Quỹ HB&PT Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Cách tiếp cận về pháp lý của Trung Quốc với vấn đề Biển Đông”

 (VPDF) Sáng ngày 25/11/2021 tại Hà Nội, Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam đã phối hợp với Hội Luật quốc tế Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Cách tiếp cận về pháp lý của Trung Quốc với vấn đề Biển Đông”.

Tọa đàm có sự tham dự của đại diện Hội Luật Quốc tế Việt Nam, đại diện Trường Đại học Luật Hà Nội, đại diện Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đại diện các Ban, đơn vị làm công tác đối ngoại và nghiên cứu trong Cơ quan thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Về phía Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam có ông Hà Hùng Cường, Chủ tịch Hội đồng Quỹ, ông Trần Đắc Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Quỹ chủ trì Tọa đàm và các thành viên Ban Thư ký, một số thành viên Hội đồng Quỹ.

Toàn cảnh Tọa đàm

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã nghe báo cáo trình bày của ông Nguyễn Mạnh Đông, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Luật quốc tế và ông Nguyễn Đăng Quang, Ủy viên Ban Thường vụ Quỹ. Các diễn giả đã phân tích vấn đề Biển Đông trong bối cảnh cấu trúc an ninh khu vực đang định hình, cách tiếp cận về pháp lý của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông thông qua hai luật mới ban hành của Trung Quốc, gồm Luật Hải cảnh và Luật An toàn giao thông hàng hải cũng như quá trình đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc; đồng thời xem xét những tác động từ cách tiếp cận này và đưa ra một số hàm ý chính sách đối với Việt Nam.

Trong phần thảo luận, các diễn giả và đại biểu đã trao đổi cởi mở, sôi nổi với nhiều ý kiến phong phú và đưa ra những nhận định, đánh giá đa chiều về tác động từ cách tiếp cận về pháp lý của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, đặc biệt trong bối cảnh cấu trúc an ninh khu vực định hình với việc Mỹ và các nước nâng cấp Bộ tứ QUAD và thiết lập Thỏa thuận quân sự AUKUS. Các đại biểu tham dự Tọa đàm đều cho rằng Biển Đông là vấn đề trọng tâm, có ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở khu vực Đông Nam Á nói riêng và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông thông qua đối thoại hòa bình. Bên cạnh đó, các diễn giả và đại biểu cho rằng ASEAN và Trung Quốc cần thúc đẩy đàm phán xây dựng COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Một số hình ảnh tại Tọa đàm:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

An Vy