Nước cờ phi thuế quan của Trump khiến Trung Quốc rùng mình

Đảng Cộng sản Trung Quốc lo sợ việc chấp thuận yêu cầu của Mỹ sẽ gây ra rủi ro.

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Trump’s non-tariff gambit sends shivers through China,” Nikkei Asia, 24/04/2025

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Trong khi nhiều quốc gia đang gấp rút đàm phán với chính quyền của Tổng thống Donald Trump để tránh mức thuế quan cao hơn, thì Trung Quốc vẫn kiên định với lập trường của mình trong cuộc thương chiến leo thang với Mỹ

Nguyên nhân nào khiến Trung Quốc từ chối đàm phán thuế quan với chính quyền Trump? Vì khả năng Trump đưa ra những yêu cầu có thể gây rủi ro cho Trung Quốc.

Đó chính là điều mà chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình lo sợ nhất.

Hầu hết mọi người sẽ nghĩ rằng, vì Trump không quan tâm đến các giá trị tự do và dân chủ, nên ông sẽ không bao giờ đưa ra những yêu cầu liên quan đến hệ thống chính trị của Trung Quốc. Nhưng họ đã sai.

Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng dưới chế độ độc đảng bằng cách áp dụng “nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.” Theo đó, Trung Quốc có những điểm yếu mà các quốc gia tự do và tư bản chủ nghĩa khó có thể nhìn ra. Nhưng gần đây, có thể thấy rõ rằng Trump đang chuẩn bị khai thác những điểm yếu này.

Trong một bài đăng cuối tuần trên nền tảng Truth Social của mình, Trump đã cáo buộc các quốc gia dựng lên các rào cản phi thuế quan và công bố danh sách “gian lận phi thuế quan” gồm tám điểm, trong đó đưa ra các ví dụ cụ thể về các rào cản phi thuế quan ở Nhật Bản và Liên minh châu Âu.

Đó chính là điều mà chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình lo sợ nhất.

Hầu hết mọi người sẽ nghĩ rằng, vì Trump không quan tâm đến các giá trị tự do và dân chủ, nên ông sẽ không bao giờ đưa ra những yêu cầu liên quan đến hệ thống chính trị của Trung Quốc. Nhưng họ đã sai.

Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng dưới chế độ độc đảng bằng cách áp dụng “nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.” Theo đó, Trung Quốc có những điểm yếu mà các quốc gia tự do và tư bản chủ nghĩa khó có thể nhìn ra. Nhưng gần đây, có thể thấy rõ rằng Trump đang chuẩn bị khai thác những điểm yếu này.

Trong một bài đăng cuối tuần trên nền tảng Truth Social của mình, Trump đã cáo buộc các quốc gia dựng lên các rào cản phi thuế quan và công bố danh sách “gian lận phi thuế quan” gồm tám điểm, trong đó đưa ra các ví dụ cụ thể về các rào cản phi thuế quan ở Nhật Bản và Liên minh châu Âu.

 

 

Trump tham dự bữa tiệc tối của Ủy ban Quốc hội Đảng Cộng hòa (NRCC) tại Washington vào ngày 08/04, khi ông cáo buộc Trung Quốc làm suy yếu đồng nhân dân tệ. © Reuters

Đây là một nước cờ nhằm đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc tới các nước khác trước thềm đàm phán thương mại.

“Thao túng tiền tệ” đứng đầu trong danh sách tám điểm của Trump. Và Trung Quốc là mục tiêu cuối cùng – và lớn nhất – mà ông nhắm đến trong vấn đề này.

Trong bữa tiệc tối của Ủy ban Quốc hội Đảng Cộng hòa vào ngày 08/04, Trump lên tiếng cáo buộc Trung Quốc làm suy yếu đồng nhân dân tệ để bù đắp cho tác động của thuế quan Mỹ. Vấn đề đang được nói đến là hệ thống tỷ giá hối đoái thả nổi được quản lý chặt chẽ của Trung Quốc.

Như vậy, rõ ràng là nếu Tập quyết định bắt đầu đàm phán thuế quan toàn diện với Mỹ, thì thao túng tiền tệ sẽ là vấn đề ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Trump.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato sẽ có cuộc hội đàm tại Washington vào thứ Năm ngày 24/04 bên lề một hội nghị quốc tế. Bessent sẽ đặt ra vấn đề thao túng tiền tệ và cuộc họp này dự kiến sẽ tạo tiền lệ cho các cuộc đàm phán trong tương lai giữa Mỹ và các đối tác thương mại khác.

Các nhà quan sát toàn cầu đang đặc biệt chú ý đến tác động của cuộc họp Bessent-Kato đối với các cuộc đàm phán Mỹ-Trung trong tương lai.

Để giải quyết vấn đề thao túng tiền tệ với Trung Quốc, Trump có thể yêu cầu để đồng nhân dân tệ được giao dịch tự do trên thị trường ngoại hối và dỡ bỏ các hạn chế về dòng vốn vào và ra khỏi Trung Quốc.

Đảng Cộng sản Trung Quốc chắc chắn sẽ không bao giờ chấp nhận những yêu cầu như vậy. Nếu đồng nhân dân tệ không còn bị kiểm soát với tỷ giá thả nổi nữa và các giao dịch vốn được tự do hóa, thì thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ với Trung Quốc sẽ giảm xuống.

Việc áp dụng các biện pháp này cũng có thể làm lung lay nền tảng của chế độ cộng sản Trung Quốc, vốn coi trọng quyền sở hữu công đối với các công ty và đất đai.

Học sinh cầm quốc kỳ và hát bài “Ca Xướng Tổ Quốc” tại Trường Trung học Thượng Hiền ở Đằng Châu, Trung Quốc, vào ngày 14/04, một ngày trước Ngày Giáo dục An ninh Quốc gia. © Getty Images

Ở Trung Quốc, ngày 15/04 hàng năm là Ngày Giáo dục An ninh Quốc gia, nhằm mục đích nâng cao nhận thức của công chúng về an ninh quốc gia. Năm nay, ngày này diễn ra sau khi chính quyền Trump công bố mức thuế bổ sung 145% đối với Trung Quốc.

Chính quyền Tập, với chủ trương đặt an ninh quốc gia lên trên hết, đã khởi xướng Ngày Giáo dục An ninh Quốc gia cách đây 10 năm.

Trong dịp này, Trung Quốc thường tập trung giáo dục và tuyên truyền vào “an ninh kinh tế” và “an ninh tài chính,” bao gồm dự trữ ngoại hối và quản lý tiền tệ.

Vì vậy, Trung Quốc không thể đồng ý với bất kỳ yêu cầu nào về tiền tệ mà Trump có thể đề xuất.

Chính quyền Trung Quốc lo sợ rằng nếu mất quyền can thiệp trực tiếp và toàn diện vào kinh tế và tài chính, họ cũng sẽ mất luôn khả năng đảm bảo an ninh kinh tế và tài chính. Hơn nữa, họ còn lo sợ rằng sự bất lực này có thể khiến chế độ cộng sản bị sụp đổ.

Sự kiện đồng yên Nhật tăng giá mạnh so với đồng đô la Mỹ sau Thỏa ước Plaza năm 1985 hẳn đang lóe lên trong tâm trí các quan chức Trung Quốc. Thỏa ước này được ký kết bởi những quốc gia khi đó được gọi là Nhóm Năm, hay G5, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Tây Đức, Anh và Pháp.

Nếu đồng nhân dân tệ tăng mạnh, thì bên thua cuộc sẽ là nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Trung Quốc, một nền kinh tế đã và đang bị ảnh hưởng bởi thị trường bất động sản trì trệ, tiêu dùng đóng băng, và thị trường chứng khoán ảm đạm.

Cảng Diêm Điền ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, vào ngày 17/04. Nếu đồng nhân dân tệ tăng giá, các nhà xuất khẩu của Trung Quốc sẽ kiếm được ít tiền hơn khi họ đổi thu nhập bằng đô la của mình. © Reuters

Bất kỳ thỏa thuận tiềm năng nào với Trump đều chứa đựng rủi ro lớn. Đây là lý do tại sao Tập, người kiêm nhiệm chức Tổng Bí thư đảng, không thể dễ dàng gọi điện cho Trump, dù Tổng thống Mỹ có gây áp lực lớn như thế nào lên Trung Quốc.

Những gì xảy ra cách đây 27 năm gợi mở cho chúng ta nhiều điều để suy nghĩ về vấn đề thao túng tiền tệ.

Vào tháng 03/1998, sau khi Chu Dung Cơ được bầu làm Thủ tướng tại phiên họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, tức Quốc hội Trung Quốc, ông đã tổ chức một cuộc họp báo, nói với báo giới rằng cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 sẽ không ảnh hưởng đến con đường cải cách tài chính của Trung Quốc và khả năng chuyển đổi đồng nhân dân tệ trong các giao dịch, khi đó đã được triển khai.

Ông cũng nói thêm rằng khả năng chuyển đổi hoàn toàn của đồng nhân dân tệ và tự do hóa các giao dịch vốn sẽ được thực hiện khi ngân hàng trung ương Trung Quốc “đạt đủ” năng lực giám sát.

Bắc Kinh đã dỡ bỏ giới hạn chuyển đổi giữa đồng nhân dân tệ và các loại tiền tệ khác đối với thanh toán thương mại và các giao dịch bị hạn chế khác vào năm 1996, sớm hơn so với kế hoạch ban đầu. Vào thời điểm đó, các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với giao dịch đồng nhân dân tệ xuyên biên giới thông qua các giao dịch vốn, chẳng hạn như giao dịch chứng khoán, vẫn được giữ nguyên, nhưng kỳ vọng về bước tự do hóa tiếp theo đã bắt đầu tăng lên.

Và kỳ vọng đã tăng cao hơn nữa vào đầu thế kỷ 21, khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, và kế đó là vào năm 2010, khi Trung Quốc vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ.

Giờ đây, 27 năm sau cuộc họp báo đầu tiên của Chu với tư cách là Thủ tướng Trung Quốc vào năm 1998, việc tự do hóa các giao dịch vốn vẫn chưa được thực hiện và năng lực giám sát của ngân hàng trung ương không còn là lý do gây ra sự trì hoãn nữa.

27 năm trước, Chu Dung Cơ đã nói rằng các giao dịch vốn sẽ được tự do hóa ngay khi ngân hàng trung ương Trung Quốc “đạt đủ” năng lực giám sát. © AP

Việc Trung Quốc hạn chế khả năng giao dịch của đồng nhân dân tệ và lượng vốn có thể chảy ra khỏi đất nước không phải là điều gì mới mẻ. Điều mới mẻ là Trung Quốc hiện đang tự xem mình là một đối thủ kiên quyết chống lại chủ nghĩa bảo hộ và là người ủng hộ thương mại tự do.

Nhưng lớp vỏ bọc mới này đã mờ đi vào thứ Hai ngày 21/04, khi một phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc đưa ra một tuyên bố đanh thép, cảnh báo các quốc gia không nên đàm phán các thỏa thuận với Mỹ.

Người phát ngôn này nói rằng “Chính sách xoa dịu sẽ không mang lại hòa bình và thái độ thỏa hiệp sẽ không nhận được sự tôn trọng.” Câu nói dường như ám chỉ đến chính sách mà Anh và Pháp từng áp dụng đối với Đức Quốc Xã vào thập niên 1930.

Gần một thế kỷ trước, Anh và Pháp đã lựa chọn chính sách xoa dịu để tránh chiến tranh với Đức Quốc Xã bằng cách nhượng bộ lãnh thổ cho Adolf Hitler. Nhưng cuối cùng, việc này lại tiếp thêm sức mạnh cho nhà độc tài và không thể ngăn chặn được Thế chiến II.

Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc rất quan trọng: Chỉ một từ trong tuyên bố đó đã gợi lên sự so sánh giữa Trump và Hitler. Người ta tin rằng tuyên bố này đã được các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc chấp thuận.

Sự việc diễn ra sau khi các phương tiện truyền thông Mỹ đưa tin rằng chính quyền Trump có kế hoạch sử dụng đàm phán thuế quan để gây sức ép buộc các đối tác thương mại hạn chế hoạt động thương mại với Trung Quốc, đồng thời cảnh báo rằng Bắc Kinh sẽ “thực hiện các biện pháp đối phó” đối với những quốc gia ký kết thỏa thuận với Mỹ mà gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc.

Khi Trump công bố mức thuế “đối ứng” vào ngày 02/04, Trung Quốc có lẽ đã nhẹ nhõm vì tránh được sự cô lập. Họ cũng ở trên cùng một con thuyền với hầu hết các quốc gia.

Tuy nhiên, cảm giác nhẹ nhõm của Trung Quốc không kéo dài được lâu. Chính quyền Trump ngay lập tức tuyên bố tạm dừng áp dụng mức thuế quan cao hơn trong vòng 90 ngày đối với các quốc gia đã yêu cầu đàm phán và không trả đũa Mỹ. Mức thuế cơ bản là 10% vẫn được áp dụng.

Kết quả là, Trung Quốc đã tự đẩy mình vào thế khó, phải thực hiện hành động trả đũa toàn diện chống lại Mỹ một cách công khai, và leo thang cuộc thương chiến ăn miếng trả miếng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trung Quốc không thể dễ dàng tham gia đàm phán thuế quan với chính quyền Trump vì nhiều lý do, và một trong số đó là duy trì sự ổn định của chế độ cộng sản. Giờ đây, điều mà phần còn lại của thế giới có thể làm là theo dõi cuộc đối thoại giữa hai cường quốc.

Theo Nghiên cứu Trung Quốc

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.