Nước Đức khủng hoảng và lời cảnh báo về tương lai bi thảm của châu Âu

Đức – quốc gia được đánh giá có nền chính trị ổn định nhất châu Âu – đang rơi vào khủng hoảng với những khó khăn chồng chất, với đỉnh điểm là sự sụp đổ của chính phủ ông Olaf Scholz.

 

Nước Đức khủng hoảng và lời cảnh báo về tương lai bi thảm của châu Âu

Khi nhà báo Anna Sauerbrey người Đức của tờ New York Times tới Mỹ để đưa tin về bầu cử tổng thống, bà đã thuê một chiếc xe. Nhân viên cho thuê xe nhất quyết cho bà “thăng hạng” thành chiếc BMW sau khi nhìn thấy giấy phép lái xe Đức.

“Để bà cảm thấy như đang ở nhà”, anh nói, mỉm cười. Bà Sauerbrey cầm chìa khóa và lẩm nhẩm trong đầu: Với người nước ngoài, nước Đức vẫn vẹn nguyên giá trị.

Với người nước ngoài, Đức vẫn là một cường quốc sản xuất ôtô, một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ. Với người nước ngoài, Đức vẫn là một quốc gia thịnh vượng, nơi người dân lái BMW đầy đường. Với người nước ngoài, Đức vẫn là một nước có an ninh trật tự, ổn định về mặt chính trị và xã hội.

Bà Sauerbrey cười với nhân viên cho thuê xe, nhưng bên trong, nhà báo đang nhăn mặt: Với người Đức, nước Đức không còn là nước Đức nữa.

Chuyện cũ chưa qua, chuyện mới dồn tới

Hôm 16/12, chính phủ Thủ tướng Olaf Scholz sụp đổ sau một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội. Tuy nhiên, đây chỉ là cuộc bỏ phiếu mang tính hình thức, bởi liên minh 3 đảng do ông Scholz đứng đầu đã tan vỡ từ tháng 11, vào thời điểm thủ tướng sa thải Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner, đánh dấu sự rạn nứt với đảng Dân chủ Tự do.

Động thái này biến chính phủ đương nhiệm thành thiểu số, khi chỉ còn liên minh giữa đảng Dân chủ Xã hội và đảng Xanh. Thay vì tiếp tục trì hoãn, ông Scholz quyết định triệu tập Quốc hội. Cuộc bỏ phiếu tín nhiệm hôm 16/12 là bước cuối cùng mở đường cho cuộc bầu cử bất thường tổ chức vào năm 2025, khả năng cao là vào ngày 23/2 tới.

Thoáng nhìn, việc chính phủ sụp đổ giống những bộ phim chính trị, chủ yếu do bất đồng về ngân sách. Tuy nhiên, ẩn sau đó là một cuộc khủng hoảng hiện sinh. Nước Đức thịnh vượng về kinh tế, gắn kết về xã hội và ổn định về chính trị đã biến mất. Và chính phủ hiện tại – bị chia rẽ về tư tưởng và lung lay bởi những cú sốc bên ngoài – đã không thể đương đầu với các cơn sóng này.

Chỉ khoảng 3 năm trước, vào mùa thu năm 2021, mọi chuyện rất khác. Khi bà Angela Merkel quyết định không tái tranh cử sau 16 năm tại vị, ông Scholz đã đánh bại ứng viên đảng Dân chủ Thiên chúa giáo và thành lập chính phủ liên minh 3 đảng đầu tiên trong lịch sử nước Đức gần đây.

Các chính trị gia trẻ tuổi như Ngoại trưởng Annalena Baerbock hay ông Lindner cũng tham gia nội các. Đây là lần đầu tiên đảng Xanh – một đảng thiên tả về kinh tế có nguồn gốc từ phong trào môi trường những năm 1980 – chia sẻ quyền lực cấp liên bang với đảng Dân chủ Tự do – một đảng ủng hộ quyền tự do dân sự và ủng hộ doanh nghiệp.

Trong một số cuộc phỏng vấn, nhiều chính trị gia trẻ tuổi đã nói về việc vượt qua rào cản về mặt ý thức hệ để hiện đại hóa nước Đức sau thời kỳ dài bà Merkel đứng đầu chính phủ. Họ nhiệt tình đề cập tới việc số hóa nước Đức và thúc đẩy các ngành công nghiệp xanh. Dưới sự lãnh đạo của ông Scholz – một chính trị gia ôn hòa, chính phủ dường như trong tâm thế sẵn sàng giải quyết các thách thức của đất nước.

Tuy nhiên, vấn đề cũ chưa qua thì vấn đề mới đã tới. Đầu tiên là xung đột Ukraine ngay vào đầu năm 2022, buộc chính phủ cuống cuồng tìm mua dòng khí đốt mới trên thị trường quốc tế để thay thế cho nguồn cung từ Nga, tìm cách bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp khỏi lạm phát, đồng thời đảm bảo chuyển giao vũ khí cho Ukraine. Sau khi ông Scholz công bố zeitenwende – một bước ngoặt trong chính sách đối ngoại, chính phủ đã phân bổ 100 tỷ euro tái xây dựng quân đội.

Tất cả chuyện này xảy tới giữa lúc nền kinh tế Đức chững lại. Trong khi các quốc gia G7 vẫn tiến lên, Đức sắp ghi nhận kinh tế suy giảm trong năm thứ 2 liên tiếp.

Các doanh nghiệp lớn của nước này cũng gặp khó khăn. Volkswagen, công ty có khoảng 300.000 nhân lực tại Đức, có kế hoạch đóng cửa một số cơ sở sản xuất và sa thải hàng nghìn công nhân. Ford, Audi và Tesla hay nhà sản xuất thép ThyssenKrupp cũng tuyên bố giảm quy mô nhân sự tương tự.

Đức từng là nền kinh tế chủ chốt trong châu Âu, nhưng đã chuyển từ vị trí dẫn đầu sang tụt về phía sau.

Điềm báo cho phương Tây?

Nguyên nhân dẫn tới kinh tế suy giảm rất phức tạp. Việc đột ngột mất nguồn cung khí đốt giá rẻ của Nga đóng vai trò lớn, song chương trình cải cách xanh của chính phủ – loại bỏ dần than và dựa nhiều hơn vào năng lượng tái tạo – làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng giá năng lượng. Các nhà sản xuất ôtô Đức là một trong những nạn nhân, vốn đang phải vật lộn để cạnh tranh với các đối tác từ Trung Quốc,

Một số công ty dường như có chính sách quản lý chưa hiệu quả, nhưng chính phủ cũng không có động thái hỗ trợ nào. Nhìn chung, chính phủ có lỗi khi chưa đầu tư đủ mạnh vào các ngành công nghiệp quan trọng, hay trường học, đường sắt và đường bộ. Bức tranh kinh tế không còn tươi sáng.

Trong khi đó, cuộc tranh luận gay gắt về di cư đã nổ ra. Kể từ năm 2015, hàng triệu người đã đến Đức, gần đây nhất là khoảng một triệu người Ukraine. Công chúng có hai luồng ý kiến. Một mặt, Đức là một quốc gia đa sắc tộc, đa tôn giáo. Nhưng mặt khác, sự bất mãn về người nhập cư cứ âm ỉ, thỉnh thoảng lên tới đỉnh điểm thành làn sóng tức giận.

Chính quan điểm của chính phủ cũng lẫn lộn tương tự, một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho lao động có tay nghề di cư, mặt khác áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ. Cách tiếp cận này thực sự không khiến bất cứ ai hài lòng.

Khó khăn chồng chất đã dẫn tới hệ quả chính trị tàn khốc. Công chúng không cảm thông, khi sự thất vọng với chính phủ lan rộng, còn nội bộ không vui vẻ gì với viễn cảnh này.

Trong bầu không khí căng thẳng đó, một đảng thân Nga mới thành lập, Liên minh Sahra Wagenknecht, đã trỗi dậy, còn đảng cực hữu Alternative for Germany củng cố vị trí được ưa chuộng thứ hai ở Đức. Nếu liên minh 3 đảng là phép thử đối phó với nền chính trị phân mảnh của Đức, thì nó đã thất bại.

Cùng thời điểm, ông Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ và châu Âu cũng có những hỗn loạn.

Tuy nhiên, không phải khía cạnh nào cũng toàn những mảng tối. Đức thực sự đang đối mặt với khủng hoảng, nhưng chủ yếu là cuộc khủng hoảng niềm tin. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, nhưng vẫn ở mức tối thiểu. Các hạn chế trong ngân sách có thể cải thiện thông qua đồng thuận chính trị. Hệ thống đảng phái đang bị chia rẽ, song quá khứ đã chứng minh ngay cả những quốc gia chia rẽ nhất vẫn thành lập được chính phủ. Năm 2025, liên minh ổn định giữa đảng Dân chủ Thiên chúa giáo và đảng Dân chủ Xã hội có thể quay trở lại. Và nhiều thế hệ nhập cư đã hòa nhập với nước Đức, nên chính phủ chắc chắn sẽ tìm được hướng đi trong tương lai.

Tuy nhiên, câu chuyện của nước Đức có thể là một điềm báo nguy hiểm cận kề cho phương Tây. Hầu hết quốc gia xung quanh đều đối mặt với những rắc rối tương tự: Chi phí chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, nguy cơ ứng phó với những thách thức địa chính trị mới nổi, khó khăn gắn kết xã hội. Nếu Đức, khu vực chính trị ôn hòa nhất thế giới, không thể làm được điều này, thì nước châu Âu nào có thể?

Theo TẠP CHÍ TRI THỨC