Gia tăng nghèo đói ở châu Á - Thái Bình Dương

Hơn 260 triệu người dân ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể rơi vào cảnh nghèo đói trong thập kỷ tới nếu chính phủ các nước không tăng cường các chương trình bảo trợ.

Cảnh báo trên được Liên hợp quốc công bố hôm 8/10 trong báo cáo "Bảo vệ tương lai của chúng ta". Báo cáo nhấn mạnh tình trạng nghèo đói, cả về mặt tiền tệ và phi tiền tệ, cùng với bất bình đẳng về thu nhập và của cải ngày càng gia tăng trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong khi đó, số người dân trong diện dễ bị tổn thương dự kiến sẽ tăng lên vì những cú sốc tiêu cực sẽ tiếp tục xảy ra.

Điều đáng lo ngại nhất là 45% người dân trong khu vực không được hưởng bất kỳ chế độ bảo trợ xã hội nào. Hàng triệu người sống ngay trên ngưỡng nghèo khổ dễ bị tổn thương trước những cú sốc. Theo kịch bản xấu nhất, nếu không có hệ thống bảo trợ xã hội mạnh mẽ hơn, 266 triệu người trong khu vực có thể rơi vào cảnh nghèo đói vào năm 2040.

Trước tình hình này, Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Á - Thái Bình Dương mới đây đã công bố báo cáo, trong đó đề ra một số giải pháp nhằm cải thiện hệ thống an sinh xã hội cho các nước trong khu vực. Những giải pháp này nhằm mục đích đảm bảo rằng các hệ thống này, không chỉ đáp ứng được nhu cầu hiện tại, mà còn bền vững và linh hoạt trong tương lai.

Gia tăng nghèo đói ở châu Á - Thái Bình Dương - Ảnh 1.

Người dân dùng bữa do một tổ chức phi chính phủ cung cấp tại quảng trường Plaza de Mayo, trước Dinh Tổng thống ở Buenos Aires, Argentina, thứ Hai, ngày 7/10/2024 (Ảnh: AP)

Các giải pháp cải thiện an sinh xã hội

Mở rộng phạm vi bảo trợ xã hội

Giải pháp đầu tiên là mở rộng phạm vi bảo trợ xã hội. Các quốc gia cần tăng cường bao phủ cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương như người cao tuổi, trẻ em và những người lao động trong khu vực phi chính thức.

Tăng cường tài chính

Giải pháp tiếp theo là tăng cường tài chính cho hệ thống an sinh xã hội. Cần khuyến khích các hình thức tài trợ đa dạng, bao gồm thuế và hợp tác công tư để đảm bảo nguồn lực bền vững.

Cải cách chính sách

Một giải pháp quan trọng khác là cải cách chính sách. Các nước cần đánh giá lại và điều chỉnh các chính sách hiện tại để phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và dịch bệnh.

 

Siết chặt quản lý

Việc tăng cường quản lý cũng cần được chú trọng. Cần đào tạo chuyên môn cho cán bộ nhà nước và cải thiện hệ thống quản lý để đảm bảo hiệu quả trong việc triển khai các chương trình an sinh xã hội. Đồng thời, thiết lập hệ thống giám sát và đánh giá liên tục để theo dõi hiệu quả của các chương trình này và điều chỉnh kịp thời.

Gia tăng nghèo đói ở châu Á - Thái Bình Dương - Ảnh 2.

Ứng dụng công nghệ

Trong thời đại công nghệ phát triển hiện nay, các quốc gia cần tăng cường sử dụng công nghệ để cải thiện việc tiếp cận dịch vụ và giảm thiểu rào cản trong việc đăng ký và nhận trợ cấp.

Sáng kiến cộng đồng

Để xây dựng các chương trình an sinh xã hội thiết thực và phù hợp với nhu cầu địa phương, cần khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, thúc đẩy các sáng kiến từ chính các cộng đồng địa phương.

Mô hình an sinh xã hội tại Singapore

Tại khu vực Đông Nam Á, Singapore là quốc gia có mô hình an sinh xã hội được đánh giá là thành công. Trong đó, mô hình nổi bật nhất là Quỹ Tiết Kiệm Trung Ương Singapore (CPF). Đây là một tài khoản phúc lợi bắt buộc mà tất cả cư dân Singapore và thường trú nhân phải đóng góp từ tiền lương hàng tháng.

Từ đầu năm 2024, mức đóng góp thấp nhất là 12,5% đối với những người từ 70 tuổi trở lên, cao nhất là 37% với người từ 55 tuổi trở xuống. Khoản đóng góp này sẽ do người hưởng lương và người chủ trả lương cùng nộp.

Gia tăng nghèo đói ở châu Á - Thái Bình Dương - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa: The Straits Times)

Người dân tham gia quỹ này có thể sử dụng nó để khám chữa bệnh, mua nhà ở và nhận tiền hàng tháng để chi tiêu cho sinh hoạt từ khi nghỉ hưu đến cuối đời. Thậm chí, từ 55 tuổi, người dân có thể rút một phần quỹ khi cần thiết.

Theo những người dân bản địa, đây là mô hình rất hay. Mặc dù phải đóng góp nhiều ban đầu, song nhờ nó mà nhiều người mua được nhà, không phải lo gánh nặng chi phí khám chữa bệnh và mưu sinh khi về già.

Các xu hướng về kinh tế, xã hội, môi trường, khí hậu đang đặt ra nhiều thách thức đối với hệ thống an sinh xã hội tại các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương. Trong bối cảnh nguồn lực dành cho chi tiêu xã hội trong khu vực còn hạn chế, các chính sách bảo trợ xã hội đúng đắn và bao trùm có thể tăng cường khả năng phục hồi của người dân, tạo điều kiện thích ứng và giảm tác động tiêu cực của các biến động. Việc hành động ngay lập tức không chỉ tiết kiệm chi phí hơn mà còn rất quan trọng đối với sự đoàn kết giữa các thế hệ và đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

Theo VTV.vn