Tín nhiệm Việt Nam 6 tháng cuối năm 2025: Giữ vững ổn định trong phân hóa, doanh nghiệp cần thích ứng chủ động

Hệ thống tín nhiệm Việt Nam đang bước vào nửa cuối năm 2025 trong trạng thái được đánh giá là ổn định, bất chấp những biến động kinh tế toàn cầu và áp lực nội tại. Tuy nhiên, sự ổn định này không trải đều giữa các ngành. Tại Hội thảo do Vietcap và VIS Rating tổ chức ngày 10/7/2025, các chuyên gia cảnh báo về mức độ phân hóa tín nhiệm ngày càng sâu sắc – đòi hỏi nhà đầu tư và doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược để thích ứng linh hoạt với môi trường mới.

 

Mai Thư/Theo tapchitaichinh.vn

Hội thảo Tín nhiệm Việt Nam 6 tháng cuối năm 2025 do Vietcap và VIS Rating tổ chức qua hình thức trực tuyến.
Hội thảo Tín nhiệm Việt Nam 6 tháng cuối năm 2025 do Vietcap và VIS Rating tổ chức qua hình thức trực tuyến.

Ổn định – khái niệm không đồng nghĩa với bền vững

Phát biểu khai mạc, Ông Dương Đức Hiếu - CFA, Giám đốc, Chuyên gia Phân tích cao cấp VIS Rating, nhấn mạnh: Triển vọng tín nhiệm Việt Nam trong nửa cuối năm 2025 tiếp tục được giữ ở mức “ổn định”, song điều đó không đồng nghĩa với việc mọi ngành nghề đều an toàn.

“Ổn định ở đây là trạng thái cân bằng động, là kết quả của việc các chính sách tài khóa, tiền tệ và thể chế đã phát huy tác dụng như bộ giảm xóc trong một thế giới đầy biến động”, ông Hiếu lý giải.

Trong bối cảnh nền kinh tế chịu sức ép từ bên ngoài, những nỗ lực quyết liệt của Đảng và Chính phủ – thông qua các Nghị quyết Trung ương như Nghị quyết số 57-NQ/TW về Hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 59-NQ/TW về Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; Nghị quyết 66-NQ/TW về Cải cách thể chế và môi trường đầu tư; Nghị quyết số 68-NQ/TW về Đổi mới hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN); củng cố khung pháp lý cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), cùng chính sách đầu tư công, cải cách hành chính và chủ trương phân cấp mạnh cho địa phương – đã giúp duy trì độ ổn định tương đối của hệ thống tín nhiệm.

Tuy nhiên, ông cũng đưa ra cảnh báo: Sự khác biệt ngày càng rõ giữa các ngành về khả năng chống chịu, tiếp cận vốn và quản trị tài chính đang dẫn đến tình trạng phân hóa tin nhiệm sâu sắc – yếu tố này được dự báo sẽ tiếp tục chi phối chiến lược đầu tư cũng như năng lực thích ứng của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Tác động từ chính sách thương mại và sức chống đỡ nội địa

Ông Nguyễn Lý Thanh Lương – Trưởng nhóm Phân tích tại VIS Rating, cho biết: Chính sách thương mại mới của Hoa Kỳ, có hiệu lực từ ngày 1/8/2025, áp mức thuế nhập khẩu 20% với hàng hóa Việt Nam và 40% với hàng trung chuyển, gây áp lực lên các ngành sản xuất định hướng xuất khẩu như dệt may, thủy sản, thiết bị điện tử.

Tuy nhiên, theo ông Lương, nội lực trong nước và các chính sách điều hành chủ động từ phía Chính phủ đã phát huy vai trò giảm chấn hiệu quả: “Chính phủ đã tăng tốc đầu tư công, đẩy mạnh giải ngân, đồng thời cắt giảm 30% thủ tục hành chính, hợp nhất cấp chính quyền tỉnh và phân cấp mạnh mẽ cho địa phương. Những cải cách này đã tạo nền tảng hỗ trợ vững chắc cho doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là nhóm ngành hạ tầng, năng lượng và bất động sản pháp lý rõ ràng".

Cũng theo ông Lương, trong khi những doanh nghiệp gắn bó chặt chẽ với nhu cầu nội địa được hỗ trợ rõ ràng, thì các ngành phụ thuộc vào thị trường toàn cầu, như logistics, khu công nghiệp, sản xuất công nghiệp... lại phải gồng mình chống chọi với biến động chi phí, sức mua sụt giảm và rủi ro chuỗi cung ứng.

Tín nhiệm tăng trưởng nhưng thị trường vẫn lệ thuộc ngân hàng

Theo bà Nguyễn Hà My – Phó Trưởng phòng Phân tích tài chính doanh nghiệp và tổ chức tài chính, VIS Rating: Tính đến cuối tháng 6/2025, tăng trưởng tín nhiệm toàn hệ thống đạt 10%, phản ánh nhu cầu vốn đang dần phục hồi. Tuy nhiên, thị trường vốn vẫn lệ thuộc mạnh vào hệ thống ngân hàng, với tỷ lệ tín nhiệm tương đương 140% GDP, trong khi trái phiếu doanh nghiệp chiếm chưa tới 12%.

Bà My đánh giá cao nỗ lực cải cách pháp lý thời gian qua giúp thị trường trái phiếu từng bước khởi sắc, với giá trị phát hành mới đạt hơn 137 nghìn tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm – tăng gần 80% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, trên 70% lượng phát hành lại đến từ các ngân hàng, cho thấy khối doanh nghiệp phi tài chính vẫn thận trọng.

“Điều này phản ánh một quá trình thanh lọc tự nhiên. Chỉ những doanh nghiệp có nền tảng tín nhiệm tốt, minh bạch và kiểm soát tài chính hiệu quả mới có khả năng thu hút vốn bền vững", bà My nhấn mạnh.

Doanh nghiệp tín nhiệm tốt mới có khả năng huy động vốn dài hạn. Ảnh Internet
Doanh nghiệp tín nhiệm tốt mới có khả năng huy động vốn dài hạn. Ảnh Internet

Phân hóa tín nhiệm theo ngành và góc nhìn nhà đầu tư

Tiếp nối phần phân tích, ông Nguyễn Lý Thanh Lương đưa ra phân loại tín nhiệm doanh nghiệp Việt Nam thành 3 nhóm rõ rệt: Dẫn đầu; Trung bình và chịu áp lực. Phân nhóm này dựa trên không chỉ các chỉ tiêu tài chính, mà còn trên năng lực thích ứng với chính sách, chu kỳ kinh tế và sức chống chịu trong môi trường lãi suất cao.

Nhóm dẫn đầu bao gồm các doanh nghiệp hạ tầng, điện lực, tiện ích công cộng – những đơn vị có biên lợi nhuận ổn định, dòng tiền mạnh và thường hưởng lợi từ đầu tư công hoặc có vị trí gần như độc quyền.

Nhóm trung bình tập trung vào bất động sản dân cư và khu công nghiệp, dù doanh thu có phục hồi nhờ chính sách tháo gỡ pháp lý, nhưng dòng tiền vẫn âm và tỷ lệ đòn bẩy còn cao.

Trong khi đó, nhóm chịu áp lực bao gồm doanh nghiệp xây dựng, vật liệu xây dựng, sản xuất công nghiệp – vốn đang bị bào mòn biên lợi nhuận, vòng quay vốn chậm và rủi ro thanh khoản kéo dài.

Bà Nguyễn Hà My nhận định: “Sự phân hóa này mở ra cơ hội cho nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục, tập trung vào những doanh nghiệp có hồ sơ tín nhiệm tốt, minh bạch và có khả năng tự chủ tài chính cao”.

Theo bà, việc đánh giá tín nhiệm một cách khách quan sẽ là công cụ chiến lược cho nhà đầu tư trong giai đoạn thị trường đang chuyển sang giai đoạn chọn lọc.

Định hướng cho doanh nghiệp và khuyến nghị chính sách

Phát biểu tổng kết Hội thảo, ông Dương Đức Hiếu – Giám đốc Khối Phân tích Doanh nghiệp phi tài chính, VIS Rating, nhấn mạnh: "Sự ổn định mà chúng ta đang nói tới không phải là một bức tranh phẳng lặng, mà là sự cân bằng động giữa các yếu tố đối nghịch – giữa rủi ro bên ngoài và lực đỡ nội tại, giữa áp lực tái cấu trúc và cơ hội phục hồi có chọn lọc".

Từ đó, Hội thảo đưa ra ba thông điệp trọng tâm hướng đến nhà đầu tư, doanh nghiệp và cơ quan hoạch định chính sách:

Thứ nhất, nhà đầu tư cần thay đổi tư duy tiếp cận, tránh khuynh hướng "trung bình hóa rủi ro" theo ngành. Thay vào đó, cần tập trung đánh giá từng doanh nghiệp cụ thể, dựa trên dòng tiền, khả năng trả nợ, năng lực quản trị và mức độ minh bạch trong thông tin tài chính. Trong bối cảnh bất định, đầu tư hiệu quả là bài toán của sự chọn lọc, kỷ luật và đánh giá tín nhiệm khách quan.

Thứ hai, các doanh nghiệp – đặc biệt trong nhóm chịu áp lực – cần chủ động đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu tài chính, tinh gọn mô hình hoạt động và nâng cao năng lực quản trị rủi ro. Việc tham gia xếp hạng tín nhiệm không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn lành mạnh hơn, mà còn là yếu tố quan trọng để xây dựng lại niềm tin với nhà đầu tư và thị trường.

Thứ ba, đối với cơ quan quản lý, Hội thảo khuyến nghị tiếp tục thúc đẩy triển khai đồng bộ các chủ trương lớn của Đảng đã được ban hành trong thời gian qua, nhất là các nghị quyết Trung ương về thể chế hóa kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải cách môi trường đầu tư, phân cấp phân quyền và đổi mới DNNN. Đồng thời, cần củng cố khung pháp lý cho thị trường TPDN, kiểm soát rủi ro hệ thống một cách linh hoạt, từ đó nâng cao sức chống chịu và bảo đảm ổn định tài chính vĩ mô.

Hội thảo khép lại bằng lời kêu gọi hành động từ VIS Rating: "Thị trường không chờ đợi. Tín nhiệm là tài sản vô hình được xây dựng bằng sự nhất quán và bền bỉ, nhưng có thể mất đi chỉ trong khoảnh khắc. Nhà đầu tư thông minh, doanh nghiệp trách nhiệm và chính sách nhất quán – đó là tam giác vàng giúp Việt Nam tiến bước vững vàng trong giai đoạn đầy biến động phía trước."