1. Khái niệm, nội dung cộng đồng
Bàn về chủ nghĩa cộng đồng, điều đầu tiên cần làm sáng tỏ là thuật ngữ “cộng đồng”. Đây là một từ Hán gồm hai thành tố.
Cộng (共) với các lớp nghĩa: cùng, chung, giống nhau, cùng nhau. Trong tiếng Việt và tiếng Hán đều có các từ kết hợp với “cộng” như: “cộng hòa” (共和), cùng hòa với nhau mà làm việc. Vậy nên, nước nào do dân cùng bầu cử cán bộ lãnh đạo quản trị đất nước thường gọi là nước cộng hòa. “Cộng sinh” (共生), chỉ sinh vật không cùng một loài sống chung với nhau, làm lợi cho nhau, cung cấp cho nhau các điều kiện cần thiết đảm bảo sự tồn tại và phát triển. “Cộng cư” (共居) có nghĩa sống cùng, cùng chung sống trên một không gian địa lý chung. “Cộng sự” (共事) là những người cùng làm một sự việc, nhiệm vụ trong một tổ chức nào đó. “Cộng quản” (共管) nghĩa là quản lý chung, cùng quản lý. “Cộng hưởng” (共鳴) chỉ âm thanh do hai vật thể cùng phát ra âm thanh gây rung động. Cộng hưởng còn mang nghĩa là đồng cảm, thông cảm.
Từ đồng (同) với các lớp nghĩa: đồng nhất, tương đồng, cùng như một. Trong tiếng Việt và tiếng Hán đều có các từ kết hợp với “đồng” như “đồng học” (同学) nghĩa là cùng học; “đồng sự” (同事) nghĩa là cùng nhau làm việc; “đồng nghiệp” (同业) nghĩa là cùng ngành, cùng nghề; “đồng hương” (同乡) nghĩa là cùng quê.
Thuật ngữ “cộng đồng” có nghĩa là cùng, cùng với, cùng nhau, cùng một lúc, đồng thời, liên tục. Hiện nay, trong tiếng Việt, có thể hiểu cộng đồng là toàn bộ những con người cùng làm việc, sinh sống, có số phận chung, có điểm tương đồng, cùng chịu sự tác động từ những yếu tố khách quan và chủ quan, cùng liên kết thành một thể thống nhất trong đời sống xã hội.
Mỗi xã hội đều có các nhóm cộng đồng khác nhau. Có thể hiểu cộng đồng theo các nhóm cơ bản sau:
Cộng đồng địa lý, là loại cộng đồng được phân chia theo yếu tố có tính địa lý, khu vực, vùng miền như cộng đồng người miền Bắc, cộng đồng người miền Trung, Tây nguyên, cộng đồng người miền Nam,…
Cộng đồng nghề nghiệp, chủ yếu chỉ nhóm người có cùng quan điểm, làm việc trong từng nghề, từng lĩnh vực nhất định, có cùng ý thích, cùng quan điểm, cùng tư tưởng giống nhau.
Cộng đồng văn hóa là tập hợp những người có chung trình độ văn hóa, sự yêu thích văn hóa, có ý thức cùng chung hưởng văn hóa, gắn bó với nhau bởi bản sắc văn hóa, di sản văn hóa, gắn kết với nhau từ di sản văn hóa, cùng nhau bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng.
Cộng đồng tôn giáo là chỉ những nhóm, cộng đồng người cùng tín ngưỡng giáo phái do họ lựa chọn như cộng đồng Phật giáo, cộng đồng Thiên Chúa giáo, Cộng đồng Hồi giáo,…
Trên đây là một số cộng đồng cơ bản. Trên thực tế, còn nhiều cộng đồng khác vi mô hơn. Đương nhiên, có những cộng đồng có tính vĩ mô, khái quát, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc cũng đều là cộng đồng như Cộng đồng người Việt Nam, cộng đồng người Nga,…
2. Chủ nghĩa cộng đồng: quá trình hình thành và phát triển
Người đầu tiên nêu khái niệm chủ nghĩa cộng đồng là nhà tư tưởng người Pháp Jean Jacques Rousseau (1712-1778). Từ góc độ khế ước xã hội, ông cho rằng, khế ước xã hội một ngày nào đó được ký kết, “có nghĩa là mỗi cá nhân đều chuyển toàn bộ quyền lợi của cá nhân mình hợp thành quyền lợi của tập thể, từ đó cá nhân phục tùng lợi ích chung của tập thể, điều đó cũng có nghĩa là phục tùng cho chính mình, như vậy, nhân dân sẽ là người làm chủ khối cộng đồng chính trị(1).
Khái niệm chủ nghĩa cộng đồng tuy được Jacques Roussean nêu lên từ rất sớm, thế nhưng mãi đến cuối thế kỷ XX, do nhu cầu phản đối chủ nghĩa cá nhân cực đoan và các hình thức khác của chủ nghĩa này cũng như ủng hộ xã hội văn minh nhân bản nên nhiều chính khách và các nhà khoa học đã chuyên sâu nghiên cứu, vận dụng. Những người đạt thành tựu trong nghiên cứu chủ nghĩa cộng đồng phải kể đến giáo sư Michael Walzer, đại học Princeton, giáo sư Charles Taylor người Canada, giáo sư Michael Sadel và giáo sư Robert Putman, đại học Harvard Ami tại Etzioni, Robert N. Bellah, Alasdair Macintyre, Jacek Kurczewski người Ba Lan. Những chính khách đạt thành tựu trong nghiên cứu, vận dụng chủ nghĩa cộng đồng có thể kể đến là Lý Quang Diệu (Singapore) và Bill Clinton (Hoa Kỳ),….
Điều căn cốt của chủ nghĩa cộng đồng là nhấn mạnh tầm quan trọng của cộng đồng trong các hoạt động của đời sống chính trị, trong phân tích và đánh giá của các thiết chế chính trị, trong việc tìm hiểu hạnh phúc và bản sắc con người.
Có thể khái quát một số đặc trưng chủ yếu của chủ nghĩa cộng đồng như:
Một là, chủ nghĩa cộng đồng chú trọng lợi ích tập thể và quyền tập thể, nhấn mạnh tính đồng thuận, đề cao giá trị gia đình, quyền kinh tế và văn hóa xã hội.
Hai là, chú trọng quan tâm mối quan hệ không tách rời giữa nhà nước và xã hội với cộng đồng.
Ba là, luôn đề cao quyền và trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng, các quyền của cá nhân không tách rời lợi ích chung của xã hội cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân dối với cộng đồng xã hội.
Bốn là, luôn đề cao giá trị và thứ bậc. Điều này được thể hiện trong cuộc sống thường nhật, nhất là ở xã hội phương Đông.
Ở Trung Quốc, bước vào thế kỷ XXI, chủ nghĩa cộng đồng đã được quan tâm nghiên cứu và làm phong phú nội hàm của nó. Người đầu tiên nêu thuật ngữ khối cộng đồng dân tộc (民族共同体) là giáo sư Trương Văn Mộc. Khi nói chuyện tại Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề chiến lược tại Đại học Hàng không và Du hành vũ trụ Bắc Kinh, ngày 03-8-2002, ông cho rằng, dân tộc Trung Hoa là khối cộng đồng dân tộc đa nguyên nhất thể, nhà nước (同家) (state) một khi đã tự nguyện gia nhập vào xã hội quốc tế và được xã hội quốc tế công nhận thì không thể tách rời khỏi khối cộng đồng chung vận mệnh dân tộc (民族命运共同体)(2).
Tháng 2-2006, báo Buổi sáng phương Đông bình luận rằng, từ khi nhậm chức cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ hoạt động, Ủy ban Tổ chức thống nhất quốc gia, Tổng thống Trung Hoa dân quốc Trần Thủy Biên cuối cùng cũng không thể nào cắt đứt khối cộng đồng chung vận mệnh (命运共同体) hai bờ eo biển Đài Loan(3). Người phụ trách văn phòng Quốc vụ viện Đài Loan đã cho rằng, trải qua mười mấy năm phát triển quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan, trên thực tế, đồng bào hai bờ đã kết thành một khối cộng đồng chung vận mệnh(4).
Năm 2011, Thủ tướng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Ôn Gia Bảo khi gửi thư thăm hỏi, chia buồn nhân dân Nhật Bản bị tai nạn động đất, sóng thần đã nói: “Trước tai nạn của tự nhiên, toàn thể nhân loại là một khối cộng đồng chung vận mệnh”(5). Tại Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc, tháng 11/2012, khái niệm cộng đồng chung vận mệnh nhân loại (人类命运共同体) được ghi rõ trong Báo cáo chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sau Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc, cách biểu thị khái niệm này không giống nhau, có lúc được biểu thị thành: “trong anh có tôi, trong tôi có anh”(6). Có lúc lại biểu thị “cộng đồng chung vận mệnh” hay “ý thức cộng đồng chung vận mệnh”(7).
Ngày 28-9-2015, phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Liên hợp quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình đã đề xuất thế giới cùng chung tay xây dựng tình bạn mới hợp tác cùng thắng, đồng lòng xây dựng khối cộng đồng chung vận mệnh nhân loại. Khái niệm cộng đồng chung vận mệnh nhân loại đã được đa số đại biểu tham dự lễ kỷ niệm quan tâm. Từ đây, khái niệm này đã dần được khẳng định(8).
Ngày 10-2-2017, tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ 55 Ủy ban Phát triển xã hội, Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua Nghị quyết Quan hệ bạn bè mới trong phát triển châu Phi về mặt xã hội. Trong Nghị quyết này của Liên hợp quốc, lần đầu tiên đã ghi rõ khái niệm cộng đồng chung vận mệnh nhân loại(9).
Tháng 10-2017, khái niệm cộng đồng chung vận mệnh nhân loại được ghi trong Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc(10).
Ngày 11-3-2018, khái niệm cộng đồng chung vận mệnh nhân loại được ghi trong Hiến pháp Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa(11).
Ngày 10-4-2018, phát biểu tại Lễ Khai mạc Diễn đàn Bắc Ngao, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình nêu rõ: “Thuận với trào lưu của lịch sử, xuất phát từ việc không ngừng gia tăng phúc lợi cho nhân loại, tôi đề xuất sáng kiến đẩy mạnh xây dựng cộng đồng chung vận mệnh nhân loại, tôi đã tiến hành trao đổi với nhiều đồng cấp và vui mừng nhận thấy rằng, đề xuất của tôi đã được nhiều nước trên thế giới hoan nghênh và tán đồng, và đã được ghi vào văn kiện quan trọng của Liên hợp quốc. Tôi hy vọng, nhân dân các nước sẽ đồng tâm hiệp lực, chung tay tiến lên phía trước, nỗ lực xây dựng cộng đồng chung vận mệnh dân tộc, cùng sáng tạo một châu Á và thế giới hòa bình, an ninh, phồn vinh, cởi mở và tươi đẹp”(12).
Tháng 10-2019, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX đã nêu rõ chính sách ngoại giao hòa bình, độc lập, tự chủ, đẩy mạnh xây dựng cộng đồng chung vận mệnh nhân loại(13).
Ngày 26-9-2023, Quốc vụ viện Trung Quốc công bố Sách trắng về “Chung tay xây dựng cộng đồng chung vận mệnh nhân loại, đề xướng và hành động của Trung Quốc”(14). Trong Sách trắng nêu rõ năm nội dung quan trọng cần chú trọng nghiên cứu, thực thi là:
Một là, nhân loại đang đứng trước ngã tư đường, trong đó nhiều thách thức mang tính toàn cầu nên cần có ứng đối toàn cầu; nhân loại phải dựa vào nhau để sinh tồn, coi đây là thế lớn của lịch sử; thời đại mới cần có ý tưởng mới.
Hai là, phải trả lời được câu hỏi của thời đại, phác họa rõ nét viễn cảnh tương lai. Trong đó, nhấn mạnh các góc cạnh như: phải xác lập hướng đi mới cho quan hệ quốc tế; nêu rõ đặc trưng mới của quản trị toàn cầu; mở ra cục diện mới cho trao đổi quốc tế và cùng nhau xây dựng tương lai mới cho thế giới.
Ba là, cần cắm rễ sâu vào mảnh đất lịch sử văn hóa. Trong đó nhấn mạnh các điểm như: Kế thừa truyền thống văn hóa ưu tú của Trung Hoa, thể hiện rõ tình cảm quốc tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc; tăng cường truyền thống ngoại giao tốt đẹp của Trung Quốc; tiếp thu tất cả thảnh quả văn minh ưu tú của nhân loại.
Bốn là, đã có mục tiêu, phương hướng thì cũng nên có lộ trình thực tiễn. Trong đó nêu rõ những nội dung cụ thể như: thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế theo mô hình mới; nên đi theo con đường phát triển hòa bình; cần xây dựng quan hệ quốc tế theo mô hình mới; thực hiện tốt chủ trương đa phương và không ngừng nêu cao giá trị cộng đồng nhân loại.
Năm là, Trung Quốc vừa là người đề xướng cũng là bên hành động. Trong đó nêu rõ các nội dung như: thúc đẩy sáng kiến một vành đai, một con đường một cách có chất lượng, thực hiện tốt ba đề xướng toàn cầu (三大全球倡议) gồm: phát triển toàn cầu; an ninh toàn cầu và văn minh toàn cầu; cùng với nhiều quốc gia và khu vực hành động và tăng cường sức mạnh tập trung hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực.
3. Nội dung của chủ nghĩa cộng đồng: Góc nhìn từ Trung Quốc
Theo góc nhìn từ Trung Quốc, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình từng khẳng định về nội hàm khái niệm cộng đồng chung vận mệnh nhân loại là: “Cộng đồng vận mệnh nhân loại, đúng như tên gọi của nó chính là tiền đồ vận mệnh của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều gắn liền với nhau, cùng hội, cùng thuyền, vinh nhục cùng nhau, gắng sức xây dựng hành tinh nơi chúng ta sinh ra và lớn lên trở thành một gia đình lớn hòa thuận, biến khát vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn của nhân dân các nước trên thế giới trở thành hiện thực”(15). Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã từng chỉ rõ, đẩy mạnh xây dựng cộng đồng chung vận mệnh nhân loại không phải là lấy một chế độ này thay cho một chế độ khác, không phải là lấy một nền văn minh này thay thế cho một nền văn minh khác mà là các quốc gia có các chế độ xã hội khác nhau, ý thức hệ khác nhau, lịch sử văn hóa khác nhau, trình độ phát triển khác nhau đều có lợi ích cùng sinh tồn, cùng chung hưởng, cùng gánh vác trách nhiệm trong các sự vụ quốc tế, tạo thành mẫu số chung lớn nhất để cùng nhau xây dựng thế giới tốt đẹp hơn(16).
Để làm rõ hơn nội hàm cộng đồng chung vận mệnh dân tộc, giới học giả Trung Quốc đã tiếp cận nghiên cứu từ một số góc nhìn sau:
- Góc nhìn từ quyền lực quốc tế
Giữa các nước và nhóm nước khác nhau trong lịch sử đã xảy ra nhiều cuộc cạnh tranh và xung đột để tranh giành quyền lực quốc tế. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của toàn cầu hóa kinh tế, sự lưu động xuyên quốc gia của tư bản, khoa học kỹ thuật, thông tin, nhân lực ngày càng nhiều, mối quan hệ tương hỗ giữa các nước ngày càng tăng, việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế của một nước có quan hệ rất lớn đến sự ổn định hay không của kinh tế nước khác. Sự nương tựa vào nhau của các nước đã hình thành sợi dây gắn bó kinh tế với nhau, nên muốn thực hiện được lợi ích của mình thì tất yếu phải giữ gìn sợi dây gắn bó đó. Đây chính là trật tự quốc tế hiện nay. Sự phân phối quyền lực giữa các nước hiện nay không thể dùng biện pháp chiến tranh thuần túy để thực hiện như trước đây, sự nương tựa vào nhau về kinh tế giữa các nước là yếu tố góp phần làm hòa dịu tình hình căng thẳng của thế giới. Các nước có thể dùng cơ chế và thể chế quốc tế để làm hòa dịu tình hình và dùng cơ chế cùng dựa vào nhau để sinh tồn, phát triển cùng bảo vệ lợi ích chung.
Nhân loại là một khối cộng đồng chung cùng dựa vào nhau để tồn tại. Hiện nay, ý tưởng này đã trở thành nhận thức chung của mọi người. Các sự kiện xảy ra trên thế giới như khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, khủng hoảng tài chính quốc tế năm 2008 đã khẳng định ý nghĩa sâu sắc về sự phụ thuộc lẫn nhau. Trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế, cuộc khủng hoảng ở một quốc gia có thể nhanh chóng lan rộng ra toàn thế giới, gây nguy hiểm cho cộng đồng quốc tế. Trước những cuộc khủng hoảng đó, cộng đồng quốc tế chỉ có thể hợp tác cùng nhau mới có thể vượt qua khó khăn.
- Góc nhìn từ lợi ích chung
Khái niệm “lợi ích chung” không phải từ xưa đã có. Thời kỳ quân chủ ở châu Âu, lợi ích quốc gia thường là lợi ích của cá nhân hoặc gia đình Quốc vương. Sang thế kỷ XX, mối quan hệ lợi ích trong cộng đồng quốc tế thường được mô tả là mối quan hệ có tổng bằng không, điều đó tất yếu sẽ xẩy ra chiến tranh do tranh giành lợi ích. Toàn cầu hóa kinh tế thúc đẩy con người suy nghĩ nhiều về quan điểm truyền thống trong vấn đề lợi ích quốc gia. Sự lan truyền nhanh chóng của toàn cầu hóa mang tính rộng khắp đã biến hành tinh con người sinh sống thành “ngôi làng toàn cầu”. Sự hội nhập cao và sâu về lợi ích giữa các quốc gia đã khiến các quốc gia khác nhau trở thành mối liên kết trong một chuỗi lợi ích chung. Sự trục trặc ở bất kỳ mắt xích nào cũng có thể dẫn đến sự gián đoạn của chuỗi lợi ích toàn cầu. Nếu an ninh lương thực của một quốc gia có vấn đề, những người đó sẽ di cư đến các quốc gia khác trên quy mô lớn. Hiện nay, Internet đã kết nối sâu rộng đến nhiều quốc gia, việc phát động một cuộc tấn công mạng vào bất kỳ điểm nào trên thế giới tưởng chừng như im lặng nhưng nó có thể gây ra nhiều thiệt hại cho nền kinh tế và xã hội. Các vấn đề như sông băng tan chảy, lượng mưa không đều và mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu sẽ không chỉ gây thảm họa cho các quốc đảo mà còn gây thiệt hại lớn cho các thành phố ven biển trên thế giới. Sự thiếu hụt của các tài nguyên và năng lượng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của nền văn minh nhân loại. Sự ô nhiễm môi trường dẫn đến sự xuất hiện nhiều căn bệnh lạ, và sự lây lan của chúng xuyên biên giới đến nhiều quốc gia…. Trước những vấn đề phức tạp của toàn cầu, không một quốc gia nào có thể đơn độc hạn chế được. Vậy nên, nước nào muốn an toàn, phát triển thì phải tạo điều kiện cho nước khác cùng phát triển, cùng an toàn. Một quốc gia thực hiện các biện pháp có lợi cho lợi ích toàn cầu thì cũng chính là phục vụ cho lợi ích của chính mình.
- Góc nhìn từ phát triển bền vững
Từ khi cuộc cách mạng công nghiệp phát triển, khả năng sáng tạo, phát triển và sử dụng tài nguyên thiên nhiên của con người đã được cải thiện rất nhiều, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường và những tai nạn nghiêm trọng đã gây ra những thảm họa to lớn cho nhân loại. Năm 1972, Liên hợp quốc tổ chức hội nghị chuyên đề ở Stockholm. Tại Hội nghị này, lần đầu tiên đã nêu ra khái niệm “phát triển bền vững”. Năm 1983, Liên hợp quốc thành lập Ủy ban Thế giới về môi trường và phát triển để tiến hành nghiên cứu nhiều vấn đề có liên quan. Năm 1987, Ủy ban công bố báo cáo Tương lai chung của chúng ta, trong đó nêu rõ định nghĩa phát triển bền vững là “sự phát triển đáp ứng nhu cầu của hiện tại mà không ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”. Từ đó, “phát triển bền vững” đã trở thành sự đồng thuận của cộng đồng nhân loại.
Năm 1992, Liên hợp quốc tổ chức Hội nghị về Môi trường và Phát triển ở Rio de Janeiro (Brazil) và thông qua các văn kiện như: Tuyên bố Rio về môi trường và phát triển mà nội dung chính là phát triển bền vững, văn bản này được gọi là Hiến chương Trái đất. Năm 2002, Liên hợp quốc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về phát triển bền vững ở Nam Phi và thông qua kế hoạch thực hiện Johannesburg. Năm 2012, các nguyên thủ quốc gia tập trung ở Rio de Janeiro cùng tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về phát triển bền vững của Liên hợp quốc để thảo luận về thành tựu và hạn chế cũng như thống nhất ban hành tài liệu Hướng tới tương lai của chúng ta. Trung Quốc đã tham gia tất cả các hội nghị trên và đã cố gắng chuyển từ nhận thức khái niệm phát triển bền vững thành kế hoạch hành động cụ thể của Chính phủ nên đã đạt được thành tựu đáng kể.
- Góc nhìn từ quản trị toàn cầu
Từ những năm 90 của thế kỷ XX, Liên hợp quốc đã thành lập Ủy bản Quản trị toàn cầu gồm 28 nhân vật nổi tiếng thế giới. Ủy ban đã ban hành văn kiện Chúng ta là hàng xóm nơi chân trời nhân kỷ niệm 50 năm ra đời định nghĩa của Liên hợp quốc về khái niệm quản trị toàn cầu. Quan điểm chính của lý thuyết quản trị toàn cầu là do toàn cầu hóa đã dẫn đến sự đa dạng hóa của các chủ thể quốc tế nên giải pháp cho các vấn đề toàn cầu đã trở thành vấn đề có sự tham gia tương tác chung giữa các chính phủ, các tổ chức liên chính phủ, các tổ chức phi chính phủ. Nhiều cơ chế tham vấn và phối hợp quốc tế khác nhau đã và đang hoạt động rất tích cực, thúc đẩy cộng đồng quốc tế đi theo hướng thể chế hóa và tiêu chuẩn hóa rõ nét hơn.
Cho dù quản trị toàn cầu vẫn còn nhiều tranh luận như cách giải quyết mối quan hệ giữa quản trị toàn cầu với chủ quyền, độc lập. Thế nhưng, Trung Quốc cho rằng, sự tham gia của Trung Quốc vào quản trị toàn cầu có thể thúc đẩy sự phát triển quản trị toàn cầu theo hướng công bằng và hợp lý hơn, tạo điều kiện cho phát triển toàn diện, cùng chia sẻ quyền và trách nhiệm. Trung Quốc duy trì quan điểm toàn cầu về tham vấn sâu rộng, cùng đóng góp, cùng chia sẻ lợi ích, tham gia cải cách và xây dựng hệ thống quản trị toàn cầu, bảo vệ vững chắc trật tự quốc tế và hệ thống quốc tế theo quy định của Hiến chương Liên hợp quốc. Trung Quốc sẽ thúc đẩy dân chủ hóa quan hệ quốc tế, tham gia giải quyết các vấn đề điểm nóng quốc tế, các ứng phó với các thách thức toàn cầu khác nhau, duy trì hòa bình, ổn định khu vực và thế giới. Báo cáo chính trị Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc nhấn mạnh: “Tăng cường trao đổi và hợp tác với các nước trên thế giới, thúc đẩy cải cách cơ chế quản trị toàn cầu, tích cực thúc đẩy thế giới hòa bình và phát triển”(17). Báo cáo Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tích cực tham gia vào các vấn đề đa phương, thúc đẩy phát triển trật tự và hệ thống quốc tế theo hướng công bằng, hợp lý.
Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các khái niệm: quyền lực quốc tế, lợi ích chung, phát triển bền vững và quản trị toàn cầu cung cấp nền tảng giá trị cơ bản để xây dựng cộng đồng chung vận mệnh nhân loại. Quan niệm hài hòa và quan niệm về giá trị toàn cầu của Trung Quốc tuy diễn đạt khác nhau, nhưng đều có giá trị ngang nhau. Quan niệm thế giới hài hòa bao gồm năm khía cạnh, đó là đa cực chính trị, cần bằng kinh tế, đa đạng văn hóa, an ninh và tin cậy lẫn nhau và bền vững môi trường.
Nội hàm của đa cực chính trị là trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau, các trung tâm quyền lực lớn cần có khuôn khổ quyền lực để chế ước lẫn nhau và cần có phương thức hành vi tiếp cận đa phương để giải quyết những vấn đề lớn của thế giới.
Nội hàm của cân bằng kinh tế là, chỉ khi nào các nước đang phát triển và các nước phát triển đạt được sự phát triển chung thì thế giới mới đạt được sự phát triển thực sự. Vì vậy, cùng giải quyết các vấn đề phát triển thì thế giới mới thật sự phát triển.
Nội hàm của đa dạng văn hóa là sự đa dạng văn hóa, duy trì sức sống phong phú của tư duy con người và nêu ra nhiều đáp án thiết thực để giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Nội hàm của an ninh, tin cậy lẫn nhau là, an ninh là vấn đề chung của nhân loại, chỉ khi người khác an toàn thì mình mới an toàn, cách thức, hiệu quả để đảm bảo cho mình không phải là liên minh và răn đe theo kiểu chiến tranh lạnh mà là cần xử lý tốt quan niệm an ninh mới về sự tin cậy lẫn nhau trong hợp tác bình đẳng cùng có lợi.
Nội hàm chính của bền vững về môi trường là tất cả các quốc gia phải hợp tác nghiên cứu để phát triển, làm phong phú nội hàm khái niệm và thực thi theo đúng trình tự.
Trên đây là giới thiệu khái quát về chủ nghĩa cộng đồng mà Trung Quốc đề xuất thành chủ nghĩa cộng đồng chung vận mệnh nhân loại. Xây dựng và phát triển chủ nghĩa cộng đồng hay cộng đồng chung vận mệnh nhân loại theo góc nhìn của Trung Quốc là một quá trình lâu dài, quanh co và đầy phức tạp. Chủ nghĩa cộng đồng chung vận mệnh nhân loại do Trung Quốc đề xuất và thực thi cho đến nay đã được 10 năm. Trong thời gian đó, Trung Quốc đã vận động các nước, các tổ chức trên thế giới cùng tham gia và thực tế nhiều nước đã đồng thuận tham gia. Tôi thấy rằng, từ ngữ trong thuật ngữ này cũng là vấn đề cần truy cứu rõ nghĩa. Từ vận mệnh (命运) nghĩa gốc trong tiếng Trung Quốc là số phận, số kiếp, vận mệnh, nghĩa mở rộng là xu hướng phát triển, biến đổi. Vậy nên trong quá trình nghiên cứu cùng tham gia sáng kiến này của Trung Quốc, các nước có thể tùy cơ ứng biến. Đương nhiên ở góc độ duy danh định nghĩa khái niệm thì tùy theo cách diễn đạt ký kết văn kiện chung với Trung Quốc. Trong Thông cáo chung Việt Nam - Trung Quốc được ký kết trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 12.2023, được ghi là Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là những khó khăn, thuận lợi, vui, buồn, vinh quang, hiển đạt trong tương lai sẽ cùng nhau chia sẻ (nhiều hay ít tùy theo khả năng điều kiện), còn chung số phận, vận mệnh, số kiếp như trong nghĩa gốc của từ vận mệnh thì không bàn đến. Vậy nên, tùy hoàn cảnh, điều kiện, khi tham gia sáng kiến này với Trung Quốc thì cân nhắc, vận dụng, nghiên cứu, thực thi chủ nghĩa cộng đồng, nhất là nội hàm, phạm vi bao quát của nó. Nếu các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà chính trị lãnh đạo các nước khác nhau trên thế giới thực sự xem xét các vấn đề từ góc độ lợi ích lâu dài của toàn bộ hành tinh, của tất cả các nước trên thế giới, thay vì xây dựng chính sách phát triển đất nước dựa trên những nhu cầu phát triển ngắn hạn, cục bộ thì cộng đồng cấp cao rộng cho toàn nhân loại sẽ đạt được lợi ích phát triển chung bền vững, thịnh vượng chung, hài hòa, ổn định, hòa bình chung và cùng tươi đẹp trong tương lai./.
Tác giả PGS.TS. Lê Văn Toan, Ủy viên Hội đồng Quỹ Hòa Bình và Phát triển Việt Nam
Tài liệu tham khảo
1). 赵司金. 人类命运共同体思想的丰富内涵与理论价值 “前线” (前线网) 2017年08月18日.
2.) 张文木. 用国家主义代替民族主义. 燕园时评 (爱思想) 2002_08_05 10:11:00 [2020_07_08]
3). 同庆安. 评论: 终止 “国终会” 无论ke 割裂两岸命运共同体. 东方早报 [新浪新闻]. 2006年2月28日 01. 43{2020_07_08}
4). 台办负责人就陈水扁推动 “废统” 事件发表谈话. 中央政府门户网站. 新华社. 2026_02_26 (2020年7月8日)
5).温家宝. 访问日本灾区. 呜呜呜. for.gov.cn (2018-05-25).
6). 跳转到: 国务院新闻办发表 “中国的和平发展” 白皮书 (全文) www.gov.cn (2018-05-25).
7). 跳转到: [2013直播] 习近平主席在印度尼西亚国会演讲. 时政人民网. politics.people.com.cn (2018-05-25).
8). chinanews. 刘廷东出席第27 届东南亚运动会开幕式. 中国网. www.chinanews.com (2018-05-25).
9). 人民论谈. 人民日报-人民网 (2018-05-25)
10). 邵冰琦. 构建人类命运共同体. 中国日报中文网 (2018-05-25).
11). 构建 “人类命运共同体” 入宪的时代意义. 人民网. (2018-03-22).
12). 习近平在搏鰲亚州论谈2018年年会开幕式上的主旨演讲. 新文网. 2018-04-1011:51:20. 来原新华网.
13). 释放中国之治”最强信号—-解析常的十九届四中全会公报关键词. 新华社 (引用日期2019-11-02).
14). 中华民民共和国中央人民政府. www.gov.cn. 2023-09-26. 10.42.
15, 16). 携手建设更加美好的世界—-写在习近平主席提出构建人类命运共同体理念十周年之际. 新华社. http://www.Họcvieenj.can>xinwen >conten
17). 胡锦涛在中国共产党第十八次全国代表大会上的报告. 中国政府网. https://www.gov.cn>ldhd> conten…
* Giám đốc sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Giảng viên cao cấp Đại học Phương Đông.