Kết quả, cả 5 xã được đánh giá đều hoàn thành các tiêu chí để được công nhận xã nông thôn mới nâng cao, nâng số xã đạt chuẩn của huyện Gia Lâm lên 20/20 xã. Để đạt được kết quả trên, huyện Gia Lâm đã có nhiều cách làm sáng tạo.
Diện mạo đổi thay
Đông Dư là xã vừa được Đoàn thẩm định nông thôn mới của thành phố đánh giá đạt đủ tiêu chí để hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định nông thôn mới thành phố công nhận xã nông thôn mới nâng cao năm 2023. Nhiều đổi thay đã đến với vùng quê này, cả về diện mạo lẫn đời sống kinh tế - xã hội.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đông Dư (xã Đông Dư) Nguyễn Quang Huy thông tin, xã đã chuyển toàn bộ diện tích cây lương thực sang trồng cây ăn quả. Toàn xã hiện có 105ha trồng ổi mang thương hiệu Đông Dư và 10ha rau gia vị sản xuất theo quy trình VietGAP, cho hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đã đạt hơn 72 triệu đồng/người/năm.
Còn xã Trung Mầu là địa phương có truyền thống cách mạng. Triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã đã xây dựng nghị quyết gắn với thực hiện các tiêu chí thành lập phường. Đặc biệt, với 211ha đất nông nghiệp, địa phương đã chuyển đổi được 54ha sang trồng cây ăn quả, gần 70ha sang trồng hoa, cây cảnh, tổng giá trị từ trồng trọt đạt hơn 56 tỷ đồng.
Trong khi đó, xã Yên Thường có tập quán chuyên canh rau. Toàn xã hiện có 45,7ha trồng rau, năng suất đạt 150 tạ/ha. Tổng sản lượng rau trong 6 tháng đầu năm 2023 của xã đạt khoảng 723 tấn, giá trị đạt 7,6 tỷ đồng.
Bí thư Chi bộ thôn Yên Khê Nguyễn Văn Khoát chia sẻ, những năm qua, hạ tầng nông thôn của thôn cũng như toàn xã Yên Thường đã được đầu tư rất nhiều. Hệ thống đường ngõ xóm và trục chính nội đồng đều đã được đổ bê tông sạch đẹp. Vùng rau Yên Thường được Nhà nước hỗ trợ xây dựng theo quy trình VietGAP đã trở thành thương hiệu không chỉ của xã, mà còn của cả huyện và thành phố. Người dân rất phấn khởi và hài lòng về việc xây dựng nông thôn mới nâng cao…
Mới đây, Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố Hà Nội đã hoàn thành thẩm định 5 xã nông thôn mới nâng cao, 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Gia Lâm. Kết quả, các xã đều đủ điều kiện để được thành phố công nhận xã nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu năm 2023, giúp Gia Lâm hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao ở 100% số xã.
Ưu tiên nguồn lực đầu tư
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Gia Lâm khóa XXIX và các chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội về tập trung xây dựng huyện Gia Lâm thành quận, Huyện ủy Gia Lâm đã chỉ đạo xây dựng và triển khai các kế hoạch về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và đầu tư, xây dựng huyện Gia Lâm trở thành quận giai đoạn 2021-2025; phân công chi tiết nhiệm vụ, tiến độ cụ thể cho các phòng, ban, đơn vị, xã, thị trấn và các thành viên triển khai tổ chức thực hiện, bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả.
Phó Chủ tịch HĐND huyện Gia Lâm Nguyễn Khắc Định cho biết, các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao của huyện Gia Lâm đều đã huy động được nguồn vốn đầu tư rất lớn từ ngân sách nhà nước, nhất là ngân sách huyện. Cụ thể, xã Dương Quang, từ năm 2016 đến nay, đã huy động được hơn 383 tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới nâng cao. Trong đó, ngân sách thành phố là hơn 87 tỷ đồng, chiếm 24,3%; ngân sách huyện hơn 271 tỷ đồng, chiếm 75,6%; số còn lại là ngân sách xã và vốn xã hội hóa… Tổng vốn đầu tư từ ngân sách cho xây dựng nông thôn mới nâng cao của xã Kim Sơn cũng đạt hơn 310 tỷ đồng, trong đó, 86% là vốn từ ngân sách huyện. Xã Đông Dư, mặc dù dân số không đông, nhưng cũng đã huy động được hơn 147 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp được hơn 40 tỷ đồng. Do có nguồn vốn đầu tư lớn, xã Đông Dư nhanh chóng hoàn thiện và nâng cao chất lượng các công trình hạ tầng, nhất là hệ thống thủy lợi, đường giao thông, đường điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu của nhân dân…
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Gia Lâm Nguyễn Thị Kim Hồng chia sẻ, trong quá trình triển khai thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, các xã của huyện Gia Lâm đều không để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản. Đặc biệt, thành quả chung còn nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân, thông qua kết quả lấy phiếu về sự hài lòng của Mặt trận Tổ quốc các cấp.
Đánh giá, thẩm định xã nông thôn mới nâng cao tại huyện Gia Lâm, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Ngọ Văn Ngôn khẳng định, với 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, huyện Gia Lâm đủ điều kiện đạt huyện nông thôn mới nâng cao và công tác đầu tư, xây dựng huyện Gia Lâm trở thành quận đã gần về tới đích.
Nguyễn Mai/Theo HNM