Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và Ấn Độ tiếp xúc tháo gỡ căng thẳng biên giới

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc  và Ấn Độ đã ra thông cáo chung kỳ vọng tháo ngòi căng thẳng tại biên giới. Liệu kỳ vọng có thành hiện thực.

 

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đã hội đàm trong hai giờ và ra thông cáo chung  tại Matxcơva tối 10/9, bên lề cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng hải (SCO) .

Thông cáo báo chí của Bộ Ngoai giao Ấn độ nêu   5 điểm được hai bên nhất trí sau cuộc thảo luận "thẳng thắn và mang tính xây dựng" giữa hai bộ trưởng. 

 

Ảnh Reuter
 

Từ đầu tháng Năm, Quân đội Ấn Độ và  Trung Quốc đã bị cuốn vào các cuộc xung đột căng thẳng ở nhiều khu vực dọc theo Đường kiểm soát thực tế (Line of Actual Control- LAC) ở phía đông Ladakh trên dãy Himalaya. Hai bên cáo buộc nhau đã xâm nhập phần lãnh thổ của mình, vi phạm Hiệp định không nổ súng năm 1996. 

Hai bên tìm cách ngăn chặn nhau chiếm lại các cao điểm then chốt để có lợi thế trên bàn đàm phán. Đỉnh điểm xung đột gần nhất là ngày 7/9, binh sĩ hai nước nổ súng cảnh báo, lần đầu tiên ở LAC, kể từ năm 1975. Sau đó hai bên đã tăng cường lực lượng và khí tài tới khu vực biên giới.

 

Kết quả cuộc gặp giữa hai bộ trưởng ngoại giao đã được truyền thông hai nước và quốc tế đưa tin như những hoà hoãn mong manh và còn nhiều trở ngại phía trước. 

Tờ Bưu điện Hoa nam buổi sáng (SMCP) ngày 11/9  đưa tin hai ngoại trưởng  đã cam kết tăng cường sự tin cậy lẫn nhau để đảm bảo hòa bình dọc theo các biên giới tranh chấp, và hai quốc gia không phải là mối đe doạ của nhau. Trong thông cáo chung, hai bên nhấn mạnh rằng 'việc ngừng bắn không phải vì mục đích của một bên nào'. 

Báo Ấn độ Lifemint ngày 11.9 cho biết Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã phát hành thông cáo báo chí về thoả thuận ngoại giao ban đầu giữa hai nước kể từ tháng 5 . Thông cáo báo chí
mô tả cuộc thảo luận giữa hai bộ trưởng ngoại giao là  "thẳng thắn và mang tính xây dựng". Thông cáo báo chí của Bộ ngoại giao Ấn Độ đưa lại nội dung chính của tuyên bố chung, trong đó: 1/ "Ngoại trưởng hai nước nhất trí rằng tình hình hiện nay ở khu vực biên giới không có lợi cho bên nào. Do đó, hai bên thống nhất rằng lực lượng quân đội biên giới hai bên cần tiếp tục đối thoại, nhanh chóng rút quân, duy trì khoảng cách thích hợp và làm dịu căng thẳng"; 2/ hai bộ trưởng ngoại giao nhất trí rằng hai bên cần thực hiện các đồng thuận đạt được giữa lãnh đạo hai nước về việc phát triển quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc, bao gồm cả việc không để bất đồng trở thành tranh chấp; 3/ "Ngoại trưởng hai nước cũng nhất trí, đôi bên sẽ tuân thủ tất cả thỏa thuận và giao thức hiện có về các vấn đề biên giới Trung Quốc - Ấn Độ, duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực biên giới và tránh bất kỳ hành động nào có thể làm leo thang căng thẳng"; 4/  khi căng thẳng biên giới giảm bớt, hai bên cần xúc tiến việc ký kết các biện pháp xây dựng lòng tin mới, nhằm duy trì và tăng cường hòa bình và ổn định ở khu vực biên giới; 5/ hai bên tiếp tục đối thoại và liên lạc thông qua cơ chế Đại diện Đặc biệt (SR) về vấn đề biên giới Ấn Độ - Trung Quốc.
ĐIểm thứ hai trong thông cáo chung hàm chỉ các quyết định của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại 2 cuộc gặp không chính thức vào các năm 2018 và 2019.

 

Về động thái mới này, tờ  Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn bình luận mang tính dè dặt và quan ngại của phía Trung Quốc. Phát biểu của Bộ Ngoại giao Trung quốc về cuộc gặp giữa hai bộ trưởng được cho là đã dẫn lời của Bộ trưởng Vương Nghị, một mặt nhấn mạnh sự cần thiết để giải quyết bất đồng là tuân thủ những “thoả hiệp đã đạt được giữa các nhà lãnh đạo quốc gia hai nước rằng Trung Quốc và Ấn độ không phải là các đối thủ cạnh tranh mà là đối tác hợp tác”, mặt khác, cũng tờ Hoa Nam buổi sáng dẫn lời ông Vương Nghị: Trung quốc có thái độ rất nghiêm túc với đề nghị dừng xung đột ở biên giới và kêu gọi phía Ấn Độ dừng “hành động khiêu khích bằng nổ súng trước” và rút quân khỏi biên giới.

 

Quan điểm của các chuyên gia Trung quốc được tờ Hoa Nam buổi sáng phỏng vấn hoan nghênh động thái ngoại giao này như một bước tiến khả quan sau những nỗ lực gặp gỡ không có lối ra, từ cấp các sĩ quan chiến thuật tại chỗ cho tới cuộc gặp gần đây nhất của bộ trưởng bộ quốc phòng hai nước vào tuần trước, cũng bên lề cuộc họp của tổ chức hợp tác Thượng Hải ở Matxcova. Tại cuộc gặp đó, Bộ trưởng  quốc phòng Trung Quốc còn đổ lỗi căng thẳng ở biên giới là do phía Ấn Độ và Trung Quốc sẽ bảo vệ từng tấc đất thuộc lãnh thổ của mình. Các chuyên gia Trung Quốc cũng bày tỏ lo ngại rằng từ ngôn từ chung chung về các biện pháp xây dựng lòng tin trong thông cáo chung ngoại giao tới thực địa sẽ cách nhau một khoảng lớn với đầy nghi ngại rằng quân đội Ấn Độ sẽ làm khác đi hoặc không phục tùng ngành ngoại giao.


Tờ Lifemint Ấn Độ ngày 11.9 nêu những trở ngại trong giải quyết căng thẳng biên giới hai nước là do phía Trung Quốc  không chịu rút quân khỏi những vị trí mà họ đã chiếm vào tháng Tư. Đầu tuần này, Ấn Độ còn cáo buộc quân Trung Quốc nổ súng cảnh báo quân Ấn Độ không được xâm phạm vào các khu vực mà Ấn Độ cho là một phần lãnh thổ của mình. Cũng theo Lifemint dẫn lời một nguồn thạo tin quân sự rằng: Các quy tắc tác chiến của quân đội Ấn Độ cũng đã được thay đổi, họ có thể đáp trả bằng vũ lực trong trường hợp binh lính Trung Quốc áp sát vị trí của họ. Cũng nguồn tin này cho biết Quân đội Ấn Độ đã thực hiện các động thái bổ sung để chiếm lĩnh độ cao dọc theo sườn núi Ngón 4 (Finger 4), một trong chuỗi tám nếp núi nhô ra vùng nước dọc theo phía bắc hồ Pangong, nhìn ra phía Trung Quốc triển khai ở Ngón 4 ”.

Lifemint dẫn bình luận của các nhà phân tích, bao gồm Srikanth Kondapalli, giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Jawaharlal Nehru có trụ sở tại New Delhi, cho rằng với việc quân đội Ấn Độ và Trung Quốc tiến vào các vị trí cách nhau vài trăm mét, khả năng xảy ra xung đột cục bộ là không thể loại trừ.

 

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn độ Jaishankar đã phát biểu với báo giới đầu tuần này rằng Ông sẽ truyền đạt cho Bộ Trưởng Vương Nghị rằng tình trạng của biên giới Ấn Độ - Trung Quốc không thể bị tách rời khỏi mối quan hệ rộng lớn hơn giữa hai nước .
Rõ ràng, hai nước lớn Châu Á còn nhiều trở ngại để giải quyết xung đột biên giới âm ỉ từ gần trăm năm nay.

 

Minh Đức, VPDF

 
Tác giả: Nguyễn Chí Dũng
Nguồn:vpdf.org.vn Copy link