Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Trên đường trở về Hà Nội, chúng tôi đi qua Bắc Giang chỉ thấy làng mạc vắng lặng, có vài ngọn tre treo cờ đỏ sao vàng. Về tới Hà Nội thì gặp cả rừng hoa và cờ đỏ sao vàng, cứ ngỡ là trong giấc mơ.
Từ chiến khu, chúng tôi đã nhận được tin Hà Nội chủ động đứng lên đấu tranh, giành thắng lợi rất nhiều trận chiến ở nhà máy điện Bờ Hồ, điện Yên Phụ, Sở Lục Bộ… và nhiều khu vực quân sự của quân Pháp. Sau khi giặc rút, các đồng chí còn giữ vững điện, nước, giao thông liên lạc để đảm bảo cho đời sống nhân dân khi ta vào tiếp quản. Mấy lần gặp các đồng chí Hà Nội, tôi luôn biểu dương tinh thần hăng hái cách mạng, tinh thần sáng tạo của người dân thủ đô.
Ông Vũ Huy Hậu, Nguyên chính trị viên Tiểu đoàn Bình Ca: Ngày 8/10/1954, bầu trời đầy mây thỉnh thoảng lại đổ xuống một trận mưa nhỏ, tiểu đoàn chúng tôi hành quân tới Cầu Đuống là 8h sáng. Viên hạ sĩ quan chỉ huy một tiểu đội lính Pháp tại bốt gác đầu cầu ra đón, ngoài ra còn có rất nhiều nhà báo của tây và ta dẫn chúng tôi về thủ đô. Đến trưa 8/10, ở tất cả các vị trí quan trọng của Hà Nội đã có quân ta đóng cùng quân Pháp. Chiều hôm đó, tôi đi kiểm tra an ninh bằng xe jeep do một người Pháp lái, tôi không ngờ Hà Nội rộng thế.
Sáng 10/10, “đại quân” ta vào tiếp quản thành phố trong rừng cờ hoa và biển người. Tôi vui quá, vừa được vào trước lại được chứng kiến cảnh quân ta về thủ đô với đội ngũ “trùng trùng điệp điệp” như vậy. Sau đó, tôi phải quay về với anh em đang âm thầm canh gác những nơi Pháp vừa rút hết. Đi đến Phủ toàn quyền, tôi nhận ra đồng chí Xuân, Trung đội trưởng, đang nghiêm trang đứng gác trước cổng, bụng đói hai ngày mà tư thế vẫn hiên ngang, nét mặt tươi tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Thành Nhân, 17 Quán Thánh, quận Ba Đình: Tôi là cán bộ của hội phụ nữ thủ đô ở lại tham gia lực lượng chiến đấu 60 ngày đêm. Ngày đó, tôi vừa hoạt động bí mật vừa kêu gọi chị em hướng về kháng chiến, chuẩn bị cho ngày chúng ta giải phóng thủ đô, vận động nhân dân mua công phiếu, chống thuế, rải truyền đơn…
Gần ngày giải phóng, không khí ở thủ đô rất sôi động, không những vận động nhân dân không di cư, chúng tôi còn vận động lính nguỵ phản chiến quay về với cách mạng. Tôi còn nhớ rõ khi mang cờ của Hội phụ nữ và công phiếu kháng chiến xuống chợ Đồng Xuân để chị em treo trong ngày giải phóng, đi đến chợ Hàng Da thì bị lính nguỵ bao vây xung quanh chợ. Lúc đó, may mắn có một chị bán hàng đã giúp giấu cờ trong một chiếc trống thiếu nhi. Còn tôi phải hoá trang để thoát ra ngoài phố.
Ông Phạm Gia Đốc, 81 tuổi, 27 Hàng Quạt, một trong những chiến sĩ công an đầu tiên của Hà Nội: Sau năm 1945, Hà Nội bị giặc chiếm đóng, tôi cùng nhiều đồng chí tham gia hoạt động Việt Minh, lãnh đạo anh em công nhân các nhà máy mít-tinh và giành chính quyền ở Phủ Khâm Sai, trại Bảo an binh…
Khi hoạt động trong địch hậu, chiến sĩ ta phải chịu đựng cuộc sống gian nan vô cùng. Tôi đã nhiều lần bị “chết hụt”, nhất là dạo ở làng Đại Từ. Bị địch phục kích từ trưa, tôi phải chui xuống đầm lầy, tát cá với trẻ con. Đến chiều, phải bôi bùn đen đầy người, mượn trâu cưỡi qua hàng quân địch. Đến đêm, giặc rút mới biết là mình thoát chết. Sau đó, quân Pháp bắt cả thằng Lý Hợi (chỉ điểm) và hàng chục dân làng.
Ông Đặng Văn Nguyên, một trong những người phụ trách đánh phá sân bay Gia Lâm năm 1953: Đêm 2/3/1953, chúng tôi hàng quân đến vị trí tập kết ở xã Long Biên, huyện Gia Lâm, sống trong hầm bí mật. Tối 3/3, trời rét thấu da thịt, 19 chiến sĩ bí mật vượt qua đê sông Hồng rồi bơi qua hồ Lâm Du tiến vào sân bay. Trước khi bơi qua hồ, mọi người phải uống nước mắm để chống rét. Vượt qua vị trí cửa mở, anh em nhanh chóng tiếp cận mục tiêu được phân công, đã dò xét từ nhiều tháng trước. Trong chốc lát, tiếng nổ vang lên, lửa cháy ngút trời, địch trong sân bay chạy náo loạn, còi báo động rú lên inh ỏi.
Vụ tập kích đã làm gián đoạn cầu hàng không tiếp tế của địch cho chiến trường Điện Biên Phủ, góp phần làm nên nhiều thắng lợi cho dân tộc.
Theo VNEXPRESS