
Việc đồng ruble mạnh lên đồng nghĩa với việc doanh thu năng lượng tính bằng USD quy đổi ra ruble ít hơn, ảnh hưởng tới ngân sách Nga. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp cho rằng ruble tăng giá khiến hàng xuất khẩu của họ trở nên đắt đỏ hơn đối với khách hàng thanh toán bằng USD và các đồng tiền khác.
Bà Elvira Nabiullina - Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga - cho rằng việc đồng nội tệ yếu đi sẽ phát tín hiệu nền kinh tế đang bất ổn. Trước thềm công bố quyết định lãi suất vào ngày 25/7 (giờ địa phương), bà Nabiullina nhấn mạnh tỷ giá không chỉ được điều chỉnh để chiều lòng các nhà xuất khẩu, mà còn là kết quả của chính sách tiền tệ chặt chẽ nhằm kiềm chế lạm phát.
Vì sao đồng ruble tăng mạnh?
Tính từ đầu năm, đồng ruble đã tăng khoảng 45% so với USD, chủ yếu nhờ chính sách tiền tệ thắt chặt của Ngân hàng trung ương Nga và tâm lý lạc quan sau cuộc đàm phán Mỹ - Nga hồi tháng 2, làm dấy lên kỳ vọng về một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Ukraine.
Lãi suất tiền gửi bằng ruble tăng vọt trên 20%, khiến đồng tiền này hấp dẫn đối với người gửi tiết kiệm và cả giới đầu cơ. Cùng lúc đó, chi phí vay mượn tăng cao khiến nhập khẩu chững lại, kéo theo nhu cầu ngoại tệ giảm.
Sự yếu đi của đồng USD - giảm 6,6% kể từ khi Tổng thống Donald Trump công bố gói thuế quan vào ngày 2/4 - cũng góp phần củng cố giá trị đồng ruble.
Mặc dù Ngân hàng trung ương Nga khẳng định để tỷ giá thả nổi, họ vẫn can thiệp bằng cách bán đồng NDT - công cụ duy nhất hiện có - nhằm hỗ trợ đồng ruble. Khi ruble tăng giá so với NDT, tỷ giá ruble/USD cũng được điều chỉnh để tránh tình trạng chênh lệch.
Việc đồng ruble mạnh lên giúp hạ giá nhập khẩu, từ đó góp phần kiềm chế lạm phát. Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng VTB, ông Dmitry Pyanov, gần đây cho rằng đây có thể đó là một phần trong chiến lược của nhà điều hành.
Ngoài ra, các biện pháp kiểm soát vốn được áp dụng từ sau khi xung đột bùng nổ tại Ukraine cũng giúp nâng đỡ đồng ruble. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang đưa lượng ngoại tệ về nước vượt mức bắt buộc.
Chính phủ Nga mong muốn đồng ruble yếu hơn để thúc đẩy nguồn thu ngân sách. Dự toán ngân sách năm 2025 tính toán tỷ giá trung bình là 94,3 ruble/USD, trong khi tỷ giá hiện nay chỉ khoảng 78 ruble/USD.
Nếu đồng ruble vẫn giữ ở mức cao như hiện tại, các nhà phân tích tại VTB ước tính ngân sách có thể hụt 2,4% doanh thu năm nay.
Các nhà xuất khẩu - từ dầu mỏ, kim loại đến nông sản - đều gặp khó vì đồng ruble mạnh khiến doanh thu tính bằng nội tệ giảm. Nhiều quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng mức tỷ giá hợp lý nên là 100 ruble đổi 1 USD.
Với người dân Nga, đồng USD vẫn là chuẩn tham chiếu, dù NDT ngày càng phổ biến. Tiền mặt USD và euro vẫn được giao dịch trong các chi nhánh ngân hàng, dù số lượng quầy đổi ngoại tệ đã giảm mạnh so với trước đây.
Các lệnh trừng phạt khiến việc du lịch nước ngoài và chuyển tiền ra nước ngoài bằng USD hoặc euro trở nên khó khăn hơn, khiến nhu cầu với tiền mặt giảm.
Trong quý I/2025, người dân Nga mua khoảng 200 tỷ ruble ngoại tệ, tương đương cùng kỳ năm trước. Lãi suất nội tệ cao khiến tiết kiệm bằng ngoại tệ kém hấp dẫn.
Tương lai nào cho đồng ruble?
Dù nhiều nhà phân tích cảnh báo đồng ruble bị định giá quá cao, đồng tiền này vẫn vượt xa dự đoán.
Ngân hàng trung ương Nga dự kiến sẽ hạ lãi suất trong cuộc họp sắp tới. Nếu điều này xảy ra, lãi suất thị trường cũng sẽ giảm, có thể khiến người gửi tiết kiệm rút tiền khỏi đồng ruble, gây áp lực giảm giá đồng tiền này.
Ngoài ra, thách thức lớn đang chờ ở đầu tháng 9/2025 - khi hạn chót 50 ngày do Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra để Nga thể hiện thiện chí hòa bình tại Ukraine hết hiệu lực. Nếu Mỹ áp đặt thêm lệnh trừng phạt nhằm vào người mua dầu Nga, đồng ruble có thể chịu thêm áp lực. Lần gần nhất ruble giảm mạnh là tháng 11/2024, sau khi Mỹ trừng phạt ngân hàng Gazprombank - đơn vị xử lý thanh toán dầu khí của Nga.
Một nguồn tin thân cận với Ngân hàng trung ương Nga cho biết, sau khi thể chế tài chính này cắt giảm lãi suất từ 17% xuống 11% trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 7/2015, đồng rouble phải mất vài tháng mới bắt đầu yếu đi. Kịch bản tương tự đang được kỳ vọng ở lần này.
Minh Trang (TTXVN)
Nguồn baotintuc.vn