Chính trị gia Đức: Lệnh trừng phạt như 'một cuộc đảo chính'

Ông Niemeyer cho rằng, việc EU liên tục thực hiện các lệnh trừng phạt Nga sẽ gây tổn hại cho các quốc gia thành viên và ngành công nghiệp châu Âu.

EU đang liên tục trừng phạt Nga trong khi tác dụng hoàn toàn ngược lại, nhằm vào ngành công nghiệp của chính châu Âu.

Ralph Niemeyer, người đứng đầu Hội đồng Hiến pháp và Chủ quyền Đức trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik mới đây đã đề cập đến các gói trừng phạt Nga liên tiếp của Liên minh châu Âu (EU).

Theo đó, ông cho rằng, việc Liên minh châu Âu tiếp tục thực hiện các lệnh trừng phạt đối với Nga gây tổn hại cho các quốc gia thành viên vẫn nhập khẩu dầu của Nga và tương tự như một "cuộc đảo chính nhà nước" chống lại ngành công nghiệp châu Âu.

Tuần trước, Chủ tịch EU luân phiên, Hungary, đã thông báo rằng, các đại sứ của các quốc gia thành viên đã nhất trí về gói trừng phạt thứ 15 của EU đối với Nga.

Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan Caspar Veldkamp cho biết gói trừng phạt mới nhắm vào "hạm đội bóng tối" của Nga. Các nước châu Âu cáo buộc Nga sử dụng "hạm đội bóng tối", nhằm vượt qua mức giá trần dầu thô vận chuyển đường biển được phương Tây đưa ra vào cuối năm 2022.

Mức giá trần được đặt ở mức 60USD/thùng dầu thô và cấm các công ty phương Tây cung cấp dịch vụ cho các tàu chở dầu của Nga, chẳng hạn như bảo hiểm, tài chính và cờ hiệu, bán dầu thô với giá cao hơn mức giá đã thỏa thuận.

EU lập luận rằng, "hạm đội bóng tối" của Nga là các đội tàu chở dầu "kém thông minh hơn", bao hàm ý nghĩa là các tàu không lắp đặt các thiết bị định vị hành trình, cho phép Nga lách các hạn chế của phương Tây để tiếp tục hoạt động buôn bán dầu mỏ và duy trì nguồn thu khổng lồ từ ngành này.

Các nước châu Âu cho rằng, đội tàu này bao gồm những con tàu cũ kỹ, không có bảo hiểm và tình trạng kém đã làm dấy lên lo ngại về thảm họa môi trường sắp xảy ra ở gần hoặc bên trong vùng biển châu Âu.

Các chi tiết cụ thể về các hạn chế không có sẵn ngay lập tức nhưng gói này được cho là khiêm tốn so với các quyết định trước đó. Các cuộc thảo luận bắt đầu vào tháng trước và diễn ra với ít tranh cãi giữa các quốc gia.

Hai nhà ngoại giao cho biết Litva, quốc gia đã khiếu nại về lệnh miễn trừ cho phép các công ty châu Âu rời khỏi thị trường Nga, là nước phản đối cuối cùng.

Nhưng các lệnh trừng phạt này không phải được thống nhất một cách mạnh mẽ trên toàn châu Âu.

Ông Niemeyer cho biết: Đây là sự điên rồ. Nó giống như một cuộc đảo chính nhà nước chống lại ngành công nghiệp của chúng ta. Thật không thể giải thích được.

Chúng ta vẫn mua [dầu] của Nga và nhập khẩu qua Ấn Độ. Đây là một tình huống điên rồ, và tôi nghĩ rằng tất cả các lệnh trừng phạt này chỉ khiến cuộc sống trở nên khó khăn hơn nhưng không có tác động chính trị nào đối với Nga."

Sau khi lệnh trừng phạt được áp dụng, Nga bắt đầu sản xuất nhiều hàng hóa trong nước. Bây giờ ngay cả các công ty châu Âu cũng háo hức quay trở lại thị trường Nga, ông Niemeyer nhận định.

Ông cho rằng, tình hình này cho thấy, lệnh trừng phạt "không còn gây ấn tượng với bất kỳ ai nữa".

Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng họ có thể chịu được áp lực trừng phạt ngày càng tăng. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết những nỗ lực kiềm chế Nga sẽ giáng một đòn nghiêm trọng vào nền kinh tế toàn cầu. Bản thân các nước phương Tây cũng thường thừa nhận sự kém hiệu quả của các lệnh trừng phạt .

Theo giaoducthoidai.vn