Những nhân tố "khổng lồ" thực sự dẫn dắt cuộc bầu cử Mỹ và dự báo về cuộc chiến thương mại mới khốc liệt

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 đang chịu tác động từ nhiều lĩnh vực, bao gồm các phương tiện truyền thông lớn, nguồn tiền lớn và quốc phòng lớn.

Đây là nhận định được chuyên gia Dan Steinbock - Giám đốc nghiên cứu kinh doanh quốc tế tại Viện Ấn Độ, Trung Quốc và Châu Mỹ (Mỹ) và là nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải (Trung Quốc) - đưa ra trong một bài viết mới được đăng tải trên trang Eurasia Review.

Trong nhiều tháng qua, cuộc đua giành chức tổng thống Mỹ đã trở thành tâm điểm trên các phương tiện truyền thông Mỹ và quốc tế với ý kiến từ nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực và quốc gia khác nhau.

Tuy nhiên, theo ông Steinbock, quan điểm không làm cho thế giới xoay chuyển mà chỉ có tiền bạc mới làm được, đặc biệt là những dòng tiền lớn. Các cuộc thăm dò dư luận đều do các phương tiện truyền thông định hướng và các phương tiện truyền thông lại do các chiến dịch chi tiền điều khiển. Quan điểm của các ứng cử viên cũng bị điều chỉnh bởi tình hình tài chính của chiến dịch tranh cử, vốn bị các lợi ích chi phối mạnh mẽ và biến đổi hầu hết các chiến dịch tranh cử của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Theo Steinbock, đây chính là cách cuộc đua giành chức tổng thống Mỹ thực sự diễn ra.

Theo chuyên gia Dan Steinbock, quan điểm của các ứng cử viên tổng thống Mỹ bị điều chỉnh bởi tình hình tài chính của chiến dịch tranh cử, vốn bị các lợi ích chi phối mạnh mẽ. Ảnh: Independent

Chủ nghĩa bảo hộ của ông Trump và sự ép buộc kinh tế

Steinbock cho biết, khi ông Donald Trump bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ lần đầu tiên cách đây 8 năm, ông đã cam kết chấm dứt chủ nghĩa can thiệp nước ngoài của Mỹ và tập trung vào việc bảo vệ biên giới. Nhưng những người giàu không đồng tình, vì vậy ông Trump đã kết hợp chủ nghĩa bảo hộ “Nước Mỹ trên hết” với chủ nghĩa can thiệp mạnh mẽ.

Trong chiến dịch tranh cử lần này, ông Trump cam kết áp dụng mức thuế 60% trở lên đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đảo ngược các chính sách thương mại tự do của Mỹ mà ông đã thực hiện trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên. Quan điểm này có thể sẽ được xây dựng dựa trên ý tưởng của cựu Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer - người muốn tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, cắt giảm đầu tư song phương và ngăn chặn các công ty truyền thông xã hội của Trung Quốc cho đến khi thặng dư thương mại của Trung Quốc "biến mất" một cách kỳ diệu.

Steinbock nhận định, nếu đắc cử, việc đầu tiên ông Trump làm vào năm 2025 sẽ là làm suy yếu nền tảng địa chính trị Biden-Harris để xây dựng chính sách mới. Ông sẽ đối đầu Trung Quốc và tập hợp các đối tác để tăng áp lực ở Biển Đông. Những chính sách này sẽ làm làm rung chuyển sự ổn định trong phát triển kinh tế ở Đông Á và Đông Nam Á. Nhưng đó không phải là mối quan tâm của ông Trump, mà là “Nước Mỹ trên hết”.

Bà Harris: Từ “Nước Mỹ trên hết “đến “Cú đấm Mỹ”

Theo Steinbock, mặc dù đã nhiều lần tuyên bố rằng mình “không phải là ông Biden”, Phó tổng thống Kamala Harris nhiều khả năng sẽ tiếp tục chính sách thương mại của đương kim Tổng thống nếu bà đắc cử. Trên thực tế, bà sẽ giữ nguyên hầu hết các mức thuế đối với Trung Quốc từ thời cựu Tổng thống Trump, và chỉ tăng thuế trong một số lĩnh vực như xe điện. Nếu lên nắm quyền, bà Harris sẽ kiểm soát các hoạt động thương mại thép và mua bán máy bay với các đồng minh chủ chốt.

Cũng giống như ông Biden, bà Harris sẽ tiếp tục tiền lệ từ thời ông Trump là ngăn chặn việc bổ nhiệm các chức danh mới vào cơ quan giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), do đó làm suy yếu vai trò thực thi của cơ quan này.

Ủng hộ chủ nghĩa can thiệp toàn diện, bà Harris sẽ xây dựng chính sách dựa trên nền tảng Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) của ông Biden, nhấn mạnh hợp tác về thuế, thương mại kỹ thuật số và chuỗi cung ứng, song không giảm thuế quan. Và giống ông Biden, bà sẽ tìm cách kiềm chế Trung Quốc bằng cách tăng cường quan hệ đối tác của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Chuyên gia Steinbock cho rằng, dưới thời bà Harris, lập trường “Nước Mỹ trên hết" ở nước ngoài sẽ được thay thế bằng “chính sách nắm đấm Mỹ”, với sự hậu thuẫn của các tổ hợp công nghiệp - quân sự có cùng chí hướng ở châu Âu và Nhật Bản.

Từ phương tiện truyền thông lớn (Big Media) đến nguồn tiền lớn (Big Money)

Theo Steinbock, chiến dịch tranh cử quan trọng ở chỗ tiếp thị chính trị khôn ngoan và quảng bá truyền thông hiệu quả. Khi bà Harris thay thế ông Biden, đảng Dân chủ nhanh chóng nhấn mạnh thông điệp mới: “Có năng lượng mới! Có sự phấn khích mới! và một chiến dịch đang bùng nổ!”.

Trong giai đoạn đầu khi ông Biden vẫn còn tham gia tranh cử, đảng Dân chủ đã trải qua những “cơn ác mộng” về quan hệ công chúng khiến số lượng người theo dõi giảm đáng kể. Tuy nhiên, khi các phương tiện truyền thông lớn nhanh chóng chấp nhận các thông điệp chính trị của đảng Dân chủ, cuộc đua sít sao giữa bà Harris và ông Trump đã thúc đẩy lượng người xem trên các kênh truyền thông lớn này vào dịp diễn ra đại hội toàn quốc của hai đảng, thậm chí vượt qua biểu tượng “nắm đấm giơ lên” khi ông Trump bị ám sát hụt hôm 13/7.

Đến cuối tháng 8, cuộc đua truyền thông dường như đã trở lại bình thường. Khi Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ năm 2024 đã khép lại, tương quan giữa các kênh truyền thông tại Mỹ đã được khôi phục. Fox News (ủng hộ đảng Cộng hòa) đã giành lại vị trí dẫn đầu về số lượng người xem với nhóm người lớn tuổi từ 25-54. CNN (ngả về đảng Dân chủ) giành vị trí thứ hai, vượt lên trước MSNBC về cả lượng người xem vào giờ vàng và tổng số người truy cập.

Số lượng người xem tỉ lệ thuận với nhu cầu chi phí rất cao. Và trong cuộc đua, nơi tiền của các ứng cử viên được kết hợp với tiền bên ngoài, bà Harris (775 triệu USD) dẫn trước ông Trump tới 35 % (575 triệu USD). Các nhà tài trợ lớn cho chiến dịch của bà Harris là đại diện các hãng công nghệ lớn như Alphabet/Google, Microsoft, Amazon, Apple, hay Meta/Facebook. Trong khi đó, ông Trump được hậu thuẫn bởi các tỷ phú, các nhà tài trợ người Mỹ gốc Israel, giới kinh doanh hàng không vũ trụ và năng lượng.

Chuyên gia Steinbock nhận định, những gì chính quyền tương lai của Mỹ sẽ làm là cố gắng kìm hãm và đè bẹp các ngành công nghiệp và công nghệ tiên tiến ở Trung Quốc. Ảnh: Shutterstock

Chiến tranh thương mại địa chính trị

Steinbock cho biết, theo dự đoán của một số chuyên gia vào cuối thập kỷ trước, việc chính quyền cựu Tổng thống Trump áp dụng chủ nghĩa bảo hộ thương mại và địa chính trị cưỡng ép đã làm suy yếu sự phục hồi toàn cầu. Khi chính quyền kế nhiệm của Tổng thống Biden quyết định không thiết lập lại chủ nghĩa bảo hộ từ thời ông Trump, điều này đã góp phần đáng kể vào sự phân mảnh địa kinh tế toàn cầu, phá vỡ triển vọng tăng trưởng toàn cầu.

Steinbock nhận định, đây là những chính sách mà “chính quyền Harris" sẽ tiếp tục xây dựng và “chính quyền Trump" thậm chí sẽ đẩy mạnh hơn, mọi chuyện có thể sẽ càng tồi tệ hơn trong thời gian tới.

Từ năm 2018, cuộc chiến thuế quan của cựu Tổng thống Trump chủ yếu nhắm tới các đầu vào trung gian và công cụ vốn của Trung Quốc, những “công xưởng thế giới" của nước này. Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã trở thành trung tâm khoa học và đổi mới toàn cầu. Do đó, vào năm 2025, chính quyền của bà Harris hoặc ông Trump có thể sẽ nhắm mục tiêu chủ yếu vào hàng tiêu dùng cuối với hy vọng bảo vệ các ngành công nghiệp Mỹ và tìm cách tránh tăng gánh nặng chi phí cho chuỗi cung ứng.

Tóm lại, theo Steinbock, cuộc chiến thuế quan của Mỹ không còn là về chủ nghĩa bảo hộ đối với các nhà máy lắp ráp và sản phẩm giá rẻ. Thay vào đó, những gì Mỹ làm sẽ là cố gắng kìm hãm và đè bẹp các ngành công nghiệp và công nghệ tiên tiến ở Trung Quốc. Trung Quốc (và các nền kinh tế mới nổi lớn khác ở Nam Bán cầu) sẽ ngày càng được miêu tả là “khác biệt” và là “đối thủ” của Washington.

Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn