Bạn có thích nghỉ cuối tuần không?
Có thích lái xe trên đường công cộng hay vào thư viện công cộng không?
Bạn là một trong số những người muốn chấm dứt bất công, bất bình đẳng và bóc lột?
Nếu vậy, có lẽ bạn muốn kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Karl Marx hôm 5/5/2015, vì ông là người đấu tranh cho những điều đó.
Hầu hết những ai có chút hiểu biết về lịch sử của thế kỷ 20 đều đồng tình rằng học thuyết chính trị cách mạng Marxist để lại di sản khó khăn.
Nhưng có một bộ mặt nhân bản sâu sắc của Marx, và tư tưởng của ông đã góp phần làm thay đổi thế giới theo xu hướng tốt đẹp hơn.
Karl Marx đã có những điều đúng: một nhóm người siêu giàu đã lên thống trị kinh tế thế giới, hệ thống tư bản vẫn bất ổn và làm chúng ta sợ đến chết với những cuộc khủng hoảng tài chính theo chu kỳ, và công nghiệp hóa đã thay đổi các mối quan hệ con người mãi mãi.
Bạn vẫn chưa chắc là Karl Marx đã làm được gì cho chúng ta? Hãy đọc tiếp để tìm hiểu vì sao ông vẫn có ý nghĩa trong thế kỷ thứ 21.
1. Marx muốn cho trẻ em đi học, không phải đi làm
Một thông điệp quá rõ đối với nhiều người. Nhưng vào năm 1848, tại thời điểm ông Karl Marx đang viết Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, lao động trẻ em là phổ biến.
Kể tới ngày nay, một trong 10 trẻ em trên thế giới đang phải lao động, theo số liệu năm 2016 của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO.
Nhưng sự thật là rất nhiều trẻ em đã được ra khỏi nhà máy và vào lớp học là nhờ các tác phẩm của Marx.
Linda Yueh, tác giả cuốn Các nhà kinh tế học vĩ đại: Tư tưởng của họ giúp gì được chúng ta hôm nay, nói: “Một trong 10 điểm trong Tuyên ngôn Cộng sản của Marx và Engels năm 1848 là giáo dục miễn phí cho tất cả trẻ em trong các trường học công và xóa bỏ lao động trẻ em trong các nhà máy”.
Marx và Engels không phải là những người đầu tiên cổ súy cho quyền này của trẻ em, nhưng chủ nghĩa Marx đã thêm tiếng nói vào bản đồng ca trong giai đoạn cuối thế kỷ thứ 19, khi giáo dục cho trẻ em được coi là bắt buộc và trẻ em không còn được phép làm việc trong các nhà máy,” ông Yueh nói.
2. Marx muốn bạn có thêm thời gian rỗi – và là người quyết định sẽ dùng thời gian rỗi như thế nào
Vậy bạn không thích làm việc 24 giờ/ngày, bảy ngày một tuần? Bạn có muốn nghỉ ăn trưa không? Bạn có muốn có thể nghỉ hưu và có lương hưu lúc về già không?
Nếu câu trả lời là có cho một trong các câu hỏi trên, bạn có thể cảm ơn Karl Marx.
Giáo sư Mike Savage từ Trường kinh tế London (LSE) nói, “Khi bạn bị ép làm việc nhiều tiếng, thời gian của bạn không còn là thời gian của riêng bạn. Bạn không chịu trách nhiệm cho chính cuộc sống của mình”.
Marx viết về hầu hết người dân trong xã hội tư bản buộc phải bán điều duy nhất họ có – sức lao động – để đổi lấy tiền.
Đây thường là giao dịch không bình đẳng, theo lời Marx, và có thể dẫn tới bóc lột, khiến người lao động bị có cảm giác lạc lõng, mất liên hệ với giá trị nhân bản của họ.
Marx muốn những người lao động được hưởng nhiều hơn, ông muốn chúng ta được độc lập, sáng tạo và hơn hết, làm chủ thời gian của chính chúng ta.
“Về cơ bản, Marx nói chúng ta phải sống một cuộc sống không định hình bằng công việc. Một cuộc sống mà chúng ta có độ tự quyết nhất định, nơi chúng ta quyết định ta muốn sống ra sao. Ngày nay khái niệm này đã trở thành điều mà hầu hết mọi người mong muốn,” GS Savage nói.
“Marx có một câu nói nổi tiếng, trong đó ông nói chúng ta có thể “đi săn vào buổi sáng, câu cá vào buổi chiều, nuôi súc vật vào buổi tối và phê phán sau bữa tối”. Ông tin tưởng mạnh mẽ vào tự do, vào giải phóng và nhu cầu chống bị cô lập hóa”, GS Savage nói thêm.
3. Marx muốn bạn có sự hài lòng về công việc
Công việc của bạn có thể là một nguồn vui lớn nếu mọi người “có thể thấy họ trong những vật mà họ tạo ra”.
Công việc sẽ cho chúng ta cơ hội sáng tạo và thể hiện những gì tốt đẹp về bản thân chúng ta: cho dù đó là nhân bản, trí thông minh hay kỹ năng của chúng ta.
Nhưng nếu bạn có một công việc tồi tệ, bạn sẽ cảm thấy bị chối bỏ và trầm cảm. Thậm chí còn cô lập.
Đó không phải là lời của những diễn giả chuyên nói về động lực làm việc ở Thung lũng Silicon, mà là lời của nhà tư tưởng từ thế kỷ thứ 19.
Trong một cuốn sách của mình, cuốn Bản thảo Kinh tế Triết học năm 1844, Marx là một trong những nhà tư tưởng đầu tiên liên hệ sự hài lòng trong công việc với sức khỏe.
Ông lý giải vì chúng ta dành nhiều thời gian ở nơi làm việc, chúng ta phải tìm được niềm vui nhất định trong công việc.
Tìm thấy cái đẹp trong những gì bạn tạo ra hay tự hào về những gì bạn sản xuất sẽ khiến bạn có sự hài lòng trong công việc mà bạn cần để cảm thấy hạnh phúc, theo Marx.
Marx cũng quan sát chủ nghĩa tư bản đã khiến lao động trở thành chuyên môn hóa cao như thế nào, trong quá trình tìm kiếm sản lượng và lợi nhuận tăng cao.
Và nếu công việc của bạn chỉ là khắc ba cái rãnh trên ốc vít, làm đi làm lại hàng ngàn lần một ngày, hết ngày này đến ngày khác.
Bạn sẽ thấy khó mà vui với công việc được.
4. Marx muốn mọi người là động lực thay đổi
Nếu có điều gì sai trong xã hội của bạn – nếu bạn thấy có bất công hay bất bình đẳng – bạn hãy lên tiếng, hãy tổ chức, phản đối và phấn đấu để thay đổi.
Tuy nhiên, ở Anh quốc hồi thế kỷ thứ 19, xã hội tư bản mới có vẻ là một khối đã vững chắc không suy suyển đối với một người lao động không có quyền lực.
Nhưng Karl Marx tin vào thay đổi, và khuyến khích những người khác tin vào điều đó. Tư tưởng này lan rộng.
Các cuộc biểu tình có tổ chức đã dẫn đến thay đổi về xã hội lớn ở nhiều nước: các điều luật chống phân biệt chủng tộc, chống nạn phân biệt, sợ đồng tính luyến ái, chống phân biệt giai cấp.
Theo ông Lewis Nielsen, một trong những người tổ chức Lễ hội Chủ nghĩa Marx ở London, “Bạn cần một cuộc cách mạng để thay đổi xã hội; chúng ta phản đối để cải thiện xã hội. Nhờ thế mà người dân Anh có được Dịch vụ Y tế Quốc gia NHS và có ngày làm việc tám tiếng”.
Marx thường được mô tả là nhà triết học, nhưng ông Nielsen không đồng tình: “Tên gọi đó làm ta tưởng ông ấy chỉ làm mỗi việc triết lý và viết các học thuyết. Nhưng nếu bạn xem những gì ông Marx đã làm trong cuộc đời, ông ấy còn là một nhà hoạt động nữa. Ông thành lập Hiệp hội Người lao động Quốc tế, ông tham gia vào các chiến dịch ủng hộ người lao động nghèo đang đình công.
“Khẩu hiệu ‘Người lao động toàn thế giới đoàn kết lại’ thực ra là lời kêu gọi nổi dậy. Di sản thực sự của Marx là truyền thống đầu tranh cho xã hội tốt hơn. Đó là điều dựa trên học thuyết của Marx, cho dù những người biểu tình có tự coi mình là những người Marxist hay không”, ông Nielsen nói.
“Vậy phụ nữ đã dành được quyền bầu cử như thế nào?” ông Nielsen nói.
“Đó không phải là vì những ông nghị trong quốc hội thấy thương hại họ, nó là vì phụ nữ đã tập hợp và đấu tranh. Làm sao chúng ta có được những ngày nghỉ cuối tuần? Đó là vì các nghiệp đoàn đình công để đấu tranh. Làm thế nào chúng ta giành được bất kỳ điều gì để cải thiện cuộc sống của người dân thường?”
Dường như đấu tranh theo chủ nghĩa Marx là một động cơ cho cải cách xã hội thực sự diễn ra, hính trị gia người Anh Quintin Hogg nhận xét năm 1943: “Chúng ta phải cho họ cải cách nếu không họ sẽ cho chúng ta cuộc cách mạng”.
5. Marx cảnh báo bạn về nhà nước và doanh nghiệp lớn trở nên thân thiết … và dặn bạn hãy coi chừng truyền thông
Bạn nghĩ sao về mối liên hệ gần gũi giữa các nhà nước và công ty lớn?
Bạn có cảm thấy không thoải mái là Google đã cho Trung Quốc đi cửa sau?
Còn về việc Facebook cho một hãng tiếp cận thông tin người dùng để xây dựng các hệ thống gây ảnh hưởng đến quan điểm của cử tri?
Marx và Engels đã bày tỏ những mối lo ngại tương tự từ thế kỷ thứ 19.
Theo Valeria Vegh Weis, Giáo sư về Tội phạm học ở Đại học Buenos Aires và Nghiên cứu sinh ở NYU, họ là những người đầu tiên nhận ra những mối nguy này và phân tích chúng.
“Họ [Marx và Engels] nghiên cứu rất cẩn thận mạng lưới lúc đó giữa các chính phủ, ngân hàng, doanh nghiệp và các yếu tố chính của chính sách thuộc địa hóa”, bà Vegh Weis nói.
Kết luận của họ? Nếu một tập quán, cho dù tốt hay xấu, được chứng tỏ là tốt cho các doanh nghiệp và nhà nước – chẳng hạn bắt người làm nô lệ để thúc đẩy thuộc địa – luật pháp sẽ hỗ trợ tập quán đó, theo bà Vegh Weis.
Quan sát sắc sảo của Marx về quyền lực của truyền thông là điều khác khiến tư tưởng của ông vẫn mới mẻ trong thế kỷ thứ 21.
“Marx hiểu tầm quan trọng của truyền thông trong việc ảnh hưởng ý kiến của công chúng. Ngày nay chúng ta nói về tin giả, cơn sốt truyền thông… nhưng Marx đã nói đến những điều này rồi”, bà Vegh Weis nhấn mạnh. “Ông đã nghiên cứu các bài báo được xuất bản thời đó và đi đến kết luận: tội phạm nhỏ và phạm tội của những người nghèo được đưa tin quá nhiều và thổi phồng, còn tội phạm của những nhân viên cổ cồn trằng và các vụ scandal chính trị thường ít được đưa tin hơn”.
Báo chí cũng là một công cụ hữu dụng để gây chia rẽ xã hội.
“Đưa tin rằng người Ireland lấy mất việc làm của người Anh, chia rẽ người da đen và người da trắng, đàn ông và phụ nữ, người nhập cư và người địa phương…trong khi những thành phần nghèo hơn của xã hội đang bận chống lại nhau, những người có quyền lực tiếp tục mà không bị kiểm soát”, bà Vegh Weis nói thêm.
Và còn một điều nữa, chủ nghĩa Marx thực ra có trước chủ nghĩa tư bản. Trước khi thế giớ biết đến chủ nghĩa tư bản, họ đã biết đến chủ nghĩa Marx rồi.
Ông Yueh nói thuật ngữ “chủ nghĩa tư bản” không phải do Adam Smith, được coi là ông tổ của kinh tế học, đặt ra, mà lần đầu tiên nó xuất hiện là trong cuốn tiểu thuyết của William Makepeace Thackeray, tác giả cuốn Hội chợ Phù hoa, năm 1854.
“Thackeray dùng thuật ngũ chủ nghĩa tư bản để diễn tả ‘người sở hữu vốn'”, GS Yueh nói.
“Vậy thì có lẽ người đầu tiên dùng từ chủ nghĩa tư bản theo nghĩa kinh tế học là Karl Marx, người nói đến chủ nghĩa tư bản trong cuốn Tư bản luận (Das Kapital) năm 1867. Kể từ đó nó thường được dùng như từ trái nghĩa với chủ nghĩa Marx. Theo một khía cạnh nào đó, chủ nghĩa Marx có trước chủ nghĩa tư bản”.
Theo Reds