shidore là Giám đốc Chương trình Phương Nam toàn cầu của Viện Quincy. Các nghiên cứu của ông tập trung vào địa chính trị phương Nam toàn cầu, Châu Á, và biến đổi khí hậu.