Thúc đẩy quyền tiếp cận bình đẳng tài nguyên số cho trẻ em gái

Ngày Quốc tế Trẻ em gái 2021 có chủ đề: “Thế hệ kỹ thuật số, thế hệ của chúng ta” nhằm kêu gọi quyền tiếp cận bình đẳng các thiết bị kỹ thuật số cho trẻ em gái cũng như đảm bảo cơ hội bình đẳng cho mọi trẻ em gái, ở mọi nơi và ở mọi độ tuổi, được kết nối, học hỏi và sáng tạo.

Ngày 19/12/2011, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã tuyên bố lấy ngày 11/10 hàng năm để kỷ niệm Ngày Quốc tế Trẻ em gái nhằm nâng cao nhận thức về các quyền của trẻ em gái cũng như những trở ngại đặc biệt mà các em gặp phải trên thế giới. Thêm vào đó, Ngày Quốc tế Trẻ em gái nhấn mạnh sự cần thiết phải loại bỏ những thách thức mà các trẻ em gái phải đối mặt, thúc đẩy việc trao quyền cho trẻ em gái và tôn trọng quyền con người của các em.

Những cô gái vị thành niên có quyền có một cuộc sống an toàn, có sức khỏe và giáo dục tốt, không chỉ trong những năm tháng trưởng thành quan trọng, mà cả khi các em trở thành phụ nữ. Thực tế cho thấy nếu được bảo đảm các quyền này trong giai đoạn vị thành niên, trẻ em gái sẽ có tiềm năng để thay đổi thế giới khi trở thành những người lao động trong tương lai, các bà mẹ, các doanh nhân, cố vấn, người chủ gia đình, và các nhà lãnh đạo chính trị. Đầu tư cho việc hiện thực hóa tiềm năng của trẻ em gái vị thành niên sẽ cho phép bảo vệ quyền của các em hôm nay và bảo đảm một tương lai công bằng và thịnh vượng hơn. Một tương lai mà ở đó, các cô gái sẽ chia sẻ cùng một nửa nhân loại để giải quyết những cuộc khủng hoảng liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, các cuộc xung đột chính trị, tăng trưởng kinh tế, phòng chống dịch bệnh và phát triển bền vững toàn cầu.

Ngày Quốc tế Trẻ em gái được thành lập dựa trên sáng kiến chung của Tổ chức phi chính phủ Plan International với sự trợ giúp của Chính phủ Canada, Liên minh châu Âu (EU) và các tổ chức khác. Ngày Quốc tế Trẻ em gái mỗi năm đều được LHQ chọn cho một chủ đề riêng. Bằng việc công nhận ngày 11/10 hàng năm là Ngày Quốc tế Trẻ em gái, thế giới đang chứng minh sự thật rằng làm con gái không hề là việc dễ dàng và trẻ em gái trên toàn cầu xứng đáng đón nhận sự giáo dục, bảo vệ tốt hơn và một tương lai tươi đẹp hơn. Mỗi năm vào dịp này sẽ diễn ra hội nghị thượng đỉnh LHQ kéo dài 11 ngày để bàn về sức khỏe, hạnh phúc và các hoạt động liên quan đến trẻ em gái.

Nâng cao tiếp cận giáo dục trực tuyến cho trẻ em gái

Trẻ em gái trên toàn cầu cần được tiếp cận kỹ thuật số, kỹ năng số và học tập trực tuyến. (Ảnh: un.org)

Bất bình đẳng về giới trong việc tiếp cận tài nguyên số có thể dẫn đến những rào cản đáng kể cho giáo dục của trẻ em gái. Vì vậy, cần hành động vì một tương lai tươi sáng hơn dành cho phụ nữ, nhất là các trẻ em gái trong chuyển đổi số toàn cầu.

Mới đây, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Quỹ Varkey và Quỹ Văn hóa của Tập đoàn CJ đã đồng tổ chức Hội thảo cấp cao với chủ đề “Xây dựng băng thông: Thúc đẩy sự tiếp cận kỹ thuật số, kỹ năng số và học tập trực tuyến của trẻ em gái”. Hội thảo thông qua hình thức trực tuyến, kết nối giữa các quốc gia trong UNESCO với sự tham gia của các lãnh đạo thuộc khu vực công, tư, và nhân đạo trên thế giới.

Theo báo cáo của Liên minh Viễn thông Quốc tế năm 2020, có những khoảng cách về giới rất rõ rệt trong việc tiếp cận kỹ thuật số tại các quốc gia chậm phát triển nhất - nơi chỉ có khoảng 15% phụ nữ sử dụng Internet, trong khi tỷ lệ này ở nam giới là 28%. Ở những nơi nghèo hơn, tỉ lệ phụ nữ có điện thoại di động ít hơn so với nam giới là 8%, và phụ nữ sử dụng Internet trên điện thoại di động ít hơn nam giới là 20%.

Các nghiên cứu của LHQ cho thấy, cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra gần 2 năm qua tác động nghiêm trọng hơn tới phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là những người ở các nước nghèo, phụ nữ bản địa, phụ nữ da màu và sống ở những vùng xa xôi hẻo lánh.

Trong bối cảnh các hệ thống giáo dục trên toàn thế giới buộc phải chuyển hướng đột ngột sang giáo dục trực tuyến do đại dịch COVID-19 và dự đoán xu thế này sẽ tiếp tục sau đại dịch, các chuyên gia cho rằng bất bình đẳng về giới trong việc tiếp cận tài nguyên số có thể dẫn đến những rào cản đáng kể cho giáo dục của trẻ em gái.

“Tất cả chúng tôi đều lo rằng sau đại dịch, có thể hai bé trai sẽ quay trở lại trường học nhưng chỉ một bé gái làm được như vậy. Chúng ta phải thay đổi điều đó”, bà Henrietta H. Fore, Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) phát biểu tại hội nghị.

Ông Krishnan Gopi, Giám đốc đổi mới công nghệ Tập đoàn giáo dục GEMS (Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất), khẳng định: “Để đạt được bình đẳng giới, các bé gái phải được tiếp cận công nghệ, đào tạo số một cách bình đẳng và một môi trường Internet an toàn hơn”.

Thế giới sẽ như thế nào nếu phụ nữ và trẻ em gái có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận, sử dụng, dẫn dắt và đổi mới công nghệ và thiết kế? Câu hỏi này là trọng tâm để thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số về giới giữa các thế hệ, tăng gấp đôi tỷ lệ phụ nữ làm việc trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới.

Tiếp tục thực hiện Công ước về bình đẳng giới

Vừa qua, Diễn đàn Bình đẳng Thế hệ (GEF) đã được tổ chức tại thủ đô Paris từ ngày 30/6 – 2/7 với sự tham dự của hàng trăm đại biểu đến từ các quốc gia trên thế giới. Đây là sự kiện quan trọng nhất của LHQ kể từ năm 1995 đến nay liên quan đến thực hiện Công ước về bình đẳng giới. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chủ trì phiên khai mạc với sự hiện diện của Tổng Thư ký LHQ, Antonio Guterres, và nhiều nguyên thủ cùng lãnh đạo cấp cao các nước đến từ châu Âu và châu Mỹ.

Hội nghị thế giới về Phụ nữ lần thứ IV được tổ chức năm 1995 tại Bắc Kinh (Trung Quốc), thông qua Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh nhằm khẳng định quyết tâm tiến tới mục tiêu bình đẳng, phát triển và hòa bình cho tất cả phụ nữ trên thế giới. Cho đến nay, cộng đồng quốc tế thống nhất cho rằng hai văn kiện này là các văn bản thống nhất, toàn diện nhất, đặt nền móng cho việc thúc đẩy vai trò của phụ nữ, hướng tới bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới.

Diễn đàn không chỉ quy tụ chính phủ các nước mà cả khu vực tư nhân, công đoàn, học giả, cá nhân, doanh nghiệp… hoạt động trong các lĩnh vực liên quan, nhằm mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới, tăng cường vai trò lãnh đạo và cơ hội của phụ nữ và trẻ em gái trên toàn cầu.

Diễn đàn GEF là một sự kiện toàn cầu nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, do Cơ quan phụ nữ LHQ (UN Women) khởi xướng. Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh kỷ niệm 26 năm thông qua Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, chính sách toàn cầu đầu tiên và cơ bản về bình đẳng giới.

Sự kiện mở ra nhằm tìm kiếm biện pháp đối đầu với cuộc khủng hoảng bình đẳng giới, thúc đẩy các khoản đầu tư, chính sách và chương trình quy mô nhằm đảm bảo bình đẳng giới và quyền của phụ nữ, xác định mục tiêu cần thiết nhất để đạt được tiến bộ không thể đảo ngược vào năm 2026.

Kể từ khi bùng phát, đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 4,8 triệu người trên toàn cầu, đồng thời làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng bình đẳng giới. Ngay cả trước COVID-19, gần 1/3 phụ nữ trên toàn cầu cho biết họ từng bị lạm dụng. Trong đại dịch, các cuộc gọi đến đường dây trợ giúp cũng tăng gấp 5 lần ở một số quốc gia. Diễn đàn Kinh tế Thế giới ước tính rằng với tốc độ tiến bộ hiện nay, phụ nữ sẽ không đạt được mức lương hoặc quyền lãnh đạo bình đẳng với nam giới trong ít nhất 135 năm nữa.

Tổng thư ký LHQ cho rằng, bình đẳng giới đã có những tiến bộ quan trọng kể từ sau Hội nghị thế giới về phụ nữ ở Bắc Kinh năm 1995, nhưng sự tiến bộ diễn ra quá chậm. Bình đẳng giới về cơ bản là vấn đề quyền lực và quyền lực chủ yếu nằm trong tay nam giới.

Ông Antonio Guterres lưu ý, ở nhiều nơi, mọi ý kiến về bình đẳng giới đã bị công kích. Các luật lệ hà khắc đã trở lại, và bạo lực khủng khiếp đối với phụ nữ ngày càng gia tăng. Hơn nữa, các cơn địa chấn của đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu phụ nữ, trẻ em gái và phá hủy nhiều thành quả về bình đẳng giới kể từ năm 1995.

Tổng thư ký LHQ kêu gọi: “Đã đến lúc phải tập hợp lại và tiếp sức cho mục tiêu của chúng ta là tạo ra một thế giới bình đẳng hơn, công bằng hơn, bền vững hơn, trong đó tất cả mọi người đều có thể thực hiện quyền con người của mình mà không bị phân biệt đối xử và không sợ hãi”./.

H.Hà

Theo ĐCSVN