Là nơi sinh sống của hơn một nửa dân số thế giới, gần 2/3 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu và một số tuyến thương mại hàng hải đông đúc nhất, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đóng vai trò trung tâm đối với an ninh và thịnh vượng toàn cầu. Và dấu ấn địa chính trị cũng như kinh tế của Bắc Kinh tại khu vực này cũng ngày càng lớn mạnh.
Bất chấp thực tế đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa đưa ra một chiến lược rõ ràng cho sự tham gia của nước này. Cho đến nay, hai động thái đáng chú ý nhất của họ trong khu vực là giải thể Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và áp đặt một số mức thuế quan đối ứng cao nhất. Theo Atlantic Council, những biện pháp này có nguy cơ gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế của khu vực này và làm xói mòn thiện chí của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế đối ứng lên tất cả các quốc gia vào ngày 2/4. Ảnh: Nhà Trắng
Làm trầm trọng thêm điều này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth gần đây đã kêu gọi các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tăng chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP của họ.
Atlantic Council nhận định, ngay cả những nước chi tiêu quốc phòng lớn nhất trong khu vực cũng cần phải tăng gấp đôi ngân sách hiện tại để đạt được mục tiêu đó. Điều này sẽ chuyển hướng các nguồn lực khan hiếm khỏi các lĩnh vực quan trọng đối với sự ổn định và tăng trưởng lâu dài, mà đó lại là các lĩnh vực vốn đã gặp khó do mất đi sự hỗ trợ phát triển quan trọng của Mỹ.
An ninh là ưu tiên đúng đắn của Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nhưng trong một khu vực có khoảng cách đáng kể về phát triển và cơ sở hạ tầng, việc cắt giảm cam kết kinh tế trong khi thúc giục các quốc gia tăng chi tiêu quốc phòng có nguy cơ khiến các đối tác chính xa lánh.
Sự mất cân bằng này tạo ra cơ hội cho Trung Quốc - nước vừa sẵn sàng vừa được trang bị tốt để tham gia vào việc tài trợ phát triển và đầu tư cơ sở hạ tầng.
Theo Atlantic Council, nếu không có một chiến lược cân bằng hơn kết hợp các liên minh an ninh với cam kết kinh tế và ngoại giao có ý nghĩa, Mỹ có nguy cơ mất đi ảnh hưởng chiến lược lâu dài trong khu vực.
Mối quan hệ phát triển quan trọng bị cắt đứt
USAID từ lâu đã đóng vai trò là nền tảng cho ảnh hưởng của Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Với các hoạt động tại hơn 30 quốc gia trong khu vực và hơn 100 dự án quy mô lớn nhỏ trên khắp các đảo Thái Bình Dương, USAID đã đóng vai trò không thể thiếu trong việc thúc đẩy một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
USAID đã giúp giải quyết các nút thắt về cơ sở hạ tầng, nâng cao khả năng phục hồi khí hậu, thúc đẩy quản trị và sức khỏe cộng đồng, đồng thời cung cấp sự ổn định quan trọng trong các môi trường mong manh.
Với việc viện trợ nước ngoài của Mỹ bị tạm dừng theo lệnh hành pháp "Đánh giá lại và điều chỉnh lại Viện trợ nước ngoài của Mỹ" của Tổng thống Trump, những mối quan hệ phát triển quan trọng đó đã bị cắt đứt. Đó là một khoảng trống mà Trung Quốc đã bước vào bằng viện trợ có mục tiêu và đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy lợi ích của nước này trong khi xây dựng sự phụ thuộc kinh tế lâu dài của khu vực vào Bắc Kinh.
Ảnh hưởng không phải lúc nào cũng đến từ các liên minh chính thức
Theo Atlantic Council, Washington có xu hướng đánh giá quá cao năng lực xây dựng liên minh của mình trong khi đánh giá thấp năng lực của Trung Quốc.
Năm 2021, Ngoại trưởng Mỹ khi đó Antony Blinken từng nói rằng Trung Quốc thiếu thứ mà ông gọi là tài sản độc nhất của Mỹ - "liên minh, sự hợp tác giữa các quốc gia có cùng chí hướng".
Các sáng kiến đa phương như Đối thoại an ninh bốn bên (Bộ Tứ - QUAD) và quan hệ đối tác Australia – Anh - Mỹ (AUKUS), cũng như nhiều liên minh song phương, đã được chú ý như những thành công lớn trong việc xây dựng liên minh của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, Trung Quốc từ lâu đã hiểu rằng ảnh hưởng không phải lúc nào cũng đến từ các liên minh chính thức. Thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), họ đã xây dựng một mạng lưới cơ sở hạ tầng chiến lược rộng lớn - từ Đường sắt Trung Quốc-Lào đến các cảng ở Pakistan và Myanmar - phục vụ cho cả nhu cầu phát triển địa phương và tham vọng địa kinh tế dài hạn của Bắc Kinh, chẳng hạn như giảm sự phụ thuộc vào các điểm nghẽn chiến lược.
Mặc dù thường bị chỉ trích vì tạo ra sự phụ thuộc bất đối xứng, các dự án BRI đã lấp đầy những khoảng trống mà các giải pháp thay thế của phương Tây đã bỏ qua. Tuy nhiên, sự liên kết kinh tế cũng thường đi kèm với các kỳ vọng chính trị. Pakistan, Campuchia và Myanmar đã đưa ra sự ủng hộ ngoại giao mạnh mẽ cho lập trường của Trung Quốc.
Những sự phụ thuộc bất đối xứng này đã thúc đẩy một số phản ứng trái chiều. Năm 2017, Nepal đã hủy dự án thủy điện Budhi Gandaki với Trung Quốc do các vấn đề minh bạch. Năm 2019, Malaysia đã đàm phán lại dự án đường sắt East Coast Rail Link để có các điều khoản địa phương tốt hơn.
Thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), Trung Quốc đã xây dựng một mạng lưới cơ sở hạ tầng chiến lược rộng lớn, phục vụ cho cả nhu cầu phát triển địa phương và tham vọng địa kinh tế dài hạn của Bắc Kinh. Ảnh: CE
Mỹ rút lui, Trung Quốc tiến lên
Trung Quốc đang hành động nhanh chóng để lấp đầy khoảng trống do Mỹ rút khỏi viện trợ nước ngoài. Chỉ một tuần sau khi Mỹ hủy bỏ các chương trình xóa mù chữ và dinh dưỡng cho trẻ em ở Campuchia, Trung Quốc đã công bố các sáng kiến gần như giống hệt nhau.
Trước khi rút viện trợ nước ngoài, Mỹ cũng đã tài trợ 30% cho các hoạt động rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ở Campuchia. Cơ quan rà phá bom mìn của Campuchia sau đó đã tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ cung cấp 4,4 triệu USD để hỗ trợ các dự án này - một nỗ lực từng được coi là mắt xích quan trọng giữa Mỹ và Campuchia.
Myanmar là một ví dụ khác. Sau trận động đất lớn hồi tháng 3, các đội cứu hộ từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả Trung Quốc và Nga, đã nhanh chóng hỗ trợ đất nước này. Mỹ đã vắng mặt đáng kể trong những nỗ lực này, chỉ xuất hiện vài ngày sau đó khi triển khai một nhóm cứu hộ nhỏ của USAID và cam kết viện trợ 2 triệu USD - một số tiền nhỏ so với gói viện trợ 14 triệu USD mà Trung Quốc đã hứa.
Theo Atlantic Council, thiên tai thường xuyên tàn phá kinh tế ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và Mỹ từ trước đến nay đã đóng vai trò hàng đầu trong các nỗ lực cứu trợ và phục hồi. Tuy nhiên, hiện nay, không gian đó ngày càng bị Trung Quốc lấp đầy.
Tại các đảo Thái Bình Dương - khu vực phụ thuộc nhiều nhất vào viện trợ trên thế giới, Trung Quốc đã khởi động các quan hệ đối tác phát triển mới khi không có sự hỗ trợ của Mỹ. Bắc Kinh đã công bố kế hoạch tăng cường hỗ trợ cho các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của khu vực, cam kết thực hiện 100 dự án quy mô nhỏ trong ba năm tới. Họ cũng đã cam kết đầu tư 2 triệu USD tập trung vào năng lượng sạch, nghề cá, bảo tồn đại dương, cơ sở hạ tầng carbon thấp và du lịch.
Ngoài các sáng kiến đa phương, Trung Quốc cũng đang tìm cách củng cố quan hệ song phương thông qua các thỏa thuận như thỏa thuận gần đây với Quần đảo Cook.
Atlantic Council nhận định, việc đình chỉ viện trợ nước ngoài của Mỹ đã trao cho Trung Quốc cơ hội mở rộng sức mạnh mềm của mình ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn
Theo Atlantic Council