Ông Vance: Kỷ nguyên thống trị của Mỹ đã kết thúc

Phó Tổng thống Mỹ JD Vance phát biểu hôm 23 tháng 5 rằng Mỹ không còn là cường quốc thống trị duy nhất trên thế giới.

Phó Tổng thống Mỹ JD Vance.

Ông Vance phát biểu tại lễ tốt nghiệp và lễ nhậm chức của Học viện Hải quân năm 2025, hiện nay các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc và Nga đang tìm cách vượt mặt nước Mỹ trong mọi lĩnh vực.

"Sau Chiến tranh Lạnh, nước Mỹ đã tận hưởng quyền kiểm soát hầu như không thể tranh cãi đối với các vùng đất chung - không phận, biển cả, vũ trụ và không gian mạng, nhưng kỷ nguyên thống trị không thể tranh cãi của Mỹ đã kết thúc", Forbes dẫn tuyên bố của ông JD Vance.

Theo phó Tổng thống Vance, nước Mỹ đang phải đối mặt với những mối đe dọa nghiêm trọng và các quốc gia như Trung Quốc và Nga quyết tâm đánh bại nước này trong mọi lĩnh vực, từ quỹ đạo Trái Đất tầm thấp đến chuỗi cung ứng và thậm chí cả cơ sở hạ tầng truyền thông.

Ông Vance nhấn mạnh rằng chính quyền Tổng thống Trump cam kết duy trì và mở rộng lợi thế công nghệ được cho là của Mỹ so với các đối thủ trên toàn thế giới.

Theo Philip Zelikow, Giáo sư lịch sử tại Đại học Virginia, thành viên cao cấp tại Viện Hoover của Đại học Stanford và từng là nhà ngoại giao Mỹ kỳ cựu, khi nói đến năng lực lãnh đạo, dường như khả năng này của Mỹ đang bị hạn chế bởi điều kiện cơ cấu sâu sắc: Đó là cảm giác tách biệt.

Nước Mỹ dường như đang có xu hướng tách rời khỏi các vấn đề bên ngoài, và Mỹ cũng cảm thấy bị cô lập. May mắn về địa lý, Mỹ chưa bao giờ phụ thuộc nhiều vào thương mại với bên ngoài hoặc hàng hóa nước ngoài.

Mối quan tâm của công chúng đối với sự tham gia của Mỹ ở nước ngoài -chính trị, quân sự hoặc kinh tế - còn hạn chế. Hơn một nửa số người Mỹ không có hộ chiếu.

Về sức mạnh quân sự, việc phụ thuộc quá nhiều vào số lượng nhỏ các hệ thống cực kỳ đắt tiền và tinh vi của Mỹ dường như đã lỗi thời và vượt quá khả năng chi trả của ngay cả đối với nước này.

Xung đột ở Ukraine đã khuyến khích Lầu Năm Góc đặt cược lớn – chẳng hạn như thành lập Sáng kiến Replicator, dự kiến sản xuất hàng loạt và trang bị hàng nghìn loại vũ khí sử dụng các công nghệ mới nổi.

Về xung đột Israel-Hamas, đối với nhiều người, cuộc khủng hoảng hiện nay ở Gaza dường như đòi hỏi Mỹ phải đóng vai trò trung tâm. Nhưng Mỹ dường như không và không muốn đóng vai trò đó.

Kết quả là, bất chấp việc nhiều quốc gia muốn Mỹ có hành động cụ thể để chấm dứt giao tranh giữa Israel và Hamas khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng kể từ khi bùng phát xung đột, cho đến nay là xung đột vẫn tiếp diễn.

Rõ ràng, cường độ xung đột hiện nay trên thế giới đã ở mức cao nhất trong hơn một thế hệ. Tất cả các nỗ lực hòa giải và tái thiết quốc tế nhằm giải quyết những cuộc khủng hoảng này đều diễn ra kém hiệu quả. Điều đó cũng chứng tỏ nỗ lực hòa giải và gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc nói chung và Mỹ nói riêng đã thất bại.

Tiếp đó là nhu cầu ở các khu vực khác và những mối quan tâm xuyên quốc gia, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, các cuộc cách mạng kỹ thuật số và sinh học cũng như sự mong manh của hệ thống tài chính toàn cầu. Một số vấn đề này đã tồn tại dai dẳng trong nhiều thập kỷ.

Một lần nữa, phần lớn tin tức về sự hợp tác giữa Mỹ và các đồng minh phương Tây lại gây thất vọng: các vấn đề trong việc điều phối quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu, với sự phối hợp rời rạc về công nghệ xanh, các cuộc đàm phán chưa có hồi kết về các vật liệu quan trọng và những bất đồng gay gắt về cách giảm bớt gánh nặng cho các nước nghèo.

Tóm lại, Giáo sư Zelikow kết luận, trên khắp phương Tây và nhiều khu vực khác trên thế giới, giai đoạn khủng hoảng hiện nay đã cho thấy vai trò lãnh đạo của Mỹ đã bị suy yếu nghiêm trọng.

Theo giaoducthoidai.vn