Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo Đảng ủy Chính phủ xây dựng đề án từng bước giảm gánh nặng chi phí y tế, tiến tới miễn viện phí toàn dân trong giai đoạn 2030–2035, với kinh phí dự kiến khoảng 30.000 tỷ đồng mỗi năm.
Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, ĐBQH TP. Hà Nội Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh, đây không chỉ là định hướng chiến lược mà còn là mục tiêu ngành Y tế quyết tâm thực hiện – một chính sách giàu tính nhân văn, cụ thể hóa quan điểm “dân thụ hưởng” trên nền tảng phát triển bền vững đất nước.
Việt Nam hiện đã hội tụ đầy đủ điều kiện để tiến tới miễn viện phí: kinh tế phát triển, thu nhập bình quân đầu người tăng cao, đất nước hòa bình, ổn định, đủ năng lực ứng phó với thiên tai, dịch bệnh.
Cùng với đó, nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe ngày càng được nâng cao, hệ thống y tế cải thiện rõ rệt cả về cơ sở vật chất lẫn trình độ khoa học – công nghệ. Hệ thống chính sách, pháp luật cũng ngày càng hoàn thiện. Những yếu tố này là nền tảng vững chắc để hiện thực hóa mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Lộ trình miễn viện phí toàn dân cần đảm bảo 3 yếu tố
GS.TS Nguyễn Anh Trí cho rằng miễn viện phí toàn dân là bước nối tiếp chính sách miễn học phí cho học sinh công lập, tạo dấu ấn tích cực trong an sinh xã hội. Tuy nhiên, so với giáo dục – nơi có thể dự báo tương đối ổn định số lượng học sinh – thì ngành Y tế lại đối mặt với nhiều biến số khó lường.
“Tình trạng sức khỏe con người không thể dự đoán trước. Các bệnh nặng, mãn tính như ung thư, suy tủy xương, bệnh lý miễn dịch... đòi hỏi điều trị dài hạn, tốn kém”, ông Trí nêu rõ. Ngay cả với cùng một bệnh, chi phí điều trị cũng có thể chênh lệch lớn tùy vào diễn tiến và phương pháp điều trị.
Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, ĐBQH TP. Hà Nội Nguyễn Anh Trí.
Ngoài ra, chi phí y tế còn phụ thuộc vào trình độ chuyên môn, công nghệ áp dụng và số lượng kỹ thuật sử dụng. Các kỹ thuật cao như ghép tế bào gốc có thể tiêu tốn từ 1 đến 10 tỷ đồng, đặt ra áp lực lớn cho ngân sách.
Ông Trí nhấn mạnh, khác với giáo dục, y tế chứa nhiều yếu tố bất định. Do đó, việc triển khai miễn viện phí cần có lộ trình hợp lý, linh hoạt và bám sát thực tiễn để đảm bảo tính khả thi và bền vững.
Cần học hỏi mô hình quốc tế
Đồng quan điểm với GS.TS Nguyễn Anh Trí, ông Phạm Văn Học – Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Hệ thống Y tế Hùng Vương – cho rằng miễn viện phí toàn dân không chỉ là mong ước của người dân Việt Nam mà là khát vọng của cả thế giới. Ông nhấn mạnh cần mở rộng quyền lợi cho người dân thông qua các trụ cột an sinh xã hội. Tuy nhiên, điều này không dễ dàng bởi không nhiều quốc gia làm được.
Việc áp dụng miễn phí trong giáo dục dễ hơn vì có thể định lượng rõ ràng. Ngược lại, chi phí y tế mang nhiều biến số. Ví như một ca mổ xương đùi có thể mất 10 triệu đồng nhưng cũng có thể lên tới 100 triệu đồng, tùy trường hợp. Ngay cả thuốc điều trị trong nước và nhập khẩu cũng chênh lệch rất lớn.
Theo ông Học, để hướng tới miễn viện phí toàn dân, Việt Nam cần học hỏi các quốc gia đi trước. Ví dụ, Nhật Bản có chính sách an sinh xã hội tốt, với bảo hiểm y tế chi trả đa phần chi phí khám chữa bệnh. Tại Hà Lan, người dân được nhà nước chi trả toàn bộ chi phí y tế tại bệnh viện công, nhưng đồng thời hệ thống bệnh viện tư rất mạnh, tạo thêm lựa chọn dịch vụ.
Ông Phạm Văn Học – Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Hệ thống Y tế Hùng Vương.
Tương tự, Thái Lan có hệ thống “bệnh viện Nhà Vua” (bao cấp 100%), nhưng mức độ chăm sóc y tế hạn chế. Người có thu nhập tốt hơn sẽ chọn điều trị tại bệnh viện tư.
Việt Nam cần tính toán kỹ lưỡng để xây dựng mô hình phù hợp, vì nhu cầu là vô hạn, trong khi khả năng đáp ứng là hữu hạn. Nếu thực hiện dàn trải miễn viện phí toàn dân sẽ dễ phát sinh nhiều vấn đề, ông Học chia sẻ.
“Chúng ta cũng cần tính đến rủi ro lạm dụng. Khi đi viện không mất tiền, nguy cơ lạm dụng dịch vụ là có thật, tạo gánh nặng cho ngân sách. Hệ thống y tế công hiện đang trong quá trình xã hội hóa, bệnh viện tự chủ để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất. Nếu miễn viện phí, các bệnh viện sẽ thiếu động lực đầu tư và có thể quay lại trông chờ vào ngân sách, dễ dẫn đến tư duy bao cấp”, ông Học chỉ rõ.
Đề xuất giải pháp
Để chủ trương miễn viện phí sớm đi vào thực tế, GS.TS Nguyễn Anh Trí đề xuất đầu tiên cần tăng cường vai trò của bảo hiểm y tế (BHYT). Nếu toàn dân đều có thẻ BHYT, đặc biệt là các nhóm yếu thế, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người có công..., thì người dân sẽ được bảo vệ trước gánh nặng chi phí y tế.
Giải pháp thứ hai là phân nhóm đối tượng hỗ trợ theo lộ trình. Ưu tiên đầu tiên là bệnh nhân mắc bệnh nặng, mãn tính cần điều trị dài hạn. Tiếp theo là các hộ nghèo, người có công – có thể hỗ trợ từ năm 2026–2027. Các nhóm còn lại như học sinh, người lao động, cán bộ, công chức có thể triển khai từ năm 2028–2030.
“Nếu thực hiện theo lộ trình rõ ràng, chắc chắn và bài bản, chính sách miễn viện phí sẽ thành công”, ông Trí khẳng định.
Điều thứ ba ông lưu ý là cần củng cố hệ thống y tế cơ sở, đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh, không để thiếu thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường giám sát và điều chỉnh kịp thời những chính sách chưa phù hợp.
“Gợi ý của Tổng Bí thư về miễn viện phí toàn dân từ năm 2030 là mong mỏi lớn của người dân và đội ngũ y bác sĩ – một bước tiến quan trọng hướng tới công bằng và phát triển bền vững”, GS.TS Nguyễn Anh Trí nhận định.