Người chết, thất nghiệp tràn lan, chủ nghĩa dân túy có bị COVID-19 xóa sổ?

Các lãnh đạo dân túy bị chỉ trích cả ở trong nước và ngoài nước vì xử lý dịch bệnh COVID-19 kém. Họ đứng trước nguy cơ phải trả giá vì hậu quả mà đại dịch gây ra về sinh mạng và nền kinh tế.

 

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 24/6. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Nhiều nhà phân tích đánh giá Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro là hai lãnh đạo dân túy nổi bật nhất phương Tây. Hậu quả của dịch bệnh tại Mỹ và Brazil đang trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết khi người chết và tình trạng thất nghiệp tăng vọt.

Tuần trước, Brazil đã thành quốc gia thứ hai sau Mỹ ghi nhận trên 50.000 người tử vong vì COVID-19.

Theo tờ Financial Times, đặc điểm nổi bật trong cách xử lý COVID-19 của bộ đôi lãnh đạo Trump và Bolsonaro là họ không chấp nhận thực tế. 

Tổng thống Trump gần như phớt lờ loại virus mới SARS-CoV-2 hồi tháng 1, tháng 2 và nửa đầu tháng 3. Tại nhiều thời điểm, ông cho rằng virus này sẽ biến mất như có phép màu và thậm chí còn nói tiêm thuốc sát trùng có thể diệt virus.

Khi số ca mắc mới và ca tử vong tăng vọt, ông Trump đưa ra ý kiến rằng Mỹ chỉ cần ngừng xét nghiệm và thực tế sẽ biến mất nếu không ai quan tâm tới nó.

Chú thích ảnh
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro phát biểu với báo giới tại Brasilia ngày 20/3. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Trong khi đó, cách tiếp cận của Tổng thống Brazil còn “thiếu chuyên nghiệp” hơn khi coi COVID-19 chỉ là bệnh cúm xoàng, đích thân tham gia biểu tình chống phong tỏa và cách chức hai bộ trưởng y tế.

Cả hai tổng thống đều đang trả giá về mặt chính trị vì cách xử lý dịch bệnh. Tổng thống Trump luôn đứng sau đối thủ Joe Biden trong các khảo sát ý kiến cử tri trước thềm bầu cử tháng 11 tới. Còn ông Bolsonaro thì chứng kiến tỷ lệ ủng hộ sụt giảm mạnh trong bối cảnh có thông tin bàn về việc điều tra ông vì tham nhũng hoặc khả năng phế truất ông.

Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson tỏ ra tôn trọng ý kiến các nhà khoa học hơn. Tuy nhiên, thời kỳ đầu đại dịch, Thủ tướng Johnson đã vướng vào một trong những sai lầm lớn nhất: ngần ngại hành động chống dịch bệnh. Khi các nước châu Âu khác đều phong tỏa để chống COVID-19 thì ông tuyên bố “chúng ta sống trên mảnh đất tự do” và trì hoãn hành động.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu tại số 10 phố Downing, London ngày 27/4. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Hậu quả là Anh đã có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất châu Âu. Chỉ trong vòng hai tháng, tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Johnson đã giảm từ mức cao kỷ lục xuống mức âm.

Trái lại, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã xử lý tốt khủng hoảng dịch bệnh. Đức có tỷ lệ tử vong thấp nhất châu Âu tính theo đầu người.

Sự đối lập giữa cách chống dịch của bà Merkel và ba lãnh đạo dân túy cho thấy cả ba lãnh đạo nói trên đều thiếu khả năng nhìn nhận, nắm bắt thực tế.

Bà Merkel có bằng tiến sĩ về ngành hóa học. Trong khi đó, Tổng thống là nhà bất động sản, ông Bolsonaro là cựu đại úy quân đội và ông Johnson có bằng nghiên cứu ngôn ngữ.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu tại phiên họp Quốc hội ở Berlin ngày 18/6. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Nhờ cách xử lý dịch bệnh mà Thủ tướng Đức đã đạt được tỷ lệ ủng hộ cao nhất trong nhiều năm qua.
Khi quan sát đặc điểm trên của bốn nhà lãnh đạo, ông Francis Fukuyama thuộc Đại học Stanford phỏng đoán với đài BBC: “Đại dịch COVID-19 có thể thực sự chấm dứt chủ nghĩa dân túy”.

Ông Matthew Goodwin, đồng tác giả cuốn “National Populism — The Revolt Against Liberal Democracy” (Chủ nghĩa dân túy dân tộc – Cuộc nổi dậy chống nền dân chủ tự do), gần đây đã dự báo một chuỗi sự kiện hoàn toàn có thể xảy ra và sẽ thay đổi chính trị thế giới trong vài năm tới. Trong số đó có dự báo về sự thất cử của ông Trump, Bolsonaro và Johnson. Ông nói: “Chủ nghĩa tự do trở lại. Chủ nghĩa dân túy ra đi”.

Theo nhà báo Gideon Rachman của tờ The Financial Times, nếu ông Trump thất cử trong bầu cử tháng 11 tới, sự kiện sẽ có ảnh hưởng toàn cầu vì ông luôn là nguồn cảm hứng cho các nhà dân túy dân tộc, trong đó có Tổng thống Bolsonaro, lãnh đạo Hungary, Ba Lan hay phe cực hữu ở Pháp, Đức, Italy…

Chú thích ảnh
Ảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump trên một đường phố ở Tulsa, bang Oklahoma, Mỹ ngày 19/6. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Những người theo đường lối tự do có lý do để hy vọng rằng chủ nghĩa dân túy sẽ bị tổn hại mạnh do dịch COVID-19. Tuy nhiên, họ cũng không nên ăn mừng quá sớm. Tổng thống Trump đã trải qua vài tháng tồi tệ nhưng “cuộc chiến văn hóa” quanh những vấn đề như chủng tộc hay biểu tượng quốc gia có thể giúp ông trong chiến dịch tái tranh cử.

Các lực lượng tạo sức mạnh cho chủ nghĩa dân túy cũng chưa biến mất. Ông Goodwin chỉ ra rằng một số nhóm xã hội bị chủ nghĩa dân túy thu hút, tức nhóm người không có bằng đại học và lương thấp, sẽ bị tác động đặc biệt mạnh do kinh tế suy thoái vì COVID-19.

Nhưng dù vậy, vẫn có khả năng rằng giữa khủng hoảng, các quy chuẩn về chính trị dân chủ sẽ bị đổ vỡ. Tổng thống Trump liên tục nói về nguy cơ bầu cử tháng 11 sẽ có hiện tượng gian lận, còn Tổng thống Bolsonaro cảnh báo về việc loại bỏ một tổng thống được bầu một cách dân chủ.

Tóm lại, chủ nghĩa dân túy có thể bị các cử tri chối bỏ trong đại dịch COVID-19, nhưng không có gì đảm bảo các nhà lãnh đạo dân túy sẽ lần lượt ra đi.

Thùy Dương/Báo Tin tức

 

Nguồn:vpdf.org.vn Copy link