Căng thẳng ở Trung Đông: Xung đột đẩy hệ thống y tế Liban đến bờ vực sụp đổ

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông - Bắc Phi, hệ thống y tế của Liban, vốn đã kiệt quệ sau nhiều năm khủng hoảng kinh tế, đang bên bờ vực sụp đổ, sau khi quân đội Israel tiến hành hàng loạt cuộc không kích nhắm vào các mục tiêu của Phong trào Hezbollah từ giữa tháng 9/2024.

 

Chú thích ảnh
Các nạn nhân bị thương trong vụ nổ máy nhắn tin được đưa tới Trung tâm y tế AUBMC ở thủ đô Beirut, Liban để điều trị. Ảnh: REUTERS/TTXVN
 

Theo các báo cáo, một số cơ sở y tế của Liban đã bị hư hại do các cuộc không kích của quân đội Israel. Tháng trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết tình trạng leo thang bạo lực kể từ ngày 23/9 đã buộc ít nhất 37 trung tâm y tế của Liban phải đóng cửa. Bộ Y tế Liban cho hay hàng chục nhân viên y tế đã thiệt mạng do bạo lực.

Tháng trước, đất nước Liban đã rung chuyển bởi cuộc tấn công vào mạng lưới liên lạc của Hezbollah, khiến hàng loạt máy nhắn tin và bộ đàm do các thành viên của lực lượng này sử dụng phát nổ hàng loạt. Theo Bộ Y tế Liban, các thiết bị này đã phát nổ ở các khu vực công cộng, khiến 20 người thiệt mạng, bao gồm cả trẻ em, và 450 người khác bị thương.

Ngay sau đó, Israel bắt đầu chiến dịch không kích nhắm vào các thủ lĩnh, chiến binh và kho vũ khí của Hezbollah. Các cuộc không kích không ngừng nghỉ đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 1.250 người và làm bị thương hơn 5.000 người.

Các cơ quan cứu trợ ở Liban cũng lo ngại về phúc lợi của khoảng 1,2 triệu người đã phải di dời do các cuộc tấn công của Israel ở khu vực phía Nam, Thung lũng Bekaa, vùng ngoại ô phía Nam Beirut và vùng Baalbek.

Bà Tania Baban, Giám đốc quốc gia tại Liban của tổ chức từ thiện MedGlobal có trụ sở tại Mỹ, đánh giá hệ thống chăm sóc y tế của Liban hiện đang trong tình trạng rất khó khăn. Theo bà Baban, nếu có thêm nhiều bệnh viện ngừng hoạt động, ngành y tế của nước này sẽ không thể đáp ứng nhu cầu do số người bị thương ngày càng tăng.

Ngay cả khi các bệnh viện không trở thành mục tiêu, nhưng nếu các cuộc tấn công dữ dội nhằm khu vực phía Nam Liban và vùng ngoại ô Dahieh phía Nam Beirut vẫn tiếp diễn, điều này sẽ gây căng thẳng cho ngành y tế của Liban.

Liban đã hứng chịu những đòn giáng liên tiếp kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2019, ảnh hưởng nặng nề đến việc cung cấp các dịch vụ công thiết yếu. Bà Baban nói thêm: "Khủng hoảng kinh tế đã khiến lạm phát tăng mạnh và đồng nội tệ mất giá thảm hại, gây ra một số vấn đề nghiêm trọng trong việc mua sắm thiết bị, vật tư y tế và thuốc men. Khó khăn kinh tế cũng ảnh hưởng đến sinh kế của người dân Liban, khiến nhiều người ở nước này không đủ khả năng chi trả cho dịch vụ chăm sóc y tế tư nhân".

Liên quan đến cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở Liban, theo phóng viên TTXVN tại Geneva, trong tuyên bố chung đưa ra ngày 8/10, Điều phối viên đặc biệt của Liên hợp quốc (LHQ) Janine Blaaschardt và Người đứng đầu Lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại miền Nam Liban (UNIFIL) - Tướng Aroldo Lázaro - nhấn mạnh đàm phán là con đường duy nhất để khôi phục an ninh và ổn định mà người dân ở miền Nam Liban cùng Israel mong muốn, đồng thời cho rằng "đã đến lúc phải hành động phù hợp".

Cũng theo tuyên bố chung, một năm sau vụ giao tranh ở đường ranh giới xanh, rất nhiều người đã thiệt mạng, nhiều người phải di dời. Tuy nhiên, những lời kêu gọi liên tục về kiềm chế, bảo vệ dân thường, tuân thủ luật nhân đạo quốc tế và ngừng bắn đã không được lắng nghe.

Các quan chức LHQ cho rằng mỗi quả bom được thả xuống và mỗi cuộc không kích trên bộ được thực hiện đều khiến cả Israel và Liban xa rời tầm nhìn được nêu trong Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an LHQ năm 2006, cũng như xa rời các điều kiện cần thiết để đảm bảo an ninh lâu dài cho dân thường ở cả hai bên Đường Xanh. Tuyên bố nhấn mạnh rằng bạo lực và phá hủy nhiều hơn sẽ không giải quyết được các vấn đề cơ bản, cũng như không mang lại an toàn cho mọi người trong dài hạn.

Nguyễn Trường - Anh Hiển (TTXVN)

Nguồn baotintuc.vn