Trong quá trình sắp xếp bộ máy, nhiều cán bộ lớn tuổi chủ động nghỉ việc để tạo cơ hội cho lớp trẻ. Không ít người sau khi nghỉ đã nhanh chóng chuyển hướng nghề nghiệp, tiếp tục đóng góp theo cách riêng, cho thấy sự chủ động và linh hoạt trong thích ứng với bối cảnh mới.

Bài 1: Cán bộ, công chức chủ động tìm hướng đi mới
TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tinh gọn bộ máy theo lộ trình giảm 4% biên chế mỗi năm trong 5 năm tới, tương đương hơn 4.500 người mỗi năm và chấm dứt hoạt động gần 6.000 người không chuyên trách. Trong dòng chảy sắp xếp ấy, nhiều cán bộ không chờ đến khi bị tinh giản, mà chủ động xin nghỉ, nhường cơ hội cho lớp trẻ kế thừa.
Chủ động rút lui, mở đường cho người trẻ
Ở tuổi 53, bà Lê Thị Thu Trà, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Tân Bình (cũ), còn 6 năm công tác, vẫn khỏe mạnh và đầy nhiệt huyết. Nhưng trong lá đơn xin nghỉ hưu sớm, bà viết rằng bản thân đã đủ điều kiện nghỉ và muốn đồng hành với Thành phố trong công cuộc tinh gọn bộ máy, bằng cách nhường chỗ cho người trẻ.
“Nếu tôi tiếp tục ở lại, thì lương hưu sau này sẽ tốt hơn. Nhưng tôi hiểu rằng, có nhiều cán bộ trẻ, dù có năng lực, vẫn phải nghỉ việc do không đủ điều kiện nghỉ hưu, trong khi lại rất khó xin việc ở độ tuổi ngoài 40. Vì vậy, tôi muốn rút lui để họ có cơ hội tiếp tục cống hiến”, bà Trà tâm sự.

Quyết định cho bà Trà nghỉ hưu của đơn vị không hề dễ dàng, được đưa ra sau nhiều đắn đo và cân nhắc cho bà Trà. Tuy nhiên, đáng mừng là bà Trà cũng may mắn được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 178 của Chính phủ, đủ để chuyển hướng nghề nghiệp nếu có nhu cầu. Quan trọng hơn, bà bước đi với tâm thế chủ động, tự tin và đầy trách nhiệm, điều không phải ai cũng làm được trong bối cảnh nhiều thay đổi hiện nay.
Cùng tinh thần ấy, chị Hoàng Thị Mẫn, nguyên phóng viên Cơ quan đại diện Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam khu vực miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam, cũng quyết định nghỉ việc sau 14 năm làm báo, khi đơn vị thực hiện điều chuyển nhân sự theo yêu cầu mới.
“Gần 4 tháng từ khi nghe tin đơn vị sẽ ngừng hoạt động đến khi nhận quyết định chính thức, tôi suy nghĩ rất nhiều: Nên tiếp tục gắn bó với nghề trong môi trường mới, hay rẽ sang một con đường khác phù hợp hơn với hoàn cảnh gia đình?”, chị Hoàng Mẫn tâm sự.
Sau nhiều đêm trăn trở, chị Hoàng Mẫn đã lựa chọn nộp đơn xin nghỉ việc; không phải vì mất đi đam mê nghề nghiệp, mà bởi chị muốn dành nhiều thời gian hơn cho hai con nhỏ, điều mà suốt 14 năm làm báo, chị luôn cảm thấy thiếu thốn.
“Tôi từng sống trọn với nghề báo. Nhưng làm báo là những ngày không nghỉ, những chuyến công tác bất kể cuối tuần, lễ Tết. Giờ đây, tôi cần một lối rẽ khác để cân bằng lại cuộc sống, để làm mẹ trọn vẹn hơn”, chị Hoàng Mẫn tâm sự.
Tìm hướng đi mới
Cả bà Thu Trà và chị Hoàng Mẫn đều không nhìn nhận nghỉ việc là một kết thúc, mà như bước chuyển để khởi đầu một hành trình khác. Với kinh nghiệm nhiều năm công tác và sự chủ động trong tư duy, họ đang từng bước thích nghi với vai trò mới, đây cũng là khoảng thời gian để họ tập trung vào những gì mình thực sự yêu thích nhưng từng phải gác lại vì guồng quay của công việc.
“Suốt những năm công tác trong hệ thống chính quyền và mặt trận, tôi dồn hết tâm sức cho nhiệm vụ chung. Giờ đây, tôi muốn quay về với những đam mê cá nhân, đặc biệt là trong lĩnh vực pháp luật và giảng dạy", bà Trà chia sẻ thêm.
Một trong những kế hoạch bà Trà ấp ủ là theo học khóa đào tạo giảng viên để có thể giảng dạy tại các trường đại học. Trong đó, điều khiến bà hào hứng nhất là được đứng lớp chia sẻ môn Chủ nghĩa Mác - Lênin, môn học lý luận chính trị từng gắn bó sâu sắc với bà.
“Tôi muốn truyền tải môn học này theo một cách gần gũi, sinh động hơn, để sinh viên không còn cảm thấy khô khan, xa rời thực tế. Với những trải nghiệm thực tiễn của mình, tôi tin có thể làm cho lớp trẻ thấy được ý nghĩa và tính ứng dụng của nó trong cuộc sống'', bà Thu Trà nói đầy tâm huyết.
Song song đó, bà Thu Trà hiện đang tham gia công tác tại Hội thẩm nhân dân khu vực của Tòa án nhân dân quận Tân Bình (cũ). Công việc này giúp bà tiếp tục sống với niềm yêu thích pháp luật, góp phần bảo vệ công lý và lẽ phải. Không dừng lại ở đó, bà Trà đang cân nhắc việc theo học và thi lấy chứng chỉ hành nghề luật sư như một cách mở rộng khả năng cống hiến ở giai đoạn mới của cuộc đời.
Theo bà Thu Trà, với tâm thế chủ động, sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tinh thần cầu thị thì việc nghỉ hưu sớm không phải là rút lui khỏi đời sống xã hội mà là chuyển hướng để sống trọn vẹn hơn với đam mê và giá trị mà bản thân theo đuổi.
Trong khi đó, đối với chị Hoàng Thị Mẫn, ngay sau khi nghỉ việc, chị đã bắt tay vào công việc kinh doanh nông sản và đặc sản Tây Bắc, lĩnh vực chị đã ấp ủ từ lâu nhưng chưa từng có thời gian tập trung theo đuổi. Nhờ sự chủ động chuẩn bị cả về tinh thần và tài chính, chị không gặp quá nhiều khó khăn trong thời gian chuyển đổi.
“Tôi dùng khoản tiết kiệm cá nhân để duy trì sinh hoạt trong 3 - 6 tháng đầu sau nghỉ việc. Đó là khoảng thời gian để tôi định hình lại hướng đi và may mắn là mọi thứ đang đi đúng hướng. Song song với kinh doanh, tôi vẫn đang tiếp tục cộng tác truyền thông với một số đơn vị, viết bài, xây dựng nội dung cho các dự án xã hội, vừa để giữ ngọn lửa nghề báo, vừa có thêm thu nhập ổn định'', chị Hoàng Mẫn cho biết thêm.
Tư hai câu chuyện của bà Thu Trà và chị Hoàng Mẫn cho thấy, việc chuyển nghề sau tinh giản không chỉ phụ thuộc vào chính sách mà còn cần sự chủ động từ phía người lao động. Khi cán bộ có kế hoạch cụ thể và tâm thế sẵn sàng thích ứng, mỗi người hoàn toàn có thể vững vàng bước qua giai đoạn thay đổi và xây dựng một chương mới đầy năng lượng.
Bài 2: Người lao động không lo thiếu cơ hội
Bài và ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức