Bức tranh chính trường Đức sau khi Thủ tướng Scholz mất ghế

Một cuộc bầu cử liên bang sẽ sớm diễn ra sau khi Quốc hội Đức bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ Thủ tướng Đức Olaf Scholz, dẫn tới việc ông Scholz bị mất chức.

Ngày 16-12, chính phủ thiểu số của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã không vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội. Cùng với động thái này sẽ có một cuộc bầu cử liên bang sớm. Đây là diễn biến đáng chú ý trong bối cảnh nước Đức đang gặp nhiều khó khăn về đối nội lẫn đối ngoại.

Chuyện gì đã xảy ra?

Trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội Đức, chính phủ của ông Scholz chỉ thu về 207 phiếu tín nhiệm trên tổng số 733 phiếu, thấp hơn nhiều so với mức cần phải đạt được là 367 phiếu. Trong khi đó, 394 thành viên quốc hội đã bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ của ông Scholz.

Ban đầu, thủ tướng Đức đã đệ trình một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vào ngày 15-1 nhưng đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo trung hữu (CDU) đã kêu gọi cuộc bỏ phiếu diễn ra sớm hơn, theo đài CNN.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại quốc hội Đức hôm 16-12. Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại quốc hội Đức hôm 16-12. Ảnh: REUTERS

Diễn biến trên không hoàn toàn bất ngờ vì trước đó liên minh chính phủ Đức, còn gọi là liên minh "Đèn giao thông” gồm 3 đảng: Dân chủ Xã hội (SPD) của ông Scholz, đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh đã tan rã vào tháng trước do tranh chấp về ngân sách. Sự tan rã bắt nguồn từ việc ông Scholz sa thải Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner (thuộc FDP), với cáo buộc ông Linder cản trở việc giải quyết các tranh chấp về ngân sách, coi trọng đảng phái hơn đất nước và ngăn chặn luật pháp với lý do sai trái, theo Reuters.

Ông Scholz muốn tăng chi tiêu bằng cách vay nợ nhiều hơn, viện dẫn tác động của cuộc xung đột Ukraine. Trong khi đó, ông Lindner phản đối điều này và thay vào đó nhấn mạnh vào một loạt các khoản cắt giảm thuế và chi tiêu mà SPD và đảng Xanh cho rằng không thể chấp nhận được vì chúng sẽ phá hoại phần lớn chương trình của chính phủ.

Sau khi ông Lindner bị sa thải, đảng FDP đã quyết định rời khỏi liên minh chính phủ ba bên, khiến đảng SPD của thủ tướng Đức và đảng Xanh bị mất thế đa số. Ba bộ trưởng giao thông, tư pháp và giáo dục thuộc đảng FDP cũng quyết định rời khỏi chính phủ. Như vậy, chính phủ "Đèn giao thông” tồn tại chỉ trong khoảng ba năm.

Phát biểu trước cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hôm 16-12, ông Scholz chỉ trích đảng FDP vì đã khiến liên minh cầm quyền tan rã, cáo buộc đảng này “phá hoại chính phủ” và “không chỉ làm tổn hại đến hình ảnh của một chính phủ riêng lẻ mà còn của chính nền dân chủ này". Theo ông Scholz, chính trị không phải là trò chơi.

Đáp lại, ông Lindner chỉ trích thủ tướng Đức, nói rằng: “Hôm nay, ông Olaf Scholz một lần nữa cho thấy ông không có sức mạnh để thay đổi căn bản. Câu trả lời của ông hoàn toàn không giải quyết được những vấn đề sâu sắc về năng lực để cạnh tranh kinh tế".

Bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội Đức nhằm mục đích kiểm tra xem chính phủ có còn được quốc hội ủng hộ hay không. Nếu chính phủ không vượt qua được bỏ phiếu bất tín nhiệm thì điều đó có thể dẫn đến bầu cử sớm. Những trường hợp đáng chú ý về việc chính phủ Đức thất bại trong bỏ phiếu bất tín nhiệm bao gồm Thủ tướng Đức Willy Brandt năm 1972, Thủ tướng Đức Helmut Kohl năm 1983 và Thủ tướng Đức Gerhard Schröder năm 2005. Tất cả đều dẫn đến cuộc bầu cử sớm, theo tờ DW.

Điều gì tiếp theo?

Ngay sau khi có kết quả bỏ phiếu bất tín nhiệm, ông Scholz đã đề xuất Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier giải tán quốc hội. “Nếu tổng thống chấp nhận đề xuất của tôi, cử tri sẽ có thể bầu ra một Bundestag (tức quốc hội Đức) mới vào ngày 23-2. Đó là mục tiêu của tôi” - ông Scholz cho hay.

Toàn cảnh phiên họp quốc hội Đức hôm 16-12. Ảnh: REUTERS

Toàn cảnh phiên họp quốc hội Đức hôm 16-12. Ảnh: REUTERS

Theo luật, tổng thống Đức sau đó sẽ quyết định giải tán quốc hội trong vòng 21 ngày kể từ khi nhận được yêu cầu. Cuộc bầu cử sớm sau đó sẽ được tổ chức trong vòng 60 ngày kể từ ngày giải tán quốc hội.

Việc ông Steinmeier chấp thuận đề xuất giải tán quốc hội được coi là chắc chắn và ông cũng đã đồng ý với ngày bầu cử liên bang được đề xuất là 23-2-2025. Tuy nhiên, dự kiến ​​ông Steinmeier sẽ đợi đến sau kỳ nghỉ Giáng sinh để đưa ra quyết định. Khả năng trước tiên tổng thống Đức muốn tổ chức các cuộc đàm phán với tất cả các nhóm nghị sĩ tại quốc hội.

Trong thời gian đó, ông Scholz sẽ tiếp tục giữ vị trí quyền thủ tướng Đức để điều hành đất nước cho đến khi chính phủ mới được thành lập.

Sẽ có bảy đảng lớn tham gia cuộc bầu cử liên bang sắp tới. Bốn trong số bảy đảng đã đưa ra thông báo chính thức về ứng viên chạy đua chức thủ tướng Đức. Hai liên minh luôn thống trị nền chính trị Đức là đảng CDU cùng đảng anh em là Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), được gọi không chính thức là Liên minh, và nhóm còn lại là do đảng SPD dẫn đầu, theo CNN. Trong những ngày tới, các đảng sẽ bắt đầu công bố chương trình tranh cử của đảng để thu hút phiếu của cử tri.

Với hệ thống bầu cử theo quy tắc tỉ lệ đại diện, chính phủ Đức có xu hướng được thành lập theo liên minh, thường do liên minh các đảng CDU/CSU hoặc đảng SPD đứng đầu. Kể từ năm 2021, đảng SPD của ông Scholz đã điều hành trong một liên minh đảng FDP và đảng Xanh. Trước đó, đảng CDU, dưới thời lãnh đạo của Thủ tướng Angela Merkel, đã dựa vào cả đảng SPD và đảng FDP làm đối tác trong các chính phủ khác nhau.

Trừ khi có sự đảo ngược lớn và bất ngờ trong các cuộc thăm dò, lãnh đạo Friedrich Merz của liên minh CDU/CSU rất có thể sẽ trở thành thủ tướng mới của Đức. Kết quả các cuộc thăm dò mới nhất hôm 14-12 cho thấy liên minh CDU/CSU đang dẫn đầu với hơn 32% sự ủng hộ. Đảng cực hữu Giải pháp thay thế cho Đức (AfD) đứng thứ hai, trong khi đảng SPD của ông Scholz và đảng Xanh lần lượt đứng ở vị trí thứ ba và thứ tư, theo DW.

Trong trường hợp liên minh CDU/CSU giành quyền thành lập chính phủ, câu hỏi đặt ra là đảng nào sẽ trở thành đối tác liên minh và liệu đảng đó (nhiều khả năng là đảng SPD hoặc đảng Xanh) có đủ mạnh để tạo nên liên minh hai đảng hay không. Do sự trỗi dậy của đảng AfD và sự thành lập của Liên minh cánh tả dân túy mới Sahra Wagenknecht (BSW), các liên minh ba đảng, vốn không phổ biến ở Đức sau chiến tranh và có xu hướng bất ổn hơn, có thể trở thành bình thường mới, theo tờ Politico.

Các vấn đề chính trong bầu cử

Theo đài CNN, vấn đề kinh tế sẽ đóng vai trò trung tâm trong cuộc bầu cử sắp tới. Trong những ngày gần đây, Ngân hàng Trung ương Đức đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng dự kiến ​​xuống 0,2%, dự đoán rằng "nền kinh tế Đức sẽ trì trệ trong nửa năm mùa đông 2024-25 và chỉ bắt đầu phục hồi chậm trong suốt năm 2025".

Liên quan đến cuộc tranh luận về câu chuyện kinh tế sẽ là trọng tâm phục hồi ngành công nghiệp ô tô quan trọng của Đức. Ngân hàng Trung ương Đức cho biết các vấn đề trong ngành này là "mang tính cấu trúc" và do đó làm trầm trọng thêm sức ép lên nền kinh tế. Các công ty lớn bao gồm Volkswagen, một trong những nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, đang phải đối mặt tình trạng sa thải hàng loạt và đóng cửa nhà máy.

Những tranh luận về vấn đề nhập cư cũng sẽ rất quan trọng trong cuộc bầu cử sắp tới. Ngoài ra, chính biến ở Syria cũng sẽ tác động tới cuộc tranh luận liên quan đến người nhập cư. Đức đã tiếp nhận nhiều người di cư Syria hơn bất kỳ quốc gia châu Âu kể từ khi nội chiến Syria bùng nổ.

Theo THẾ VINH (Pháp luật TPHCM)