Tàu và máy bay của quân đội Australia sẽ phớt lờ yêu cầu của Trung Quốc

Tàu hải quân Australia sẽ phớt lờ yêu cầu khai báo của Trung Quốc khi đi vào vùng biển mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền.

Đây là phản ứng mới nhất của Australia sau khi Trung Quốc đưa Luật An toàn giao thông trên biển sửa đổi vào thi hành hồi đầu tháng 9/2021.

Ông Andrew Hastie, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Australia. Nguồn: Martin Ollman.
                         Ông Andrew Hastie, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Australia. Nguồn: Martin Ollman.

 

Tờ Người Australia cho biết, hôm qua (7/9), phát biểu tại Phòng Thương mại Mỹ tại Australia, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Australia - Andrew Hastie khẳng định, các tàu và máy bay của quân đội nước này sẽ phớt lờ yêu cầu khai báo với cơ quan chức năng của Trung Quốc khi đi qua các vùng biển đang có tranh chấp.

Ông Andrew Hastie khẳng định, các tàu và máy bay của quân đội Australia sẽ tiếp tục thực thi quyền của mình được luật pháp quốc tế quy định về tự do hàng hải và hàng không, bao gồm ở cả Biển Đông, đồng thời cũng sẽ ủng hộ các quốc gia khác có hành động tương tự”. Ông Andrew Hastie cũng cho biết thêm, trong năm nay, tàu hải quân Australia đã tiến hành 6 chuyến qua lại ở Biển Đông.

Ông Andrew Hastie nhấn mạnh: "Hành động của Australia cho thấy chúng ta tiếp tục duy trì trật tự toàn cầu mà đã được lập nên sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Chính vì vậy mà tại sao, sau những gì diễn ra tại Afghanistan, chúng ta cần hướng Mỹ tập trung nhiều hơn vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Tuyên bố của ông Andrew Hastie là phản ứng chính thức đầu tiên của một quan chức Australia sau khi Luật An toàn giao thông trên biển sửa đổi của Trung Quốc có hiệu lực từ hôm 1/9. Theo luật này, các tàu, thuyền cho dù là dân sự hay quân sự trước khi tiến vào lãnh hải của nước này đều phải khai báo với chính quyền Trung Quốc nếu không sẽ bị các cơ quan chức năng của Trung Quốc xử lý.

Việc các tàu và máy bay quân sự của Australia phớt lờ các quy định mới của Trung Quốc không chỉ cho thấy các quy định mới này không nhận được sự ủng hộ của Australia mà còn đặt dấu hỏi về tính pháp lý./.

Theo Việt Nga/VOV-Australia