Nga phản ứng trước tuyên bố của Thủ tướng Nhật Bản về chủ quyền đối với quần đảo Kuril

Thượng nghị sĩ Nga Vladimir Dzhabarov cho rằng, tuyên bố của tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida về chủ quyền của Tokyo ở các đảo phía nam của quần đảo Kuril (phía Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc) có thể làm phức tạp các cuộc đàm phán với Nga.

Phó Chủ tịch thứ nhất của Ủy ban Hội đồng Liên bang Nga về các vấn đề quốc tế Vladimir Dzhabarov cho rằng, vấn đề về quần đảo Kuril đã được khép lại vào năm 1945. Nga đã nhiều lần nói với phía Nhật Bản rằng, họ sẵn sàng ký kết một hiệp ước hòa bình mà không có bất kỳ cuộc thảo luận nào về yêu sách lãnh thổ. Theo Thượng nghị sĩ Dzhabarov, tuyên bố của Thủ tướng Nhật Bản có thể làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán sau đó của ông với các nhà lãnh đạo Nga.

Ảnh minh họa: Shutterstock
Ảnh minh họa: Shutterstock

Trong diễn biến liên quan, thư ký báo chí của Tổng thống - ông Dmitry Peskov cho  biết, Nga không đồng ý với tuyên bố của tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida về quyền sở hữu quần đảo Kuril.

Trước đó, Tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu trong cuộc tranh luận tại Hạ viện rằng, chủ quyền của Tokyo mở rộng đến các đảo ở phía nam của quần đảo Kuril. Trong bài phát biểu quan trọng tại Quốc hội ngày 8/10, người đứng đầu chính phủ Nhật Bản nhấn mạnh rằng, hiệp ước hòa bình với Nga sẽ không được ký kết nếu không giải quyết được vấn đề lãnh thổ. Ông ủng hộ việc giải quyết vấn đề quyền sở hữu tất cả các đảo ở phía nam của quần đảo Kuril mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền.

Moscow và Tokyo đã tổ chức các cuộc tham vấn từ giữa thế kỷ trước với mục đích vạch ra một hiệp ước hòa bình sau kết quả của Chiến tranh thế giới thứ hai. Trở ngại chính của việc này vẫn là sự bất đồng về quyền đối với phần phía nam của quần đảo Kuril. Sau khi chiến tranh kết thúc, toàn bộ quần đảo được sáp nhập vào Liên Xô, nhưng Nhật Bản tranh chấp quyền sở hữu Iturup, Kunashir, Shikotan và Habomai. Bộ Ngoại giao Nga đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, chủ quyền của Nga đối với các vùng lãnh thổ này, vốn có hình thức pháp lý quốc tế phù hợp, là không thể nghi ngờ./.

PV/VOV-Moscow