Chính trị gia lão làng
Theo trang The Guardian (Anh), sau khi Quốc hội Hàn Quốc thông qua quyết nghị luận tội Tổng thống Yoon vì nỗ lực áp đặt thiết quân luật, ông đã bị đình chỉ quyền tổng thống. Hiến pháp Hàn Quốc yêu cầu thủ tướng đảm nhiệm vai trò này.
Trong một quốc gia bị chia rẽ sâu sắc giữa các đảng phái, Thủ tướng Han là quan chức hiếm hoi có cách tiếp cận phi đảng phái, phong cách làm việc cẩn trọng. Với chuyên môn vững chắc về kinh tế, thương mại, ngoại giao, cũng như được biết đến rộng rãi là người lý trí, có thái độ ôn hòa và làm việc chăm chỉ, ông Han là một nhân vật ổn định trong thời kỳ bất ổn chính trị chưa từng có ở Hàn Quốc.
Sinh năm 1946 tại Jeonju (tỉnh Bắc Jeolla), ông Han tốt nghiệp Đại học Quốc gia Seoul và sau đó lấy bằng Tiến sĩ kinh tế tại Đại học Harvard. Ông bắt đầu sự nghiệp với vai trò nhân viên hải quan sau khi vượt qua kỳ thi công chức năm 1970. Kể từ đó, ông đã nắm giữ hầu hết mọi vị trí quan trọng trong Chính phủ Hàn Quốc.
Sự nghiệp của ông được đánh dấu bằng khả năng làm việc hiệu quả trên mọi đường lối chính trị. Ông đã đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo trong hơn ba thập kỷ dưới thời 5 tổng thống khác nhau, phục vụ dưới cả chính quyền tự do và bảo thủ.
Trong chính quyền tự do của cựu Tổng thống Kim Dae-jung (1998 - 2003), ông Han giữ chức Bộ trưởng Thương mại (trước đây là Bộ Ngoại giao và Thương mại) vào năm 1998. Trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ của ông Kim, ông Han giữ chức thư ký tổng thống cấp cao phụ trách các vấn đề kinh tế.
Trong chính quyền của cựu Tổng thống Roh Moo-hyun 2003 - 2008, ông Han đóng vai trò chủ chốt trong việc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Mỹ - Hàn Quốc vào năm 2006. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm thủ tướng vào năm 2007.
Dưới thời chính quyền bảo thủ Lee Myung-bak, ông Han tiếp tục chứng minh năng lực với kinh nghiệm làm việc với đồng minh quan trọng của Hàn Quốc là Mỹ.
Thông thạo tiếng Anh, ông được bổ nhiệm làm Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ vào năm 2009, làm việc tại Washington vào thời điểm ông Joe Biden là Phó tổng thống. Ông cũng tham gia sâu rộng vào quá trình ký kết Hiệp định thương mại tự do Mỹ - Hàn Quốc vào năm 2011. Sau đó, ông giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc.
Thủ tướng Han cũng từng là thành viên Hội đồng quản trị của S-Oil, đơn vị lọc dầu của Hàn Quốc thuộc Tập đoàn dầu mỏ và khí đốt Saudi Arabia (Saudi Aramco).
Năm 2022, ông trở lại nắm giữ vai trò thủ tướng dưới thời Tổng thống Yoon, trở thành thủ tướng tại vị lâu nhất kể từ khi Hàn Quốc dân chủ hóa năm 1987.
“Ông Han đã đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng trong các vấn đề của đất nước và được công nhận về năng lực và chuyên môn, không liên quan đến các phe phái chính trị. Tôi nghĩ ông ấy là ứng cử viên phù hợp để điều hành các vấn đề quốc gia trong khi giám sát và điều phối nội các, với nhiều kinh nghiệm trong cả khu vực công và tư”, ông Yoon cho biết khi bổ nhiệm ông Han vào năm 2022.
Trong suốt nhiệm kỳ gần đây nhất, Thủ tướng Han chủ yếu tập trung vào các vấn đề trong nước, song cũng cân bằng với các ưu tiên của Tổng thống Yoon vào chính sách đối ngoại.
Khả năng lãnh đạo dày dặn kinh nghiệm của ông đặc biệt thể hiện rõ trong các cuộc khủng hoảng của đất nước, chẳng hạn việc ông quản lý các tranh cãi xung quanh Đại hội Hướng đạo Thế giới năm 2023 và việc xả nước bị ô nhiễm từ Fukushima.
Sau khi mọi quyền lực của Tổng thống Yoon chính thức bị đình chỉ hôm 14/12, ông Han đã nắm giữ toàn bộ quyền lực của tổng thống - bao gồm chỉ huy lực lượng vũ trang, phê chuẩn các hiệp ước và thực hiện quyền phủ quyết của cơ quan lập pháp. Các nhà quan sát chính trị kỳ vọng ông sẽ tận dụng chuyên môn tích luỹ hàng thập kỷ của mình để giải quyết các vấn đề cấp bách về quốc phòng, ngoại giao và kinh tế.
Thách thức với quyền Tổng thống
Giờ đây, quyền Tổng thống Han sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức, đó là duy trì hoạt động của chính phủ trong cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất 4 thập kỷ. Ông đồng thời cũng phải xử lý vấn đề Triều Tiên và đối phó với nền kinh tế trong nước vốn đang chậm lại.
Giới phân tích nhận định, ông Han sẽ phải đối mặt với những quyết định quan trọng, chẳng hạn có nên phủ quyết các dự luật do phe đối lập đưa ra hay không, bao gồm dự luật truy tố đặc biệt nhắm vào Đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee.
Nhiệm kỳ tổng thống tạm quyền của ông Han cũng có thể bị đe dọa bởi các cuộc điều tra hình sự về vai trò của ông trong quyết định ban bố thiết quân luật. Ông Han đang bị cả cố vấn đặc biệt do phe đối lập lãnh đạo và Cơ quan Cảnh sát Quốc gia điều tra. Phe đối lập cáo buộc Thủ tướng Han thông đồng với Tổng thống Yoon, trích dẫn sự hiện diện của ông tại một cuộc họp nội các được tổ chức ngay trước khi ông Yoon ban bố thiết quân luật.
Song bất chấp những thách thức ngày càng tăng, ông Han khẳng định sẽ hoàn thành nhiệm vụ với cam kết không lay chuyển. Tại cuộc họp nội các đầu tiên với tư cách là quyền tổng thống, ông cam kết sẽ “chịu hoàn toàn trách nhiệm” và đảm bảo “sẽ không có khoảng trống trong các vấn đề quốc gia”.
Vai trò lãnh đạo của ông Han dự kiến sẽ kéo dài trong nhiều tháng cho đến khi Tòa án Hiến pháp quyết định sẽ bãi nhiệm ông Yoon hay khôi phục quyền lực của ông. Nếu ông Yoon bị bãi nhiệm, Hàn Quốc sẽ tiến hành bầu cử tổng thống sau 60 ngày, cho đến khi đó ông Han vẫn sẽ vẫn nắm quyền điều hành đất nước.
Đảng Dân chủ đối lập chính đã đệ đơn khiếu nại ông Han với cáo buộc không ngăn chặn được nỗ lực ban bố thiết quân luật của ông Yoon.
Nếu Quốc hội quyết định luận tội ông Han, Bộ trưởng tài chính Hàn Quốc sẽ là người tiếp theo trong số các thành viên nội các đảm nhiệm vai trò quyền tổng thống.
Hiến pháp Hàn Quốc không nêu rõ thủ tướng được trao quyền như thế nào trong việc thực hiện vai trò lãnh đạo đất nước. Hầu hết các học giả cho rằng thủ tướng chỉ có quyền lực hạn chế ở mức ngăn chặn tình trạng tê liệt các vấn đề đất nước và không có quyền lực nào hơn nữa. Dù vậy, một số chuyên gia cho rằng ông có thể thực hiện mọi quyền hạn của tổng thống vì Hiến pháp không đưa ra bất kỳ hạn chế nào.
Hải Vân/Báo Tin tức (Theo The Korea Times, The Guardian)