Ông Tập, Putin nâng vị thế trước Trump

Trong khi Trump đối mặt nhiều thử thách, Putin và Tập Cận Bình ngày càng củng cố quyền lực trong nước và nâng cao vị thế quốc tế.

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giành thắng lợi lớn trong cuộc trưng cầu dân ý gần đây, khi 78% cử tri nhất trí với hiến pháp sửa đổi, trong đó có điều khoản cho phép ông được quyền tái tranh cử thêm hai nhiệm kỳ sau khi nhiệm kỳ hiện nay kết thúc vào năm 2024. Về lý thuyết, điều này có thể giúp Putin, 67 tuổi, lãnh đạo nước Nga đến năm 83 tuổi.

Putin đã cầm quyền suốt 20 năm qua với tư cách Tổng thống hoặc Thủ tướng Nga. Ông chưa khẳng định có tái tranh cử sau khi nhiệm kỳ hiện tại kết thúc năm 2024 hay không, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng Putin sẽ ở lại Điện Kremlin lâu nhất có thể.

Putin trong một cuộc họp trực tuyến từ Novo-Ogaryov hồi tháng 6. Ảnh: Reuters.

Putin trong một cuộc họp trực tuyến từ Novo-Ogaryov hồi tháng 6. Ảnh: Reuters.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 30/6 ký thông qua luật an ninh Hong Kong, đạo luật được cho là mang tính bước ngoặt với tương lai của đặc khu. Luật này xác định 4 tội danh xâm phạm an ninh quốc gia gồm ly khai, lật đổ, khủng bố và cấu kết với nước ngoài đe dọa tới an ninh quốc gia, đồng thời giúp Bắc Kinh lần đầu tiên thiết lập một cơ quan an ninh hoạt động công khai ở Hong Kong. Nhiều nhà phân tích đánh giá luật an ninh Hong Kong mang thông điệp "phô trương sức mạnh" của Bắc Kinh đối với cộng đồng quốc tế.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang "lún sâu" trong khủng hoảng, khi số ca nhiễm Covid-19 liên tục tăng ở mức kỷ lục, khiến nhiều bang phải dừng kế hoạch mở cửa nền kinh tế. Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đang "thắng thế" ở nhiều bang, thậm chí là các bang chiến trường. Trump đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong hơn ba năm rưỡi ở Nhà Trắng.

Các thông tin tiết lộ trong hồi ký của John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia, hay tranh cãi về thông tin Nga treo thưởng cho Taliban sát hại lính Mỹ ở Afghanistan, càng khiến những ngày cuối tháng 6 của Trump thêm khó khăn. Sự kiện tranh cử mà Trump đặt nhiều kỳ vọng ở Tulsa, Oklahoma hôm 20/6 cũng "thất bại", khi đám đông không kéo tới như kỳ vọng của ông.

Khi khó khăn bủa vây, Trump thậm chí đã nghĩ tới viễn cảnh thất cử trong cuộc bầu cử cuối năm nay. "Biden không thể nói năng một cách rành mạch, nhưng ông ấy có thể trở thành tổng thống của các bạn, bởi một số người không yêu mến tôi", Trump nói trong cuộc phỏng vấn với Fox News hôm 25/6, khiến các trợ lý của ông choáng váng.

Nic Robertson, bình luận viên của CNN, nhận định không phải ngẫu nhiên mà ông Tập và Putin lại thúc đẩy các mục tiêu củng cố quyền lực và ảnh hưởng của họ khi nhiệm kỳ đầu tiên của Trump dần đi tới những ngày cuối. Quan điểm của cả hai lãnh đạo dường như là Mỹ sẽ không có ý chí lẫn sự kiên định để ứng phó với các động thái của họ, theo Robertson.

"Putin đang ăn miếng trả miếng. Ông ấy tin Mỹ đã hủy hoại Liên Xô trước đây. Ông ấy muốn Mỹ phải thấm nỗi đau", nhà phân tích David Ignatius viết trên Washington Post. Ông thêm rằng với hiến pháp sửa đổi, Putin giờ có thêm rất nhiều năm cầm quyền để "trả món nợ" cho Mỹ.

Trong khi đó, phó thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Matthews vẫn ca ngợi Tổng thống Trump là "nhà đàm phán đẳng cấp thế giới, người đã liên tục mang lại lợi ích cho Mỹ trên trường quốc tế".

Tuy nhiên, chia sẻ với Carl Bernstein, biên tập viên của CNN, nhiều cựu quan chức cấp cao Mỹ đưa ra các nhận định khác. Họ nghĩ rằng Trump "ảo tưởng" về khả năng kéo các lãnh đạo khác vào chương trình nghị sự của mình, đồng thời tin rằng có thể "quyến rũ, thuyết phục hoặc ép buộc hầu hết lãnh đạo nước ngoài tuân theo ý muốn của ông ấy". Nhưng Putin là người chơi "trên cơ" Tổng thống Mỹ, một nguồn tin của Bernstein nói.

Ba năm trước, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã tới Phòng Bầu dục một ngày sau khi Trump sa thải James Comey khỏi vị trí giám đốc FBI. Comey là người đã giám sát cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Trump khi đó đã nói với các vị khách Nga rằng "tôi vừa sa thải giám đốc FBI. Anh ta đã làm một việc thật điên rồ", theo Robertson.

Hai tháng sau, Trump gặp riêng Putin bên lề hội nghị G20. Nhà Trắng khi đó ca ngợi cuộc gặp là "thành công", nhấn mạnh thỏa thuận ngừng bắn ở Syria mới đạt được.

Cựu cố vấn an ninh Mỹ John Bolton đã viết trong hồi ký "The Room Where It Happened: A White House Memoir" (Căn phòng nơi chuyện đó xảy ra: Hồi ký Nhà Trắng) rằng "Putin có lẽ phải cười lớn vì những gì đã đạt được".

Nhà phân tích Robertson cho rằng giờ đây Putin đã có cơ hội làm "Tổng thống trọn đời" để theo đuổi các mục tiêu mà ông đã đặt ra.

Tổng thống Donald Trump (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, Trung Quốc, hồi tháng 9/2017. Ảnh: AFP.

Tổng thống Donald Trump (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, Trung Quốc, hồi tháng 9/2017. Ảnh: AFP.

Trải nghiệm của Chủ tịch Tập Cận Bình với Trump lại khác hẳn. Khi hai nước đối đầu trong cuộc chiến thương mại, ông Tập phải tìm cách nắm bắt ý định thực sự của Trump, liên quan đến các vấn đề như người Duy Ngô Nhĩ hay Hong Kong, hoặc chiến lược của Mỹ nhằm ngăn Trung Quốc trỗi dậy thành một siêu cường thứ hai.

Robertson cho biết một cựu đại sứ Trung Quốc, người từng có nhiều năm công tác ở châu Âu, từng nói với ông rằng Trump cố tình ngăn Trung Quốc trở thành một nền kinh tế tiên tiến công nghệ cao. Dù Trump được ca ngợi khi cứng rắn với Trung Quốc về các vấn đề như chính sách thương mại, gián điệp thương mại hay đánh cắp tài sản trí tuệ, các chiến lược của ông vẫn vấp phải nhiều chỉ trích.

"Thách thức hiện nay của Trump và người kế nhiệm ông là phải cho Bắc Kinh thấy tầm ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á sẽ lớn hơn, cùng với các đồng minh ngăn chặn các hành vi gây bất ổn của Trung Quốc", Robert Blackwill viết trong bài phân tích cho Hội đồng Quan hệ Quốc tế, tổ chức phi lợi nhuận ở New York, Mỹ.

Tất cả điều này đều nằm trong tính toán của ông Tập về Trump. Các bình luận viên của Washington Post đánh giá việc thông qua luật an ninh Hong Kong là một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách trở thành cường quốc thế giới theo cách riêng của họ, thay vì chịu sự chi phối của phương Tây.

Trong bài phát biểu tháng trước, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien cho rằng phản ứng sai lầm của Washington đối với kế hoạch áp luật an ninh của Bắc Kinh là "thất bại lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ" trong nhiều thập kỷ qua.

Nhiều nhà sử học cho rằng vấn đề tranh luận hiện nay không phải là nhiệm kỳ Tổng thống của Trump có ảnh hưởng tới các quyết định của ông Tập và Putin hay không, mà là cách làm của Tổng thống Mỹ đã khiến thế giới thay đổi theo cách mang lại lợi ích thế nào cho hai lãnh đạo này.

Thanh Tâm (Theo CNN)

Nguồn: VnExpress

Nguồn:vpdf.org.vn Copy link