EU công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Liên minh châu Âu (EU) vừa công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó nhấn mạnh vai trò rất quan trọng cả về phương diện địa kinh tế lẫn địa chính trị của khu vực đối với khối này.

Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của EU được ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao của EU phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại công bố ngày 16-9. Ông Borrell cho rằng, chỉ cần nhìn vào một vài con số là biết được tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đối với EU. “Khu vực này tạo ra 60% GDP toàn cầu. Đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của EU. 4 trong số 10 đối tác thương mại hàng đầu của EU là ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, ông Borrell cho biết.

Theo ông Josep Borrell, cùng với sự năng động về kinh tế, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng là khu vực chứng kiến sự cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt giữa các cường quốc và các tranh chấp biên giới lãnh thổ cả trên bộ lẫn trên biển. Nhấn mạnh EU có lợi ích tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ông Borrell khẳng định EU mong muốn là nhân tố đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực. “Tôi nhận thấy ngày càng có nhiều quan tâm đối với sự can dự của EU. Chúng tôi được các đối tác thừa nhận, được họ tin cậy. Tôi cho rằng có đủ lý do để tăng cường sự can dự của chúng tôi tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đây là lý do tại sao chúng tôi xây dựng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương này”, ông Borrell phát biểu.

EU công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Ông Josep Borrell công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của EU hôm 16-9. Ảnh: EPA-EFE 

EU tuyên bố tăng cường sự can dự tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm duy trì một khu vực tự do và rộng mở cho tất cả quốc gia, đồng thời xây dựng các quan hệ đối tác mạnh mẽ và lâu dài. Thông điệp cơ bản đó là EU sẽ thắt chặt quan hệ với các đối tác để ứng phó với các thách thức đang nổi lên có ảnh hưởng đến sự ổn định của khu vực. EU sẽ thúc đẩy một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, một sân chơi bình đẳng, một môi trường mở và công bằng cho thương mại và đầu tư, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng cường kết nối với EU. Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của EU xác định 7 lĩnh vực hành động ưu tiên, gồm: Thịnh vượng bền vững và bao trùm, chuyển đổi xanh, quản trị đại dương, quan hệ đối tác và quản trị số, kết nối, an ninh và quốc phòng, an ninh con người. Riêng về an ninh và quốc phòng, EU sẽ thúc đẩy một cấu trúc an ninh khu vực mở, dựa trên luật lệ, trong đó có việc xây dựng năng lực và tăng cường triển khai lực lượng hải quân của các nước EU đến khu vực. “Chiến lược của chúng tôi rộng mở với tất cả các đối tác trong khu vực. Cần phải nhấn mạnh rằng chiến lược của chúng tôi là chiến lược hợp tác chứ không phải đối đầu. Trên hết, chúng tôi mong muốn đề cao luật pháp quốc tế, bảo vệ các giá trị mà chúng tôi và nhiều quốc gia châu Á cam kết. Vì vậy, phương châm của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của chúng tôi sẽ là: Hãy hợp tác khi có thể và bảo vệ các giá trị, lợi ích khi cần thiết”, ông Borrell nêu rõ.

Đánh giá về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của EU, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho rằng EU cần cách tiếp cận chung đối với một khu vực có lợi ích chiến lược như Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. DW dẫn lời ông Michel khẳng định chiến lược “mạnh mẽ” mà ông Borrell công bố là “cần thiết hơn bao giờ hết”. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh vai trò về kinh tế, chính trị của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngày càng mở rộng. Vì vậy, thông qua chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, EU mong muốn tăng cường các quan hệ đối tác nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư, kết nối, đồng thời ứng phó với các thách thức chung toàn cầu và thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

HOÀNG VŨ

Theo QĐND