Dù ngày 4/2, Trung Quốc cho biết nước này sẽ áp đặt mức thuế bổ sung đối với một số hàng hóa nhất định của Mỹ từ ngày 10/2, phản ứng thận trọng của Bắc Kinh trước động thái áp thuế mới từ phía Tổng thống Donald Trump đã thu hút sự chú ý của giới quan sát quốc tế. Theo phân tích của Bloomberg, cách tiếp cận này phản ánh bài học kinh nghiệm mà Trung Quốc đã rút ra từ cuộc đối đầu thương mại trước đây với Mỹ.
Larry Hu, trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc của Macquarie Group Ltd, nhận định rằng với thực tế mất cân bằng thương mại lớn với Mỹ, Trung Quốc "có rất nhiều thứ để mất" nếu để cuộc chiến thuế quan leo thang. "Một cuộc chiến thuế quan toàn diện không có lợi cho Trung Quốc. Thay vào đó, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ phản ứng chủ yếu thông qua các biện pháp kích thích trong nước", vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Đáng chú ý, lần này Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ áp thuế đối với 14 tỷ USD hàng hóa của Mỹ, một con số khiêm tốn so với mục tiêu từ chính quyền Trump. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng đồng thời áp dụng các biện pháp khác, cho thấy họ vẫn có khả năng gây ra thiệt hại lớn hơn cho các công ty Mỹ nếu tình hình xấu đi. Cụ thể, Bộ Tài chính Trung Quốc đã công bố áp dụng mức thuế hải quan 15% đối với than và khí đốt tự nhiên hóa lỏng, cùng với mức thuế 10% đối với dầu mỏ và thiết bị nông nghiệp từ Mỹ.
Theo các chuyên gia, lập trường này của Bắc Kinh phản ánh hai yếu tố chính: thành công của Trung Quốc trong việc đa dạng hóa nguồn nhập khẩu kể từ nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump, và tình hình kinh tế nội địa đang gặp nhiều thách thức của Trung Quốc. Phản ứng thận trọng này cũng giúp tránh được sự hỗn loạn trên thị trường vốn đã bị ảnh hưởng bởi những thay đổi về thuế quan của chính quyền Trump mới đây.
Joseph Gregory Mahoney, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Sư phạm Hoa Đông ở Thượng Hải, nhận định rằng Bắc Kinh đang nỗ lực cân bằng giữa việc thể hiện sức mạnh và không gia tăng rủi ro. Ông dự đoán: "Có lẽ chúng ta sẽ chứng kiến 'hai gã khổng lồ' đánh giá lẫn nhau và thử thách quyết tâm của nhau, đồng thời thể hiện với khán giả trong nước trước khi đi đến thỏa thuận".
Câu hỏi then chốt hiện nay là liệu các nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể nhanh chóng đạt được thỏa thuận trước khi các biện pháp thuế quan mới có hiệu lực hay không. Tổng thống Trump đã thể hiện thái độ không nhất quán, khi xen kẽ giữa ngôn từ cứng rắn và các tuyên bố mềm mỏng hơn về Trung Quốc. Bên cạnh mục tiêu cân bằng thương mại, Tổng thống Mỹ còn đặt ra các yêu cầu khác như vai trò của Trung Quốc trong việc chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine và vấn đề chia sẻ quyền sở hữu ứng dụng TikTok.
Helen Qiao, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại "Bank of America Global Research" (Ngân hàng Nghiên cứu Toàn cầu Mỹ), cho rằng hình thức của bất kỳ thỏa thuận nào trong tương lai sẽ phụ thuộc vào những nhượng bộ mà Trung Quốc có thể đưa ra. Điều này cho thấy con đường đi đến một thỏa thuận toàn diện có thể còn nhiều thách thức và đòi hỏi sự linh hoạt từ cả hai bên.
Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Bloomberg)